Thứ Tư, 4 tháng 7, 2012

Sách của tôi: Bảo kiếm truyền kỳ

LỜI GIỚI THIỆU
Văn học võ hiệp là một đề tài lớn của văn chương thế giới. Rất nhiều tác phẩm văn học khai thác đề tài võ hiệp đã trở thành những kiệt tác văn chương của nhân loại. Những nhà văn võ hiệp như Walter Scott, Alexandre Dumas… của phương Tây hay Kim Dung, Lương Vũ Sinh, Cổ Long… của phương Đông bằng tài năng hiếm có của mình đã tạo nên những trang viết đậm chất võ hiệp, thấm đượm tinh thần hào hùng vẽ nên những bức tranh lịch sử xã hội rộng lớn bằng những tác phẩm văn chương có sức cuốn hút mạnh mẽ. Ở Việt Nam, văn học võ hiệp đã manh nha xuất hiện từ giữa thế kỷ 20 với khá nhiều dấu ấn nhất định. Có thể kể ra một số tác phẩm tiêu biểu như Lửa Hận Rừng Xanh, Thập Vạn Đại Sơn Vương (Hoàng Ly) Long hổ tranh hùng, Kiếm báu hoa bay, Hào kiệt Tây sơn (Lý Phật Sơn) và nhiều tác giả khác đã theo đuổi con đường văn học võ hiệp như Phan Cảnh Trung hay Yên tử Cư sĩ Trần Đại Sỹ. Trong quá trình phát triển, văn học võ hiệp Việt đã có một lực lượng độc giả đông đảo. Cho đến tận ngày nay, hàng chục trang web chuyên về văn học võ hiệp được thành lập trên các trang mạng với tổng cộng hơn 100.000 thành viên trao đổi về cốt truyện, phân tích nhân vật, khuyến khích sáng tác, tất cả đều xoay quanh đề tài võ hiệp. Điều đó chứng tỏ văn học võ hiệp trong thời đại @ vẫn có một sức hút đáng nể. Có thể nói, đây là một mảnh đất đầy tiềm năng nhưng vẫn chưa được khai thác đúng mức. Ở nước ta, nhu cầu thưởng thức văn học võ hiệp là rất lớn. Đặc biệt, khi văn học võ hiệp kết hợp với lịch sử, ta có thể có được một công cụ truyền bá văn hóa dân tộc đầy quyền năng. Đó là lý do tôi sáng tác nên những tác phẩm văn học võ hiệp lịch sử trong tập truyện ngắn này với niềm tự hào và tình yêu lớn lao đối với lịch sử dân tộc. Mong rằng tập sách nhỏ này sẽ nhận được sự chia sẻ từ các bạn độc giả yêu thích lịch sử Việt Nam và đam mê văn học võ hiệp. Mọi chia sẻ và trao đổi với tác giả, xin gửi về địa chỉ: hoangtung0802@gmail.com

Thứ Năm, 7 tháng 6, 2012

Kiếm hiệp Việt: Cầu nhiều nhưng thiếu cung

VĂN HỌC KIẾM HIỆP VIỆT - Có “cầu” nhưng thiếu “cung” (Trao đổi thêm với nhà phê bình Đoàn Minh Tâm) Tác giả: HOÀNG TÙNG (VĂN NGHỆ TRẺ) - Bài viết “Truyện ngắn lịch sử - dòng chảy ngầm trong văn trẻ hiện nay” của tác giả Đoàn Minh Tâm là một trong những bài phê bình khiến tôi có nhiều tâm đắc, đặc biệt là đoạn tác giả bình về văn học kiếm hiệp - lịch sử. Là một người say mê văn học kiếm hiệp (VHKH) cả ở góc độ người đọc và sáng tác, tôi muốn trao đổi một số vấn đề về VHKH Việt Nam nhằm khơi gợi ra một số ý tưởng về khả năng phát triển VHKH Việt. 1.VHKH – Tà ma ngoại đạo? VHKH từ lâu vốn luôn nằm trong một trạng thái bị coi thường. Nếu như văn học khai thác đề tài lịch sử luôn được trân trọng thì VHKH (dù có đến 70% cốt truyện đều lấy từ lịch sử) nhưng hầu như đều bị coi là dòng “văn học ba xu”. Thậm chí trong một thời gian khá dài, VHKH không được khuyến khích, thậm chí còn bị cấm đoán. Nói theo ngôn ngữ của kiếm hiệp thì đó chỉ là một dạng “ma giáo” nằm ở hạng “tà ma ngoại đạo” chứ không thể nào sánh ngang cùng với cả những dòng văn học chính danh khác. Phải chăng đó là lý do mà hiếm có nhà phê bình văn học nào lại thể hiện sự yêu thích của mình đối với dòng văn học bình dân này? Thế nên tôi khá ngạc nhiên khi thấy tác giả Đoàn Minh Tâm với tư cách là một nhà phê bình văn học lại thừa nhận sự yêu thích của mình dành cho VHKH mà không ngại bị những nhà phê bình “bác học” khác nhìn mình bằng con mắt khác. Trở lại với VHKH Việt, trên một phương diện nào đó, VHKH tại Việt Nam trải qua một quá trình phát triển rất gập ghềnh. Mặc dù ảnh hưởng của VHKH đến đến đời sống tinh thần của người Việt là không hề nhỏ bé. Hãy xem thử vài từ ngữ Việt chịu ảnh hưởng từ ngôn ngữ kiếm hiệp: tẩu hỏa nhập ma, chưởng, rửa tay gác kiếm, ma giáo v.v… Tuy dòng VNKH có ảnh hưởng không nhỏ đến văn hóa Việt nhưng những tác phẩm VHKH Việt đương đại vẫn vắng bóng. Người yêu thích truyện kiếm hiệp Việt Nam tương đối có tuổi vẫn đọc đi đọc lại những Kim Dung, Cổ Long, Lương Vũ Sinh, Ôn Thụy An. Những bạn trẻ thì trao đổi nhiệt tình trên mạng những tác phẩm kiếm hiệp nổi tiếng mới như Tru Tiên (Tiêu Đĩnh), Thất Dạ Tuyết (Thương Nguyệt), Tu La Đạo (Bộ Yên Phi) v.v… Điều đáng nói, trên hơn 20 forum chuyên về kiếm hiệp, nổi tiếng nhất như Tàng thư viện, Kiếp hiệp cốc, Nhạn môn quan, Lương Sơn Bạc v.v… với hơn một trăm ngàn ngàn thành viên, không thiếu những topic sôi nổi nói về truyện kiếm hiệp Việt Nam. Nhìn sâu một chút, ta có thể dễ dàng thấy được sự ca thán, sự thất vọng về việc: Tại sao chúng ta lại thiếu vắng những tác phẩm VHKH Việt đương đại? Đây là một câu hỏi mà những tác giả, những nhà phê bình cần phải quan tâm! Để tạm đánh giá, tôi xin chủ quan đưa ra một số nhân định sau về việc thiếu vắng những tác phẩm VHKH Việt đương đại: Thứ nhất, VHKH ở Việt Nam bị cho là dạng văn học hạng hai, căn bản là rẻ tiền và thiếu tính nghệ thuật. Điều này khiến những bạn trẻ yêu thích văn học sẽ không ưu tiên chọn viết VHKH. Thứ hai, một số người viết ra những tác phẩm VHKH thì kiếm được nơi công bố tác phẩm lên điều khá khó khăn. Bản thân tôi là người từng sáng tác một số tác phẩm văn học kiếm hiệp – lịch sử nhưng khi đưa truyện cho BTV thì cũng nhận được góp ý là cần phải giảm bớt phần kiếm hiệp mà phải nhấn mạnh đến phần lịch sử. Không nhiều tác giả chấp nhận chỉnh sửa tác phẩm của mình như vậy. Và chỉ sau một đôi lần thử sức mà không thành công thì họ sẽ không theo đuổi VHKH làm gì. Thứ ba: trong một thời gian dài, do những điều kiện về lịch sử và những yếu tố ngoài văn học, VHKH không được lưu truyền rộng rãi, thậm chí còn bị cấm đoán. Đến nay, tuy cái nhìn với VHKH đã thoáng hơn nhiều nhưng không ít người vẫn coi VHKH là vùng nhạy cảm, nên tránh là hơn. 2.Tín hiệu từ VHKH quốc tế Những chỉ cần nhìn rộng hơn một chút, ta có thể lập tức thấy được tiềm năng của VHKH. Những phản ứng từ thị trường quốc tế về VHKH rất đáng để văn học trong nước tham khảo. VHKH đã có những chuyển biến mạnh mẽ gây ra nhiều chấn động trong giới nghệ thuật gần đây. Tháng 2 năm 2006, trong một cuộc bình chọn những nhà văn Trung Quốc được yêu thích nhất thế kỷ 20, Kim Dung (tác giả được trân trọng xếp ở vị trí thứ 4, sánh ngang cùng với những tên tuổi lừng danh khác như Lỗ Tấn, Ba Kim, Lão Xá v.v… Kim Dung cũng là một trong những nhà văn Trung Quốc được dư luận quốc tế công nhận với huân chương Bắc đẩu bội tinh, trở thành Giáo sư danh dự của trường Đại học British Columbia, Tiến sĩ danh dự của Đại học Cambridge. Tác phẩm của ông đã được đưa vào sách giáo khoa, được giảng dạy ở bậc đại học. Bộ môn nghiên cứu Kim học - Jinology thu hút được nhiều người tham gia trong đó có những học giả nổi tiếng Trần Mặc, Nghê Khuông v.v… Những tác phẩm nghiên cứu về Kim Dung đã được tập hợp lại thành một bộ lưu trữ độ sộ mang tên Kim học nghiên cứu tùng thư. Tác phẩm của ông cũng đã được đưa vào giảng dạy tại trường học. Một sự kiện nghệ thuật lớn của thế giới cách đây vài ngày cũng liên quan đến VHKH. Có là việc tác phẩm điện ảnh Ngọa Hổ Tàng Long được tạp chí danh tiếng Times đưa vào danh sách “10 kiệt tác điện ảnh hay nhất thế giới của thập kỷ đầu thế kỷ 21”. Ngọa Hổ Tàng Long chính là tác phẩm dựa trên bộ tiểu thuyết kiếm hiệp nổi tiếng cùng tên của tác giả Vương Độ Lư. Những thừa nhận mang tầm quốc tế của những tổ chức nghệ thuật – nghiên cứu lớn nhất trên thế giới đối với VHKH đáng để cho những nhà phê bình “bác học” nhất cũng phải lưu ý về giá trị của VHKH. Đã đến lúc nhận thức về việc VHKH là dòng văn học hạng hai cần phải được nhìn nhận lại. Điều quan trọng hơn, với làn sóng và số lượng người yêu thích truyện kiếm hiệp rất lớn, ta làm thế nào để sử dụng VHKH như một phương tiện truyền bá văn hóa lịch sử Việt Nam sao cho hữu ích! 3.Lối đi nào cho VHKH Việt? VHKH ở Việt Nam có một thị trường bạn đọc lớn. Thể hiện rõ nhất là những tác phẩm bình luận VHKH như Kim Dung giữa đời tôi (Vũ Đức Sao Biển) hay Lai rai chén rượu giang hồ (Huỳnh Ngọc Chiến) đã được tái bản nhiều lần với số lượng xuất bản rất khả quan. Khi mạng thông tin Internet được mở rộng, khá nhiều trang web chuyên về đề tài võ hiệp đã được thành lập. Điều đáng nói, những người điều hành – admin, hay những người quản trị - moderator của những trang web này phần lớn đều là thế hệ 7x trở lại. Trong số những trang web nổi tiếng về VHKH nước ta phải kể đến Tàng Kinh Cốc, Tàng Thư Viện, Nhạn Môn Quan, Lương Sơn Bạc, Việt Kiếm v.v… với số lượng thành viên đăng ký lên tới hàng trăm ngàn người. Không thể phủ nhận nhu cầu đọc truyện kiếm hiệp của rất nhiều độc giả hiện nay. Trước thực trạng những bạn trẻ không biết nhiều về lịch sử, chúng ta cần phải nghiêm túc nhìn nhận lại phương thức đưa lịch sử đến cho các bạn trẻ đã phù hợp hay chưa? Liệu rằng nó có khô cứng quá hay không? Không thể đổ toàn bộ lý do của sự thiếu hụt kiến thức lịch sử cho việc giới trẻ không thích lịch sử! Không có lý do gì những con người có thể làu thông những điển tích của Trung Quốc, có thể kể ra chi tiết những nhân vật kiếm hiệp lịch sử như Tiêu Phong, Quách Tĩnh, Dương Quá… lại không yêu thích lịch sử. Tôi nghĩ, nếu như chúng ta có thể xây dựng được những mẫu hình nhân vật lịch sử kiếm hiệp Việt Nam, tôi nghĩ chắc chắn đó sẽ là cơ hội lớn để các bạn trẻ yêu thích lịch sử hơn, yêu thích văn chương hơn, có tinh thần tự cường dân tộc hơn. Những điều đó có thể thực hiện được qua những tác phẩm văn học kiếm hiệp - lịch sử. Đó là con đường đã có “cầu” nhưng chưa có “cung”. Tại sao có “cầu” nhưng chưa có “cung”? Tôi nghĩ có hai lý do. Thứ nhất, các NXB, các nhà sách còn khá dè dặt trong việc giới thiệu những tác phẩm VHKH mới vì tư duy cho rằng đây là dòng văn học hạng hai, ít người đọc. Thứ hai, do việc viết kiếm hiệp lịch sử thường có sự lật lại, đánh giá lại những hình tượng lịch sử, điều này có thể khiến nhiều người cho rằng đó là vấn đề “nhạy cảm”, tốt nhất là nên tránh đi cho khỏi phiền hà. Thứ ba, những tác phẩm VHKH Việt còn kém chất lượng so với những danh tác VHKH của những cây đại thụ như Kim Dung, Cổ Long. Hai vấn đề đầu tiên thuộc về nhận thức của từng cá nhân/tổ chức, không có nhiều điều đáng nói. Riêng ở vế thứ ba, tôi nghĩ rằng thời đại mới cần phải có những hơi thở mới. Liệu những tác giả 7x - 8x chuyên viết kiếm hiệp nổi tiếng nhất ở Trung Quốc có thể sánh vai cùng Kim Dung hay Cổ Long? Đương nhiên là chưa thể. Tuy nhiên, người đọc cũng không thể nào nhai đi nhai lại mãi những tác phẩm của các bậc tiền bối cho dù đó là những kiệt tác của VHKH. Đó là lý do những tác phẩm VHKH mới của Trung Quốc vẫn được bạn đọc của ở Trung Quốc và Việt Nam đón nhận nồng nhiệt. Có thể kể đến tác phẩm Tru Tiên (của tác giả Tiêu Đĩnh) đã trở thành một hiện tượng lớn nhất của ngành xuất bản Trung Quốc, được xưng tụng là “đệ nhất kỳ thư thời đại Internet” với hàng triệu người truy cập và háo hức đón đọc và mức tiền bản quyền xuất bản kỷ lục. Sức hút của VHKH cũng khiến nhiều nhà văn trẻ tại Trung Quốc chọn con đường này để lập danh. Trong số đó, không thể không kể đến nhóm “Tân Thần Châu Ngũ hiệp” bao gồm Tiêu Đỉnh, Phượng Ca, Bộ Phi Yên, Tiểu Đoạn và Thương Nguyệt. Họ đều là những nhà văn triệu phú với tiền bản quyền cao ngất ngưởng. 4.Vỹ thanh Tôi chia sẻ những nhận định của tác giả Đoàn Minh Tâm với suy nghĩ: tiểu thuyết lịch sử - kiếm hiệp là một hướng đi khả thể trong việc thu hút bạn đọc tìm đến với văn chương chữ nghĩa. Ở nước ta, con đường của VHKH còn nhiều gập ghềnh do nó còn vấp phải nhiều quan niệm khắt khe. Tuy nhiên, bởi nhìn thấy sức mạnh tiềm tàng của VHKH trong việc khơi gợi tinh thần yêu nước qua những câu truyện lịch sử, tôi đã sáng tác những tác phẩm kiếm hiệp - lịch sử Việt. Tôi tin rằng nếu ta đưa được lịch sử gắn kết cùng kiếm hiệp, gắn kết những hình tượng kiếm hiệp cùng với những nhân vật lịch sử, chắc chắn đó sẽ là một công cụ quyền lực có thể đưa lịch sử Việt Nam đến gần hơn tới bạn đọc.

Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

Bình luận kiếm hiệp: Truyện ngắn kiếm hiệp lịch sử

Khi bàn đến xu hướng sáng tác của những cây bút trẻ hiện nay, chúng tôi thấy nổi lên mấy xu hướng chính. Và sau cùng, đối tượng tôi muốn tập trung bàn đến trong bài viết này là những truyện ngắn lịch sử của một số cây bút trẻ. Có thể nói phần lớn các cây bút trẻ đến với đề tài lịch sử như một người khách dạo chơi, thoáng qua phút chốc cho thỏa mãn sự tò mò hay chí tang bồng chứ hiếm khi “chịu ăn đời ở kiếp”. Viết vài ba, thậm chí chỉ một truyện ngắn lịch sử xong là họ chuyển sang viết cái khác. Những tác giả có khoảng trên chục truyện ngắn lịch sử như Uông Triều và Hoàng Tùng thuộc dạng “của hiếm”. Về phương diện nhân vật, ngoài các nhân vật có thật, nổi tiếng trong lịch sử như Trần Thủ Độ, Lê Chân, Hoàng Diệu, Nguyễn Ánh… một số tác giả trẻ còn chú tâm xây dựng các nhân vật hư cấu như quan Tổng trấn Phùng Khắc Sơn trong Hồn Quỳnh của Phùng Văn Khai, Giao Long trong Giao long truyền kỳ của Hoàng Tùng. Ngoài hai kiểu nhân vật kể trên, việc xây dựng nhân vật dựa trên nguyên mẫu nhân vật hư cấu nổi tiếng trong lịch sử như Thúy Vân, Thúy Kiều của Nguyễn Phú cũng là một lựa chọn sáng tạo. Về đặc trưng truyện, chúng tôi tạm chia các truyện ngắn lịch sử của một số cây bút trẻ thành hai dạng: Tụng sử và luận sử. Tụng sử là dạng thức truyện ngợi ca vẻ đẹp đất nước, những truyền thống, phẩm chất tốt đẹp của dân tộc và chiến công hiển hách, bản lĩnh anh hùng của những nhân vật lịch sử nổi tiếng. Huyền thoại Hạ Long của Uông Triều là câu chuyện viết về mảnh đất Hạ Long xinh đẹp - kỳ quan thiên nhiên thế giới được UNESCO vinh danh hai lần. Qua câu chuyện về người con gái hóa đá ở vịnh, người đọc sẽ cảm nhận được một Vịnh Hạ Long vừa thơ mộng vừa hùng vĩ với biển núi đan xen, giàu có với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, con người Hạ Long thủy chung son sắt. Đoạt mệnh uyên ương liên hoàn cước của Hoàng Tùng ca ngợi tinh thần thượng võ của dân tộc Việt. Hào hùng và bi tráng là hai âm hưởng chủ đạo trong các truyện ngợi ca những vị anh hùng dân tộc. Nhìn chung, do tính chất “tụng, tán” nên các truyện kiểu này thường có độ giãn cách nhất định với đời sống đương đại. Tính cách nhân vật - dù được tác giả cố gắng đa dạng hóa - nhưng nhìn chung vẫn mang tính đơn tuyến, một chiều, ít mâu thuẫn, ít có sự biến động phức tạp trong nội tâm. Chỉ đến dạng luận sử, luận bàn về những tồn nghi, những nhân vật có nhiều đánh giá trái chiều trong lịch sử, những hạn chế trên mới được bổ khuyết phần nào. Đặc biệt, trong Đêm nguyên phong và Giao long truyền kỳ, Hoàng Tùng đã lột tả khá thành công những tính cách đa chiều, phức tạp của thái sư Trần Thủ Độ cùng vua Gia Long - Nguyễn Ánh. Những lời đối thoại giữa Trần Thủ Độ và Đô Kình - người nửa đêm vào hành thích mình nhằm trả thù cho vua Lý Huệ Tông - thực sự đã lột tả đầy đủ tính cách của một trong những nhân vật phức tạp nhất trong lịch sử dân tộc. Qua lời đối thoại, hiện lên hình ảnh một Trần Thủ Độ vừa đầy nhẫn tâm khi ép vua Lý Huệ Tông phải tự vẫn để củng cố vững chắc địa vị cho nhà Trần nhưng cũng vô cùng cảm khái khi can vua không nên hàng giặc. Hành động giết chết Giao Long để thu phục lòng đám thảo khấu rồi lập đàn tế lễ sau khi lên ngôi đã phản ánh sự trí trá trong quân cơ của Nguyễn Ánh. Mặt khác, viết về lịch sử của một dân tộc có truyền thống chống giặc ngoại xâm hào hùng bậc nhất thế giới, các truyện lịch sử đều ít nhiều miêu tả những cảnh chiến trận, những màn đấu võ giữa các cá nhân. Nếu như các tác giả trẻ làm tái hiện phần nào quy mô hoành tráng của những trận “quyết chiến chiến lược” của cha ông ta ngày trước thì những màn tỷ võ họ miêu tả lại chưa làm thỏa mãn người đọc. Một số tác giả trẻ, đặc biệt là Hoàng Tùng đã rất nỗ lực trong việc miêu tả những màn tỷ thí võ nghệ cá nhân. Anh đã mạnh dạn gọi truyện của mình là truyện kiếm hiệp Việt Nam (khi nhìn dòng chữ này chúng tôi mừng như bắt được vàng). Nhưng tiếc là những gì anh miêu tả chưa thật sự hấp dẫn bạn đọc, nhất là với những bạn đọc yêu thích thể loại kiếm hiệp… như chúng tôi. Ngay cả những màn tỷ võ trong các truyện mà tính kiếm hiệp trội hơn tính văn học như Bảo kiếm truyền kỳ, Linh miêu quyền… dù tác giả đã cố gắng hết sức nhưng là chưa đủ để thuyết phục được những ai đã đọc Kim Dung, Cổ Long, Ngọa Long Sinh… Dẫu vậy với tư cách là bạn đọc yêu văn chương nói chung và thể loại kiếm hiệp nói riêng, chúng tôi rất vui mừng với sự xuất hiện của Hoàng Tùng. Hy vọng sẽ gặp lại anh - và nhiều cây bút nữa thì càng tốt - ở một hướng đi mà chúng tôi nghĩ rằng là khả thể nhất trong việc thu hút bạn đọc tìm đến với văn chương chữ nghĩa: Thể loại tiểu thuyết lịch sử - kiếm hiệp. Tất nhiên là với một tầm mức mới.

Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2012

Truyện kiếm hiệp Việt: Tiếng đàn đêm xuân Kỷ Dậu


TIẾNG ĐÀN ĐÊM XUÂN KỶ DẬU 4506 / 28.1.2012

Truyện ngắn của HOÀNG TÙNG & lời bình của Lê Hoài Lương

Một cung gió thảm mưa sầu

Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay

Truyện Kiều – Nguyễn Du

Đêm mồng ba, rạng sáng mồng bốn tháng Giêng năm Kỷ Dậu (1789), Quang Trung Hoàng đế dẫn đại quân tiến đánh vào đồn Ngọc Hồi, công phá Thăng Long, đánh đuổi giặc Mãn Thanh.

Tương truyền rằng đêm hôm đó, giữa vùng binh lửa, quân Tây Sơn và quân Thanh đều nghe thấy tiếng đàn lạ lùng từ đâu vẳng tới.

Đêm hôm đó, một đại thi hào đất Việt đã nghe thấy tiếng đàn. Sau này, ông tả lại trong tác phẩm bất hủ của mình: “Trong như tiếng hạc bay qua. Đục như tiếng suối mới sa nửa vời.”…

Có người nói, đó là tiếng đàn của thần tiên.

Có người nói, đó là tiếng đàn của ma quỷ.

Sự thực không phải như vậy.

Đây là câu chuyện về tiếng đàn kỳ lạ đêm xuân năm Kỷ Dậu…



1. Chiếc xe ngựa lầm lũi trong ngày đầu xuân lần lần rời khỏi thành Thăng Long.

Chưa bao giờ kinh đô Đại Việt lại đón Tết trong một khung cảnh tiêu điều đến vậy.

Chỉ trong vòng mười năm mà Thăng Long đã chịu biết bao nhiêu là biến động.

Tây Sơn tiến quân ra Bắc. Bằng Quận Công Nguyễn Hữu Chỉnh không chống lại được, bị quân Tây Sơn bắt giết. Vua Lê Chiêu Thống sợ hãi trốn sang Trung Quốc, cầu viện nhà Thanh mong chiếm lại ngai vàng.

Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị cùng hai mươi chín vạn quân Thanh tiến vào Đại Việt. Các tướng Tây Sơn không chống cự, rút lui khỏi Thăng Long, đóng binh cố thủ ở Tam Điệp.

Tôn Sĩ Nghị dẫn quân thẳng tiến một mạch vào kinh thành, không gặp chút chống cự đáng kể nào. Họ Tôn hung hăng tự đắc, cho rằng đám giặc Tây Sơn khiếp sợ Thiên triều. Tôn Sĩ Nghị cho đóng quân tại Thăng Long. Các tướng thoải mái ăn chơi hưởng lạc. Quân sĩ thả sức cướp bóc người dân.

Vua Lê Chiêu Thống e sợ sau này chúa Trịnh sẽ lại trở thành quyền thần mới sai đốt phá phủ Chúa. Phủ điện cháy rừng rực mấy tuần mới hết. Người dân ai nấy đều tiếc cho một công trình kỳ vĩ của đất Thăng Long giờ chỉ còn là đống tro tàn.

Hàng ngày, vua Lê Chiêu Thống đến trước doanh trại của Tôn Sĩ Nghị, cầu mong họ Tôn đem quân tiến đánh quân Tây Sơn. Tôn Sĩ Nghị vốn khinh địch, trấn an nhà vua để quân sĩ nghỉ Tết xong xuôi rồi sẽ một trận sấm sét dẹp tan ba anh em nhà họ Nguyễn. Mấy lần sau, vua Lê Chiêu Thống cố xin gặp mong giục họ Tôn tiến quân. Tôn Sĩ Nghị cáo bận không tiếp. Vua Lê cùng đám tùy tá lủi thủi ra về. Người dân nhìn cảnh tượng đó mà ngao ngán.

Từ khi có đế có vương, chưa bao giờ Đại Việt lại có một vị vua hèn nhụt như thế.

Quân Thanh dựa thế Tôn Sĩ Nghị, ngày càng hống hách ngạo ngược.

Vua Lê Chiêu Thống biết nhưng e sợ Thiên triều, không dám ho he.

Riêng với những phe cánh trong nước, nhà vua thẳng tay trừng trị. Những kẻ theo chúa Trịnh, theo Tây Sơn đều bị lùng bắt gắt gao.

Không ngày nào không có người rơi đầu giữa chợ.

Không lúc nào không thấy tiếng khóc than oán thán.

Lòng người tao tác. Phố xá im ắng.

Chưa bao giờ Thăng Long lại đón Tết trong một khung cảnh tiêu điều đến vậy.



2. Chiếc xe ngựa lọc cọc đi qua phủ chúa. Phủ đệ giờ đổ nát tan hoang. Nền cũ lâu đài nhộm vàng trong ánh tịch dương hoang liêu cô quạnh.

Ông lão đánh xe quay lại nói với nàng kỹ nữ: “Ngày xưa hẳn cô đã phải vào trong phủ chúa nhiều lần rồi nhỉ?”

Kỹ nữ ôm cây Nguyễn cầm vào lòng, lặng lẽ gật đầu.

Nàng vốn từng là đệ nhất kỹ nữ chốn kinh thành. Trường Xuân Viện có nàng như có một bảo vật. Có nàng, chưa lúc nào Trường Xuân Viện ngừng tiếng sênh tiếng phách. Có nàng, chưa lúc nào Trường Xuân Viện không nhộn nhịp tao nhân mặc khách lại qua. Ai cũng muốn đến nghe tiếng đàn diễm tuyệt của nàng.

Kỹ nữ vốn sinh ra trong kỹ viện. Nàng học nghệ từ nhỏ, từng luyện đàn đến mức máu chảy mười đầu ngón tay. Đến khi thành tài, tiếng đàn trở thành tiếng lòng. Khi vui, tiếng đàn như có tiếng chim hót. Khi buồn, tiếng đàn ngân như tiếng khóc.

Thủa đó, mỗi khi phủ chúa mở tiệc là kỹ nữ lại được mời vào trong phủ đánh đàn mua vui. Phủ chúa uy nga mỹ lệ ngay bên hồ Tả Vọng. Mỗi khi yến tiệc, đèn nến lung linh tưởng như chốn Bồng Lai tiên cảnh. Đồ ăn thức uống bạt ngàn. Bồ đào mỹ tửu ngập tràn trong tiếng đàn sênh sáo phách.

Chốn hoa lệ xưa, giờ đống đổ nát hoang tàn trong ráng chiều vàng vọt.

Trường Xuân Viện giờ cũng đã bị tàn phá tan hoang.

Kỹ nữ không còn nơi nương náu. Nàng không biết đi đâu. Chỉ muốn rời xa chốn kinh thành u ám.



3. Viên gia nô ngồi im trong một góc xe, kín đáo liếc nhìn kỹ nữ. Y hóa trang ăn mặc như một người nông dân. Kỹ nữ có thể không nhớ y nhưng y biết nàng khá rõ. Gia nô từng là cận vệ thân tín của chúa Trịnh. Ngày xưa mỗi lần kỹ nữ vào phủ chúa đánh đàn, y lại say mê trong tiếng đàn kỳ tuyệt của nàng. Y từng ao ước được một lần được người đẹp đàn riêng cho mình nghe. Nhưng phận tôi đòi, y biết đó chỉ là một giấc mơ xa vời.

Viên gia nô không ngờ ngày hôm nay y lại được ngồi bên cạnh người con gái mình hằng ngưỡng mộ.

Mọi thứ đều đã đổi thay.

Nền cũ lâu đài tan hoang đó chính là ngôi nhà xưa y từng nương náu.

Chốn xưa còn đó, nhưng giờ chẳng ai biết chúa Trịnh lưu lạc phương nào.

Chúa Trịnh Bồng bị quân Tây Sơn đuổi khỏi thành Thăng Long, trốn về vùng Kinh Bắc. Sau khi quân Tây Sơn rút đi, chúa Trịnh Bồng cùng đám người thân tín quay lại kinh thành, muốn khôi phục ngôi chúa. Vua Lê Chiêu Thống không đồng ý, cho mời tướng Nguyễn Hữu Chỉnh về đuổi chúa Trịnh. Chúa Trịnh Bồng thua cuộc chạy khỏi Thăng Long, lưu lạc chốn dân gian, không biết đi về đâu. Nghe nói ngài bỏ lên vùng cao sống đời ẩn dật. Lại có tin đồn ngài cắt tóc đi tu. Có người thì bảo ngài đã chết trong đám loạn quân.

Viên gia nô đã cất công đi tìm tung tích của chúa Trịnh Bồng nhưng không thấy đâu. Trở về kinh thành Thăng Long, y bị cả quân Tây Sơn và lính nhà Lê truy lùng. Y phải cải trang thành một người nông dân, mong sớm trốn khỏi chốn kinh thành.

Nhưng khi đi qua chốn cũ, nhớ lại lầu các huy hoàng thủa nào, viên gia nô không khỏi rưng rưng nước mắt.



4. Chiếc xe đi dần xa khỏi phế tích phủ chúa. Ánh tịch dương như nhuộm vàng cả kinh thành. Chàng nho sinh nhìn cảnh hoang tàn, thở dài giọng cảm khái: “Chúa Trịnh có thể một thời là quyền thần, nhưng nhà vua xử sự thế này chẳng phải quá hẹp hòi hay sao?”

Ông lão đánh xe như bị điện giật, quay lại nhìn chàng nho sinh dài giọng: “Cậu ăn nói liều mạng nhỉ? Có định giữ cái đầu trên cổ không đấy?”

Nho sinh cười! Chàng đích thực là một kẻ liều mạng.

Chàng đã từng liều mạng với thần linh.

Hơn mười năm trước chàng lên kinh ứng thí. Đám nho sinh rủ nhau ngủ lại ở đền Trấn Vũ cầu báo mộng công danh. Đêm hôm đó, chàng mơ thấy thần nhân hiện về báo đến năm ba mươi tuổi chàng sẽ đỗ Tiến sĩ, bốn mươi tuổi sẽ làm đến chức Thượng thư. Sáng dậy, chàng kể lại giấc mơ cho bạn bè nghe. Bạn bè ai nấy đều chúc mừng vì tương lai chàng thật sán lạn, sau này trở thành trọng thần của triều đình. Riêng chàng suy nghĩ. Bây giờ mới tuổi đôi mươi. Chờ đến tận mười năm nữa mới đỗ đạt làm quan, e rằng chẳng còn bao nhiêu thời gian để mà trổ tài kinh bang tế thế. Nghĩ vậy, chàng liền viết lên tường: “Trí chứa giáp binh. Bụng đầy kinh sử. Nhị thập Tiến sĩ. Tam thập Thượng thư?” Đám bạn bè đều chê chàng kiêu ngạo. Nhưng quả nhiên năm đó chàng thi đỗ Tiến sĩ khi mới tròn hai mươi tuổi.

Liều với thần linh, chàng đã thắng!

Chàng đã từng liều với chúa Trịnh.

Bạn bè cùng lứa đỗ Tiến sĩ đều biết triều đình tuy có vua họ Lê nhưng thực quyền đều nằm trong tay chúa Trịnh. Sau buổi lễ xướng danh gặp mặt nhà vua, ai nấy đều tìm đến phủ chúa ra mắt. Điều này đã thành lệ từ hơn trăm năm. Riêng chàng nho sinh không chịu. Chàng nói danh chính ngôn thuận triều đình là của vua Lê, sao bậc nho sĩ lại bỏ qua điều quốc sỉ mà khúm núm trước chúa Trịnh? Chuyện đến tai chúa Trịnh. Chúa ghét lắm, chỉ cho chàng làm một chức thư lại nhỏ trong cung. Thế rồi chúa Trịnh bị diệt. Vua Lê nhớ chuyện xưa, thương chàng trung hậu, cất nhắc chàng lên chức Thượng thư. Năm đó chàng vừa tròn tuổi tam thập, vinh quy áo gấm về làng, ai nấy đều khấp khởi vui mừng.

Liều với chúa Trịnh, chàng đã thắng!

Lần này, chàng liều với quân Thanh.

Quân Tây Sơn do Vũ Văn Nhậm dẫn ra Bắc dẹp loạn Nguyễn Hữu Chỉnh vào chiếm Thăng Long. Vũ Văn Nhậm vốn bản tính hiếu thắng, lại tỏ vẻ hung hăng. Vua Lê Chiêu Thống sợ quân Tây Sơn cướp ngôi, chạy sang cầu viện Trung Hoa. Chàng nho sinh can ngăn nhà vua hết lẽ. Chàng muốn nhà vua gặp trực tiếp Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ, kể tội Vũ Văn Nhậm mà đòi lại ngôi báu. Vua Lê không nghe, quyết cầu viện nhà Thanh. Chàng nho sinh đi theo nhà vua lưu lạc sang tận Trung Quốc.

Nay ngôi báu đã trở về với nhà Lê. Các quan lại đi theo nhà vua qua bên kia biên giới cầu viện đều được phong thưởng hậu hĩnh. Buổi chầu hôm đó, viên tướng nhà Thanh là Sầm Nghi Đống ngạo mạn, coi thường bá quan, ăn nói phạm thượng. Chàng nho sinh đứng ra mắng mỏ họ Sầm vì tội vô lễ khiến y không biết đối đáp lại ra sao. Sầm Nghi Đống tức lắm, thưa chuyện lại với Tôn Sĩ Nghị. Họ Tôn sai bắt chàng nho sinh giam ngục. Vua Lê không dám can thiệp. Sau đó, chàng bị nọc đánh 50 gậy, cắt bỏ mọi chức tước, đuổi về quê.

Liều với quân Thanh, chàng đã thua!

Ngày nào về quê võng giá nghênh ngang. Giờ đây chàng rời khỏi kinh thành trên một chiếc xe ngựa lọc cọc.

Chàng nho sinh không tiếc chức quan. Chàng chỉ tiếc rồi đây không khéo, giang sơn gấm vóc Đại Việt có khi lại sẽ rơi vào tay phương Bắc.



5. Chiếc xe ngựa lầm lũi đi về phía Nam thành Thăng Long. Trời đã dần về tối. Sương mù rơi bảng lảng. Đâu đó tiếng chim lợn kêu nghe não nùng.

Đến quán dịch đồn Ngọc Hồi, gã cai binh bắt dừng xe lại. Đóng quân giữ đồn Ngọc Hồi là tướng Phó tướng Hứa Thế Hanh. Đồn Ngọc Hồi là cửa ngõ phía Nam, là yết hầu dẫn vào Thăng Long. Tôn Sĩ Nghị coi đây là cửa khẩu trọng yếu. Quân Thanh canh gác quanh đồn dày đặc, tầng tầng lớp lớp. Nhưng giờ đang tiết xuân, lại vừa mới qua ngày Tết Nguyên Đán. Xa quê. Nhớ nhà. Đám lính nhà Thanh uống rượu say túy lúy, hò hát tưng bừng, chen lẫn đâu đó là cả tiếng khóc tha hương...

Ông lão đánh xe xuống ngựa đưa chút tiền đút lót cho gã cai binh. Hắn nhìn món tiền rồi liếc lên xe. Trên xe có ba người, một ăn mặc như nông dân, một vóc dáng nho sinh và một cô gái nhan sắc xinh đẹp. Hắn xốc lại chiếc áo lính sắc phục nhà Thanh, cầm món tiền của ông lão đánh xe đút thẳng vào túi, mắt hau háu nhìn rồi vươn tay ra vuốt vuốt má cô gái. Kỹ nữ lập tức gạt tay hắn ra. Hắn cau mày: “Cô em này dễ là nội gián của đám quân Tây Sơn lắm”.

Ông lão đánh xe vội xun xoe: “Đại quan, cô gái này không phải là nội gián của quân Tây Sơn đâu. Cô ta là kỹ nữ nổi tiếng ở đất Thăng Long, ai ai cũng biết”.

Gã cai binh mắt hấp háy cười lớn, đưa tay xoa xoa cằm: “Ha ha, kỹ nữ à. Hứa tướng quân chắc hẳn sẽ phải tra hỏi cô em kỹ càng lắm đấy! Cô em thân gái một mình đi cùng hai gã đàn ông thế này, không xảy ra chuyện gian dâm mới là điều lạ!”

Chàng nho sinh thấy hành vi sàm sỡ của gã cai binh, tức khí mắng: “Kỹ nữ thì đã sao? Làm kỹ nữ còn hơn làm giặc cướp. Chúng bay là lính hay là giặc cướp? Chúng bay định bảo vệ người dân hay định hiếp đáp dân lành?”

Nàng kỹ nữ ngạc nhiên. Từ trước đến nay, chưa ai từng bênh vực nàng. Đám đàn ông xun xoe quanh nàng cốt chỉ để quan hệ thân xác. Đám đàn bà coi nàng như vật dơ bẩn. Chủ kỹ viện coi nàng như con chó, con mèo trong nhà. Vậy mà giờ đây lại có một người không quen biết đứng ra nói đỡ cho nàng.

Gã cai binh quắc mắt nhìn chàng nho sinh: “Thằng này chính là nội gián của quân Tây Sơn đây. Bọn bay đâu, gông cổ nó lại cho ta!”

Chàng nho sinh bị đám lính kéo ra khỏi xe lôi đi xềnh xệnh. Chàng tức khí chửi mắng đám lính không ngớt. Mấy tên lính ngoặt cánh khỷu chàng nho sinh lại dẫn đến trước mặt gã cai binh. Hắn giơ nắm đấm to như cái búa giáng thẳng vào mặt nho sinh. Chàng trai không chịu nổi cú đấm thôi sơn, gãy mấy cái răng, ộc máu ra khỏi miệng ngất lịm đi.

Gã cai binh câng câng nét mặt nhìn xung quanh. Đám quân sĩ hò reo ủng hộ. Viên gia nô trên xe và ông lão đánh xe lặng lẽ cúi đầu. Gã cai binh khoát tay bảo đám lính: “Đem thằng này vào giam giục, chờ ngày tiến quân đánh Tây Sơn, chém đầu nó tế cờ!”

Kỹ nữ vội quỳ xuống trước mặt gã cai binh: “Xin tướng quân tha tội cho chàng ta. Chàng ta chỉ là một nho sinh gàn dở, đâu cần tướng quân phải xuống tay sấm sét. Xin ngài nhón tay làm phúc!”

Gã cai binh cười khành khạch vuốt vuốt đôi má của cô kỹ nữ. Nàng cúi đầu nhịn nhục làm thinh không chút phản ứng. Hắn cười cợt, giả lả: “Mỹ nhân đã xuống nước cầu xin, lẽ nào ta lại từ chối”.

Kỹ nữ vội dập đầu tạ ơn. Gã cai binh kéo nàng lại gần rồi thì thầm, miệng hắn tỏa ra mùi xú uế thối hoắc: “Tướng quân Hứa Thế Hanh dẫn đại quân Thiên triều vào đây, ban ơn mưa móc cho người dân Đại Việt. Rồi ngài sẽ sớm muộn dẹp tan bọn thảo khấu Tây Sơn. Ta giới thiệu nàng cho tướng quân, nàng phải phục vụ ngài cho tốt. Tướng quân vừa lòng với nàng, ắt sau này sẽ nhớ đến công lao của ta”.

Nàng kỹ nữ chau mày tỏ vẻ không đồng ý. Gã cai binh thấy vậy liền gằn giọng, chỉ vào chàng nho sinh: “Hãy nhớ rằng mạng sống của gã toi cơm này hoàn toàn phụ thuộc vào thái độ của nàng đấy! Nghe chửa!”

Nàng kỹ nữ im lặng cúi đầu, với tay lấy chiếc Nguyễn cầm. Gã cai binh cầm chiếc đàn ném ngược trở lại xe ngựa, cười khả ố: “Hứa tướng quân không thích nghe đàn! Cầm đàn vào làm gì”.

Kỹ nữ nhỏ bé lủi thủi đi cùng gã cai binh vào trướng soái. Ông lão đánh xe vội dìu chàng nho sinh lên xe, luôn miệng kêu khổ: “Đúng là cái loại người gàn gàn dở dở, đến chết cũng không đổi được bản chất”.

Rồi ông lão quay sang nhìn gia nô, giọng phân trần: “Cậu ta là đồng hương với tôi. Ngày nào về làng còn võng giá nghênh ngang. Thế mà cái miệng làm khổ cái thân. Từ quan to thành phó thường dân. Rồi giờ thì từ phó thường dân thành kẻ tàn phế. Thời buổi này mà ăn nói chẳng kiêng nể ai cả. Không biết giữ miệng rồi có ngày mất mạng chứ chẳng chơi!”

Viên gia nô không nói nửa câu. Y nhìn chàng nho sinh. Khuôn mặt anh tuấn của chàng giờ thâm tím. Mấy chiếc răng đã bị gãy rời khỏi hàm. Chàng nho sinh thở yếu ớt.

Bên trong trướng vang ra tiếng cười hô hố của gã tướng quân họ Hứa. Sau đó là tiếng vải xé roàng roạc. Rồi tiếng cô gái kêu thét đau đớn. Cả đám lính nhà Thanh quây quanh trướng soái, lắng nghe tiếng động cuồng loạn của cuộc truy hoan, kẻ thì hí hố bàn tán, kẻ thì cười ha ha khoái chí.

Riêng trên xe, ba người đàn ông Đại Việt ngồi im không nói một lời. Tiếng cô gái kêu khóc yếu ớt. Gã tướng Mãn Thanh rú lên động cỡn như chó sói. Mỗi lần có tiếng động là mỗi lần ba người cúi đầu xuống như bị ai tát vào mặt nổ đom đóm mắt.

Chàng nho sinh đau đớn gượng dậy thét lên bi phẫn: “Nhục!”

Ông lão đánh xe vội bịt mồng chàng nho sinh.

Trời dần rạng sáng.

Cuộc truy hoan đã chấm dứt.

Cô kỹ nữ quần áo xộc xệch từ trướng soái chạy thấp thoải ra xe ngựa. Từng hạt châu rơi lã chã. Chàng nho sinh và viên gia nô nghiêng người ra cho cô gái ngồi lên xe. Ai nấy im lặng. Chiếc xe lọc cọc chuyển bánh. Con đường heo hút dẫn đến ngọn đồi cao.

Bỗng gã cai binh cùng mấy tên lính đuổi theo, chặn xe lại. Hắn cười nham nhở: “Sao nàng lại bỏ đi vội vã thế. Mọi chuyện đã xong đâu?”

Kỹ nữ run rẩy trong giá rét sương đêm, tủi nhục cúi đầu: “Tôi đã chiều Hứa tướng quân theo lệnh của ngài rồi. Ngài không cho tôi đi, còn muốn gì nữa?”

Gã cai binh nuốt nước miếng ừng ực: “Nàng chiều Hứa tướng quân rồi, giờ đến lượt ta!”

Nói đoạn gã cai binh vươn tay lôi kỹ nữ xuống. Chàng nho sinh tức giận, lấy hết sức tàn kéo tay giữ cô gái lại. Gã cai binh dùng sức giật mạnh. Cả chàng nho sinh và cô gái bị lôi thốc ra khỏi chiếc xe ngựa. Hắn giơ chân đạp chàng nho sinh ngã dúi dụi. Rồi hắn rút kiếm, nhằm thẳng đầu chàng chém mạnh xuống. Cô kỹ nữ thét lên kinh sợ, lăn vội xuống ôm lấy chàng nho sinh cản lưỡi kiếm, nhắm mắt chờ chết.

Bỗng “Choang!”, thanh kiếm của gã cai binh đã bị một viên đá ném trúng. Kỹ nữ mở mắt ra nhìn. Thanh kiếm đã văng khỏi tay tên cai binh rơi xuống đất. Mặt hắn đang nửa đỏ nửa trắng, nửa giận giữ, nửa sợ hãi. Chính là viên gia nô đã ra tay. Viên đá được tung ra như ám khí, sức mạnh có thể đánh bật tung cả kiếm khỏi bàn tay đô vật của tên cai binh, chứng tỏ bản lĩnh của y không phải tầm thường.

Gã cai binh vội lùi lại. Mấy tên lính lập tức bao vây xung quanh. Đao kiếm tua tủa. Viên gia nô nhặt thanh kiếm lên, hoành kiếm ngang ngực, ánh mắt như có lửa cháy rừng rực. Đám lính khiếp hãi đứng bất động.

Gia nô giục ông lão đánh xe cùng cô gái dìu chàng nho sinh lên xe mà trốn đi. Gã cai binh thấy vậy, lập tức quát đám lính vung gươm xông vào. Gia nô vung kiếm chống trả. Ánh kiếm lấp lánh trong đêm xuân như hàng ngàn vì sao bạc rơi lả tả. Đám lính nhà Thanh tuy đông nhưng không thể nào xuyên qua được màn kiếm quang dày đặc kỳ ảo của y.

Ông lão đánh xe giục ngựa chuyển bánh. Gã cai binh thấy vậy vội chạy đuổi theo xe, tóm lấy chân kỹ nữ. Cô gái thét lên sợ hãi.

Bỗng ánh kiếm quang vung lên lóa mắt. Viên gia nô bằng một chiêu kiếm tuyệt kỹ đã ngoặt ngả người chém một nhát bay đầu tên cai binh. Nhưng cũng vì thế mà y sơ hở mặt trước. Đám lính nhà Thanh ồ lên chém mấy nhát vào đùi khiến gia nô quỵ xuống. Y hét lên giục ông lão đánh xe chạy cho nhanh. Xe ngựa lọc cọc chạy xa dần. Gia nô múa kiếm chặn hậu một cách tuyệt vọng. Đám lính Mãn Thanh quây xung quanh đâm chém tơi bời.

Bỗng từ phía đồn Ngọc Hồi có tiếng pháo lệnh nổ vang. Từ đâu bóng quân Tây Sơn như đội đất chui lên. Tiếng hò reo dậy đất. Lửa cháy bừng bừng. Quân Tây Sơn như một làn sóng ào đến tấn công đồn Ngọc Hồi.

Lúc đó là rạng sáng mồng bốn tết Kỷ Dậu…



6. Đám lính Mãn Thanh bỏ lại viên gia nô, vội vã quay lại phía đồn Ngọc Hồi đón đánh quân Tây Sơn. Hai bên lâm trận, khói lửa tơi bời.

Trên ngọn đồi đẫm cỏ hơi sương, viên gia nô đã bị chém trọng thương nằm rõng rượi trên nền nền đất ẩm. Máu của y đọng thành vũng đỏ thẫm bên những ngọn cỏ xanh mơn mởn. Y quay mặt nhìn về phía kinh thành Thăng Long, ánh mắt long lanh.

Chàng nho sinh và cô kỹ nữ vội nhảy khỏi xe đến quỳ bên viên gia nô. Nho sinh lấy bình rót chút rượu vào miệng y, giọng lắp bắp run rẩy: “Xin cảm ơn huynh đã cứu mạng!”

Viên gia nô lúc lắc đầu thở dài. Cô kỹ nữ ôm lấy y, miệng khóc thút thít. Viên gia nô ngửa đầu lên nhìn. Từ đôi mắt trong veo của cô gái là hai giọt lệ long lanh như hai ngôi sao từ trời cao rơi xuống.

Gia nô gắng gượng, giọng đứt quãng: “Cô nương hãy đàn cho tôi nghe một lần trước khi chết!”

Chàng nho sinh cầm lấy cây đàn Nguyễn mang xuống cho nàng kỹ nữ. Nàng cầm lấy cây đàn. Tay nàng run run.

Tiếng đàn run run như tiếng khóc…

Từ giữa vùng chiến địa, quyện giữa những tiếng binh đao đâm chém, tiếng hò hét gào thét, tiếng lửa cháy bừng bừng là tiếng Nguyễn cầm vang lên trong đêm xuân lịch sử.

Chưa bao giờ tiếng đàn của nàng kỹ nữ có thần đến thế!

Từ đồi cao, tiếng đàn mong manh như tiếng chim nhạn lạc bầy nhưng vẫn len lỏi lan tỏa lên cả một vùng đất mênh mông đang rừng rực lửa cháy. Khi thưa như tiếng gió thoảng ngoài, khi mau như tiếng mưa rơi sầm sập.

Đêm hôm đó, cả quân Tây Sơn lẫn quân Thanh ai nấy đều nghe thấy tiếng đàn. Lúc thì tiếng đàn như từ trời cao vẳng xuống, lúc thì như từ dưới đất chui lên. Tiếng đàn khiến người ta khi thì vui sướng lâng lâng, khi thì sởn gai ốc vì cảm thương ai oán.

Đêm hôm đó, kỹ nữ đánh đàn lần cuối cùng. Bản đàn chấm dứt, nàng vứt cây Nguyễn cầm vào đám lửa.

Đêm hôm đó, viên gia nô nghe lần cuối tiếng đàn thần diệu. Mắt y khép lại dần dần. Những đốm lửa cháy trước mắt y như biến thành hàng ngàn ngọn nến cháy lung linh nơi phủ Chúa vàng son hoa lệ…



7. Đã mấy năm rồi thanh bình về lại đất Thăng Long. Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lên ngôi, xưng là Quang Trung Hoàng đế. Ngài đã đem quân đánh tan hai mươi chín vạn quân Thanh, lập nên nhà Tây Sơn. Quang Trung Hoàng đế cho dựng lại Văn Miếu, khuyến khích nông nghiệp, mở mang thông thương, giảm thuế cho người dân. Thành Thăng Long năm nay không còn vẻ tiêu điều nữa. Nhà nhà treo đèn kết hoa, người dân áo quần xúng xính. Vùng ngoại ô Thăng Long, hoa đào nở một màu hồng rực bạt ngàn đẹp đến bàng hoàng.

Trên ngọn đồi gần đồn Ngọc Hồi, một cặp nam nữ cùng một đứa nhỏ đang lặng lẽ cúi đầu bên nấm mộ không tên. Nàng kỹ nữ thổn thức khóc. Chàng nho sinh nhẹ ôm kỹ nữ vào lòng.

Cô bé gái bụ bẫm lẫm chẫm thắp nén hương lên nấm mộ sè sè cỏ mọc xanh rợn. Nén trầm hương thơm ngát. Tiết trời xuân man mác. Cô bé ngước lên nhìn mẹ: “Đây là mộ của ai đấy mẹ?”

Kỹ nữ vuốt đầu con: “Đây là mộ của ân nhân nhà mình”

Chàng trai nhìn quanh vùng hoa đào cảm khái: “Đây là mộ nghĩa phụ của con. Hôm nay là ngày giỗ của nghĩa phụ”.

Chén bồ đào mỹ tửu rót xuống đất. Hương rượu nồng nàn trong sương sớm. Mấy mảnh giấy vàng mã bừng cháy trong tiết trời mùa xuân.

Xung quanh là một vùng hoa đào hồng rực, hồng rực đến bàng hoàng, hồng rực như hàng ngàn ngọn nến cháy lung linh…

Hà Nội, 17/11/2011

Nguồn: VN Trẻ

LỜI BÌNH TRUYỆN NGẮN TIẾNG ĐÀN ĐÊM XUÂN KỶ DẬU CỦA HOÀNG TÙNG 4.2.2012

Lê Hoài Lương

Truyện ngắn tạo sự tò mò ngay từ lời dẫn. Rằng đây là nguồn gốc của hai câu Kiều nổi tiếng của Đại thi hào Nguyễn Du. Và nền truyện gắn với mùa xuân Kỷ Dậu vua Quang Trung đại phá quân Thanh xâm lược là một trang sử vang động, oanh liệt của dân tộc. Những chi tiết “có thật” này là cái nền độc đáo cho một câu chuyện thấm đẫm chất bi tráng và nhuốm màu sắc hiệp nghĩa thời loạn, chút trữ tình anh hùng với mỹ nhân và sự yên bình của nối tiếp cuộc sống ở Thăng Long. Một nối tiếp đẹp bằng hình ảnh gia đình nhỏ bên nấm cỏ vị ân nhân năm xưa. Nối tiếp đẹp vì nền truyện trước đó luôn là cảnh chiếc xe ngựa lầm lũi ngày đầu xuân rời đi khỏi kinh thành loạn lạc.



Và tiếng đàn đã xuất hiện sau chặng dài “gió thảm mưa sầu” những người trai Đại Việt chứng kiến cô kỹ nữ số một Thăng Long bị giặc làm nhục, chàng nho sinh bị đánh- giết, và cuối cùng là viên gia nô- cận vệ chúa Trịnh xả thân vì nghĩa, cứu những bạn đồng hành. Tiếng đàn cô kỹ nữ đàn cho người gia nô nghe trước khi chết, tiếng đàn trên đồi vang lên trong tiếng quân reo súng nổ vang trời của Tây Sơn tiêu diệt đồn Ngọc Hồi.

Những nhân vật nho sinh, kỹ nữ, viên gia nô, gã cai đội giặc… là sáng tạo trên nền chuyện lịch sử. Hai câu mô tả tiếng đàn Kiều đã được giải mã bằng lịch sử và văn chương. Xưa nay cho thấy nhiều cứ liệu lịch sử lại rất đáng tin cậy từ văn chương hơn những trang chính sử.

Truyện ngắn này không minh họa lịch sử, mà viết sử theo cách của văn chương. Sống động, hấp dẫn và hay như lời bình giỏi về hai câu Kiều.

Người bình Lê Hoài Lương

Thứ Ba, 3 tháng 4, 2012

Bình luận kiếm hiệp: Bình luận Bích Huyết Kiếm


ĐỌC LẠI BÍCH HUYẾT KIẾM

Bích Huyết Kiếm không phải là tác phẩm xuất sắc của nhà văn Kim Dung. Tuy nhiên, tác phẩm đã kết hợp giữa “lịch sử giang sơn” và “dã sử giang hồ”, một hướng đi được Kim Dung thể hiện một cách xuyên suốt trong hầu hết các tác phẩm sau này của ông. Xét về kết cấu truyện, kỹ thuật viết và những chủ đề tư tưởng được tác giả khai thác thì Bích Huyết Kiếm rất đáng được phân tích và bình luận…

1.Giang sơn và giang hồ

Người Trung Quốc thích tổng kết lịch sử thành những quy luật. Chẳng vậy mà kiệt tác “Tam Quốc Diễn Nghĩa” của La Quán Trung bắt đầu bằng một quy luật ngàn đời: “Thế lớn trong thiên hạ tan lâu rồi lại hợp, hợp lâu rồi lại tan”. Bộ tiểu thuyết Bích Huyết Kiếm của nhà văn Kim Dung cũng mang trong mình những quy luật lịch sử như vậy.
Kim Dung vốn là người đa tài. Ngoài khả năng sáng tác xuất chúng, ông còn là một nhà báo sắc sảo, một nhà khảo cứu lịch sử được kính trọng. Ông am hiểu sâu sắc văn hóa lịch sử Trung Quốc. Trong những tác phẩm của mình, Kim Dung đề cập nhiều đến thời kỳ người Mãn Châu xâm chiếm và đô hộ Trung Quốc. Trong mười bốn bộ tiểu thuyết ông viết, có tới năm bộ ông lấy bối cảnh Thanh triều. Ngoài ra, ông còn là tác giả của bộ khảo cứu mang tên Viên Sùng Hoán bình truyện. Bích Huyết Kiếm cũng là một tác phẩm lấy bối cảnh khi triều Minh bắt đầu mạt vận và người Mãn Châu bắt đầu đặt nền móng xây dựng nên Thanh triều.
Do có một thời gian dài làm báo, Kim Dung tiếp xúc nhiều quan điểm và tư tưởng của những triết gia phương Tây. Trong số đó, có lẽ Kim Dung ít nhiều đồng cảm với nhà chính trị - nhà văn Sir John Dalberg-Acton. Bởi một trong những chủ đề xuyên suốt trong những tác phẩm của ông luôn là sự hủ bại của quyền lực. Bích Huyết Kiếm cũng không phải là ngoại lệ. Xét riêng về góc độ lịch sử, bộ tiểu thuyết gần như phản ánh câu nói nổi tiếng của Sir.John Dalberg-Acton: Power tends to corrupt, and absolute power corrupts absolutely – Quyền lực dẫn đến tha hóa và quyền lực tuyệt đối dẫn đến tha hóa tuyệt đối.
Bích Huyết Kiếm là tác phẩm được tác giả Kim Dung viết theo kiểu đăng sê-ri dài kỳ - feuilleton trên Hong Kong thương báo trong suốt cả năm 1956. Nhân vật trung tâm của tiểu thuyết là Viên Thừa Chí, con trai của vị đại tướng chống quân Thanh trong thời Minh mạt là Viên Sùng Hoán. Thái tử quân Mãn Thanh là Hoàng Thái Cực nhiều lần tiến đánh vào Trung Nguyên nhưng đều bị Viên Sùng Hoán chặn đứng. Họ Hoàng mới dùng mưu ly gián khiến vua Sùng Trinh nghi kỵ họ Viên. Vốn bản chất đa nghi và nhỏ nhen, Sùng Trinh trúng mưu và ra lệnh xử tử Viên Sùng Hoán. Trong khi đó, dưới sự cai trị hà khắc và ngu xuẩn của Sùng Trinh, người dân đói khổ, giặc cướp nổi lên khắp nơi, trong đó đáng kể nhất là cuộc khởi nghĩa nông dân của Sấm Vương Lý Tự Thành.
Viên Thừa Chí được thủ hạ của cha cứu sống và nuôi dưỡng bởi những cao thủ bậc nhất. Chàng lớn lên với mối thù mất cha, đồng thời gánh vác trên vai trọng trách giúp đỡ Sấm Vương Lý Tự Thành lật đổ Minh triều. Bước đường lưu lạc khiến chàng học được bản lĩnh võ công tuyệt luân của Kim Xà Lang Quân Hạ Tuyết Nghi, đồng thời rơi vào mối tình tay ba với cô gái xinh đẹp Ôn Thanh Thanh và con gái yêu của vua Sùng Trinh là công chúa A Cửu… Từ đó, nhà văn Kim Dung vẽ nên một câu chuyện sống động, đan lát vào đó khung cảnh mỹ lệ của thế giới giang hồ dựa trên nền bức tường lịch sử thời Minh mạt. Kim Dung cũng khéo léo đưa vào những trang viết của mình hàng loạt những nhân vật lịch sử dưới một góc nhìn sắc sảo.

2.Lịch sử dưới một lăng kính khác

Trong số những nhân vật lịch sử xuất hiện trong Bích Huyết Kiếm, đáng kể nhất là đại tướng của nhà Minh Viên Sùng Hoán, Hoàng đế Sùng Trinh, lãnh tụ khởi nghĩa nông dân Sấm Vương Lý Tự Thành và Thủ lĩnh của người Mãn Châu Hoàng Thái Cực. Trong số đó, đặc sắc nhất phải nói đến hình tượng lịch sử nhân vật Lý Tự Thành.
Trong hai phần ba cuốn tiểu thuyết, ta đều thấy Lý Tự Thành đại diện cho chính nghĩa, cho trăm họ bách tính. Và phía bên kia chiến tuyến, vị Hoàng đế Minh mạt Sùng Trinh hiện ra với một bức tranh hoàn toàn méo mó, không xứng đáng với ngôi ngũ cửu, là nhân vật phản diện điển hình.
Trước tiên, chỉ vì tin lời xiểm nịnh của gian thần, Sùng Trinh vẫn thẳng tay áp dụng hình phạt tàn khốc đối với đại tướng Viên Sùng Hoán. Thực tế lịch sử cho thấy tuy hết lòng bảo vệ người Hán nhưng Viên Sùng Hoán bị chính những người này căm hận vì nghĩ rằng ông tiếp tay cho người Mãn Châu. Khi chịu án lăng trì, người dân tranh nhau ăn tươi nuốt sống từng miếng thịt của ông để trả hận!?! Nhà văn Lỗ Tấn từng viết: “Lịch sử Trung Quốc là lịch sử ăn thịt người” kể ra cũng không ngoa. Sau này, Sùng Trinh còn thể hiện sự tàn bạo của mình bằng hành động vung đao định chém chết con gái ruột của mình là Trường Bình Công chúa A Cửu cho thấy đây là một kẻ tàn nhẫn đến cùng cực.
Ở góc nhìn trái ngược, Sấm Vương Lý Tự Thành hiện lên như một vị lãnh tụ đầy quả cảm. Trong lịch sử, Lý Tự Thành là một nhân vật rất nổi tiếng, gắn với phong trào khởi nghĩa nông dân, được các nhà lịch sử Trung Quốc dành cho nhiều ưu ái. Ở Bích Huyết Kiếm, Lý Tự Thành hiện ra với một hình ảnh đẹp lồng lộng sau khi ông chiếm thành Bắc Kinh. Giữa biển người hò reo cổ vũ, Sấm Vương tuyên bố sang sảng: “Sau khi vào thành, kẻ nào giết hại trăm họ, gian dâm, cướp bóc, lập tức chém đầu, quyết không dung tha!” Lời nói khiến trăm họ khấp khởi vui mừng. Ai cũng nghĩ rằng lịch sử đã sang một trang mới với một đấn minh quân. Ai ngờ, Lý Tự Thành dưới con mắt Kim Dung đã trở thành biểu tượng của sự tha hóa quyền lực. Ngay khi chạm vào quyền lực tuyệt đối, họ Lý đã trở nên tha hóa tuyệt đối, tha hóa không kém gì kẻ vừa bị chính ông lật đổ.
Sau khi vào thành, đám quân hỗn loạn của Sấm Vương không trò bỉ ổi nào không làm, cưỡng bức gái nhà lành, vu cáo cho người lương thiện, cướp bóc của dân chúng. Bản thân Lý Tự Thành khi bước lên ngai vàng lập tức mải mê ăn chơi phè phỡn, rượu ngon gái đẹp suốt đêm ngày. Sự thực là vị Sấm Vương kia khi lên ngôi đã lập tức coi thiên hạ là của mình và cho mình quyền lực tuyệt đối: “Đại vương khi đang đánh chiếm giang sơn thì là dân, bây giờ lấy được thiên hạ, ngồi trên ngai vàng rồi, đã thành chân mệnh thiên tử, đâu còn là thảo dân nữa?” Lịch sử đã cho thấy, quyền lực tuyệt đối luôn gắn với sự tha hóa tuyệt đối. Lý Tự Thành cũng không nằm ngoài quy luật lịch sử nghiệt ngã đó. Kết quả là Lý Tự Thành nghe theo lời xúi bẩy, giết hết nhân tài trong nghĩa quân và bị quân Mãn Châu đánh bại. Xét cho cùng, Lý Tự Thành cũng chẳng hơn gì vị vua u tối Sùng Trinh. Đó là sự trớ trêu của lịch sử. Đôi khi lịch sử khoác cho một vài cá nhân tấm áo rộng quá khổ. Trong trường hợp này, nhiệm vụ tạo lập nên một vương triều mới với giấc mơ cơm no áo ấm cho người dân là một tấm áo quá khổ đối với một con người như Lý Tự Thành.

3.Kỹ thuật “người vắng mặt”

Xét về kỹ thuật trong Bích Huyết Kiếm, có thể thấy Kim Dung đã liên tục sử dụng kỹ thuật viết “người vắng mặt”. Đây là cũng là một kỹ thuật viết được tác giả sử dụng lại nhiều lần trong các tác phẩm khác của ông.
Kỹ thuật “người vắng mặt” được khá nhiều nhà văn sử dụng, trong đó đáng kể nhất phải là nữ văn sĩ Charlotte Brontë trong tác phẩm văn học kinh điển "Jane Eyre". Những người đọc truyện "Jane Eyre" hết sức tò mò về nhân vật Rochester, ông chủ lâu đài Thornfield. Sở dĩ người đọc thích thú với nhân vật này bởi Rochester không xuất hiện trực tiếp mà chỉ hiện lên một cách gián tiếp qua lời kể của những nhân vật khác nhau. Điều này khiến Rochester như hiện ra từ những góc độ khác nhau, tạo ra những ấn tượng khác nhau trước khi thực sự xuất hiện.
Trong lời “Bạt” của bộ tiểu thuyết, Kim Dung đã viết: “Nhân vật chính của Bích Huyết Kiếm thực ra là Viên Sùng Hoán, thứ đến Kim Xà Lang Quân, là hai nhân vật không chính thức xuất hiện trong tác phẩm”. Trong Bích Huyết Kiếm, có ba nhân vật được Kim Dung sử dụng bút pháp “người vắng mặt”. Nhân vật đầu tiên là đại tướng Viên Sùng Hoán qua lời kể của những cận vệ trung thành, vẽ nên hình ảnh một vị tướng quân tài ba lỗi lạc, oai hùng trên chiến trường, hết lòng với binh lính, dốc sức tận trung báo quốc. Nhưng cuối cùng, Viên Sùng Hoán bị chính vua Sùng Trinh ra lệnh chém đầu, bị chính những người dân được ông bảo vệ bấy lâu phỉ nhổ vì “tội phản quốc”. Nhân vật thứ hai là Kim Xà Lang Quân Hạ Tuyết Nghi. Với Hạ Tuyết Nghi, kỹ thuật “người vắng mặt” được Kim Dung đẩy cao hơn một bậc. Nếu như Viên Sùng Hoán được hiện ra với một hình ảnh khá nhất quán thì Hạ Tuyết Nghi qua hồi ức của mỗi người có thể đi từ thái cực “cực thiện” sang “cực ác”. Bang chủ Tiêu Công Lễ cho rằng họ Hạ là một trang đại hiệp, cứu khốn phò nguy, chủ trì công chính. Gia đình nhà họ Ôn thì kể rằng họ Hạ là một tên tham dâm hiếu sắc, giết người tàn bạo. Cuối cùng, không ai biết chàng là kẻ tà hay người chính. Hoặc giả đúng với tên hiệu, chàng mang trong mình cả phong thái tà ác của “Kim Xà” và lãng tử của “Lang Quân”. Nhân vật thứ ba là Sấm Vương Lý Tự Thành. Với Sấm Vương, tác giả để cho người đọc tưởng tượng ra nhân vật này qua sự ủng hộ của những bậc hào kiệt trong giới võ lâm, qua những hành động hiệp nghĩa của những nhân vật trong đội quân khởi nghĩa và những bài ca dân gian ca ngợi ân đức Sấm Vương. Để rồi cuối cùng, khi gặp mặt thực tế, nhà văn có một cuộc lột trần bản chất Lý Tự Thành một cách ngoạn mục.

Nhìn nhận một cách khách quan, khó có thể coi Bích Huyết Kiếm là một tác phẩm văn học võ hiệp xuất sắc. Bản thân so với những tác phẩm sau này của nhà văn Kim Dung, Bích Huyết Kiếm còn có nhiều điểm thua kém. Dẫu sao, đây là tác phẩm trong giai đoạn sáng tác đầu tiên của nhà văn. Nhưng qua một kết cấu truyện chặt chẽ, sự kết hợp giữa lịch sử và võ hiệp một cách nhuần nhuyễn, đặc biệt là tư tưởng mạnh dạn, Kim Dung đã thể hiện được những nét tài hoa của mình, báo hiệu tương lai của một Minh chủ võ lâm trong địa hạt văn học võ hiệp.
HOÀNG TÙNG

Thứ Tư, 28 tháng 3, 2012

Bình luận kiếm hiệp; VÕ LÂM TỨ CUỒNG – VĨ CUỒNG HOANG TƯỞNG



VÕ LÂM TỨ CUỒNG – VĨ CUỒNG HOANG TƯỞNG

Chữ “cuồng” trong bài viết này không bao gồm một trong Võ lâm Ngũ Tuyệt là Tây Cuồng Dương Quá. Đơn giản bởi Dương Quá tuy tính tình cuồng ngạo nhưng cũng là người biết trên biết dưới, bản lĩnh võ công cũng thuộc hàng đệ nhất thiên hạ. Bài viết này muốn đề cập đến một khía cạnh khách của chữ “cuồng”. Những nhân vật trong bài đều là những kẻ vĩ cuồng với những tâm thế khác nhau, suy nghĩ khác nhau, tham vọng cũng khác nhau. Từ đó ngõ hầu muốn bàn sâu hơn về căn bệnh vĩ cuồng, một căn bệnh có vẻ như đang ngày một lan rộng trong xã hội.


1. "Chưởng môn nhân phái Tuyết Sơn, Uy Đức tiên sinh Bạch Tự Tại là đại anh hùng, đại hào kiệt, đại hiệp sĩ, đại tông sư đệ nhất kiếm pháp, đệ nhất quyền cước, đệ nhất nội công, đệ nhất ám khí xưa nay!" Đó là lời tung hô mà Bạch Tự Tại bắt lũ đồ đệ của mình phải thuộc lòng khi nhìn thấy lão. Đồ đệ lão nhận xét võ công của Thiếu Lâm rộng lớn tinh thâm còn Thiên Sơn kiếm pháp thì biến ảo vi diệu, lão lập tức đánh chết vì cho rằng kẻ đó ngầm coi bản lĩnh của lão “chỉ” tương đương với Đại sư Phổ Pháp, Chưởng môn phái Thiếu Lâm. Đồ đệ sợ quá nịnh lão: "Đồ nhi e rằng Tổ sư gia cũng không cao minh bằng su phụ", lão cũng vung chưởng đập vỡ sọ vì "Không bằng là không bằng. Sao còn “e rằng”?”. Hai vị đại phu họ Đới và họ Nam đại phu chỉ vì câu nói: “Chẳng lẽ võ công của Uy Đức tiên sinh cao hơn cả Đạt Ma Sư Tổ và Trương Tam Phong hay sao?” cũng vong mạng vì lão cho rằng chữ "chẳng lẽ” chính là nghi ngờ bản lĩnh của lão. Lũ học trò tung hô lão sai nửa câu, lão lập tức đánh chết. Kẻ nào khuyên can, lão đánh cho què chân gãy tay.
Những hành động điên rồ trên cho thấy căn bệnh vĩ cuồng đã ăn sâu vào tâm trí của Bạch Tự Tại. Mà nguyên do căn bệnh vĩ cuồng của lão bắt nguồn từ đâu?
Bạch Tự Tại là Chưởng môn phái Tuyết Sơn. Bản lĩnh thực sự không phải loại tầm thường nhưng tuyệt nhiên cũng chưa đến mức quán tuyệt thiên hạ. Nhưng lão luôn cho rằng mình là đỉnh cao của võ lâm kim cổ, không ai sánh bằng. Nguyên do căn bệnh vĩ cuồng của Bạch Tự Tại xuất phát từ kiến thức nông cạn của lão. Phái Tuyết Sơn nằm trong thành Lăng Tiêu, gần như bó mình trong một không gian nhỏ hẹp. Ở đó Bạch Tự Tại trở thành một dạng Hoàng đế không ngai. Lão lại là người gặp mọi chuyện hanh thông từ nhỏ, không gì muốn mà không đạt được. Về sự nghiệp, lão có cơ duyên được uống linh dược tạo thành nội lực phi thường, trở thành đệ tử giỏi nhất phái Tuyết Sơn và chấp chức Chưởng môn. Về mặt gia đình, lão đắc ý khi vượt qua hàng loạt cao thủ mà lấy được mỹ nhân Sử Tiểu Thúy. Bản thân lão hiếm khi đi lại trên giang hồ, suốt ngày ngồi trên ngôi cao Chưởng môn. Kẻ nào trước lão cũng một lòng khép nép. Một lời nói của lão truyền ra lúc nào cũng được mọi người răm rắp làm theo. Ở môi trường đó lâu ngày, đương nhiên Bạch Tự Tại dần trở thành kẻ độc tài, tự coi mình là kẻ giỏi giang số một, cho rằng mình là kẻ duy nhất đúng. Bệnh vĩ cuồng của lão truyền qua cả bọn đệ tử phái Tuyết Sơn. Bọn đệ tử của lão không biết trời cao đất dày là gì, lúc nào cũng tưởng rằng võ công Tuyết Sơn phái là tuyệt đỉnh võ lâm, coi người khác bằng nửa con mắt.
Những người tự tại cuồng ngạo như Bạch Tự Tại thực ra lại là những kẻ rất kém cỏi khi gặp những trục trặc trong cuộc sống. Người vợ Sử Tiểu Thúy bỏ lão ra đi do không chịu nổi tính cách ngạo mạn thái quá của lão. Khi những cao thủ trên giang hồ như Đinh Bất Tứ đến khiêu chiến, lão cũng đã phần nào lờ mờ nhận ra được giới hạn võ công của mình. Rơi vào trường hợp như vậy, bình thường con người sẽ cố bước ra ngoài vùng an toàn (comfortable zone) để cọ xát mà học hỏi thêm những cái mới. Nhưng Bạch Tự Tại bản tính vốn ngông ngạo. Lão không chịu nổi sự thật đó. Lão chui đầu lại, núp kín trong cái kén an toàn của bốn bức tường thành Lăng Tiêu để yên tâm đắc chí với ngôi vị độc tôn của mình. Để chắc chắn thỏa mãn căn bệnh vĩ cuồng, lão bắt mọi người tung hô và thực sự điên loạn trong ảo tưởng của chính mình.

2. “Tinh Tú lão tiên - Danh lừng Trung Thổ - Đức sánh cửu thiên - Đánh đâu thắng đó”. Lời hát của lũ đệ tử phái Tinh Tú ê a với thanh la chũm chọe cờ xí lô nhô thấp thoáng trong tiểu tuyết Thiên Long Bát Bộ khiến người đọc vừa căm ghét, vừa buồn cười. Căm ghét bởi vì đám đệ tử phái Tinh Tú chính là biểu hiện của thói a dua nịnh hót không biết ngượng mồm. Buồn cười bởi Tinh Tú Lão Quái Đinh Xuân Thu tự coi mình “đức sánh cửu thiên” đã là vĩ cuồng rồi. Lão lại dường như sợ người khác không biết suy nghĩ đó nên bắt lũ đệ tử rêu rao khắp nơi. Đó là dấu hiệu bệnh vĩ cuồng đã vào đến cao hoang, hết cả thuốc chữa. Nếu như Bạch Tự Tại mắc bệnh vĩ cuồng do tầm nhìn kém cỏi, kiến thức hạn hẹp thì Tinh Tú Lão Quái mắc bệnh vĩ cuồng với nguyên nhân khác.
Thực tế Lão Quái Đinh Xuân Thu là người tự biết điểm mạnh điểm yếu của mình. Nhận thấy mình không tài hoa quán tuyệt như các sư huynh sư đệ, không thể bằng thực lực cạnh tranh vị trí Chưởng môn Tiêu Dao phái với quy định khắt khe do Vô Nhai Tử đặt ra, Đinh Xuân Thu đã chỉ tập trung vào duy nhất võ học, bỏ qua những cầm, kỳ, thi, họa. Lão đã chọn cho mình hướng đi phù hợp và trở thành kẻ mạnh nhất của Tiêu Dao phái, đủ sức đả bại sư phụ mà giành lấy ngôi vị Chưởng môn bằng bạo lực.
Bệnh vĩ cuồng của Tinh Tú Lão Quái có nguyên nhân từ thói háo danh của lão. Trên thực tế, bản lĩnh của lão cũng chẳng phải loại tầm thường. Lão cũng tự tách ra khỏi phái Tiêu Dao mà lập ra phái Tinh Tú độc bộ vùng Tây Vực. Nếu như dùng chính bản lĩnh của mình, sớm muộn gì thì lão cũng sẽ “Danh lừng Trung thổ”. Nhưng Đinh Xuân Thu không chịu chờ đợi. Lão muốn danh tiếng của lão phải lập tức chấn động giang hồ.
Tinh Tú Lão Quái cũng lũ đệ tử mỗi lần xuất hiện, người ta tưởng như đó là một đám hề. Mặc cho người khác khó chịu cho rằng chúng chỉ rặt một tuồng mặt dày vô sỉ, coi hành động của chúng “thối như rắm chó”, Lão Quái vẫn bắt bọn đệ tử hát vang bài hát ca ngợi thớ lợ không biết ngượng mồm. Đinh Xuân Thu chính là kẻ háo danh đến cùng cực. Không ai khen, lão tự khen. Không ai chịu xưng tụng, lão bắt đệ tử xưng tụng. Mọi người coi lão là “Lão Quái”, lão tự coi mình là “Lão Tiên”. Không ai chú ý, lão dùng cờ quạt thanh la não bạt để gây chú ý, đi đến đâu cũng tung hô: “Thần thông quảng đại”, "Pháp lực vô biên", "Uy chấn thiên hạ"…
Bệnh vĩ cuồng đã khiến Tinh Tú Lão Quái không nhận ra rằng những lời tung hô trên chỉ là giả trá. Lão không nhận ra được rằng kẻ nịnh hót ta ngày hôm nay, ngày mai có thể sẽ là kẻ đầu tiên phỉ nhổ khi ta thất thế. Ngay sau khi Đinh Xuân Thu bị Hư Trúc đánh bại ở chùa Thiếu Lâm, lũ đệ tử đã lập tức quay ngoắt lại, chửi rủa lão tàn tệ: “ánh lửa đuốc đèn mà đòi tranh với vầng nhật nguyệt”, “tâm tính lươn lẹo, tà ác gian manh” và xin Hư Trúc mau xử tử Lão Quái để trừ ác cho thiên hạ. Rốt cuộc kẻ vĩ cuồng đó đã phải nhận một kết cục cay đắng bởi cái hư danh dựa trên sự nịnh bợ khoa trương sẽ tan nhanh như bọt nước mà thôi.

3. "Giáo chủ thiên thu vạn đại, nhất thống giang hồ" – Lời tung hô của giáo chúng Nhật Nguyệt Thần Giáo dành cho Đông Phương Bất Bại lúc trước khiến cho Nhậm Ngã Hành cảm thấy vô cùng khó chịu. Nhưng sau khi đoạt lại ngôi vị Giáo chủ, ngồi trên ngôi cao ở Hắc Mộc Nhai, lão lại cảm thấy hiu hiu tự đắc. Lời xưng tụng đó ảnh hưởng đến lão ra sao? “Nhất thống giang hồ” chính là giấc mơ một đời của lão. Còn “Thiên thu vạn đại” thì lão cũng đã thừa nhận, chỉ là chuyện láo toét! Nhưng khi những lời xưng tụng được lặp đi lặp lại, lão lại thấy dần dần nó có phần… hợp lý. Đó chính là giây phút căn bệnh vĩ cuồng đã nảy mầm trong tâm trí lão.
Trong số những nhân vật tham vọng quyền lực, Nhậm Ngã Hành xứng đáng được coi là nhân vật để lại nhiều ấn tượng nhất. Lão là kẻ tâm cơ mưu lược, hào khí ngút trời, trong cái gian giảo vẫn lẫm lẫm hùng tâm khiến người ta vừa nể sợ, vừa thích thú. Căn bệnh vĩ cuồng của lão hoàn toàn không phải từ thói hư danh như Tinh Tú Lão Quái, cũng không phải từ sự kém cỏi trong nhận thức như Bạch Tự Tại. Căn bệnh đó xuất phát chính từ tham vọng đến mức ngông cuồng không giới hạn của lão.
Khi giành lại vị trí của Giáo chủ ở Hắc Mộc Nhai, căn bệnh vĩ cuồng đã dần xâm thực tâm hồn lão, khiến lão trở nên xa hoa và cuồng ngạo. Lên núi Hoa Sơn, “lão sắp đặt hành trang tựa hồ đức Hoàng Ðế ngự giá tuần du. Bọn giáo chúng trống dong cờ mở, âm nhạc vang lừng”. Những lời tung hô xưng tụng ngày một thể hiện sự vĩ cuồng: “Nhậm đại giáo chủ văn thánh võ đức, ơn khắp lê dân”, “Nhậm giáo chủ trung hưng thánh giáo, thọ với núi non!”. Căn bệnh vĩ cuồng của Nhậm Ngã Hành vì thế mà phát tác mỗi lúc một phát tác dữ dội.
Đương nhiên khi ở trên đỉnh cao danh vọng, người ta sẽ phải tiếp xúc với đủ các loại lời khen ngợi. Kẻ tỉnh táo là kẻ phân biệt được đâu là nịnh bợ, đâu là ngợi khen thật lòng. Thuộc hạ tung hô mưu trí của lão giỏi hơn Gia Cát Lượng, Nhậm Ngã Hành tự nhủ: “Họ nói thế kỳ thực cũng đúng. Gia Cát Lượng võ công cố nhiên không địch nổi ta, sáu lần ra Kỳ Sơn mà không lập được công trạng gì, nói về mưu trí, không lẽ bằng nổi ta ư?” Thuộc hạ ngợi khen võ công lão giỏi hơn Quan Vân Trường, lão nghĩ ngợi: “Quan Vân Trường qua năm cửa ải, chém sáu tướng, quả là thần dũng. Nhưng nếu đơn đả độc đấu, làm sao thắng nổi Hấp tinh đại pháp của ta?”. Thậm chí khi được so sánh với Khổng Tử, lão dương dương tự đắc: “Khổng Phu Tử thì đệ tử không quá ba ngàn người, trong khi giáo chúng của ta đâu phải chỉ có ba vạn? Khổng Phu Tử thống lĩnh ba ngàn đệ tử hớt hải chạy đông chạy tây, bị cạn lương ở đất Bái, bó tay chịu chết. Ta thì thống lĩnh mấy vạn giáo chúng, tung hoành thiên hạ, muốn sao được vậy, chẳng ai ngăn nổi. Tài trí của Khổng Phu Tử mà đem so với Nhậm Ngã Hành ta thì còn kém xa". Đến lúc này thì rõ ràng Nhậm Ngã Hành đã bị căn bệnh vĩ cuồng ăn đến tận căn gốc, chẳng thể nào chữa nổi. Cả một đời cuồng vọng, dùng Hấp Tinh Đại Pháp thu thập chân khí của đối thủ, cuối cùng Nhậm Ngã Hành lại bị chính những luồng chân khí đó giết chết. Cái chết của Nhậm Ngã Hành để lại cho nhiều người sự tiếc nuối bởi tuy là một kẻ vĩ cuồng cao ngạo nhưng y vẫn là một kẻ tâm cơ anh hùng, khí khái lẫm lẫm xứng đáng là một tài năng hiếm có cổ kim.

4. "Hồng giáo chủ vạn năm không già, phúc tiên mãi hưởng, thọ sánh ngang trời!". "Hồng giáo chủ thần thông quảng đại”. “Hồng giáo chủ thần mục như điện, chiếu sáng bốn phương”. Tất cả những câu ca ngợi ngoa ngôn trên đều xuất phát từ miệng của chúng giáo Thần Long giáo nhằm ca ngợi Giáo chủ Hồng An Thông. Hai tác phẩm Tiếu Ngạo Giang Hồ và Lộc Đỉnh Ký được tác giả chắp bút khi chủ nghĩa sùng bái cá nhân đang lan rộng. Hình tượng Nhậm Ngã Hành và Hồng An Thông chính là một trong những nguyên nhân khiến cho tác phẩm của Kim Dung bị cấm phát hành tại cả Trung Quốc và Đài Loan. Nguyên cơ căn bệnh vĩ cuồng của Hồng An Thông có điểm khác biệt. Họ Hồng không ngu dốt như Bạch Tự Tại, không háo danh như Đinh Xuân Thu, không hùng tâm như Nhậm Ngã Hành. Căn bệnh vĩ cuồng của lão xuất phát từ sự lừa dối mọi người lâu ngày thành sự lừa dối chính bản thân.
Khác hẳn với những nhân vật mắc bệnh vĩ cuồng khác, ta thấy Hồng An Thông đã rất thành công khi có những tín đồ coi lão như thánh nhân. Lão trở thành niềm tin tinh thần lớn lao cho đệ tử Thần Long giáo. Khi giáo chúng lâm trận gặp địch nhân, chúng niệm chú: "Hồng giáo chủ vạn năm không già, phúc tiên mãi hưởng, thọ sánh ngang trời!" "Hồng giáo chủ thần thông quảng đại, giáo phái ta đã đánh là thắng, kẻ địch mạnh mấy, vững mấy cũng phải sụp đổ" rồi lao vào trận đấu như một con thiêu thân, sức mạnh cuồng loạn như nhập đồng không kể sống chết. Họ Hồng đã gieo rắc niềm tin mù quáng vào tâm hồn lũ đệ tử nhằm xây dựng hình ảnh của mình như một vị thánh.
Thực tế Hồng An Thông tự biết lão không phải là thần nhân. Lão quen thói lừa mị lâu ngày, đóng giả vai thần thánh thành ra tin mình là thần thánh thật sự tự lúc nào chẳng biết.
Thần Long giáo chỉ mượn danh tôn giáo. Hồng An Thông cũng chỉ là kẻ mượn danh thần thánh mà thôi. Nhìn sâu vào nội tại của Thần Long giáo, ta thấy ở đây là hình thái của một dạng hội kín chính trị. Hồng An Thông xét cho cùng là một kẻ làm chính trị độc tài giỏi mỵ dân. Đệ tử Thần Long giáo khi xung trận trở nên điên cuồng liều chết đơn giản bởi nếu thua trận, chúng sẽ chịu sự trừng phạt tàn bạo gấp trăm lần từ giáo chủ. Họ Hồng cũng chẳng phải là thần thánh gì hết khi một lòng câu kết hết với Ngô Tam Quế tạo phản rồi liên hệ với quân Nga Ta Lư để mong mỏi chia sẻ quyền lực chính trị sau này. Lão thực tế chỉ mượn danh con bài tôn giáo mà phục vụ cho những mục đích cá nhân của chính mình dựa trên sự ngây thơ và xuẩn tín của đám đệ tử. Điều đáng nói là cho đến khi chết, lão cũng đã trở nên mê muội chẳng kém gì lũ đệ tử: "Các ngươi đều sai, chỉ có ... chỉ có mình ta đúng. Ta muốn giết chết tất cả các ngươi, chỉ một mình ta mới'... mới phúc tiên mãi hưởng ... thọ... thọ sánh ngang ... trời".

Qua hình tượng bốn nhân vật cùng mắc một căn bệnh vĩ cuồng nhưng với những nguyên nhân rất khác nhau, Kim Dung đã cho thấy tài năng đặc biệt của mình. Từ Bạch Tự Tại cho đến Hồng An Thông, vẫn một căn bệnh đó nhưng mỗi người một vẻ để rồi hịu những kết cục khác nhau. Những hình ảnh đó đến nay vẫn còn có giá trị nhất định. Chỉ cần hàng ngày đọc qua vài trang báo, chúng ta đã có thể nhận ra hàng loạt những phát ngôn đầy hơi hướng hoang tưởng vĩ cuồng. Phải chăng Kim Dung đã tiên đoán trước được phần nào sự lan tràn của căn bệnh này từ khi nó còn nguyên khởi mà tạo dựng nên những hình ảnh những con bệnh vĩ cuồng nhằm cảnh báo đến xã hội ngày nay?

Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2012

Cổ Long: Nhà cách tân tiểu thuyết võ hiệp



CỔ LONG: NHÀ CÁCH TÂN VĂN HỌC VÕ HIỆP

Tiểu Lý Phi Đao thành tuyệt hưởng
Nhân gian bất kiến Sở Lưu Hương
Câu đối liễn của nhà văn Kiều Kỳ trong đám tang nhà văn Cổ Long

Nói đến văn học võ hiệp, người ta thường nhắc đến Kim Dung với tôn xưng là Võ lâm minh chủ. So sánh được với Kim Dung trong địa hạt tiểu thuyết võ hiệp có lẽ chỉ có Cổ Long. Bài viết này xin giới thiệu Cổ Long ở một góc nhìn khác biệt. Đó là hành trình của một nhà văn trẻ vốn học vấn thấp, xuất phát điểm thấp nhưng bằng trí thông minh và tài năng phi thường đã sáng tạo ra hàng loạt nhân vật truyền kỳ, tạo nên những hướng đi cực kỳ mới mẻ cho văn học võ hiệp…

1.Cổ Long: Nhà cách tân võ hiệp

Cổ Long (1937–1985), tên thật là Hùng Diệu Hoa, là nhà văn danh tiếng bậc nhất của Đài Loan. Cổ Long bước chân vào trường văn trận bút với những nhược điểm lớn. Thứ nhất: ông không có được kiến thức về lịch sử văn hóa uyên thâm như những nhà văn võ hiệp khác. Cổ Long nhà nghèo, số phận bấp bênh, phải bỏ học sớm, quăng quật xã hội sớm. Thứ hai: văn học võ hiệp lúc đó (đầu những năm 1960) đã đạt được những thành tựu lớn. Ngoài Kim Dung, Lương Vũ Sinh, hàng loạt những nhà văn khác như Tư Mã Linh, Ngọa Long Sinh v.v… đều là những danh gia với nhiều tác phẩm đồ sộ khiến nhiều nhà văn trẻ không khỏi nhụt chí khi đứng trước những tên tuổi lừng lẫy. Thứ ba: văn học võ hiệp sau những đỉnh cao đã bắt đầu cho thấy sự sa sút, bí bách về mặt đề tài, về phương thức thể hiện. Các tác phẩm bắt đầu của những nhà văn lớp sau phần lớn đều mang tính mô phỏng, thiếu cá tính và thể hiện sự nhợt nhạt trông thấy.
Ở thời điểm đó, văn học võ hiệp cần một nhà cách tân quyết liệt. Không ai ngờ, người gánh vác công việc nặng nhọc đó lại là nhà văn vô danh Cổ Long. Sự lựa chọn thông minh trong hướng đi và đổi mới trong phong cách viết đã khiến ông nhanh chóng thăng tiến, lần lượt vượt qua những danh gia như Ngọa Long Sinh, Tư Mã Linh, chiếm ưu thế hơn hẳn so với Lương Vũ Sinh và được nhiều người so sánh ngang hàng với Võ lâm minh chủ Kim Dung.
Nhìn vào hành trình sự nghiệp của Cổ Long, ta sẽ gần như thấy được toàn bộ nhưng ưu khuyết điểm của một nhà văn tài năng, từ quá trình từ mô phỏng đến tìm tòi sang tạo và quyết liệt tạo dấu ấn riêng. Đó là một hành trình rất đáng để các nhà văn trẻ nhìn vào và học hỏi và nghiên cứu.

2.Khai đường mở lối

Sở dĩ Cổ Long có được một dấu ấn không thể phai nhòa trong địa hạt văn học võ hiệp bởi ông là người khai thông những bế tắc, mở lối cho văn học võ hiệp đến những sự kết hợp thú vị, mang lại một nguồn sinh khí mới mẻ cho dòng văn học này.
Cổ Long đương nhiên là một nhà văn tài hoa. Tuy nhiên, sự thông minh của ông mới là tác nhân chính tạo nên một Cổ đại hiệp lừng lẫy sau này. Như ta đã biết, Cổ Long khởi đầu sự nghiệp viết văn với xuất phát điểm rất thấp. Thoạt nhiên, ông đơn thuần là người viết thuê theo đề cương có sẵn của những nhà văn nổi tiếng. Sau một thời gian viết theo đề cương, Cổ Long nhanh chóng học hỏi được một số mô thức sáng tác và bắt đầu chấp bút viết nên những tác phẩm của mình. Trong vòng 5 năm đầu tiên của sự nghiệp cầm bút (1960 - 1965), Cổ Long đã thể hiện một sức viết khủng khiếp với 17 bộ tiểu thuyết võ hiệp, bắt đầu tạo được sự chú ý nhất định từ phía độc giả và các NXB. Tuy nhiên, ở thời kỳ này, các tác phẩm của ông phần lớn đều mô phỏng các danh gia khác, không có gì đặc sắc và nổi trội.
Khi có danh phận nhất định, Cổ Long không chấp nhận những gì đã đạt được. Ông có một bước ngoặt lớn về tư tưởng sáng tác. Cổ Long đã nhân thấy những đặc tính tiêu biểu của tiết thuyết võ hiệp: “Ưu điểm lớn nhất của tiểu thuyết võ hiệp là nó có thể bao quát mọi điều, thu thập kiến thức từ mọi nơi. Ta có thể tả chuyện tình trong tiểu thuyết võ hiệp, nhưng lại không thể tả võ hiệp trong tiểu thuyết tình cảm”. Cổ Long muốn gạt bỏ cái cũ, mở ra con đường mới: “Ảnh hưởng của Kim Dung trên cả một thời đại của thiểu thuyết võ hiệp không ai có thể bì kịp. Phong cách tiểu thuyết của ông có thể hấp dẫn nhiều độc giả. Tuy nhiên tiểu thuyết võ hiệp cũng đã đến giai đoạn cần phải canh tân, cần biết hóa. Tình tiết không còn cách nào biến hóa thêm nữa, tại sao không biến ra cách khác, miêu tả thử tình cảm con người, xung đột giữa các tính cách. Từ cái xung đột đó, sẽ chế ra những cao trào”.
Cổ Long tự nhận thấy điểm yếu của mình đồng thời cũng nhận ra những điểm mạnh mà các nhà văn võ hiệp khác không có. Tuy học vấn thấp nhưng Cổ Long lại thành thạo ngoại ngữ. Lĩnh vực văn học phương Tây được ông yêu thích nhất là văn học trinh thám dường như chưa hề được khai thác trong văn học võ hiệp. Đây là yếu tố quyết định dẫn đến sự thành công của Cổ Long. Ông đã viết: “Chiến tranh và Hòa bình viết về những tao loạn và xung đột thiện ác ở một thời đại lớn. Người đàn bà bé nhỏ viết viết về những bồng bột tuổi trẻ và niềm vui. Ông già và biển cả viết về giá trị của lòng dũng cảm và sự đáng quý của sinh mệnh. Những câu truyện như thế, những cách viết như thế, tiểu thuyết võ hiệp có thể dùng, sao không có ai dùng thử?”
Những tác phẩm tiếp theo của Cổ Long như Võ lâm ngoại sử, Tuyệt đại song kiêu, Sở Lưu Hương hệ liệt, Đa tình kiếm khách vô tình kiếm, Tiêu Thập Nhất Lang, Lục Tiểu Phụng hệ liệt v.v… đã gây chấn động. Chưa bao giờ người ta lại thấy một tư duy lạ đến vậy trong những tác phẩm võ hiệp. Những mẫu hình mẫu anh hùng của Cổ Long hoàn toàn khác biệt. Người ta thấy thấp thoáng trong những nhân vật của Cổ Long hình ảnh của chàng điệp viên siêu hạng James Bond 007, thám tử lừng danh Shelock Holms xứ sương mù, siêu tội phạm Phantomat. Cổ Long không ngại ngần thừa nhận sự ảnh hưởng này: “Nếu bạn bị một tác phẩm của một người làm cho hấp dẫn và cảm động, lúc bạn viết chuyện thường sẽ không tự chủ được mà mô phỏng. Nhưng tôi không sao y bản chính. Nếu có thể đem những nhân vật vĩ đại của những kiệt tác vào tiểu thuyết võ hiệp, dù cho có bị người ta mắng chửi chê cười, tôi cũng chịu cam tâm tình nguyện. Tiểu thuyết võ hiệp hiện tại cần nhất những nhân vật vĩ đại. Lại càng nên mô tả những khiếm khuyết của những con người vĩ đại” Chính vì thế, người hùng của Cổ Long sống phá cách, tư duy hiện đại, tận hưởng những hoan lạc của cuộc sống. Những mẫu hình nhân vật như Sở Lưu Hương, Lục Tiểu Phụng hoàn toàn khác biệt những mẫu hình cổ điển như Quách Tĩnh, Dương Quá, Trương Vô Kỵ khiến người đọc hứng thú cao độ. Cổ Long cũng chắp nối dòng văn học trinh thám của phương Tây và văn học võ hiệp Phương Đông, khai mở ra một hướng đi đầy mới mẻ của văn học.
Nhưng không dừng ở đó, Cổ Long còn vứt bỏ hoàn toàn lối văn chương bạch thoại thêu gấm dệt hoa có phần dài dòng của văn học chương hồi cổ điển. Lối hành văn của ông rất nhanh, mạnh, ngắn gọn nhưng chặt chẽ, mang tinh hoa của lối văn tối giản - minimism của phương Tây. Điều này giúp Cổ Long có một giọng điệu riêng, không hể pha lẫn trong địa hạt văn học võ hiệp.
Ngoài ra, văn chương Cổ Long rất giàu chất điện ảnh. Tiểu thuyết của Cổ Long được chia cắt thành từng tầng lớp, từng scene rất rõ ràng. Kết mỗi chương hồi là một mâu thuẫn được giải quyết đồng thời lại đặt ra một vấn đề mới chờ được giải quyết. Cách viết truyện như vậy rất hợp dựng thành phim truyện. Chính điện ảnh cũng đã trở thành một bệ phóng giúp tên tuổi Cổ Long thăng hoa. Trong số những nhà văn viết truyện võ hiệp, Cổ Long đã trở thành một nhà văn viết kịch bản đắt khách nhất. Đồng thời, chưa từng có nhà văn võ hiệp nào có tác phẩm được dựng thành phim nhiều như Cổ Long.
Một “đặc sản” của dòng văn học võ hiệp là những trận đấu võ cũng đã được Cổ Long cải tiến triệt để. Nếu như trước đó, những trận đấu khốc liệt đều được trình bày một cách chi tiết, các chiêu thức võ công đều được mô tả một cách kỹ lưỡng thì Cổ Long gạt bỏ toàn bộ. Những cao thủ của Cổ Long khi đối mặt với nhau chỉ không quá vài chiêu, thậm chí trong tích tắc đã phân thua thắng bại. Ông không nhấn vào chiêu thức mà nhấn vào tâm lý nhân vật trước cuộc đấu. Chính vì thế, những trận đấu võ của Cổ Long không phải là đấu võ mà là một cuộc chiến tâm lý được mô tả cực kỳ tinh tế, tạo thành một phong vị đặng trưng Cổ Long.
Với những cách tân táo bạo đó, Cổ Long đã thực sự vươn mình trở thành một hiện tượng chói sáng của văn học võ hiệp, trở thành một trong những đệ nhất tác gia, được nhiều người đặt ngang hàng với Minh chủ võ lâm Kim Dung. Bản thân Kim Dung cũng rất trân trọng tài năng của chàng trai Cổ Long. Khi còn là chủ bút của tờ Minh Báo, Kim Dung đã trân trọng viết thư mời Cổ Long viết truyện đăng dài kỳ trên báo của mình. Cổ Long nhận được lời mời của Kim Dung đã hào sảng viết nên bộ Lục Tiểu Phụng, một trong những đỉnh cao sáng tác của ông.

3.Những hạn chế của Cổ Long

Cuộc đời sáng tác của Cổ Long là một tấm gương phản ánh trung thực những cung bậc cảm xúc cực kỳ đa dạng mang đầy đủ những thăng trầm của một nhà văn tài hoa: Khát khao vươn lên khẳng định mình mạnh mẽ, đạt được những thành công vô tiền khoáng hậu trong giới văn chương, choáng ngợp với hào quang và trở nên lười biếng khiến phong độ tụt dốc, tự lặp lại mình khi hết mục tiêu phấn đấu. Cuộc đời của Cổ Long đi đúng theo một đồ thị biến thiên như vậy.
Số lượng tác phẩm của Cổ Long đứng vào hàng nhiều nhất trong số những nhà văn viết truyện võ hiệp. Theo thống kê, trong 24 năm cầm bút, ông có cả thảy 79 bộ tiểu thuyết, chưa kể hàng loạt kịch bản phim, bài phê bình văn học. Di sản văn học của ông để lại không khỏi khiến người đọc cảm ngưỡng trước một sức sáng tác mãnh liệt.
Tuy nhiên, Cổ Long có những nhược điểm chết người. Nhiều độc giả thường so sánh Cổ Long với Kim Dung. Nhìn nhận một cách công bằng, ta phải thấy được Kim Dung tuy số lượng tác phẩm ít hơn nhưng chất lượng tác phẩm cao hơn. Trong số 14 bộ tiểu thuyết của Kim Dung, gần một nửa trong số đó có thể được coi là những kiệt tác hàng đầu của kho tàng văn học võ hiệp. Trong khi đó, tuy số lượng tác phẩm nhiều hơn nhưng những tác phẩm có thể xếp hàng giai tác của Cổ Long không nhiều. Thời kỳ đầu, ông phần lớn mô phỏng các tác gia khác. Sau những tác phẩm đỉnh cao, ông lại tự lặp lại chính mình.
Ngoài ra, do nhiều lý do, có thể vì sự thúc bách về mặt tài chính, sự hao hụt về sức khỏe hay sự lười biếng về tư duy, Cổ Long sau này cũng viết đề cương và cho những “đệ tử” của mình hoàn thành tác phẩm. Khá nhiều tác phẩm mang tên Cổ Long nhưng thực ra ông chỉ đưa ra ý tưởng còn người viết thực sự lại là người khác. Việc bán “thương hiệu” như vậy đem lại cho Cổ Long nhiều tiền hơn nhưng cũng làm cho tác phẩm của ông trở nên tạp nham hơn rất nhiều. Chính Kim Dung, tuy rất trân trọng tài năng của Cổ Long nhưng cũng phải nhận thấy Cổ Long có một khuyết điểm lớn đó là sự thiếu kiên trì. Ông viết nhiều nhưng viết ẩu, thậm chí cẩu thả và dễ dãi khiến tác phẩm có rất nhiều những hạt sạn khó nuốt.
Tuy tác phẩm có nhiều sạn nhưng nhiều người vẫn thấy tiếc nuối cho Cổ Long. Thực ra, với năng suất “đẻ nhiều và đẻ dày” như Cổ Long, tác phẩm có sạn là điều tất yếu. Bản thân những tác phẩm của Kim Dung trong lần viết đầu đăng dài kỳ trên báo cũng có nhiều lỗi. Nhưng Kim Dung đã biết ngưng lại. Sau tác phẩm đề đời Lộc Đỉnh Ký, Kim Dung đã tuyên bố “phong bút” và dành liên tục 10 năm ròng để chỉnh sửa lại những tác phẩm của mình, bổ khuyết những sai sót, chỉnh sửa lại văn từ, thêm vào những kiến thức văn hóa, nâng tầng tác phẩm của ông lên hàng giai tác, sánh ngang với những tác phẩm lớn nhất của Trung Quốc trong thế kỷ 20. Cổ Long không có được sự may mắn như Kim Dung. Ông không có được thời gian để chỉnh sửa lại những tác phẩm của mình do ông qua đời quá sớm khi mới 48 tuổi sau những tháng ngày tàn phá sức khỏe của mình bằng rượu mạnh và những cuộc vui thâu đêm suốt sáng.

4.Vĩ thanh

Nhà nghiên cứu tiểu thuyết võ hiệp Trần Mặc nhận định: “Cần phải khẳng định rằng Cổ Long là một nhà cách tân tiểu thuyết võ hiệp . Ông là nhà tiểu thuyết võ hiệp ưu tú nhất sau Kim Dung và Lương Vũ Sinh. Ông đã mở rộng tầm nhìn và không gian của tiểu thuyết võ hiệp, mở ra kỉ nguyên mới, con đường mới của tiểu thuyết võ hiệp. Ông đã tiến hành một sự cách tân và cải tạo triệt để đối với tiểu thuyết võ hiệp truyền thống, mở ra con đường sáng tác kết hợp giữa phương Đông và phương Tây”.
Cổ Long đã từng viết trong tác phẩm Lưu tinh. Hồ điệp. Kiếm: “Chỉ là một vệt lưu tinh, tuy ngắn ngủi nhưng trên bầu trời có vì sao nào chói lọi, huy hoàng bằng nó? Khi xuất hiện lưu tinh thì cả những vì tinh tú được coi là vĩnh hằng bất biến cũng bị lu mờ”. Ai ngờ rằng những dòng văn đó ứng nghiệm với cuộc đời ông. Cổ Long cũng giống như một vệt lưu tinh, tuy tồn tại ngắn ngủi nhưng đã tỏa ánh sáng rực rỡ, tạo thành những ấn tượng vĩnh hằng trong địa hạt văn học võ hiệp
HOÀNG TÙNG