Thứ Tư, 28 tháng 3, 2012

Bình luận kiếm hiệp; VÕ LÂM TỨ CUỒNG – VĨ CUỒNG HOANG TƯỞNG



VÕ LÂM TỨ CUỒNG – VĨ CUỒNG HOANG TƯỞNG

Chữ “cuồng” trong bài viết này không bao gồm một trong Võ lâm Ngũ Tuyệt là Tây Cuồng Dương Quá. Đơn giản bởi Dương Quá tuy tính tình cuồng ngạo nhưng cũng là người biết trên biết dưới, bản lĩnh võ công cũng thuộc hàng đệ nhất thiên hạ. Bài viết này muốn đề cập đến một khía cạnh khách của chữ “cuồng”. Những nhân vật trong bài đều là những kẻ vĩ cuồng với những tâm thế khác nhau, suy nghĩ khác nhau, tham vọng cũng khác nhau. Từ đó ngõ hầu muốn bàn sâu hơn về căn bệnh vĩ cuồng, một căn bệnh có vẻ như đang ngày một lan rộng trong xã hội.


1. "Chưởng môn nhân phái Tuyết Sơn, Uy Đức tiên sinh Bạch Tự Tại là đại anh hùng, đại hào kiệt, đại hiệp sĩ, đại tông sư đệ nhất kiếm pháp, đệ nhất quyền cước, đệ nhất nội công, đệ nhất ám khí xưa nay!" Đó là lời tung hô mà Bạch Tự Tại bắt lũ đồ đệ của mình phải thuộc lòng khi nhìn thấy lão. Đồ đệ lão nhận xét võ công của Thiếu Lâm rộng lớn tinh thâm còn Thiên Sơn kiếm pháp thì biến ảo vi diệu, lão lập tức đánh chết vì cho rằng kẻ đó ngầm coi bản lĩnh của lão “chỉ” tương đương với Đại sư Phổ Pháp, Chưởng môn phái Thiếu Lâm. Đồ đệ sợ quá nịnh lão: "Đồ nhi e rằng Tổ sư gia cũng không cao minh bằng su phụ", lão cũng vung chưởng đập vỡ sọ vì "Không bằng là không bằng. Sao còn “e rằng”?”. Hai vị đại phu họ Đới và họ Nam đại phu chỉ vì câu nói: “Chẳng lẽ võ công của Uy Đức tiên sinh cao hơn cả Đạt Ma Sư Tổ và Trương Tam Phong hay sao?” cũng vong mạng vì lão cho rằng chữ "chẳng lẽ” chính là nghi ngờ bản lĩnh của lão. Lũ học trò tung hô lão sai nửa câu, lão lập tức đánh chết. Kẻ nào khuyên can, lão đánh cho què chân gãy tay.
Những hành động điên rồ trên cho thấy căn bệnh vĩ cuồng đã ăn sâu vào tâm trí của Bạch Tự Tại. Mà nguyên do căn bệnh vĩ cuồng của lão bắt nguồn từ đâu?
Bạch Tự Tại là Chưởng môn phái Tuyết Sơn. Bản lĩnh thực sự không phải loại tầm thường nhưng tuyệt nhiên cũng chưa đến mức quán tuyệt thiên hạ. Nhưng lão luôn cho rằng mình là đỉnh cao của võ lâm kim cổ, không ai sánh bằng. Nguyên do căn bệnh vĩ cuồng của Bạch Tự Tại xuất phát từ kiến thức nông cạn của lão. Phái Tuyết Sơn nằm trong thành Lăng Tiêu, gần như bó mình trong một không gian nhỏ hẹp. Ở đó Bạch Tự Tại trở thành một dạng Hoàng đế không ngai. Lão lại là người gặp mọi chuyện hanh thông từ nhỏ, không gì muốn mà không đạt được. Về sự nghiệp, lão có cơ duyên được uống linh dược tạo thành nội lực phi thường, trở thành đệ tử giỏi nhất phái Tuyết Sơn và chấp chức Chưởng môn. Về mặt gia đình, lão đắc ý khi vượt qua hàng loạt cao thủ mà lấy được mỹ nhân Sử Tiểu Thúy. Bản thân lão hiếm khi đi lại trên giang hồ, suốt ngày ngồi trên ngôi cao Chưởng môn. Kẻ nào trước lão cũng một lòng khép nép. Một lời nói của lão truyền ra lúc nào cũng được mọi người răm rắp làm theo. Ở môi trường đó lâu ngày, đương nhiên Bạch Tự Tại dần trở thành kẻ độc tài, tự coi mình là kẻ giỏi giang số một, cho rằng mình là kẻ duy nhất đúng. Bệnh vĩ cuồng của lão truyền qua cả bọn đệ tử phái Tuyết Sơn. Bọn đệ tử của lão không biết trời cao đất dày là gì, lúc nào cũng tưởng rằng võ công Tuyết Sơn phái là tuyệt đỉnh võ lâm, coi người khác bằng nửa con mắt.
Những người tự tại cuồng ngạo như Bạch Tự Tại thực ra lại là những kẻ rất kém cỏi khi gặp những trục trặc trong cuộc sống. Người vợ Sử Tiểu Thúy bỏ lão ra đi do không chịu nổi tính cách ngạo mạn thái quá của lão. Khi những cao thủ trên giang hồ như Đinh Bất Tứ đến khiêu chiến, lão cũng đã phần nào lờ mờ nhận ra được giới hạn võ công của mình. Rơi vào trường hợp như vậy, bình thường con người sẽ cố bước ra ngoài vùng an toàn (comfortable zone) để cọ xát mà học hỏi thêm những cái mới. Nhưng Bạch Tự Tại bản tính vốn ngông ngạo. Lão không chịu nổi sự thật đó. Lão chui đầu lại, núp kín trong cái kén an toàn của bốn bức tường thành Lăng Tiêu để yên tâm đắc chí với ngôi vị độc tôn của mình. Để chắc chắn thỏa mãn căn bệnh vĩ cuồng, lão bắt mọi người tung hô và thực sự điên loạn trong ảo tưởng của chính mình.

2. “Tinh Tú lão tiên - Danh lừng Trung Thổ - Đức sánh cửu thiên - Đánh đâu thắng đó”. Lời hát của lũ đệ tử phái Tinh Tú ê a với thanh la chũm chọe cờ xí lô nhô thấp thoáng trong tiểu tuyết Thiên Long Bát Bộ khiến người đọc vừa căm ghét, vừa buồn cười. Căm ghét bởi vì đám đệ tử phái Tinh Tú chính là biểu hiện của thói a dua nịnh hót không biết ngượng mồm. Buồn cười bởi Tinh Tú Lão Quái Đinh Xuân Thu tự coi mình “đức sánh cửu thiên” đã là vĩ cuồng rồi. Lão lại dường như sợ người khác không biết suy nghĩ đó nên bắt lũ đệ tử rêu rao khắp nơi. Đó là dấu hiệu bệnh vĩ cuồng đã vào đến cao hoang, hết cả thuốc chữa. Nếu như Bạch Tự Tại mắc bệnh vĩ cuồng do tầm nhìn kém cỏi, kiến thức hạn hẹp thì Tinh Tú Lão Quái mắc bệnh vĩ cuồng với nguyên nhân khác.
Thực tế Lão Quái Đinh Xuân Thu là người tự biết điểm mạnh điểm yếu của mình. Nhận thấy mình không tài hoa quán tuyệt như các sư huynh sư đệ, không thể bằng thực lực cạnh tranh vị trí Chưởng môn Tiêu Dao phái với quy định khắt khe do Vô Nhai Tử đặt ra, Đinh Xuân Thu đã chỉ tập trung vào duy nhất võ học, bỏ qua những cầm, kỳ, thi, họa. Lão đã chọn cho mình hướng đi phù hợp và trở thành kẻ mạnh nhất của Tiêu Dao phái, đủ sức đả bại sư phụ mà giành lấy ngôi vị Chưởng môn bằng bạo lực.
Bệnh vĩ cuồng của Tinh Tú Lão Quái có nguyên nhân từ thói háo danh của lão. Trên thực tế, bản lĩnh của lão cũng chẳng phải loại tầm thường. Lão cũng tự tách ra khỏi phái Tiêu Dao mà lập ra phái Tinh Tú độc bộ vùng Tây Vực. Nếu như dùng chính bản lĩnh của mình, sớm muộn gì thì lão cũng sẽ “Danh lừng Trung thổ”. Nhưng Đinh Xuân Thu không chịu chờ đợi. Lão muốn danh tiếng của lão phải lập tức chấn động giang hồ.
Tinh Tú Lão Quái cũng lũ đệ tử mỗi lần xuất hiện, người ta tưởng như đó là một đám hề. Mặc cho người khác khó chịu cho rằng chúng chỉ rặt một tuồng mặt dày vô sỉ, coi hành động của chúng “thối như rắm chó”, Lão Quái vẫn bắt bọn đệ tử hát vang bài hát ca ngợi thớ lợ không biết ngượng mồm. Đinh Xuân Thu chính là kẻ háo danh đến cùng cực. Không ai khen, lão tự khen. Không ai chịu xưng tụng, lão bắt đệ tử xưng tụng. Mọi người coi lão là “Lão Quái”, lão tự coi mình là “Lão Tiên”. Không ai chú ý, lão dùng cờ quạt thanh la não bạt để gây chú ý, đi đến đâu cũng tung hô: “Thần thông quảng đại”, "Pháp lực vô biên", "Uy chấn thiên hạ"…
Bệnh vĩ cuồng đã khiến Tinh Tú Lão Quái không nhận ra rằng những lời tung hô trên chỉ là giả trá. Lão không nhận ra được rằng kẻ nịnh hót ta ngày hôm nay, ngày mai có thể sẽ là kẻ đầu tiên phỉ nhổ khi ta thất thế. Ngay sau khi Đinh Xuân Thu bị Hư Trúc đánh bại ở chùa Thiếu Lâm, lũ đệ tử đã lập tức quay ngoắt lại, chửi rủa lão tàn tệ: “ánh lửa đuốc đèn mà đòi tranh với vầng nhật nguyệt”, “tâm tính lươn lẹo, tà ác gian manh” và xin Hư Trúc mau xử tử Lão Quái để trừ ác cho thiên hạ. Rốt cuộc kẻ vĩ cuồng đó đã phải nhận một kết cục cay đắng bởi cái hư danh dựa trên sự nịnh bợ khoa trương sẽ tan nhanh như bọt nước mà thôi.

3. "Giáo chủ thiên thu vạn đại, nhất thống giang hồ" – Lời tung hô của giáo chúng Nhật Nguyệt Thần Giáo dành cho Đông Phương Bất Bại lúc trước khiến cho Nhậm Ngã Hành cảm thấy vô cùng khó chịu. Nhưng sau khi đoạt lại ngôi vị Giáo chủ, ngồi trên ngôi cao ở Hắc Mộc Nhai, lão lại cảm thấy hiu hiu tự đắc. Lời xưng tụng đó ảnh hưởng đến lão ra sao? “Nhất thống giang hồ” chính là giấc mơ một đời của lão. Còn “Thiên thu vạn đại” thì lão cũng đã thừa nhận, chỉ là chuyện láo toét! Nhưng khi những lời xưng tụng được lặp đi lặp lại, lão lại thấy dần dần nó có phần… hợp lý. Đó chính là giây phút căn bệnh vĩ cuồng đã nảy mầm trong tâm trí lão.
Trong số những nhân vật tham vọng quyền lực, Nhậm Ngã Hành xứng đáng được coi là nhân vật để lại nhiều ấn tượng nhất. Lão là kẻ tâm cơ mưu lược, hào khí ngút trời, trong cái gian giảo vẫn lẫm lẫm hùng tâm khiến người ta vừa nể sợ, vừa thích thú. Căn bệnh vĩ cuồng của lão hoàn toàn không phải từ thói hư danh như Tinh Tú Lão Quái, cũng không phải từ sự kém cỏi trong nhận thức như Bạch Tự Tại. Căn bệnh đó xuất phát chính từ tham vọng đến mức ngông cuồng không giới hạn của lão.
Khi giành lại vị trí của Giáo chủ ở Hắc Mộc Nhai, căn bệnh vĩ cuồng đã dần xâm thực tâm hồn lão, khiến lão trở nên xa hoa và cuồng ngạo. Lên núi Hoa Sơn, “lão sắp đặt hành trang tựa hồ đức Hoàng Ðế ngự giá tuần du. Bọn giáo chúng trống dong cờ mở, âm nhạc vang lừng”. Những lời tung hô xưng tụng ngày một thể hiện sự vĩ cuồng: “Nhậm đại giáo chủ văn thánh võ đức, ơn khắp lê dân”, “Nhậm giáo chủ trung hưng thánh giáo, thọ với núi non!”. Căn bệnh vĩ cuồng của Nhậm Ngã Hành vì thế mà phát tác mỗi lúc một phát tác dữ dội.
Đương nhiên khi ở trên đỉnh cao danh vọng, người ta sẽ phải tiếp xúc với đủ các loại lời khen ngợi. Kẻ tỉnh táo là kẻ phân biệt được đâu là nịnh bợ, đâu là ngợi khen thật lòng. Thuộc hạ tung hô mưu trí của lão giỏi hơn Gia Cát Lượng, Nhậm Ngã Hành tự nhủ: “Họ nói thế kỳ thực cũng đúng. Gia Cát Lượng võ công cố nhiên không địch nổi ta, sáu lần ra Kỳ Sơn mà không lập được công trạng gì, nói về mưu trí, không lẽ bằng nổi ta ư?” Thuộc hạ ngợi khen võ công lão giỏi hơn Quan Vân Trường, lão nghĩ ngợi: “Quan Vân Trường qua năm cửa ải, chém sáu tướng, quả là thần dũng. Nhưng nếu đơn đả độc đấu, làm sao thắng nổi Hấp tinh đại pháp của ta?”. Thậm chí khi được so sánh với Khổng Tử, lão dương dương tự đắc: “Khổng Phu Tử thì đệ tử không quá ba ngàn người, trong khi giáo chúng của ta đâu phải chỉ có ba vạn? Khổng Phu Tử thống lĩnh ba ngàn đệ tử hớt hải chạy đông chạy tây, bị cạn lương ở đất Bái, bó tay chịu chết. Ta thì thống lĩnh mấy vạn giáo chúng, tung hoành thiên hạ, muốn sao được vậy, chẳng ai ngăn nổi. Tài trí của Khổng Phu Tử mà đem so với Nhậm Ngã Hành ta thì còn kém xa". Đến lúc này thì rõ ràng Nhậm Ngã Hành đã bị căn bệnh vĩ cuồng ăn đến tận căn gốc, chẳng thể nào chữa nổi. Cả một đời cuồng vọng, dùng Hấp Tinh Đại Pháp thu thập chân khí của đối thủ, cuối cùng Nhậm Ngã Hành lại bị chính những luồng chân khí đó giết chết. Cái chết của Nhậm Ngã Hành để lại cho nhiều người sự tiếc nuối bởi tuy là một kẻ vĩ cuồng cao ngạo nhưng y vẫn là một kẻ tâm cơ anh hùng, khí khái lẫm lẫm xứng đáng là một tài năng hiếm có cổ kim.

4. "Hồng giáo chủ vạn năm không già, phúc tiên mãi hưởng, thọ sánh ngang trời!". "Hồng giáo chủ thần thông quảng đại”. “Hồng giáo chủ thần mục như điện, chiếu sáng bốn phương”. Tất cả những câu ca ngợi ngoa ngôn trên đều xuất phát từ miệng của chúng giáo Thần Long giáo nhằm ca ngợi Giáo chủ Hồng An Thông. Hai tác phẩm Tiếu Ngạo Giang Hồ và Lộc Đỉnh Ký được tác giả chắp bút khi chủ nghĩa sùng bái cá nhân đang lan rộng. Hình tượng Nhậm Ngã Hành và Hồng An Thông chính là một trong những nguyên nhân khiến cho tác phẩm của Kim Dung bị cấm phát hành tại cả Trung Quốc và Đài Loan. Nguyên cơ căn bệnh vĩ cuồng của Hồng An Thông có điểm khác biệt. Họ Hồng không ngu dốt như Bạch Tự Tại, không háo danh như Đinh Xuân Thu, không hùng tâm như Nhậm Ngã Hành. Căn bệnh vĩ cuồng của lão xuất phát từ sự lừa dối mọi người lâu ngày thành sự lừa dối chính bản thân.
Khác hẳn với những nhân vật mắc bệnh vĩ cuồng khác, ta thấy Hồng An Thông đã rất thành công khi có những tín đồ coi lão như thánh nhân. Lão trở thành niềm tin tinh thần lớn lao cho đệ tử Thần Long giáo. Khi giáo chúng lâm trận gặp địch nhân, chúng niệm chú: "Hồng giáo chủ vạn năm không già, phúc tiên mãi hưởng, thọ sánh ngang trời!" "Hồng giáo chủ thần thông quảng đại, giáo phái ta đã đánh là thắng, kẻ địch mạnh mấy, vững mấy cũng phải sụp đổ" rồi lao vào trận đấu như một con thiêu thân, sức mạnh cuồng loạn như nhập đồng không kể sống chết. Họ Hồng đã gieo rắc niềm tin mù quáng vào tâm hồn lũ đệ tử nhằm xây dựng hình ảnh của mình như một vị thánh.
Thực tế Hồng An Thông tự biết lão không phải là thần nhân. Lão quen thói lừa mị lâu ngày, đóng giả vai thần thánh thành ra tin mình là thần thánh thật sự tự lúc nào chẳng biết.
Thần Long giáo chỉ mượn danh tôn giáo. Hồng An Thông cũng chỉ là kẻ mượn danh thần thánh mà thôi. Nhìn sâu vào nội tại của Thần Long giáo, ta thấy ở đây là hình thái của một dạng hội kín chính trị. Hồng An Thông xét cho cùng là một kẻ làm chính trị độc tài giỏi mỵ dân. Đệ tử Thần Long giáo khi xung trận trở nên điên cuồng liều chết đơn giản bởi nếu thua trận, chúng sẽ chịu sự trừng phạt tàn bạo gấp trăm lần từ giáo chủ. Họ Hồng cũng chẳng phải là thần thánh gì hết khi một lòng câu kết hết với Ngô Tam Quế tạo phản rồi liên hệ với quân Nga Ta Lư để mong mỏi chia sẻ quyền lực chính trị sau này. Lão thực tế chỉ mượn danh con bài tôn giáo mà phục vụ cho những mục đích cá nhân của chính mình dựa trên sự ngây thơ và xuẩn tín của đám đệ tử. Điều đáng nói là cho đến khi chết, lão cũng đã trở nên mê muội chẳng kém gì lũ đệ tử: "Các ngươi đều sai, chỉ có ... chỉ có mình ta đúng. Ta muốn giết chết tất cả các ngươi, chỉ một mình ta mới'... mới phúc tiên mãi hưởng ... thọ... thọ sánh ngang ... trời".

Qua hình tượng bốn nhân vật cùng mắc một căn bệnh vĩ cuồng nhưng với những nguyên nhân rất khác nhau, Kim Dung đã cho thấy tài năng đặc biệt của mình. Từ Bạch Tự Tại cho đến Hồng An Thông, vẫn một căn bệnh đó nhưng mỗi người một vẻ để rồi hịu những kết cục khác nhau. Những hình ảnh đó đến nay vẫn còn có giá trị nhất định. Chỉ cần hàng ngày đọc qua vài trang báo, chúng ta đã có thể nhận ra hàng loạt những phát ngôn đầy hơi hướng hoang tưởng vĩ cuồng. Phải chăng Kim Dung đã tiên đoán trước được phần nào sự lan tràn của căn bệnh này từ khi nó còn nguyên khởi mà tạo dựng nên những hình ảnh những con bệnh vĩ cuồng nhằm cảnh báo đến xã hội ngày nay?

Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2012

Cổ Long: Nhà cách tân tiểu thuyết võ hiệp



CỔ LONG: NHÀ CÁCH TÂN VĂN HỌC VÕ HIỆP

Tiểu Lý Phi Đao thành tuyệt hưởng
Nhân gian bất kiến Sở Lưu Hương
Câu đối liễn của nhà văn Kiều Kỳ trong đám tang nhà văn Cổ Long

Nói đến văn học võ hiệp, người ta thường nhắc đến Kim Dung với tôn xưng là Võ lâm minh chủ. So sánh được với Kim Dung trong địa hạt tiểu thuyết võ hiệp có lẽ chỉ có Cổ Long. Bài viết này xin giới thiệu Cổ Long ở một góc nhìn khác biệt. Đó là hành trình của một nhà văn trẻ vốn học vấn thấp, xuất phát điểm thấp nhưng bằng trí thông minh và tài năng phi thường đã sáng tạo ra hàng loạt nhân vật truyền kỳ, tạo nên những hướng đi cực kỳ mới mẻ cho văn học võ hiệp…

1.Cổ Long: Nhà cách tân võ hiệp

Cổ Long (1937–1985), tên thật là Hùng Diệu Hoa, là nhà văn danh tiếng bậc nhất của Đài Loan. Cổ Long bước chân vào trường văn trận bút với những nhược điểm lớn. Thứ nhất: ông không có được kiến thức về lịch sử văn hóa uyên thâm như những nhà văn võ hiệp khác. Cổ Long nhà nghèo, số phận bấp bênh, phải bỏ học sớm, quăng quật xã hội sớm. Thứ hai: văn học võ hiệp lúc đó (đầu những năm 1960) đã đạt được những thành tựu lớn. Ngoài Kim Dung, Lương Vũ Sinh, hàng loạt những nhà văn khác như Tư Mã Linh, Ngọa Long Sinh v.v… đều là những danh gia với nhiều tác phẩm đồ sộ khiến nhiều nhà văn trẻ không khỏi nhụt chí khi đứng trước những tên tuổi lừng lẫy. Thứ ba: văn học võ hiệp sau những đỉnh cao đã bắt đầu cho thấy sự sa sút, bí bách về mặt đề tài, về phương thức thể hiện. Các tác phẩm bắt đầu của những nhà văn lớp sau phần lớn đều mang tính mô phỏng, thiếu cá tính và thể hiện sự nhợt nhạt trông thấy.
Ở thời điểm đó, văn học võ hiệp cần một nhà cách tân quyết liệt. Không ai ngờ, người gánh vác công việc nặng nhọc đó lại là nhà văn vô danh Cổ Long. Sự lựa chọn thông minh trong hướng đi và đổi mới trong phong cách viết đã khiến ông nhanh chóng thăng tiến, lần lượt vượt qua những danh gia như Ngọa Long Sinh, Tư Mã Linh, chiếm ưu thế hơn hẳn so với Lương Vũ Sinh và được nhiều người so sánh ngang hàng với Võ lâm minh chủ Kim Dung.
Nhìn vào hành trình sự nghiệp của Cổ Long, ta sẽ gần như thấy được toàn bộ nhưng ưu khuyết điểm của một nhà văn tài năng, từ quá trình từ mô phỏng đến tìm tòi sang tạo và quyết liệt tạo dấu ấn riêng. Đó là một hành trình rất đáng để các nhà văn trẻ nhìn vào và học hỏi và nghiên cứu.

2.Khai đường mở lối

Sở dĩ Cổ Long có được một dấu ấn không thể phai nhòa trong địa hạt văn học võ hiệp bởi ông là người khai thông những bế tắc, mở lối cho văn học võ hiệp đến những sự kết hợp thú vị, mang lại một nguồn sinh khí mới mẻ cho dòng văn học này.
Cổ Long đương nhiên là một nhà văn tài hoa. Tuy nhiên, sự thông minh của ông mới là tác nhân chính tạo nên một Cổ đại hiệp lừng lẫy sau này. Như ta đã biết, Cổ Long khởi đầu sự nghiệp viết văn với xuất phát điểm rất thấp. Thoạt nhiên, ông đơn thuần là người viết thuê theo đề cương có sẵn của những nhà văn nổi tiếng. Sau một thời gian viết theo đề cương, Cổ Long nhanh chóng học hỏi được một số mô thức sáng tác và bắt đầu chấp bút viết nên những tác phẩm của mình. Trong vòng 5 năm đầu tiên của sự nghiệp cầm bút (1960 - 1965), Cổ Long đã thể hiện một sức viết khủng khiếp với 17 bộ tiểu thuyết võ hiệp, bắt đầu tạo được sự chú ý nhất định từ phía độc giả và các NXB. Tuy nhiên, ở thời kỳ này, các tác phẩm của ông phần lớn đều mô phỏng các danh gia khác, không có gì đặc sắc và nổi trội.
Khi có danh phận nhất định, Cổ Long không chấp nhận những gì đã đạt được. Ông có một bước ngoặt lớn về tư tưởng sáng tác. Cổ Long đã nhân thấy những đặc tính tiêu biểu của tiết thuyết võ hiệp: “Ưu điểm lớn nhất của tiểu thuyết võ hiệp là nó có thể bao quát mọi điều, thu thập kiến thức từ mọi nơi. Ta có thể tả chuyện tình trong tiểu thuyết võ hiệp, nhưng lại không thể tả võ hiệp trong tiểu thuyết tình cảm”. Cổ Long muốn gạt bỏ cái cũ, mở ra con đường mới: “Ảnh hưởng của Kim Dung trên cả một thời đại của thiểu thuyết võ hiệp không ai có thể bì kịp. Phong cách tiểu thuyết của ông có thể hấp dẫn nhiều độc giả. Tuy nhiên tiểu thuyết võ hiệp cũng đã đến giai đoạn cần phải canh tân, cần biết hóa. Tình tiết không còn cách nào biến hóa thêm nữa, tại sao không biến ra cách khác, miêu tả thử tình cảm con người, xung đột giữa các tính cách. Từ cái xung đột đó, sẽ chế ra những cao trào”.
Cổ Long tự nhận thấy điểm yếu của mình đồng thời cũng nhận ra những điểm mạnh mà các nhà văn võ hiệp khác không có. Tuy học vấn thấp nhưng Cổ Long lại thành thạo ngoại ngữ. Lĩnh vực văn học phương Tây được ông yêu thích nhất là văn học trinh thám dường như chưa hề được khai thác trong văn học võ hiệp. Đây là yếu tố quyết định dẫn đến sự thành công của Cổ Long. Ông đã viết: “Chiến tranh và Hòa bình viết về những tao loạn và xung đột thiện ác ở một thời đại lớn. Người đàn bà bé nhỏ viết viết về những bồng bột tuổi trẻ và niềm vui. Ông già và biển cả viết về giá trị của lòng dũng cảm và sự đáng quý của sinh mệnh. Những câu truyện như thế, những cách viết như thế, tiểu thuyết võ hiệp có thể dùng, sao không có ai dùng thử?”
Những tác phẩm tiếp theo của Cổ Long như Võ lâm ngoại sử, Tuyệt đại song kiêu, Sở Lưu Hương hệ liệt, Đa tình kiếm khách vô tình kiếm, Tiêu Thập Nhất Lang, Lục Tiểu Phụng hệ liệt v.v… đã gây chấn động. Chưa bao giờ người ta lại thấy một tư duy lạ đến vậy trong những tác phẩm võ hiệp. Những mẫu hình mẫu anh hùng của Cổ Long hoàn toàn khác biệt. Người ta thấy thấp thoáng trong những nhân vật của Cổ Long hình ảnh của chàng điệp viên siêu hạng James Bond 007, thám tử lừng danh Shelock Holms xứ sương mù, siêu tội phạm Phantomat. Cổ Long không ngại ngần thừa nhận sự ảnh hưởng này: “Nếu bạn bị một tác phẩm của một người làm cho hấp dẫn và cảm động, lúc bạn viết chuyện thường sẽ không tự chủ được mà mô phỏng. Nhưng tôi không sao y bản chính. Nếu có thể đem những nhân vật vĩ đại của những kiệt tác vào tiểu thuyết võ hiệp, dù cho có bị người ta mắng chửi chê cười, tôi cũng chịu cam tâm tình nguyện. Tiểu thuyết võ hiệp hiện tại cần nhất những nhân vật vĩ đại. Lại càng nên mô tả những khiếm khuyết của những con người vĩ đại” Chính vì thế, người hùng của Cổ Long sống phá cách, tư duy hiện đại, tận hưởng những hoan lạc của cuộc sống. Những mẫu hình nhân vật như Sở Lưu Hương, Lục Tiểu Phụng hoàn toàn khác biệt những mẫu hình cổ điển như Quách Tĩnh, Dương Quá, Trương Vô Kỵ khiến người đọc hứng thú cao độ. Cổ Long cũng chắp nối dòng văn học trinh thám của phương Tây và văn học võ hiệp Phương Đông, khai mở ra một hướng đi đầy mới mẻ của văn học.
Nhưng không dừng ở đó, Cổ Long còn vứt bỏ hoàn toàn lối văn chương bạch thoại thêu gấm dệt hoa có phần dài dòng của văn học chương hồi cổ điển. Lối hành văn của ông rất nhanh, mạnh, ngắn gọn nhưng chặt chẽ, mang tinh hoa của lối văn tối giản - minimism của phương Tây. Điều này giúp Cổ Long có một giọng điệu riêng, không hể pha lẫn trong địa hạt văn học võ hiệp.
Ngoài ra, văn chương Cổ Long rất giàu chất điện ảnh. Tiểu thuyết của Cổ Long được chia cắt thành từng tầng lớp, từng scene rất rõ ràng. Kết mỗi chương hồi là một mâu thuẫn được giải quyết đồng thời lại đặt ra một vấn đề mới chờ được giải quyết. Cách viết truyện như vậy rất hợp dựng thành phim truyện. Chính điện ảnh cũng đã trở thành một bệ phóng giúp tên tuổi Cổ Long thăng hoa. Trong số những nhà văn viết truyện võ hiệp, Cổ Long đã trở thành một nhà văn viết kịch bản đắt khách nhất. Đồng thời, chưa từng có nhà văn võ hiệp nào có tác phẩm được dựng thành phim nhiều như Cổ Long.
Một “đặc sản” của dòng văn học võ hiệp là những trận đấu võ cũng đã được Cổ Long cải tiến triệt để. Nếu như trước đó, những trận đấu khốc liệt đều được trình bày một cách chi tiết, các chiêu thức võ công đều được mô tả một cách kỹ lưỡng thì Cổ Long gạt bỏ toàn bộ. Những cao thủ của Cổ Long khi đối mặt với nhau chỉ không quá vài chiêu, thậm chí trong tích tắc đã phân thua thắng bại. Ông không nhấn vào chiêu thức mà nhấn vào tâm lý nhân vật trước cuộc đấu. Chính vì thế, những trận đấu võ của Cổ Long không phải là đấu võ mà là một cuộc chiến tâm lý được mô tả cực kỳ tinh tế, tạo thành một phong vị đặng trưng Cổ Long.
Với những cách tân táo bạo đó, Cổ Long đã thực sự vươn mình trở thành một hiện tượng chói sáng của văn học võ hiệp, trở thành một trong những đệ nhất tác gia, được nhiều người đặt ngang hàng với Minh chủ võ lâm Kim Dung. Bản thân Kim Dung cũng rất trân trọng tài năng của chàng trai Cổ Long. Khi còn là chủ bút của tờ Minh Báo, Kim Dung đã trân trọng viết thư mời Cổ Long viết truyện đăng dài kỳ trên báo của mình. Cổ Long nhận được lời mời của Kim Dung đã hào sảng viết nên bộ Lục Tiểu Phụng, một trong những đỉnh cao sáng tác của ông.

3.Những hạn chế của Cổ Long

Cuộc đời sáng tác của Cổ Long là một tấm gương phản ánh trung thực những cung bậc cảm xúc cực kỳ đa dạng mang đầy đủ những thăng trầm của một nhà văn tài hoa: Khát khao vươn lên khẳng định mình mạnh mẽ, đạt được những thành công vô tiền khoáng hậu trong giới văn chương, choáng ngợp với hào quang và trở nên lười biếng khiến phong độ tụt dốc, tự lặp lại mình khi hết mục tiêu phấn đấu. Cuộc đời của Cổ Long đi đúng theo một đồ thị biến thiên như vậy.
Số lượng tác phẩm của Cổ Long đứng vào hàng nhiều nhất trong số những nhà văn viết truyện võ hiệp. Theo thống kê, trong 24 năm cầm bút, ông có cả thảy 79 bộ tiểu thuyết, chưa kể hàng loạt kịch bản phim, bài phê bình văn học. Di sản văn học của ông để lại không khỏi khiến người đọc cảm ngưỡng trước một sức sáng tác mãnh liệt.
Tuy nhiên, Cổ Long có những nhược điểm chết người. Nhiều độc giả thường so sánh Cổ Long với Kim Dung. Nhìn nhận một cách công bằng, ta phải thấy được Kim Dung tuy số lượng tác phẩm ít hơn nhưng chất lượng tác phẩm cao hơn. Trong số 14 bộ tiểu thuyết của Kim Dung, gần một nửa trong số đó có thể được coi là những kiệt tác hàng đầu của kho tàng văn học võ hiệp. Trong khi đó, tuy số lượng tác phẩm nhiều hơn nhưng những tác phẩm có thể xếp hàng giai tác của Cổ Long không nhiều. Thời kỳ đầu, ông phần lớn mô phỏng các tác gia khác. Sau những tác phẩm đỉnh cao, ông lại tự lặp lại chính mình.
Ngoài ra, do nhiều lý do, có thể vì sự thúc bách về mặt tài chính, sự hao hụt về sức khỏe hay sự lười biếng về tư duy, Cổ Long sau này cũng viết đề cương và cho những “đệ tử” của mình hoàn thành tác phẩm. Khá nhiều tác phẩm mang tên Cổ Long nhưng thực ra ông chỉ đưa ra ý tưởng còn người viết thực sự lại là người khác. Việc bán “thương hiệu” như vậy đem lại cho Cổ Long nhiều tiền hơn nhưng cũng làm cho tác phẩm của ông trở nên tạp nham hơn rất nhiều. Chính Kim Dung, tuy rất trân trọng tài năng của Cổ Long nhưng cũng phải nhận thấy Cổ Long có một khuyết điểm lớn đó là sự thiếu kiên trì. Ông viết nhiều nhưng viết ẩu, thậm chí cẩu thả và dễ dãi khiến tác phẩm có rất nhiều những hạt sạn khó nuốt.
Tuy tác phẩm có nhiều sạn nhưng nhiều người vẫn thấy tiếc nuối cho Cổ Long. Thực ra, với năng suất “đẻ nhiều và đẻ dày” như Cổ Long, tác phẩm có sạn là điều tất yếu. Bản thân những tác phẩm của Kim Dung trong lần viết đầu đăng dài kỳ trên báo cũng có nhiều lỗi. Nhưng Kim Dung đã biết ngưng lại. Sau tác phẩm đề đời Lộc Đỉnh Ký, Kim Dung đã tuyên bố “phong bút” và dành liên tục 10 năm ròng để chỉnh sửa lại những tác phẩm của mình, bổ khuyết những sai sót, chỉnh sửa lại văn từ, thêm vào những kiến thức văn hóa, nâng tầng tác phẩm của ông lên hàng giai tác, sánh ngang với những tác phẩm lớn nhất của Trung Quốc trong thế kỷ 20. Cổ Long không có được sự may mắn như Kim Dung. Ông không có được thời gian để chỉnh sửa lại những tác phẩm của mình do ông qua đời quá sớm khi mới 48 tuổi sau những tháng ngày tàn phá sức khỏe của mình bằng rượu mạnh và những cuộc vui thâu đêm suốt sáng.

4.Vĩ thanh

Nhà nghiên cứu tiểu thuyết võ hiệp Trần Mặc nhận định: “Cần phải khẳng định rằng Cổ Long là một nhà cách tân tiểu thuyết võ hiệp . Ông là nhà tiểu thuyết võ hiệp ưu tú nhất sau Kim Dung và Lương Vũ Sinh. Ông đã mở rộng tầm nhìn và không gian của tiểu thuyết võ hiệp, mở ra kỉ nguyên mới, con đường mới của tiểu thuyết võ hiệp. Ông đã tiến hành một sự cách tân và cải tạo triệt để đối với tiểu thuyết võ hiệp truyền thống, mở ra con đường sáng tác kết hợp giữa phương Đông và phương Tây”.
Cổ Long đã từng viết trong tác phẩm Lưu tinh. Hồ điệp. Kiếm: “Chỉ là một vệt lưu tinh, tuy ngắn ngủi nhưng trên bầu trời có vì sao nào chói lọi, huy hoàng bằng nó? Khi xuất hiện lưu tinh thì cả những vì tinh tú được coi là vĩnh hằng bất biến cũng bị lu mờ”. Ai ngờ rằng những dòng văn đó ứng nghiệm với cuộc đời ông. Cổ Long cũng giống như một vệt lưu tinh, tuy tồn tại ngắn ngủi nhưng đã tỏa ánh sáng rực rỡ, tạo thành những ấn tượng vĩnh hằng trong địa hạt văn học võ hiệp
HOÀNG TÙNG