Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012
Bình luận kiếm hiệp: Truyện ngắn kiếm hiệp lịch sử
Khi bàn đến xu hướng sáng tác của những cây bút trẻ hiện nay, chúng tôi thấy nổi lên mấy xu hướng chính. Và sau cùng, đối tượng tôi muốn tập trung bàn đến trong bài viết này là những truyện ngắn lịch sử của một số cây bút trẻ.
Có thể nói phần lớn các cây bút trẻ đến với đề tài lịch sử như một người khách dạo chơi, thoáng qua phút chốc cho thỏa mãn sự tò mò hay chí tang bồng chứ hiếm khi “chịu ăn đời ở kiếp”. Viết vài ba, thậm chí chỉ một truyện ngắn lịch sử xong là họ chuyển sang viết cái khác. Những tác giả có khoảng trên chục truyện ngắn lịch sử như Uông Triều và Hoàng Tùng thuộc dạng “của hiếm”.
Về phương diện nhân vật, ngoài các nhân vật có thật, nổi tiếng trong lịch sử như Trần Thủ Độ, Lê Chân, Hoàng Diệu, Nguyễn Ánh… một số tác giả trẻ còn chú tâm xây dựng các nhân vật hư cấu như quan Tổng trấn Phùng Khắc Sơn trong Hồn Quỳnh của Phùng Văn Khai, Giao Long trong Giao long truyền kỳ của Hoàng Tùng. Ngoài hai kiểu nhân vật kể trên, việc xây dựng nhân vật dựa trên nguyên mẫu nhân vật hư cấu nổi tiếng trong lịch sử như Thúy Vân, Thúy Kiều của Nguyễn Phú cũng là một lựa chọn sáng tạo.
Về đặc trưng truyện, chúng tôi tạm chia các truyện ngắn lịch sử của một số cây bút trẻ thành hai dạng: Tụng sử và luận sử. Tụng sử là dạng thức truyện ngợi ca vẻ đẹp đất nước, những truyền thống, phẩm chất tốt đẹp của dân tộc và chiến công hiển hách, bản lĩnh anh hùng của những nhân vật lịch sử nổi tiếng. Huyền thoại Hạ Long của Uông Triều là câu chuyện viết về mảnh đất Hạ Long xinh đẹp - kỳ quan thiên nhiên thế giới được UNESCO vinh danh hai lần. Qua câu chuyện về người con gái hóa đá ở vịnh, người đọc sẽ cảm nhận được một Vịnh Hạ Long vừa thơ mộng vừa hùng vĩ với biển núi đan xen, giàu có với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, con người Hạ Long thủy chung son sắt. Đoạt mệnh uyên ương liên hoàn cước của Hoàng Tùng ca ngợi tinh thần thượng võ của dân tộc Việt. Hào hùng và bi tráng là hai âm hưởng chủ đạo trong các truyện ngợi ca những vị anh hùng dân tộc.
Nhìn chung, do tính chất “tụng, tán” nên các truyện kiểu này thường có độ giãn cách nhất định với đời sống đương đại. Tính cách nhân vật - dù được tác giả cố gắng đa dạng hóa - nhưng nhìn chung vẫn mang tính đơn tuyến, một chiều, ít mâu thuẫn, ít có sự biến động phức tạp trong nội tâm.
Chỉ đến dạng luận sử, luận bàn về những tồn nghi, những nhân vật có nhiều đánh giá trái chiều trong lịch sử, những hạn chế trên mới được bổ khuyết phần nào. Đặc biệt, trong Đêm nguyên phong và Giao long truyền kỳ, Hoàng Tùng đã lột tả khá thành công những tính cách đa chiều, phức tạp của thái sư Trần Thủ Độ cùng vua Gia Long - Nguyễn Ánh. Những lời đối thoại giữa Trần Thủ Độ và Đô Kình - người nửa đêm vào hành thích mình nhằm trả thù cho vua Lý Huệ Tông - thực sự đã lột tả đầy đủ tính cách của một trong những nhân vật phức tạp nhất trong lịch sử dân tộc. Qua lời đối thoại, hiện lên hình ảnh một Trần Thủ Độ vừa đầy nhẫn tâm khi ép vua Lý Huệ Tông phải tự vẫn để củng cố vững chắc địa vị cho nhà Trần nhưng cũng vô cùng cảm khái khi can vua không nên hàng giặc. Hành động giết chết Giao Long để thu phục lòng đám thảo khấu rồi lập đàn tế lễ sau khi lên ngôi đã phản ánh sự trí trá trong quân cơ của Nguyễn Ánh.
Mặt khác, viết về lịch sử của một dân tộc có truyền thống chống giặc ngoại xâm hào hùng bậc nhất thế giới, các truyện lịch sử đều ít nhiều miêu tả những cảnh chiến trận, những màn đấu võ giữa các cá nhân. Nếu như các tác giả trẻ làm tái hiện phần nào quy mô hoành tráng của những trận “quyết chiến chiến lược” của cha ông ta ngày trước thì những màn tỷ võ họ miêu tả lại chưa làm thỏa mãn người đọc. Một số tác giả trẻ, đặc biệt là Hoàng Tùng đã rất nỗ lực trong việc miêu tả những màn tỷ thí võ nghệ cá nhân. Anh đã mạnh dạn gọi truyện của mình là truyện kiếm hiệp Việt Nam (khi nhìn dòng chữ này chúng tôi mừng như bắt được vàng). Nhưng tiếc là những gì anh miêu tả chưa thật sự hấp dẫn bạn đọc, nhất là với những bạn đọc yêu thích thể loại kiếm hiệp… như chúng tôi.
Ngay cả những màn tỷ võ trong các truyện mà tính kiếm hiệp trội hơn tính văn học như Bảo kiếm truyền kỳ, Linh miêu quyền… dù tác giả đã cố gắng hết sức nhưng là chưa đủ để thuyết phục được những ai đã đọc Kim Dung, Cổ Long, Ngọa Long Sinh… Dẫu vậy với tư cách là bạn đọc yêu văn chương nói chung và thể loại kiếm hiệp nói riêng, chúng tôi rất vui mừng với sự xuất hiện của Hoàng Tùng. Hy vọng sẽ gặp lại anh - và nhiều cây bút nữa thì càng tốt - ở một hướng đi mà chúng tôi nghĩ rằng là khả thể nhất trong việc thu hút bạn đọc tìm đến với văn chương chữ nghĩa: Thể loại tiểu thuyết lịch sử - kiếm hiệp. Tất nhiên là với một tầm mức mới.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét