Thứ Ba, 3 tháng 4, 2012

Bình luận kiếm hiệp: Bình luận Bích Huyết Kiếm


ĐỌC LẠI BÍCH HUYẾT KIẾM

Bích Huyết Kiếm không phải là tác phẩm xuất sắc của nhà văn Kim Dung. Tuy nhiên, tác phẩm đã kết hợp giữa “lịch sử giang sơn” và “dã sử giang hồ”, một hướng đi được Kim Dung thể hiện một cách xuyên suốt trong hầu hết các tác phẩm sau này của ông. Xét về kết cấu truyện, kỹ thuật viết và những chủ đề tư tưởng được tác giả khai thác thì Bích Huyết Kiếm rất đáng được phân tích và bình luận…

1.Giang sơn và giang hồ

Người Trung Quốc thích tổng kết lịch sử thành những quy luật. Chẳng vậy mà kiệt tác “Tam Quốc Diễn Nghĩa” của La Quán Trung bắt đầu bằng một quy luật ngàn đời: “Thế lớn trong thiên hạ tan lâu rồi lại hợp, hợp lâu rồi lại tan”. Bộ tiểu thuyết Bích Huyết Kiếm của nhà văn Kim Dung cũng mang trong mình những quy luật lịch sử như vậy.
Kim Dung vốn là người đa tài. Ngoài khả năng sáng tác xuất chúng, ông còn là một nhà báo sắc sảo, một nhà khảo cứu lịch sử được kính trọng. Ông am hiểu sâu sắc văn hóa lịch sử Trung Quốc. Trong những tác phẩm của mình, Kim Dung đề cập nhiều đến thời kỳ người Mãn Châu xâm chiếm và đô hộ Trung Quốc. Trong mười bốn bộ tiểu thuyết ông viết, có tới năm bộ ông lấy bối cảnh Thanh triều. Ngoài ra, ông còn là tác giả của bộ khảo cứu mang tên Viên Sùng Hoán bình truyện. Bích Huyết Kiếm cũng là một tác phẩm lấy bối cảnh khi triều Minh bắt đầu mạt vận và người Mãn Châu bắt đầu đặt nền móng xây dựng nên Thanh triều.
Do có một thời gian dài làm báo, Kim Dung tiếp xúc nhiều quan điểm và tư tưởng của những triết gia phương Tây. Trong số đó, có lẽ Kim Dung ít nhiều đồng cảm với nhà chính trị - nhà văn Sir John Dalberg-Acton. Bởi một trong những chủ đề xuyên suốt trong những tác phẩm của ông luôn là sự hủ bại của quyền lực. Bích Huyết Kiếm cũng không phải là ngoại lệ. Xét riêng về góc độ lịch sử, bộ tiểu thuyết gần như phản ánh câu nói nổi tiếng của Sir.John Dalberg-Acton: Power tends to corrupt, and absolute power corrupts absolutely – Quyền lực dẫn đến tha hóa và quyền lực tuyệt đối dẫn đến tha hóa tuyệt đối.
Bích Huyết Kiếm là tác phẩm được tác giả Kim Dung viết theo kiểu đăng sê-ri dài kỳ - feuilleton trên Hong Kong thương báo trong suốt cả năm 1956. Nhân vật trung tâm của tiểu thuyết là Viên Thừa Chí, con trai của vị đại tướng chống quân Thanh trong thời Minh mạt là Viên Sùng Hoán. Thái tử quân Mãn Thanh là Hoàng Thái Cực nhiều lần tiến đánh vào Trung Nguyên nhưng đều bị Viên Sùng Hoán chặn đứng. Họ Hoàng mới dùng mưu ly gián khiến vua Sùng Trinh nghi kỵ họ Viên. Vốn bản chất đa nghi và nhỏ nhen, Sùng Trinh trúng mưu và ra lệnh xử tử Viên Sùng Hoán. Trong khi đó, dưới sự cai trị hà khắc và ngu xuẩn của Sùng Trinh, người dân đói khổ, giặc cướp nổi lên khắp nơi, trong đó đáng kể nhất là cuộc khởi nghĩa nông dân của Sấm Vương Lý Tự Thành.
Viên Thừa Chí được thủ hạ của cha cứu sống và nuôi dưỡng bởi những cao thủ bậc nhất. Chàng lớn lên với mối thù mất cha, đồng thời gánh vác trên vai trọng trách giúp đỡ Sấm Vương Lý Tự Thành lật đổ Minh triều. Bước đường lưu lạc khiến chàng học được bản lĩnh võ công tuyệt luân của Kim Xà Lang Quân Hạ Tuyết Nghi, đồng thời rơi vào mối tình tay ba với cô gái xinh đẹp Ôn Thanh Thanh và con gái yêu của vua Sùng Trinh là công chúa A Cửu… Từ đó, nhà văn Kim Dung vẽ nên một câu chuyện sống động, đan lát vào đó khung cảnh mỹ lệ của thế giới giang hồ dựa trên nền bức tường lịch sử thời Minh mạt. Kim Dung cũng khéo léo đưa vào những trang viết của mình hàng loạt những nhân vật lịch sử dưới một góc nhìn sắc sảo.

2.Lịch sử dưới một lăng kính khác

Trong số những nhân vật lịch sử xuất hiện trong Bích Huyết Kiếm, đáng kể nhất là đại tướng của nhà Minh Viên Sùng Hoán, Hoàng đế Sùng Trinh, lãnh tụ khởi nghĩa nông dân Sấm Vương Lý Tự Thành và Thủ lĩnh của người Mãn Châu Hoàng Thái Cực. Trong số đó, đặc sắc nhất phải nói đến hình tượng lịch sử nhân vật Lý Tự Thành.
Trong hai phần ba cuốn tiểu thuyết, ta đều thấy Lý Tự Thành đại diện cho chính nghĩa, cho trăm họ bách tính. Và phía bên kia chiến tuyến, vị Hoàng đế Minh mạt Sùng Trinh hiện ra với một bức tranh hoàn toàn méo mó, không xứng đáng với ngôi ngũ cửu, là nhân vật phản diện điển hình.
Trước tiên, chỉ vì tin lời xiểm nịnh của gian thần, Sùng Trinh vẫn thẳng tay áp dụng hình phạt tàn khốc đối với đại tướng Viên Sùng Hoán. Thực tế lịch sử cho thấy tuy hết lòng bảo vệ người Hán nhưng Viên Sùng Hoán bị chính những người này căm hận vì nghĩ rằng ông tiếp tay cho người Mãn Châu. Khi chịu án lăng trì, người dân tranh nhau ăn tươi nuốt sống từng miếng thịt của ông để trả hận!?! Nhà văn Lỗ Tấn từng viết: “Lịch sử Trung Quốc là lịch sử ăn thịt người” kể ra cũng không ngoa. Sau này, Sùng Trinh còn thể hiện sự tàn bạo của mình bằng hành động vung đao định chém chết con gái ruột của mình là Trường Bình Công chúa A Cửu cho thấy đây là một kẻ tàn nhẫn đến cùng cực.
Ở góc nhìn trái ngược, Sấm Vương Lý Tự Thành hiện lên như một vị lãnh tụ đầy quả cảm. Trong lịch sử, Lý Tự Thành là một nhân vật rất nổi tiếng, gắn với phong trào khởi nghĩa nông dân, được các nhà lịch sử Trung Quốc dành cho nhiều ưu ái. Ở Bích Huyết Kiếm, Lý Tự Thành hiện ra với một hình ảnh đẹp lồng lộng sau khi ông chiếm thành Bắc Kinh. Giữa biển người hò reo cổ vũ, Sấm Vương tuyên bố sang sảng: “Sau khi vào thành, kẻ nào giết hại trăm họ, gian dâm, cướp bóc, lập tức chém đầu, quyết không dung tha!” Lời nói khiến trăm họ khấp khởi vui mừng. Ai cũng nghĩ rằng lịch sử đã sang một trang mới với một đấn minh quân. Ai ngờ, Lý Tự Thành dưới con mắt Kim Dung đã trở thành biểu tượng của sự tha hóa quyền lực. Ngay khi chạm vào quyền lực tuyệt đối, họ Lý đã trở nên tha hóa tuyệt đối, tha hóa không kém gì kẻ vừa bị chính ông lật đổ.
Sau khi vào thành, đám quân hỗn loạn của Sấm Vương không trò bỉ ổi nào không làm, cưỡng bức gái nhà lành, vu cáo cho người lương thiện, cướp bóc của dân chúng. Bản thân Lý Tự Thành khi bước lên ngai vàng lập tức mải mê ăn chơi phè phỡn, rượu ngon gái đẹp suốt đêm ngày. Sự thực là vị Sấm Vương kia khi lên ngôi đã lập tức coi thiên hạ là của mình và cho mình quyền lực tuyệt đối: “Đại vương khi đang đánh chiếm giang sơn thì là dân, bây giờ lấy được thiên hạ, ngồi trên ngai vàng rồi, đã thành chân mệnh thiên tử, đâu còn là thảo dân nữa?” Lịch sử đã cho thấy, quyền lực tuyệt đối luôn gắn với sự tha hóa tuyệt đối. Lý Tự Thành cũng không nằm ngoài quy luật lịch sử nghiệt ngã đó. Kết quả là Lý Tự Thành nghe theo lời xúi bẩy, giết hết nhân tài trong nghĩa quân và bị quân Mãn Châu đánh bại. Xét cho cùng, Lý Tự Thành cũng chẳng hơn gì vị vua u tối Sùng Trinh. Đó là sự trớ trêu của lịch sử. Đôi khi lịch sử khoác cho một vài cá nhân tấm áo rộng quá khổ. Trong trường hợp này, nhiệm vụ tạo lập nên một vương triều mới với giấc mơ cơm no áo ấm cho người dân là một tấm áo quá khổ đối với một con người như Lý Tự Thành.

3.Kỹ thuật “người vắng mặt”

Xét về kỹ thuật trong Bích Huyết Kiếm, có thể thấy Kim Dung đã liên tục sử dụng kỹ thuật viết “người vắng mặt”. Đây là cũng là một kỹ thuật viết được tác giả sử dụng lại nhiều lần trong các tác phẩm khác của ông.
Kỹ thuật “người vắng mặt” được khá nhiều nhà văn sử dụng, trong đó đáng kể nhất phải là nữ văn sĩ Charlotte Brontë trong tác phẩm văn học kinh điển "Jane Eyre". Những người đọc truyện "Jane Eyre" hết sức tò mò về nhân vật Rochester, ông chủ lâu đài Thornfield. Sở dĩ người đọc thích thú với nhân vật này bởi Rochester không xuất hiện trực tiếp mà chỉ hiện lên một cách gián tiếp qua lời kể của những nhân vật khác nhau. Điều này khiến Rochester như hiện ra từ những góc độ khác nhau, tạo ra những ấn tượng khác nhau trước khi thực sự xuất hiện.
Trong lời “Bạt” của bộ tiểu thuyết, Kim Dung đã viết: “Nhân vật chính của Bích Huyết Kiếm thực ra là Viên Sùng Hoán, thứ đến Kim Xà Lang Quân, là hai nhân vật không chính thức xuất hiện trong tác phẩm”. Trong Bích Huyết Kiếm, có ba nhân vật được Kim Dung sử dụng bút pháp “người vắng mặt”. Nhân vật đầu tiên là đại tướng Viên Sùng Hoán qua lời kể của những cận vệ trung thành, vẽ nên hình ảnh một vị tướng quân tài ba lỗi lạc, oai hùng trên chiến trường, hết lòng với binh lính, dốc sức tận trung báo quốc. Nhưng cuối cùng, Viên Sùng Hoán bị chính vua Sùng Trinh ra lệnh chém đầu, bị chính những người dân được ông bảo vệ bấy lâu phỉ nhổ vì “tội phản quốc”. Nhân vật thứ hai là Kim Xà Lang Quân Hạ Tuyết Nghi. Với Hạ Tuyết Nghi, kỹ thuật “người vắng mặt” được Kim Dung đẩy cao hơn một bậc. Nếu như Viên Sùng Hoán được hiện ra với một hình ảnh khá nhất quán thì Hạ Tuyết Nghi qua hồi ức của mỗi người có thể đi từ thái cực “cực thiện” sang “cực ác”. Bang chủ Tiêu Công Lễ cho rằng họ Hạ là một trang đại hiệp, cứu khốn phò nguy, chủ trì công chính. Gia đình nhà họ Ôn thì kể rằng họ Hạ là một tên tham dâm hiếu sắc, giết người tàn bạo. Cuối cùng, không ai biết chàng là kẻ tà hay người chính. Hoặc giả đúng với tên hiệu, chàng mang trong mình cả phong thái tà ác của “Kim Xà” và lãng tử của “Lang Quân”. Nhân vật thứ ba là Sấm Vương Lý Tự Thành. Với Sấm Vương, tác giả để cho người đọc tưởng tượng ra nhân vật này qua sự ủng hộ của những bậc hào kiệt trong giới võ lâm, qua những hành động hiệp nghĩa của những nhân vật trong đội quân khởi nghĩa và những bài ca dân gian ca ngợi ân đức Sấm Vương. Để rồi cuối cùng, khi gặp mặt thực tế, nhà văn có một cuộc lột trần bản chất Lý Tự Thành một cách ngoạn mục.

Nhìn nhận một cách khách quan, khó có thể coi Bích Huyết Kiếm là một tác phẩm văn học võ hiệp xuất sắc. Bản thân so với những tác phẩm sau này của nhà văn Kim Dung, Bích Huyết Kiếm còn có nhiều điểm thua kém. Dẫu sao, đây là tác phẩm trong giai đoạn sáng tác đầu tiên của nhà văn. Nhưng qua một kết cấu truyện chặt chẽ, sự kết hợp giữa lịch sử và võ hiệp một cách nhuần nhuyễn, đặc biệt là tư tưởng mạnh dạn, Kim Dung đã thể hiện được những nét tài hoa của mình, báo hiệu tương lai của một Minh chủ võ lâm trong địa hạt văn học võ hiệp.
HOÀNG TÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét