Thứ Tư, 28 tháng 3, 2012
Bình luận kiếm hiệp; VÕ LÂM TỨ CUỒNG – VĨ CUỒNG HOANG TƯỞNG
VÕ LÂM TỨ CUỒNG – VĨ CUỒNG HOANG TƯỞNG
Chữ “cuồng” trong bài viết này không bao gồm một trong Võ lâm Ngũ Tuyệt là Tây Cuồng Dương Quá. Đơn giản bởi Dương Quá tuy tính tình cuồng ngạo nhưng cũng là người biết trên biết dưới, bản lĩnh võ công cũng thuộc hàng đệ nhất thiên hạ. Bài viết này muốn đề cập đến một khía cạnh khách của chữ “cuồng”. Những nhân vật trong bài đều là những kẻ vĩ cuồng với những tâm thế khác nhau, suy nghĩ khác nhau, tham vọng cũng khác nhau. Từ đó ngõ hầu muốn bàn sâu hơn về căn bệnh vĩ cuồng, một căn bệnh có vẻ như đang ngày một lan rộng trong xã hội.
1. "Chưởng môn nhân phái Tuyết Sơn, Uy Đức tiên sinh Bạch Tự Tại là đại anh hùng, đại hào kiệt, đại hiệp sĩ, đại tông sư đệ nhất kiếm pháp, đệ nhất quyền cước, đệ nhất nội công, đệ nhất ám khí xưa nay!" Đó là lời tung hô mà Bạch Tự Tại bắt lũ đồ đệ của mình phải thuộc lòng khi nhìn thấy lão. Đồ đệ lão nhận xét võ công của Thiếu Lâm rộng lớn tinh thâm còn Thiên Sơn kiếm pháp thì biến ảo vi diệu, lão lập tức đánh chết vì cho rằng kẻ đó ngầm coi bản lĩnh của lão “chỉ” tương đương với Đại sư Phổ Pháp, Chưởng môn phái Thiếu Lâm. Đồ đệ sợ quá nịnh lão: "Đồ nhi e rằng Tổ sư gia cũng không cao minh bằng su phụ", lão cũng vung chưởng đập vỡ sọ vì "Không bằng là không bằng. Sao còn “e rằng”?”. Hai vị đại phu họ Đới và họ Nam đại phu chỉ vì câu nói: “Chẳng lẽ võ công của Uy Đức tiên sinh cao hơn cả Đạt Ma Sư Tổ và Trương Tam Phong hay sao?” cũng vong mạng vì lão cho rằng chữ "chẳng lẽ” chính là nghi ngờ bản lĩnh của lão. Lũ học trò tung hô lão sai nửa câu, lão lập tức đánh chết. Kẻ nào khuyên can, lão đánh cho què chân gãy tay.
Những hành động điên rồ trên cho thấy căn bệnh vĩ cuồng đã ăn sâu vào tâm trí của Bạch Tự Tại. Mà nguyên do căn bệnh vĩ cuồng của lão bắt nguồn từ đâu?
Bạch Tự Tại là Chưởng môn phái Tuyết Sơn. Bản lĩnh thực sự không phải loại tầm thường nhưng tuyệt nhiên cũng chưa đến mức quán tuyệt thiên hạ. Nhưng lão luôn cho rằng mình là đỉnh cao của võ lâm kim cổ, không ai sánh bằng. Nguyên do căn bệnh vĩ cuồng của Bạch Tự Tại xuất phát từ kiến thức nông cạn của lão. Phái Tuyết Sơn nằm trong thành Lăng Tiêu, gần như bó mình trong một không gian nhỏ hẹp. Ở đó Bạch Tự Tại trở thành một dạng Hoàng đế không ngai. Lão lại là người gặp mọi chuyện hanh thông từ nhỏ, không gì muốn mà không đạt được. Về sự nghiệp, lão có cơ duyên được uống linh dược tạo thành nội lực phi thường, trở thành đệ tử giỏi nhất phái Tuyết Sơn và chấp chức Chưởng môn. Về mặt gia đình, lão đắc ý khi vượt qua hàng loạt cao thủ mà lấy được mỹ nhân Sử Tiểu Thúy. Bản thân lão hiếm khi đi lại trên giang hồ, suốt ngày ngồi trên ngôi cao Chưởng môn. Kẻ nào trước lão cũng một lòng khép nép. Một lời nói của lão truyền ra lúc nào cũng được mọi người răm rắp làm theo. Ở môi trường đó lâu ngày, đương nhiên Bạch Tự Tại dần trở thành kẻ độc tài, tự coi mình là kẻ giỏi giang số một, cho rằng mình là kẻ duy nhất đúng. Bệnh vĩ cuồng của lão truyền qua cả bọn đệ tử phái Tuyết Sơn. Bọn đệ tử của lão không biết trời cao đất dày là gì, lúc nào cũng tưởng rằng võ công Tuyết Sơn phái là tuyệt đỉnh võ lâm, coi người khác bằng nửa con mắt.
Những người tự tại cuồng ngạo như Bạch Tự Tại thực ra lại là những kẻ rất kém cỏi khi gặp những trục trặc trong cuộc sống. Người vợ Sử Tiểu Thúy bỏ lão ra đi do không chịu nổi tính cách ngạo mạn thái quá của lão. Khi những cao thủ trên giang hồ như Đinh Bất Tứ đến khiêu chiến, lão cũng đã phần nào lờ mờ nhận ra được giới hạn võ công của mình. Rơi vào trường hợp như vậy, bình thường con người sẽ cố bước ra ngoài vùng an toàn (comfortable zone) để cọ xát mà học hỏi thêm những cái mới. Nhưng Bạch Tự Tại bản tính vốn ngông ngạo. Lão không chịu nổi sự thật đó. Lão chui đầu lại, núp kín trong cái kén an toàn của bốn bức tường thành Lăng Tiêu để yên tâm đắc chí với ngôi vị độc tôn của mình. Để chắc chắn thỏa mãn căn bệnh vĩ cuồng, lão bắt mọi người tung hô và thực sự điên loạn trong ảo tưởng của chính mình.
2. “Tinh Tú lão tiên - Danh lừng Trung Thổ - Đức sánh cửu thiên - Đánh đâu thắng đó”. Lời hát của lũ đệ tử phái Tinh Tú ê a với thanh la chũm chọe cờ xí lô nhô thấp thoáng trong tiểu tuyết Thiên Long Bát Bộ khiến người đọc vừa căm ghét, vừa buồn cười. Căm ghét bởi vì đám đệ tử phái Tinh Tú chính là biểu hiện của thói a dua nịnh hót không biết ngượng mồm. Buồn cười bởi Tinh Tú Lão Quái Đinh Xuân Thu tự coi mình “đức sánh cửu thiên” đã là vĩ cuồng rồi. Lão lại dường như sợ người khác không biết suy nghĩ đó nên bắt lũ đệ tử rêu rao khắp nơi. Đó là dấu hiệu bệnh vĩ cuồng đã vào đến cao hoang, hết cả thuốc chữa. Nếu như Bạch Tự Tại mắc bệnh vĩ cuồng do tầm nhìn kém cỏi, kiến thức hạn hẹp thì Tinh Tú Lão Quái mắc bệnh vĩ cuồng với nguyên nhân khác.
Thực tế Lão Quái Đinh Xuân Thu là người tự biết điểm mạnh điểm yếu của mình. Nhận thấy mình không tài hoa quán tuyệt như các sư huynh sư đệ, không thể bằng thực lực cạnh tranh vị trí Chưởng môn Tiêu Dao phái với quy định khắt khe do Vô Nhai Tử đặt ra, Đinh Xuân Thu đã chỉ tập trung vào duy nhất võ học, bỏ qua những cầm, kỳ, thi, họa. Lão đã chọn cho mình hướng đi phù hợp và trở thành kẻ mạnh nhất của Tiêu Dao phái, đủ sức đả bại sư phụ mà giành lấy ngôi vị Chưởng môn bằng bạo lực.
Bệnh vĩ cuồng của Tinh Tú Lão Quái có nguyên nhân từ thói háo danh của lão. Trên thực tế, bản lĩnh của lão cũng chẳng phải loại tầm thường. Lão cũng tự tách ra khỏi phái Tiêu Dao mà lập ra phái Tinh Tú độc bộ vùng Tây Vực. Nếu như dùng chính bản lĩnh của mình, sớm muộn gì thì lão cũng sẽ “Danh lừng Trung thổ”. Nhưng Đinh Xuân Thu không chịu chờ đợi. Lão muốn danh tiếng của lão phải lập tức chấn động giang hồ.
Tinh Tú Lão Quái cũng lũ đệ tử mỗi lần xuất hiện, người ta tưởng như đó là một đám hề. Mặc cho người khác khó chịu cho rằng chúng chỉ rặt một tuồng mặt dày vô sỉ, coi hành động của chúng “thối như rắm chó”, Lão Quái vẫn bắt bọn đệ tử hát vang bài hát ca ngợi thớ lợ không biết ngượng mồm. Đinh Xuân Thu chính là kẻ háo danh đến cùng cực. Không ai khen, lão tự khen. Không ai chịu xưng tụng, lão bắt đệ tử xưng tụng. Mọi người coi lão là “Lão Quái”, lão tự coi mình là “Lão Tiên”. Không ai chú ý, lão dùng cờ quạt thanh la não bạt để gây chú ý, đi đến đâu cũng tung hô: “Thần thông quảng đại”, "Pháp lực vô biên", "Uy chấn thiên hạ"…
Bệnh vĩ cuồng đã khiến Tinh Tú Lão Quái không nhận ra rằng những lời tung hô trên chỉ là giả trá. Lão không nhận ra được rằng kẻ nịnh hót ta ngày hôm nay, ngày mai có thể sẽ là kẻ đầu tiên phỉ nhổ khi ta thất thế. Ngay sau khi Đinh Xuân Thu bị Hư Trúc đánh bại ở chùa Thiếu Lâm, lũ đệ tử đã lập tức quay ngoắt lại, chửi rủa lão tàn tệ: “ánh lửa đuốc đèn mà đòi tranh với vầng nhật nguyệt”, “tâm tính lươn lẹo, tà ác gian manh” và xin Hư Trúc mau xử tử Lão Quái để trừ ác cho thiên hạ. Rốt cuộc kẻ vĩ cuồng đó đã phải nhận một kết cục cay đắng bởi cái hư danh dựa trên sự nịnh bợ khoa trương sẽ tan nhanh như bọt nước mà thôi.
3. "Giáo chủ thiên thu vạn đại, nhất thống giang hồ" – Lời tung hô của giáo chúng Nhật Nguyệt Thần Giáo dành cho Đông Phương Bất Bại lúc trước khiến cho Nhậm Ngã Hành cảm thấy vô cùng khó chịu. Nhưng sau khi đoạt lại ngôi vị Giáo chủ, ngồi trên ngôi cao ở Hắc Mộc Nhai, lão lại cảm thấy hiu hiu tự đắc. Lời xưng tụng đó ảnh hưởng đến lão ra sao? “Nhất thống giang hồ” chính là giấc mơ một đời của lão. Còn “Thiên thu vạn đại” thì lão cũng đã thừa nhận, chỉ là chuyện láo toét! Nhưng khi những lời xưng tụng được lặp đi lặp lại, lão lại thấy dần dần nó có phần… hợp lý. Đó chính là giây phút căn bệnh vĩ cuồng đã nảy mầm trong tâm trí lão.
Trong số những nhân vật tham vọng quyền lực, Nhậm Ngã Hành xứng đáng được coi là nhân vật để lại nhiều ấn tượng nhất. Lão là kẻ tâm cơ mưu lược, hào khí ngút trời, trong cái gian giảo vẫn lẫm lẫm hùng tâm khiến người ta vừa nể sợ, vừa thích thú. Căn bệnh vĩ cuồng của lão hoàn toàn không phải từ thói hư danh như Tinh Tú Lão Quái, cũng không phải từ sự kém cỏi trong nhận thức như Bạch Tự Tại. Căn bệnh đó xuất phát chính từ tham vọng đến mức ngông cuồng không giới hạn của lão.
Khi giành lại vị trí của Giáo chủ ở Hắc Mộc Nhai, căn bệnh vĩ cuồng đã dần xâm thực tâm hồn lão, khiến lão trở nên xa hoa và cuồng ngạo. Lên núi Hoa Sơn, “lão sắp đặt hành trang tựa hồ đức Hoàng Ðế ngự giá tuần du. Bọn giáo chúng trống dong cờ mở, âm nhạc vang lừng”. Những lời tung hô xưng tụng ngày một thể hiện sự vĩ cuồng: “Nhậm đại giáo chủ văn thánh võ đức, ơn khắp lê dân”, “Nhậm giáo chủ trung hưng thánh giáo, thọ với núi non!”. Căn bệnh vĩ cuồng của Nhậm Ngã Hành vì thế mà phát tác mỗi lúc một phát tác dữ dội.
Đương nhiên khi ở trên đỉnh cao danh vọng, người ta sẽ phải tiếp xúc với đủ các loại lời khen ngợi. Kẻ tỉnh táo là kẻ phân biệt được đâu là nịnh bợ, đâu là ngợi khen thật lòng. Thuộc hạ tung hô mưu trí của lão giỏi hơn Gia Cát Lượng, Nhậm Ngã Hành tự nhủ: “Họ nói thế kỳ thực cũng đúng. Gia Cát Lượng võ công cố nhiên không địch nổi ta, sáu lần ra Kỳ Sơn mà không lập được công trạng gì, nói về mưu trí, không lẽ bằng nổi ta ư?” Thuộc hạ ngợi khen võ công lão giỏi hơn Quan Vân Trường, lão nghĩ ngợi: “Quan Vân Trường qua năm cửa ải, chém sáu tướng, quả là thần dũng. Nhưng nếu đơn đả độc đấu, làm sao thắng nổi Hấp tinh đại pháp của ta?”. Thậm chí khi được so sánh với Khổng Tử, lão dương dương tự đắc: “Khổng Phu Tử thì đệ tử không quá ba ngàn người, trong khi giáo chúng của ta đâu phải chỉ có ba vạn? Khổng Phu Tử thống lĩnh ba ngàn đệ tử hớt hải chạy đông chạy tây, bị cạn lương ở đất Bái, bó tay chịu chết. Ta thì thống lĩnh mấy vạn giáo chúng, tung hoành thiên hạ, muốn sao được vậy, chẳng ai ngăn nổi. Tài trí của Khổng Phu Tử mà đem so với Nhậm Ngã Hành ta thì còn kém xa". Đến lúc này thì rõ ràng Nhậm Ngã Hành đã bị căn bệnh vĩ cuồng ăn đến tận căn gốc, chẳng thể nào chữa nổi. Cả một đời cuồng vọng, dùng Hấp Tinh Đại Pháp thu thập chân khí của đối thủ, cuối cùng Nhậm Ngã Hành lại bị chính những luồng chân khí đó giết chết. Cái chết của Nhậm Ngã Hành để lại cho nhiều người sự tiếc nuối bởi tuy là một kẻ vĩ cuồng cao ngạo nhưng y vẫn là một kẻ tâm cơ anh hùng, khí khái lẫm lẫm xứng đáng là một tài năng hiếm có cổ kim.
4. "Hồng giáo chủ vạn năm không già, phúc tiên mãi hưởng, thọ sánh ngang trời!". "Hồng giáo chủ thần thông quảng đại”. “Hồng giáo chủ thần mục như điện, chiếu sáng bốn phương”. Tất cả những câu ca ngợi ngoa ngôn trên đều xuất phát từ miệng của chúng giáo Thần Long giáo nhằm ca ngợi Giáo chủ Hồng An Thông. Hai tác phẩm Tiếu Ngạo Giang Hồ và Lộc Đỉnh Ký được tác giả chắp bút khi chủ nghĩa sùng bái cá nhân đang lan rộng. Hình tượng Nhậm Ngã Hành và Hồng An Thông chính là một trong những nguyên nhân khiến cho tác phẩm của Kim Dung bị cấm phát hành tại cả Trung Quốc và Đài Loan. Nguyên cơ căn bệnh vĩ cuồng của Hồng An Thông có điểm khác biệt. Họ Hồng không ngu dốt như Bạch Tự Tại, không háo danh như Đinh Xuân Thu, không hùng tâm như Nhậm Ngã Hành. Căn bệnh vĩ cuồng của lão xuất phát từ sự lừa dối mọi người lâu ngày thành sự lừa dối chính bản thân.
Khác hẳn với những nhân vật mắc bệnh vĩ cuồng khác, ta thấy Hồng An Thông đã rất thành công khi có những tín đồ coi lão như thánh nhân. Lão trở thành niềm tin tinh thần lớn lao cho đệ tử Thần Long giáo. Khi giáo chúng lâm trận gặp địch nhân, chúng niệm chú: "Hồng giáo chủ vạn năm không già, phúc tiên mãi hưởng, thọ sánh ngang trời!" "Hồng giáo chủ thần thông quảng đại, giáo phái ta đã đánh là thắng, kẻ địch mạnh mấy, vững mấy cũng phải sụp đổ" rồi lao vào trận đấu như một con thiêu thân, sức mạnh cuồng loạn như nhập đồng không kể sống chết. Họ Hồng đã gieo rắc niềm tin mù quáng vào tâm hồn lũ đệ tử nhằm xây dựng hình ảnh của mình như một vị thánh.
Thực tế Hồng An Thông tự biết lão không phải là thần nhân. Lão quen thói lừa mị lâu ngày, đóng giả vai thần thánh thành ra tin mình là thần thánh thật sự tự lúc nào chẳng biết.
Thần Long giáo chỉ mượn danh tôn giáo. Hồng An Thông cũng chỉ là kẻ mượn danh thần thánh mà thôi. Nhìn sâu vào nội tại của Thần Long giáo, ta thấy ở đây là hình thái của một dạng hội kín chính trị. Hồng An Thông xét cho cùng là một kẻ làm chính trị độc tài giỏi mỵ dân. Đệ tử Thần Long giáo khi xung trận trở nên điên cuồng liều chết đơn giản bởi nếu thua trận, chúng sẽ chịu sự trừng phạt tàn bạo gấp trăm lần từ giáo chủ. Họ Hồng cũng chẳng phải là thần thánh gì hết khi một lòng câu kết hết với Ngô Tam Quế tạo phản rồi liên hệ với quân Nga Ta Lư để mong mỏi chia sẻ quyền lực chính trị sau này. Lão thực tế chỉ mượn danh con bài tôn giáo mà phục vụ cho những mục đích cá nhân của chính mình dựa trên sự ngây thơ và xuẩn tín của đám đệ tử. Điều đáng nói là cho đến khi chết, lão cũng đã trở nên mê muội chẳng kém gì lũ đệ tử: "Các ngươi đều sai, chỉ có ... chỉ có mình ta đúng. Ta muốn giết chết tất cả các ngươi, chỉ một mình ta mới'... mới phúc tiên mãi hưởng ... thọ... thọ sánh ngang ... trời".
Qua hình tượng bốn nhân vật cùng mắc một căn bệnh vĩ cuồng nhưng với những nguyên nhân rất khác nhau, Kim Dung đã cho thấy tài năng đặc biệt của mình. Từ Bạch Tự Tại cho đến Hồng An Thông, vẫn một căn bệnh đó nhưng mỗi người một vẻ để rồi hịu những kết cục khác nhau. Những hình ảnh đó đến nay vẫn còn có giá trị nhất định. Chỉ cần hàng ngày đọc qua vài trang báo, chúng ta đã có thể nhận ra hàng loạt những phát ngôn đầy hơi hướng hoang tưởng vĩ cuồng. Phải chăng Kim Dung đã tiên đoán trước được phần nào sự lan tràn của căn bệnh này từ khi nó còn nguyên khởi mà tạo dựng nên những hình ảnh những con bệnh vĩ cuồng nhằm cảnh báo đến xã hội ngày nay?
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét