Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2012
Cổ Long: Nhà cách tân tiểu thuyết võ hiệp
CỔ LONG: NHÀ CÁCH TÂN VĂN HỌC VÕ HIỆP
Tiểu Lý Phi Đao thành tuyệt hưởng
Nhân gian bất kiến Sở Lưu Hương
Câu đối liễn của nhà văn Kiều Kỳ trong đám tang nhà văn Cổ Long
Nói đến văn học võ hiệp, người ta thường nhắc đến Kim Dung với tôn xưng là Võ lâm minh chủ. So sánh được với Kim Dung trong địa hạt tiểu thuyết võ hiệp có lẽ chỉ có Cổ Long. Bài viết này xin giới thiệu Cổ Long ở một góc nhìn khác biệt. Đó là hành trình của một nhà văn trẻ vốn học vấn thấp, xuất phát điểm thấp nhưng bằng trí thông minh và tài năng phi thường đã sáng tạo ra hàng loạt nhân vật truyền kỳ, tạo nên những hướng đi cực kỳ mới mẻ cho văn học võ hiệp…
1.Cổ Long: Nhà cách tân võ hiệp
Cổ Long (1937–1985), tên thật là Hùng Diệu Hoa, là nhà văn danh tiếng bậc nhất của Đài Loan. Cổ Long bước chân vào trường văn trận bút với những nhược điểm lớn. Thứ nhất: ông không có được kiến thức về lịch sử văn hóa uyên thâm như những nhà văn võ hiệp khác. Cổ Long nhà nghèo, số phận bấp bênh, phải bỏ học sớm, quăng quật xã hội sớm. Thứ hai: văn học võ hiệp lúc đó (đầu những năm 1960) đã đạt được những thành tựu lớn. Ngoài Kim Dung, Lương Vũ Sinh, hàng loạt những nhà văn khác như Tư Mã Linh, Ngọa Long Sinh v.v… đều là những danh gia với nhiều tác phẩm đồ sộ khiến nhiều nhà văn trẻ không khỏi nhụt chí khi đứng trước những tên tuổi lừng lẫy. Thứ ba: văn học võ hiệp sau những đỉnh cao đã bắt đầu cho thấy sự sa sút, bí bách về mặt đề tài, về phương thức thể hiện. Các tác phẩm bắt đầu của những nhà văn lớp sau phần lớn đều mang tính mô phỏng, thiếu cá tính và thể hiện sự nhợt nhạt trông thấy.
Ở thời điểm đó, văn học võ hiệp cần một nhà cách tân quyết liệt. Không ai ngờ, người gánh vác công việc nặng nhọc đó lại là nhà văn vô danh Cổ Long. Sự lựa chọn thông minh trong hướng đi và đổi mới trong phong cách viết đã khiến ông nhanh chóng thăng tiến, lần lượt vượt qua những danh gia như Ngọa Long Sinh, Tư Mã Linh, chiếm ưu thế hơn hẳn so với Lương Vũ Sinh và được nhiều người so sánh ngang hàng với Võ lâm minh chủ Kim Dung.
Nhìn vào hành trình sự nghiệp của Cổ Long, ta sẽ gần như thấy được toàn bộ nhưng ưu khuyết điểm của một nhà văn tài năng, từ quá trình từ mô phỏng đến tìm tòi sang tạo và quyết liệt tạo dấu ấn riêng. Đó là một hành trình rất đáng để các nhà văn trẻ nhìn vào và học hỏi và nghiên cứu.
2.Khai đường mở lối
Sở dĩ Cổ Long có được một dấu ấn không thể phai nhòa trong địa hạt văn học võ hiệp bởi ông là người khai thông những bế tắc, mở lối cho văn học võ hiệp đến những sự kết hợp thú vị, mang lại một nguồn sinh khí mới mẻ cho dòng văn học này.
Cổ Long đương nhiên là một nhà văn tài hoa. Tuy nhiên, sự thông minh của ông mới là tác nhân chính tạo nên một Cổ đại hiệp lừng lẫy sau này. Như ta đã biết, Cổ Long khởi đầu sự nghiệp viết văn với xuất phát điểm rất thấp. Thoạt nhiên, ông đơn thuần là người viết thuê theo đề cương có sẵn của những nhà văn nổi tiếng. Sau một thời gian viết theo đề cương, Cổ Long nhanh chóng học hỏi được một số mô thức sáng tác và bắt đầu chấp bút viết nên những tác phẩm của mình. Trong vòng 5 năm đầu tiên của sự nghiệp cầm bút (1960 - 1965), Cổ Long đã thể hiện một sức viết khủng khiếp với 17 bộ tiểu thuyết võ hiệp, bắt đầu tạo được sự chú ý nhất định từ phía độc giả và các NXB. Tuy nhiên, ở thời kỳ này, các tác phẩm của ông phần lớn đều mô phỏng các danh gia khác, không có gì đặc sắc và nổi trội.
Khi có danh phận nhất định, Cổ Long không chấp nhận những gì đã đạt được. Ông có một bước ngoặt lớn về tư tưởng sáng tác. Cổ Long đã nhân thấy những đặc tính tiêu biểu của tiết thuyết võ hiệp: “Ưu điểm lớn nhất của tiểu thuyết võ hiệp là nó có thể bao quát mọi điều, thu thập kiến thức từ mọi nơi. Ta có thể tả chuyện tình trong tiểu thuyết võ hiệp, nhưng lại không thể tả võ hiệp trong tiểu thuyết tình cảm”. Cổ Long muốn gạt bỏ cái cũ, mở ra con đường mới: “Ảnh hưởng của Kim Dung trên cả một thời đại của thiểu thuyết võ hiệp không ai có thể bì kịp. Phong cách tiểu thuyết của ông có thể hấp dẫn nhiều độc giả. Tuy nhiên tiểu thuyết võ hiệp cũng đã đến giai đoạn cần phải canh tân, cần biết hóa. Tình tiết không còn cách nào biến hóa thêm nữa, tại sao không biến ra cách khác, miêu tả thử tình cảm con người, xung đột giữa các tính cách. Từ cái xung đột đó, sẽ chế ra những cao trào”.
Cổ Long tự nhận thấy điểm yếu của mình đồng thời cũng nhận ra những điểm mạnh mà các nhà văn võ hiệp khác không có. Tuy học vấn thấp nhưng Cổ Long lại thành thạo ngoại ngữ. Lĩnh vực văn học phương Tây được ông yêu thích nhất là văn học trinh thám dường như chưa hề được khai thác trong văn học võ hiệp. Đây là yếu tố quyết định dẫn đến sự thành công của Cổ Long. Ông đã viết: “Chiến tranh và Hòa bình viết về những tao loạn và xung đột thiện ác ở một thời đại lớn. Người đàn bà bé nhỏ viết viết về những bồng bột tuổi trẻ và niềm vui. Ông già và biển cả viết về giá trị của lòng dũng cảm và sự đáng quý của sinh mệnh. Những câu truyện như thế, những cách viết như thế, tiểu thuyết võ hiệp có thể dùng, sao không có ai dùng thử?”
Những tác phẩm tiếp theo của Cổ Long như Võ lâm ngoại sử, Tuyệt đại song kiêu, Sở Lưu Hương hệ liệt, Đa tình kiếm khách vô tình kiếm, Tiêu Thập Nhất Lang, Lục Tiểu Phụng hệ liệt v.v… đã gây chấn động. Chưa bao giờ người ta lại thấy một tư duy lạ đến vậy trong những tác phẩm võ hiệp. Những mẫu hình mẫu anh hùng của Cổ Long hoàn toàn khác biệt. Người ta thấy thấp thoáng trong những nhân vật của Cổ Long hình ảnh của chàng điệp viên siêu hạng James Bond 007, thám tử lừng danh Shelock Holms xứ sương mù, siêu tội phạm Phantomat. Cổ Long không ngại ngần thừa nhận sự ảnh hưởng này: “Nếu bạn bị một tác phẩm của một người làm cho hấp dẫn và cảm động, lúc bạn viết chuyện thường sẽ không tự chủ được mà mô phỏng. Nhưng tôi không sao y bản chính. Nếu có thể đem những nhân vật vĩ đại của những kiệt tác vào tiểu thuyết võ hiệp, dù cho có bị người ta mắng chửi chê cười, tôi cũng chịu cam tâm tình nguyện. Tiểu thuyết võ hiệp hiện tại cần nhất những nhân vật vĩ đại. Lại càng nên mô tả những khiếm khuyết của những con người vĩ đại” Chính vì thế, người hùng của Cổ Long sống phá cách, tư duy hiện đại, tận hưởng những hoan lạc của cuộc sống. Những mẫu hình nhân vật như Sở Lưu Hương, Lục Tiểu Phụng hoàn toàn khác biệt những mẫu hình cổ điển như Quách Tĩnh, Dương Quá, Trương Vô Kỵ khiến người đọc hứng thú cao độ. Cổ Long cũng chắp nối dòng văn học trinh thám của phương Tây và văn học võ hiệp Phương Đông, khai mở ra một hướng đi đầy mới mẻ của văn học.
Nhưng không dừng ở đó, Cổ Long còn vứt bỏ hoàn toàn lối văn chương bạch thoại thêu gấm dệt hoa có phần dài dòng của văn học chương hồi cổ điển. Lối hành văn của ông rất nhanh, mạnh, ngắn gọn nhưng chặt chẽ, mang tinh hoa của lối văn tối giản - minimism của phương Tây. Điều này giúp Cổ Long có một giọng điệu riêng, không hể pha lẫn trong địa hạt văn học võ hiệp.
Ngoài ra, văn chương Cổ Long rất giàu chất điện ảnh. Tiểu thuyết của Cổ Long được chia cắt thành từng tầng lớp, từng scene rất rõ ràng. Kết mỗi chương hồi là một mâu thuẫn được giải quyết đồng thời lại đặt ra một vấn đề mới chờ được giải quyết. Cách viết truyện như vậy rất hợp dựng thành phim truyện. Chính điện ảnh cũng đã trở thành một bệ phóng giúp tên tuổi Cổ Long thăng hoa. Trong số những nhà văn viết truyện võ hiệp, Cổ Long đã trở thành một nhà văn viết kịch bản đắt khách nhất. Đồng thời, chưa từng có nhà văn võ hiệp nào có tác phẩm được dựng thành phim nhiều như Cổ Long.
Một “đặc sản” của dòng văn học võ hiệp là những trận đấu võ cũng đã được Cổ Long cải tiến triệt để. Nếu như trước đó, những trận đấu khốc liệt đều được trình bày một cách chi tiết, các chiêu thức võ công đều được mô tả một cách kỹ lưỡng thì Cổ Long gạt bỏ toàn bộ. Những cao thủ của Cổ Long khi đối mặt với nhau chỉ không quá vài chiêu, thậm chí trong tích tắc đã phân thua thắng bại. Ông không nhấn vào chiêu thức mà nhấn vào tâm lý nhân vật trước cuộc đấu. Chính vì thế, những trận đấu võ của Cổ Long không phải là đấu võ mà là một cuộc chiến tâm lý được mô tả cực kỳ tinh tế, tạo thành một phong vị đặng trưng Cổ Long.
Với những cách tân táo bạo đó, Cổ Long đã thực sự vươn mình trở thành một hiện tượng chói sáng của văn học võ hiệp, trở thành một trong những đệ nhất tác gia, được nhiều người đặt ngang hàng với Minh chủ võ lâm Kim Dung. Bản thân Kim Dung cũng rất trân trọng tài năng của chàng trai Cổ Long. Khi còn là chủ bút của tờ Minh Báo, Kim Dung đã trân trọng viết thư mời Cổ Long viết truyện đăng dài kỳ trên báo của mình. Cổ Long nhận được lời mời của Kim Dung đã hào sảng viết nên bộ Lục Tiểu Phụng, một trong những đỉnh cao sáng tác của ông.
3.Những hạn chế của Cổ Long
Cuộc đời sáng tác của Cổ Long là một tấm gương phản ánh trung thực những cung bậc cảm xúc cực kỳ đa dạng mang đầy đủ những thăng trầm của một nhà văn tài hoa: Khát khao vươn lên khẳng định mình mạnh mẽ, đạt được những thành công vô tiền khoáng hậu trong giới văn chương, choáng ngợp với hào quang và trở nên lười biếng khiến phong độ tụt dốc, tự lặp lại mình khi hết mục tiêu phấn đấu. Cuộc đời của Cổ Long đi đúng theo một đồ thị biến thiên như vậy.
Số lượng tác phẩm của Cổ Long đứng vào hàng nhiều nhất trong số những nhà văn viết truyện võ hiệp. Theo thống kê, trong 24 năm cầm bút, ông có cả thảy 79 bộ tiểu thuyết, chưa kể hàng loạt kịch bản phim, bài phê bình văn học. Di sản văn học của ông để lại không khỏi khiến người đọc cảm ngưỡng trước một sức sáng tác mãnh liệt.
Tuy nhiên, Cổ Long có những nhược điểm chết người. Nhiều độc giả thường so sánh Cổ Long với Kim Dung. Nhìn nhận một cách công bằng, ta phải thấy được Kim Dung tuy số lượng tác phẩm ít hơn nhưng chất lượng tác phẩm cao hơn. Trong số 14 bộ tiểu thuyết của Kim Dung, gần một nửa trong số đó có thể được coi là những kiệt tác hàng đầu của kho tàng văn học võ hiệp. Trong khi đó, tuy số lượng tác phẩm nhiều hơn nhưng những tác phẩm có thể xếp hàng giai tác của Cổ Long không nhiều. Thời kỳ đầu, ông phần lớn mô phỏng các tác gia khác. Sau những tác phẩm đỉnh cao, ông lại tự lặp lại chính mình.
Ngoài ra, do nhiều lý do, có thể vì sự thúc bách về mặt tài chính, sự hao hụt về sức khỏe hay sự lười biếng về tư duy, Cổ Long sau này cũng viết đề cương và cho những “đệ tử” của mình hoàn thành tác phẩm. Khá nhiều tác phẩm mang tên Cổ Long nhưng thực ra ông chỉ đưa ra ý tưởng còn người viết thực sự lại là người khác. Việc bán “thương hiệu” như vậy đem lại cho Cổ Long nhiều tiền hơn nhưng cũng làm cho tác phẩm của ông trở nên tạp nham hơn rất nhiều. Chính Kim Dung, tuy rất trân trọng tài năng của Cổ Long nhưng cũng phải nhận thấy Cổ Long có một khuyết điểm lớn đó là sự thiếu kiên trì. Ông viết nhiều nhưng viết ẩu, thậm chí cẩu thả và dễ dãi khiến tác phẩm có rất nhiều những hạt sạn khó nuốt.
Tuy tác phẩm có nhiều sạn nhưng nhiều người vẫn thấy tiếc nuối cho Cổ Long. Thực ra, với năng suất “đẻ nhiều và đẻ dày” như Cổ Long, tác phẩm có sạn là điều tất yếu. Bản thân những tác phẩm của Kim Dung trong lần viết đầu đăng dài kỳ trên báo cũng có nhiều lỗi. Nhưng Kim Dung đã biết ngưng lại. Sau tác phẩm đề đời Lộc Đỉnh Ký, Kim Dung đã tuyên bố “phong bút” và dành liên tục 10 năm ròng để chỉnh sửa lại những tác phẩm của mình, bổ khuyết những sai sót, chỉnh sửa lại văn từ, thêm vào những kiến thức văn hóa, nâng tầng tác phẩm của ông lên hàng giai tác, sánh ngang với những tác phẩm lớn nhất của Trung Quốc trong thế kỷ 20. Cổ Long không có được sự may mắn như Kim Dung. Ông không có được thời gian để chỉnh sửa lại những tác phẩm của mình do ông qua đời quá sớm khi mới 48 tuổi sau những tháng ngày tàn phá sức khỏe của mình bằng rượu mạnh và những cuộc vui thâu đêm suốt sáng.
4.Vĩ thanh
Nhà nghiên cứu tiểu thuyết võ hiệp Trần Mặc nhận định: “Cần phải khẳng định rằng Cổ Long là một nhà cách tân tiểu thuyết võ hiệp . Ông là nhà tiểu thuyết võ hiệp ưu tú nhất sau Kim Dung và Lương Vũ Sinh. Ông đã mở rộng tầm nhìn và không gian của tiểu thuyết võ hiệp, mở ra kỉ nguyên mới, con đường mới của tiểu thuyết võ hiệp. Ông đã tiến hành một sự cách tân và cải tạo triệt để đối với tiểu thuyết võ hiệp truyền thống, mở ra con đường sáng tác kết hợp giữa phương Đông và phương Tây”.
Cổ Long đã từng viết trong tác phẩm Lưu tinh. Hồ điệp. Kiếm: “Chỉ là một vệt lưu tinh, tuy ngắn ngủi nhưng trên bầu trời có vì sao nào chói lọi, huy hoàng bằng nó? Khi xuất hiện lưu tinh thì cả những vì tinh tú được coi là vĩnh hằng bất biến cũng bị lu mờ”. Ai ngờ rằng những dòng văn đó ứng nghiệm với cuộc đời ông. Cổ Long cũng giống như một vệt lưu tinh, tuy tồn tại ngắn ngủi nhưng đã tỏa ánh sáng rực rỡ, tạo thành những ấn tượng vĩnh hằng trong địa hạt văn học võ hiệp
HOÀNG TÙNG
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét