Thứ Tư, 25 tháng 1, 2012

BÌNH LUẬN KIẾM HIỆP: Tiểu luận về Văn học kiếm hiệp Việt Nam


Nếu như những tác phẩm văn học võ hiệp (VHVH) tại Phương Tây được đánh giá khá cao, thậm chí không ít trong số đó đã trở thành những tác phẩm kinh điển thì tại châu Á, những tác gia theo đuổi con đường VHVH hiếm khi được thừa nhận một cách thỏa đáng. Danh gia nổi tiếng bậc nhất của dòng văn học này là Kim Dung cũng chỉ mới được giới học giả chính thống của Trung Quốc chấp nhận xét lại trong khoảng hơn mười năm trở lại đây, nghĩa là sau khi ông đã ngừng viết gần ba mươi năm và tác phẩm của ông được đông đảo bạn đọc trên khắp thế giới ngưỡng mộ.
Ở nước ta, VHVH đã trải qua rất nhiều thăng trầm. Những tài liệu còn lại về dòng văn học này là khá hiếm hoi và hầu như không có một hệ thống nào lưu trữ một cách tương đối tươm tất. Tuy nhiên, hàng loạt những trang web, những diễn đàn… được những người hâm mộ tạo lập với hàng chục ngàn thành viên tham gia đã cho thấy sức hút của VHVH tại Việt Nam. Và VHVH thực sự vẫn là một mảnh đất tiềm năng đang chờ đợi những tác giả đam mê thử bút.


1.VHVH, từ phương Đông…

VHVH là một trong những mảng đề tài lớn của văn học thế giới. Như một mẫu số chung về mặt tâm lý, hình tượng những hiệp khách với bản lĩnh phi thường, tang bồng nơi chân trời góc bể, trừ gian diệt bạo, cứu khốn phò nguy luôn là một mơ ước đối với bất kỳ nền văn hóa nào. Dẫu sao, nói đến cái nôi của VHVH, ta phải nói đến phương Đông, cụ thể là Trung Quốc. Với truyền thống võ hiệp lâu đời làm nền tảng, cho đến ngày nay, đây vẫn là mảnh đất màu mỡ của VHVH. Ở chiều tương tác ngược lại, võ hiệp trong đó có VHVH đã trở thành một bộ phận cấu thành bản sắc văn hóa của Trung Quốc. Nó cũng tạo thành một trong những điểm nhận dạng của nền văn hóa này với phần còn lại của thế giới.
Trong bài khảo luận mang tên “Nói đến võ hiệp”, nhà văn kiếm hiệp nổi tiếng là Cổ Long nhận định rằng tinh thần võ hiệp đã có từ rất sớm trong văn học Trung Quốc. Thiên Du Hiệp truyện của Thái sử công Tư Mã Thiên có thể được coi là áng VHVH đầu tiên. Với bút pháp hào sảng trầm hùng, ý nghĩa tầng tầng lớp lớp, Tư Mã Thiên đã ghi lại câu truyện truyền kỳ về những kẻ du hiệp, sống ngoài vòng pháp luật, dùng cái dũng khí và bản lĩnh nam nhi của mình mà nổi danh thiên hạ. Những nhân vật đó đã tạo nên thế lực lớn trong xã hội đương thời khiến giới quan lại triều đình cũng phải kiêng dè e nể.
Sau này, nhiều nhà văn, nhà thơ đã viết nên những câu chuyện với nồng độ võ hiệp đậm đặc hơn. Thi tiên Lý Bạch ngoài việc là một nhà thơ kiệt xuất còn là một lãng tử tay cầm bầu rượu, tay cầm bảo kiếm đi khắp Trung Quốc với hàng chục bài thơ ca ngợi vẻ đẹp của kiếm và tinh thần võ hiệp. Hay khi Thi thánh Đỗ Phủ mô tả kiếm thuật của Công Tôn đại nương với câu: “Nhất vũ kiếm khí động tứ phương” đã kích thích trí tưởng tượng của những nhà viết VHVH cao độ. Câu chuyện về “kiếm khí” sau này xuất phát trong những câu truyện võ hiệp có lẽ cũng bắt đầu từ đây. Chuyện kết hợp giữa kiếm pháp và thư pháp tưởng như chỉ xuất hiện ở những tác phẩm võ hiệp hiện đại nhưng thực ra Thư thánh Trương Húc đã từng viết: “Khi xem Công Tôn đại nương múa kiếm, tôi mới lĩnh hội được thần và ý cho thư pháp”.
Đến thời Minh - Thanh, tiểu thuyết Trung Quốc đã có những bước nhảy vọt đáng kể cả về mặt lượng và chất. Hàng loạt những tác phẩm kinh điển của văn học Trung Quốc ra đời trong thời kỳ này. Trong số đó, khá nhiều tuồng tích mang đậm chất võ hiệp ra đời. Có thể kể ra những trường đoạn nổi tiếng như Võ Tòng đả hổ (Thủy Hử - Thi Nại Am) hay Thất Hiệp Ngũ Nghĩa (khuyết danh) nói về những câu truyện truyền kỳ của Bao Thanh Thiên Bao Chửng và kiếm pháp vô song của Nam hiệp Ngự miêu Triển Chiêu làm nức lòng người đọc biết bao thế hệ.

2…sang phương Tây

Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, Anh và Pháp là hai quốc gia đã có những đóng góp đáng kể nhất cho dòng VHVH.
Một trong những hình tượng võ hiệp xuất hiện khá sớm của văn học phương Tây chính là chàng vua trộm rừng xanh Robin Hood của vùng Nottingham. Những câu truyện truyền kỳ về chàng vua trộm hào hoa sống ngoài vòng pháp luật trong khu rừng Sherwood đã manh nha xuất phát trong dân gian nước Anh từ thế kỷ 15. Trong hàng trăm năm, người dân đã tô vẽ tạo nên một hình tượng Robin Hood đầy lôi cuốn và rất sống động, thậm chí còn sống động hơn nhiều nhân vật lịch sử cùng thời. Robin Hood là mẫu hình nhân vật võ hiệp điển hình với kiếm pháp siêu quần, đặc biệt là tài năng bắn cung bách phát bách trúng. Chàng tuy là kẻ cướp, bị triều đình truy nã nhưng lại được người dân yêu mến do chàng luôn đứng về phía những người thấp cổ bé họng, chống lại chế độ thuế khóa hà khắc của nhà vua tàn bạo. Trên một góc độ nào đó, Robin Hood chính là nơi người dân gửi gắm vào đó những ước mơ của mình. Chính vì thế, Robin Hood đã trở thành một trong những hình tượng văn học dã sử dân gian sống động bậc nhất của lịch sử văn học Anh quốc.
Trong khi đó, một nhân vật võ hiệp nổi tiếng khác của văn học Anh chính là chàng hiệp sĩ Ivanhoe trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Walter Scott. Lấy bối cảnh lịch sử nước Anh khi đang chịu những cuộc nội chiến vào thế kỷ 13, khi vua Richard I (còn gọi là Richard Lionhearted) tham gia vào đoàn quân Thập tự chinh đi chinh chiến ở phương Đông xa xôi. Người điều hành đất nước thay thế vua Richard I là Hoàng tử John. Hoàng tử John là một kẻ lười nhác, chỉ biết ăn chơi hưởng lạc, bóc lột người dân và nhăm nhe chiếm đoạt ngai vàng của anh trai bằng việc tìm mọi cách ngăn chặn vua Richard I quay trở về. Với một kết cấu tiểu thuyết đầy cuốn hút và giọng văn hào sảng vui tươi xen lẫn với những màn quyết đấu sinh tử, Sir. Walter Scott đã khéo léo lồng vào tiểu thuyết của mình hàng loạt những nhân vật lịch sử và dã sử trong đó đáng kể có vua Richard Sư tử tâm, Hiệp sĩ Đền thánh (the Knight Templars) và … vua trộm rừng xanh Robin Hood xứ Nottingham khiến người đọc rất thích thú. Ivanhoe đã trở thành một trong những tác phẩm xuất sắc của VHVH phương Tây nói chung và văn học Anh nói riêng.
Tuy nhiên, nói đến tác giả võ hiệp xuất sắc nhất châu Âu, người ta không thể không nhắc đến đại văn hào Alexandre Dumas. Những tác phẩm của ông như Bá tước Monte Cristo và bộ ba tác phẩm Ba người lính ngự lâm, Hai mươi năm sau và Tử tước de Bragelonne: Mười năm sau tiếp đã trở thành mẫu mực cho VHVH phương Tây. Điều đáng ghi nhận bậc nhất ở Alexandre Dumas đó là những tác phẩm ông viết đều ở dạng sê-ri đăng trên tờ báo Le Siècle. Đây là hình thức sáng tác feuilleton, một trong những dạng thức sáng tác mà sau này rất nhiều nhà văn viết truyện võ hiệp kết hợp với các tòa soạn báo. Cách viết này đòi hỏi các nhà văn liên tục phải sáng tác đều đặn mỗi ngày một số lượng chữ nhất định, đồng thời, nhà văn cũng phải có kỹ thuật ngắt mạch, tạo được sự khao khát của độc giả muốn chờ xem tiếp theo câu chuyện sẽ diễn tiến như thế nào. Ở lĩnh vực này, Alexandre Dumas xứng đáng là cây bút bậc thầy. Tiểu thuyết của ông là vô số những mâu thuẫn, những khúc mắc đan cài bằng những trận đấu kiếm khốc liệt nhưng không kém phần hào hùng và những câu truyện tình duyên đầy lãng mạn. Những nhà văn viết truyện võ hiệp sau này hiếm ai không chịu ảnh hưởng của Alexandre Dumas với tư duy sáng tác: “Lịch sử là bức tường còn tiểu thuyết là những bức tranh” và cách gây dựng những khẩu hiệu bất hủ: “Mọi người vì một người, một người vì mọi người” – “tous pour un, un pour tous". Những tác phẩm của ông đã vẽ nên một thời kỳ lịch sử kéo dài hơn trăm năm với những biến động to lớn và hàng loạt những nhân vật lịch sử có thật như Hồng y Giáo chủ Richelieu, Huân tước Buckingham, nhà cách mạng Oliver Cromwell v.v… với sự tái hiện qua các trang viết đầy sống động tạo nên những “bức tranh lịch sử” rộng lớn và đầy mầu sắc.
Một điều ta có thể khẳng định, đó là không chỉ độc giả châu Á mà độc giả châu Âu cũng có truyền thống đọc truyện võ hiệp. Thực tế này đã được phản ánh ở một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của văn học thế giới: Don Quixote, nhà quý tộc tài ba xứ Mancha - El ingenioso hidalgo don Quijote de la Mancha của đại văn hào Miguel de Cervantes. Câu truyện là những cuộc “hành tẩu giang hồ” của Don Quixote trên con ngựa gầy gò Rocinante và chàng giám mã Sancho Panza với những cuộc tỷ võ kinh thiên động địa của chàng hiệp sĩ với… cối xay gió nhằm mang những chiến công lẫy lừng về đặt dưới chân người đẹp Dulcinea xứ Toboso. Nguyên do bởi chàng quý tộc xứ Mancha đã nướng cả tuổi thanh xuân và một phần lớn gia sản để sưu tầm và đọc truyện kiếm hiệp. Điều đó khiến chàng trở nên nghiện truyện võ hiệp, nhìn đâu cũng thấy công nương, hiệp sĩ, kẻ thù với lâu đài thành quách và lũ phù thủy yêu ma. Quá trình “hành hiệp giang hồ” ngang dọc khắp đất nước Tây Ban Nha của chàng đã gây nên bao nhiêu câu truyện cười ra nước mắt. Xét trên nhiều phương diện phương diện, có thể khẳng định Don Quixote chính là tác phẩm “phản võ hiệp” hay nhất từ trước đến nay.
Tuy nhiên, phải sang đến thế kỷ 20, VHVH mới thực sự chuyển mình và trở thành một cơn sốt với hàng loạt tác gia nổi tiếng như Vương Độ Lư, Lương Vũ Sinh Kim Dung, Cổ Long, Ôn Thụy An. Những năm vừa qua, cùng với việc chính quyền Trung Quốc thừa nhận rộng rãi tài năng của nhà văn Kim Dung, cùng với đó là hàng loạt tác phẩm võ hiệp được tái xuất bản tạo nên một làn sóng của những tác giả võ hiệp trẻ ở lứa tuổi 7x - 8x tiếp nối viết nên nhiều tác phẩm gây sóng gió trên văn đàn. Chính những làn sóng võ hiệp này đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến VHVH Việt Nam.

3.VHVH Việt Nam – Hành trình gập ghềnh

Nói đến VHVH Việt Nam, không ít người tỏ ra quan ngại. Liệu rằng những tác phẩm VHVH nước ta có đủ chiều rộng và chiều sâu để tạo nên cái gọi là VHVH Việt? Tuy nhiên, nếu so với một số thể loại văn học khác đã và đang tồn tại ở nước ta như văn học trinh thám hay văn học đề tài về người đồng tính, có thể khẳng định tác giả và tác phẩm viết về VHVH có khối lượng lớn hơn gấp nhiều lần so với những dòng văn học kia.
Trong suốt quá trình manh nha, hình thành và phát triển, VHVH Việt Nam đã để lại một di sản khá lớn. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố về lịch sử văn hóa, cho đến tận ngày nay, hiếm có công trình nào khả dĩ nghiên cứu đầy đủ về VHVH Việt. Có thể coi đây là một khoảng trống khá lớn trong việc nghiên cứu văn học lịch sử nước ta. Bởi dù thích hay không thích, người ta không thể phủ nhận những ảnh hưởng của VHVH đến đời sống tinh thần của người Việt là không hề nhỏ bé, thể hiện ở việc rất nhiều từ ngữ của văn học võ hiệp đã đi vào đời sống hàng ngày như: chưởng, ma giáo, cái bang, tẩu hỏa nhập ma v.v…
Sở dĩ VHVH Việt Nam chưa có được sự nhìn nhận đúng đắn, đồng thời cũng vắng bóng những công trình nghiên cứu về đề tài này, theo người viết bắt nguồn từ một số lý do chính yếu như sau. Thứ nhất, nước ta không có truyền thống viết truyện võ hiệp. Nếu như văn học là tấm gương phản chiếu văn hóa – lịch sử thì sự thực lịch sử nước ta không có những hiệp khách và thiếu vắng những tổ chức bang hội môn phái. Chính vì vậy, trong lịch sử văn học Việt Nam trước thế kỷ 20, khó có thể chỉ ra tác phẩm nào hội tụ được tương đối tinh thần của VHVH. Thứ hai, VHVH vốn cho đến tận ngày nay vẫn bị coi thường là loại văn học “ba xu”, rẻ tiền, căn bản không xứng đáng đứng ngang hàng với những dòng văn học “chính tông” khác. Nói theo ngôn ngữ kiếm hiệp thì so với dòng văn học chủ lưu, VHVH dễ bị coi là dạng “tà ma ngoại đạo”. Chính vì vậy, những tác phẩm văn học võ hiệp không mấy được khuyến khích và điều này gây ra cản trở lớn đối với nhiều người viết muốn thử sức ở lĩnh vực văn học này. Thứ ba, trong một thời gian dài, do những điều kiện về lịch sử và những yếu tố ngoài văn hóa, VHVH không được lưu truyền rộng rãi, thậm chí còn bị cấm đoán. Điều kiện xuất bản những tác phẩm võ hiệp kinh điển đã khó, việc xuất bản những tác phẩm VHVH Việt càng khó gấp bội. Điều này khiến đa số những tác phẩm VHVH một thời gian dài đều xuất hiện theo hình thức xuất bản không chính ngạch, thậm chí đến với người đọc ở dạng truyền tay. Đó là lý do khiến cho không ít tác phẩm xuất hiện ở dạng không đầy đủ, không thực sự phản ánh đẩy đủ giá trị nguyên bản. Thứ tư, nhìn nhận một cách khách quan, VHVH Việt thiếu vắng những tác phẩm văn chương đủ tầm vóc và chất lượng để có thể đánh động dư luận và hướng người đọc tới một cái nhìn thiện cảm hơn với dòng văn học này. Trong khi đó, những tác phẩm VHVH tầm tầm hoặc kém phẩm chất lại không ít. Điều này khiến nhiều nhà phê bình đánh giá thấp VHVH, thực ra cũng có một phần lý do xác đáng trong đó.
Tuy nhiên, trong thực tế đời sống, nhiều người vẫn thích đọc VHVH. Và mặc dù hầu như không nhận được sự hỗ trợ mang tính bao cấp nào, nhưng VHVH vẫn sống khỏe, thậm chí số lượng người yêu thích VHVH nếu tính riêng trên các diễn đàn võ hiệp trên mạng đã ở con số không dưới vài chục ngàn người. Điều này thể hiện sức sống tiềm tàng của dòng văn học này. Đồng thời, tinh thần võ hiệp phương Đông trong hai thập kỷ trở lại đây đã có được sự thừa nhận rộng rãi với những tác phẩm điện ảnh xuất sắc, vừa có giá trị nghệ thuật cao, lại vừa thu hút được một lượng lớn người xem. Trong số đó, phải kể đến những bộ phim võ hiệp dựa trên tiểu thuyết kiếm hiệp như Thất kiếm (dựa trên truyện Thất kiếm hạ Thiên Sơn của Lương Vũ Sinh), Ngọa Hổ Tàng Long (dựa trên tiểu thuyết cùng tên của của Vương Độ Lư). Cùng với đó là dự án làm lại những hàng loạt những danh tác của Kim Dung thành phim truyền hình như Tiếu ngạo giang hồ, Anh hùng xạ điêu, Thần điêu đại hiệp, Ỷ thiên đồ long ký, Thiên Long Bát Bộ, Lộc Đỉnh Ký và Bích Huyết Kiếm. Đây là nhân tố trọng yếu làm sống lại dòng VHVH.
Cùng với việc Kim Dung chỉnh sửa lại tác phẩm của mình và tái bản với những tình tiết truyện mới, nhiều NXB đã tiến hành xuất bản lại những tác phẩm VHVH kinh điển. Cùng với đó là trào lưu viết truyện võ hiệp cũng nở rộ trong số những người viết văn trẻ. Đáng kể nhất là tác phẩm Tru Tiên (của tác giả Tiêu Đĩnh) đã trở thành một hiện tượng lớn nhất của ngành xuất bản Trung Quốc, được xưng tụng là “đệ nhất kỳ thư thời đại Internet” với hàng triệu người truy cập và háo hức đón đọc từng chương truyện được tác giả xuất bản trên mạng. Tru Tiên không chỉ gây sốt ở Trung Quốc mà khi được dịch sang tiếng Việt, tác phẩm này đã thu hút được một số lượng đông đảo độc giả nước ta đón đọc. Khi Công ty Văn hóa Phương Nam xuất bản một số đầu sách của tác giả Kim Dung và Cổ Long, chỉ sau 10 ngày, số lượng tác phẩm in ra đã bán tới con số 6.000 (1), đây là một tín hiệu cho thấy sức hút lớn của VHVH. Đó cũng là chất kích thích khiến khá nhiều cuộc thi sáng tác truyện võ hiệp Việt được tổ chức trên các trang mạng chuyên về VHVH.
Tuy nhiên, nếu quay trở lại quá khứ, việc truy tìm những dấu tích của VHVH Việt có một số khó khăn nhất định. Nguồn tư liệu chất lượng dành cho chủ đề VHVH Việt là khá ít ỏi. Hơn nữa, những tác phẩm VHVH Việt cũng ít được phổ biến hoặc nếu có qua quá trình lịch sử, tính nguyên vẹn của tác phẩm cũng bị mất mát nhiều. Và điều khó khăn nhất chính là nguồn thông tin về những tác giả viết truyện võ hiệp hầu như rất mù mờ hoặc thiếu nhất quán. Chính vì thế, bài viết này chỉ mong phục dựng lại được một phần nào đó diện mạo của VHVH Việt Nam và ghi nhận những chuyển động ngầm trong sáng tác VHVH trong thời đại Internet hôm nay.

4.Nền tảng võ hiệp Việt

Như đã phân tích ở trên, nước ta không có truyền thống viết truyện võ hiệp. Để viết nên những tác phẩm dạng này, những nhà văn viết truyện võ hiệp nước ta đương nhiên sẽ chịu một số những ảnh hưởng, mô phỏng nhất định từ những tác gia lớn của VHVH trên thế giới. Tuy nhiên, trong quá trình định hình và phát triển, VHVH Việt Nam có những nền tảng và hướng đi khá nhất quán.
Xét bề tính chất, VHVH tự thân nó có khả năng phân nhánh ra thành nhiều dòng nhỏ khác nhau. Nhà văn Cổ Long đã phát hiện ra một tính chất đặc biệt của văn học võ hiệp: “Trong văn học võ hiệp có thể có truyện tình cảm nhưng trong truyện tình cảm rất khó có thể có võ hiệp. Trong văn học võ hiệp có thể có trinh thám nhưng trong trinh thám khó có thể có võ hiệp. Đó âu là một trong những tính cách đặc biệt của VHVH. Nó có thể thâu tóm nhiều thể loại để tạo thành những phân nhánh nhỏ có thể chất riêng biệt”. Trên thực tế, có thể kể ra một số dòng chính của VHVH như VHVH dã sử, võ hiệp thần tiên (còn được gọi là tiên hiệp), võ hiệp kỳ tình (nhấn mạnh đến tình cảm nam nữ), võ hiệp trinh thám, võ hiệp sắc dục (còn gọi là sắc hiệp – nhấn mạnh hơn đến yếu tố sex làm chủ đạo) v.v… Dẫu vậy, không phải phân nhánh nào của VHVH cũng là ảnh hưởng lên VHVH Việt Nam.
Nhìn lại một chút về lịch sử văn học nước nhà, chúng ta đều biết, trong nửa đầu thế kỷ 20, công cuộc giao lưu văn hóa với phương Tây đã diễn ra một cách mạnh mẽ. Trong đó, người ta đã chứng kiến sự chuyển mình mang tính đột phá, tạo nên một thời kỳ thăng hoa rực rỡ của văn học Việt. Đó là thời kỳ nở rộ của những trào lưu văn học lãng mạn, thơ mới, văn học hiện thực phê phán v.v… tạo nên hàng loạt những tên tuổi nhà văn xuất sắc bậc nhất trong lịch sử văn học nước ta. Ở địa hạt VHVH, có thể kể ra một vài tác giả đã tạo nên những ảnh hưởng lớn lao đến những nhà văn võ hiệp Việt Nam, những người sau này đã hình thành nên nền tảng tư duy sáng tác của võ hiệp mang đậm chất Việt.
Ở Trung Quốc, Hoàn Châu Lâu Chủ là một cái tên được coi là nhân vật tiên phong mở ra những trang đầu tiên của VHVH trong thế kỷ 20. Một trong những tác phẩm đánh dấu mốc lớn nhất của dòng VHVH hiện đại bộ tiểu thuyết trường thiên Thục Sơn kiếm hiệp của ông. Điều ghi nhận lớn nhất ở Hoàn Châu Lâu Chủ phải kể đến việc ông được coi là tác giả Trung Quốc đầu tiên viết truyện võ hiệp theo kiểu feuilleton, vốn là đặc trưng của báo chí phương Tây. Tác phẩm Thục Sơn kiếm hiệp đã liên tục được đăng tải trong suốt mười năm ròng rã trên tờ Thiên Phong báo của tỉnh Thiên Tân, thu hút một lượng độc giả cực lớn khắp Trung Quốc và châu Á. Với sức tưởng tượng phi phàm, kết câu truyện ly kỳ, kiến thức phong phú, Hoàn Châu Lâu Chủ đã rất thành công trong việc kết hợp giữa một câu truyện mang đậm tính võ hiệp với những kiến thức văn hóa, du lịch, ẩm thực cùng nhiều đoạn tuyệt bút văn phong mỹ lệ. Tuy nhiên, điểm yếu của Hoàn Châu Lâu Chủ là câu chuyện ban đầu quá rộng lớn, thành ra nhân vật tản mát. Bút lực và tinh hoa của tác giả càng ngày càng cạn kiệt khiến câu chuyện ngày càng đuối. Đây cũng là một điểm yếu của rất nhiều người viết truyện võ hiệp, trong đó có nhiều tác giả võ hiệp Việt.
Nhìn lại lịch sử VHVH Việt, ta thấy không ít nhà văn thử bút trong lĩnh vực này lại là những người Tây học. Những tác phẩm họ viết ra mang nhiều nét tư duy sáng tác của đệ nhất văn hào võ hiệp phương Tây Alexandre Dumas. Khác với Hoàn Châu Lâu Chủ với hình thức tác phẩm mang nhiều dáng dấp của dòng văn võ hiệp giả tưởng, Alexandre Dumas là bậc thầy trong việc kết hợp lịch sử với võ hiệp, tạo nên những hình tượng nhân vật võ hiệp phương Tây cực kỳ sống động như chàng trai D'Artagnan cùng bộ ba lính ngự lâm Athos, Porthos và Aramis. Lối đi kết hợp kiếm hiệp và lịch sử, cùng với tư duy “kỳ tình” khá phương Tây của nhiều tác giả Việt Nam đều có ảnh hưởng ít nhiều Alexandre Dumas.
Nếu như nửa đầu thế kỷ 20, hai cái tên Hoàn Châu Lâu Chủ và Alexandre Dumas đã tạo thành dấu ấn sáng tác lớn lên những nhà văn viết truyện võ hiệp Việt Nam thì nửa sau thế kỷ 20 chứng kiến sự tỏa sáng của cây đại thụ Kim Dung. Trên nhiều phương diện, có thể coi Kim Dung là nhà văn võ hiệp có ảnh hưởng lớn nhất đến VHVH Việt Nam. Trước tiên, những tác phẩm của Kim Dung đã từng một thời làm mưa làm gió trong làng văn, làng báo Việt Nam. Tác phẩm của ông đã tạo thành một làn sóng đọc truyện võ hiệp khắp nơi, đặc biệt là ở miền Nam, nơi có cộng đồng thị dân rộng mở. Thứ hai, những tác phẩm của Kim Dung ngoài việc là những tác phẩm võ hiệp kinh điển còn là những tác phẩm văn học xuất sắc. Đó là lý do tác phẩm Kim Dung được coi là “Minh chủ võ lâm” của dòng VHVH, tên tuổi sánh ngang với nhà văn lỗi lạc nhất của Trung Quốc như Ba Kim, Lỗ Tấn, Lão Xá… Thứ ba, nhiều nhà văn nhà báo nước ta cũng yêu thích truyện võ hiệp của Kim Dung, bằng chứng là việc rất nhiều người lấy bút danh bằng tên những nhân vật của Kim Dung. Có thể nói, ảnh hưởng của Kim Dung lên VHVH là điều không thể phủ nhận, trong đó đương nhiên có cả VHVH Việt Nam.
Sau Kim Dung, cũng có nhiều nhà văn viết truyện võ hiệp danh tiếng. Đáng kể nhất là Cổ Long với tư duy sáng tác kết hợp giữa võ hiệp và trinh thám. Có điều đáng lưu ý, tuy ảnh hưởng của Cổ Long tại Trung Quốc và Đài Loan và một số nước châu Á là rất lớn, số lượng người đọc võ hiệp Việt Nam hâm mộ Cổ Long cũng không nhỏ, nhưng hầu như không có nhà văn võ hiệp Việt nào học theo cách viết của Cổ Long. Theo người viết có thể bắt nguồn từ một số nguyên do sau. Trước tiên, cũng như VHVH, nước ta không có truyền thống viết truyện trinh thám. Việc kết hợp cả hai tư duy mới mẻ là VHVH và văn học trinh thám là điều ít nhà văn nào của nước ta có được. Hơn nữa, lối viết của Cổ Long mang đậm dấu ấn của văn học tối giản. Lối hành văn này một lần nữa lại cũng không phải là điểm mạnh của các nhà văn nước ta. Chính vì thế, cho dù số lượng người đọc thích tác phẩm của Cổ Long ở nước ta là khá lớn, tuy nhiên, sức ảnh hưởng của Cổ Long lên sáng tác võ hiệp Việt Nam là khá nhạt nhòa.
Tóm lại, cái “tạng” viết truyện võ hiệp Việt Nam được định hình trên một số nền tảng: VHVH dựa trên những câu truyện truyền kỳ chạy theo một bối cảnh lịch sử nhất định làm khung nền với lối hành văn bạch thoại truyền thống. Điểm qua thì có thể thấy phần lớn những tác phẩm VHVH tiêu biểu của nước ta đều thấy ít nhiều mang trong mình những yếu tố đã đề cập ở trên.

5.Một số tác phẩm và tác giả đáng chú ý

Như đã đề cập, khá nhiều văn sĩ nước ta thích đọc truyện võ hiệp bởi họ lấy bút danh của mình bằng chính tên những nhân vật trong thế giới võ hiệp của Kim Dung hay Cổ Long. Từ việc say mê đến việc sáng tác là một khoảng cách không xa. Nhiều nhà văn nước ta đã viết nên những câu truyện võ hiệp của riêng mình. Thi sĩ Bùi Giáng, một người yêu thích truyện võ hiệp và từng viết một số truyện võ hiệp ngắn đã nhận định: “Đọc truyện vũ hiệp là một trong những phép tu dưỡng kí ức và khơi dẫn nguồn vui ẩn mật trong mình. Đọc theo lối hồn nhiên, hoặc vừa đọc vừa suy ngẫm. Chưởng lực, kiếm thế, nội kình phát ra có thể là tinh thể của tinh thần phát hiện. Riêng đối với bạn thi sĩ, sách vũ hiệp có thể giúp bạn làm thơ lai láng một cách không ngờ. Điều đó không có chi lạ: ban sơ vũ học, văn học,thi nhạc cùng phát khởi tại một cội nguồn: uyên nguyên của tinh thần xuất phóng”
Trong suốt quá trình các nhà văn nước ta theo đuổi dòng VHVH, khá nhiều người đã có được những dấu ấn đáng kể, tạo nên những điểm mốc của dòng văn học này. Tuy nhiên, số lượng tác phẩm VHVH Việt khá đồ sộ nhưng nếu đánh giá một cách khắt khe thì khó có thể nhặt ra được nhiều tác phẩm xuất sắc.
Một trong những tác giả tâm huyết bậc nhất với dòng VHVH Việt Nam phải kể đến Yên Tử cư sĩ Trần Đại Sỹ. Số lượng tác phẩm của ông khá nhiều. Theo như công bố, ông đã viết tới hơn 20 ngàn trang sách trong số đó có tới ba phần tư là những tác phẩm VHVH. Ông là người có vốn kiến thức lịch sử văn hóa uyên thâm, văn tài đáng kể. Những câu truyện của ông đều dựa khá sát vào nền tảng lịch sử, bao trùm lên nhiều thời đại khác nhau, từ thời Hai Bà Trưng đến Lý, Trần, Lê… với khá nhiều giả thiết lịch sử có thể gây tranh cãi. Một số tác phẩm nổi tiếng của ông là Anh hùng Lĩnh Nam, Anh hùng Đông A, Nam quốc sơn hà v.v... Trần Đại Sỹ từng tâm sự: “Các tiểu thuyết chương hồi của Trung Quốc được dịch sang tiếng Việt. Người Việt thi nhau đọc. Mà các tiểu thuyết của Trung Quốc, viết trong chủ đạo của họ: Vua luôn là con trời sai xuống. Bị ảnh hưởng của những tiểu thuyết đó, người Việt đọc rồi tin là thực, thậm chí lập tôn giáo thờ kính những nhân vật đó, tự ty mình là Nam Man!” Với tư duy đó, ta thấy trong tác phẩm của ông một tinh thần tự cường dân tộc và lòng yêu nước nồng nàn được thể hiện khá rõ nét qua những nhân vật hiệp khách người Việt. Trần Đại Sỹ là người kiên trì đi theo con đường võ hiệp – dã sử. Tuy nhiên, nếu lịch sử là điểm mạnh thì võ hiệp lại là yếu huyệt của ông. Truyện của Trần Đại Sỹ thiếu vắng những tình tiết ly kỳ, nghẹt thở, những âm mưu được dàn xếp công phu mang phong vị đặc trưng của VHVH. Tóm lại, tác phẩm của ông được về mặt sử mà kém về mặt võ hiệp. Và xét theo tiêu chí của cả VHVH hoặc văn học dã sử thì đều khó có thể coi những bộ truyện võ hiệp ông viết là những tác phẩm hay.
Trong số những người viết truyện võ hiệp Việt Nam cũng ghi dấu Tiền Phong Từ Khánh Phụng. Chúng ta đều, Từ Khánh Phụng là một trong những dịch giả nổi tiếng bậc nhất trong việc chuyển ngữ những tác phẩm lớn nhất trong văn nghiệp của nhà văn Kim Dung sang tiếng Việt tại miền Nam thời trước 1975. Ngoài việc dịch thuật, Từ Khánh Phụng cũng đã từng chắp bút viết nên một số tác phẩm VHVH trong số đó có thể kể đến Hỏa Long thần kiếm, Quái khách muôn mặt, Trạm Lư bảo kiếm… Tuy nhiên có lẽ một phần do ông là người Minh Hương, gốc Trung Quốc, phần nữa do ông chịu ảnh hưởng quá lớn của Kim Dung nên những tác phẩm của ông quá đậm chất Trung Quốc, thiếu vắng chất Việt.
Một số báo chí miền Nam sau đăng tải những truyện của Kim Dung và đã thu hút được một lượng độc giả lớn. Sau khi Kim Dung tuyên bố phong bút, ngừng viết để tập trung vào công việc chỉnh sửa và biên tập lại những truyện mình đã viết, nhiều tác giả đã nhanh nhạy viết truyện kiếm hiệp cũng theo kiểu feuilleton. Nổi tiếng nhất phải kể đến Lệnh xé xác của Lã Phi Khanh. Ngoài ra, có thể kể đến một số tác giả khác cũng thử sức trong lãnh vực VHVH như Sơn Linh viết Tử chiến Phiên Ngung thành, Giao Châu thất hùng, Cờ nghĩa thành Tây Đô. Tuy nhiên, cách xây dựng tính cách nhân vật và tình huống truyện của ông thường bị lên gân và có phần kịch khiến mạch truyện thiếu tự nhiên.
Một dịch giả khác đã chuyển ngữ khá nhiều tiểu thuyết võ hiệp Trung Quốc sang tiếng Việt là Phan Cảnh Trung. Ông cũng đã viết khá nhiều tác phẩm võ hiệp Việt. Thời gian vừa rồi, khá nhiều tác phẩm của ông được NXB Văn Nghệ in và tái bản gây chú ý nhất định đối với độc giả võ hiệp như Hiệp khách giai nhân lấy bối cảnh thời Nùng Trí Cao chống quân Tống, Hồng điệp ngọc trâm lấy bối cảnh Đại Việt dưới thời đô hộ của nhà Minh… Những tác phẩm của Phan Cảnh Trung không quá phụ thuộc vào bối cảnh lịch sử, lấy yếu tố võ hiệp là chủ đạo, lịch sử chỉ là một khung nền mờ.
Nếu có thể chỉ ra một nhà văn viết truyện võ hiệp xuất sắc, có thể kể đến Lý Phật Sơn còn có bút danh là Hoài Điệp Thứ Lang. (Có thông tin cho rằng Lý Phật Sơn là bút danh của thi sĩ Đinh Hùng) Những tác phẩm của Lý Phật Sơn có sự giao hòa khá đầy đặn giữa yếu tố võ hiệp và yếu tố lịch sử như Long hổ tranh hùng, Kiếm báu hoa bay, Người đao phủ thành Đại La, Kỳ nữ gò Khâu Ôn, Hào kiệt Tây sơn… Một số nhân vật của Lý Phật Sơn có sự kết hợp mạnh giữa võ hiệp và lịch sử như Thần Long học được Bát điểm hoa mai đao của Thái úy Lý Thường Kiệt (Long hổ tranh hùng) và chàng cùng với những bằng hữu tham gia cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, đối đầu với những đệ nhất cao thủ của quân địch. Tuy nhiên, cũng có những nhân vật ông chịu ảnh hưởng bởi Kim Dung như nhân vật Đắc Châu (Long hổ tranh hùng) học được môn Thập Lực Chỉ Thiền và chỉ pháp này phóng ra kiếm khí nhưng lúc phóng được lúc không rất giống với nhân vật Đoàn Dự (Thiên Long Bát Bộ) của Kim Dung. Lý Phật Sơn cũng có những phát kiến thú vị, như ông nghĩ ra Cái Bang của Việt Nam với những quy định riêng biệt, khác hẳn so với Cái Bang trong thế giới võ hiệp Trung Quốc. Qua những tác phẩm của mình, Lý Phật Sơn đã thể hiện kiến thức lịch sử uyên thâm, thấp thoáng có bóng dáng của tư tưởng Thiền học và Phật học trong tác phẩm. Điểm đáng chú ý đó là ngôn ngữ văn chương và cách kết cấu câu truyện của Lý Phật Sơn được đầu tư xây dựng khá cuốn hút. Những tác phẩm “đinh” của ông như Long hổ tranh hùng hay Hào kiệt Tây Sơn đều có thể coi là những bộ truyện võ hiệp xuất sắc trong kho tàng VHVH Việt Nam.
Khá nhiều tác giả khác cũng đã thử sức với VHVH Việt. Có thể kể ra tác giả Vũ Ngọc Đĩnh với Lam Sơn hào kiệt, Lê Đại Hành hoàng đế phá Tống hay Châu Thế Vũ với Lạc Hồng thần kiếm, Trần Minh Châu với Ngô vương bí lục và Trần Phiên Ngung với Nam thiên nhất tuyệt kiếm v.v… Và còn nhiều tác giả nữa cũng đã thử bút trong lĩnh vực VHVH. Tuy số lượng tác phẩm khá nhiều nhưng nội lực không đủ mạnh khiến các tác phẩm không có hơi văn riêng, không gây được ấn tượng đáng kể nào từ phía độc giả.

6.Nhà văn võ hiệp Việt đặc sắc nhất?

Với nguồn tài liệu bị thất lạc và thiếu nhất quán như hiện nay, khó có thể khẳng định tác phẩm nào được coi là tác phẩm võ hiệp đầu tiên của Việt Nam. Tuy nhiên, nếu có thể bình chọn tác giả VHVH Việt xuất sắc nhất, mang đậm chất Việt nhất, sẽ rất nhiều người đồng ý ghi danh tác giả Hoàng Ly. Nhìn vào bề ngoài, những tác phẩm của Hoàng Ly có tư duy sáng tác khá giống Thục Sơn kiếm hiệp của Hoàn Châu Lâu Chủ. Nhưng nếu đi vào phân tích kỹ càng, có thể nói Hoàng Ly là người khai mở ra một lối viết khác biệt, hoàn toàn mới mẻ với những nhà văn viết truyện võ hiệp từ Đông sang Tây.
Điểm khác biệt khiến Hoàng Ly trở nên độc đáo, đó là tác phẩm của ông là sự kết hợp của ba yếu tố: truyện võ hiệp, truyện giả tưởng – fantasy mang nhiều yếu tố tiên hiệp và truyện đường rừng. Sự kết hợp này xuyên suốt trong toàn bộ những tác phẩm của ông. Điều đáng nói, cả ba yếu tố: võ hiệp, giả tưởng và đường rừng đều được Hoàng Ly thể hiện một cách nhuần nhuyễn với một giọng văn lôi cuốn. Về mặt võ hiệp, những cuộc đấu của Hoàng Ly rất đa dạng, có thể là đấu võ, đấu kiếm hay thậm chí là đấu súng pạc-học với những tình tiết và nút thắt mở bài bản. Về mặt giả tưởng, Hoàng Ly đã vẽ nên những yếu tố thần bí nhưng hoàn toàn đặc trưng của văn hóa Việt, đó là tư duy về linh hồn, sự sống sau cái chết, niềm tin vào những con ma trành, ma xó, âm binh… khiến người đọc cảm thấy rất gần so với phông văn hóa dân gian Việt. Về tính chất đường rừng, tác phẩm Hoàng Ly chủ yếu lấy bối cảnh địa lý ở vùng biên cương phía Bắc, trải dài từ Điện Biên sang Lào Cai đến vùng Cao Bắc Lạng với những mô tả cảnh quan tuyệt mỹ và lý giải văn hóa uyên thâm thể hiện một kiến thức dân tộc học cực kỳ phong phú. Tư duy kết cấu tác phẩm của ông ảnh hưởng khá lớn của thuyết cơ cấu luận. Cũng giống với Kim Dung, Hoàng Ly thường xây dựng cho mình những “bộ” nhân vật như: Nam Thần, Bắc Thánh, Đông Tinh, Tây Quỷ hay Đông Tửu, Tây Sắc, Bắc Yên, Nam Đổ v.v… Không biết việc xây dựng những bộ nhân vật này của Hoàng Ly có chịu ảnh hưởng của bộ nhân vật “Võ lâm ngũ bá” hay “Thiên hạ ngũ tuyệt” của nhà văn Kim Dung hay không. Tuy nhiên, đây là một tư duy sáng tác mà rất ít nhà văn võ hiệp nước ta theo đuổi. Có thể nói, Hoàng Ly đã vạch ra một hướng đi vô cùng mới mẻ của VHVH Việt Nam, xứng danh là tác giả viết truyện võ hiệp Việt Nam xuất sắc nhất.
Cho đến ngày nay, những tác phẩm của Hoàng Ly như Lửa hận rừng xanh, Nữ chúa hồ Ba Bể, Giặc Cái, Một thời ngang dọc hay còn gọi là Thập Vạn Đại Sơn Vương v.v… vẫn được lưu truyền trên những trang chia sẻ truyện võ hiệp. Xuất sắc nhất trong số đó phải kể đến hai bộ tiểu thuyết trường thiên Lửa hận rừng xanh và Thập vạn đại sơn vương.
Lửa hận rừng xanh được coi là tiểu thuyết nổi tiếng nhất của Hoàng Ly cũng như của VHVH Việt. Nhân vật chính là Tù trưởng Ðèo Văn Lang người Thái với bối cảnh truyện trải dài khắp từ Lai Châu đến Lào Cai với những địa danh đậm chất vùng biên viễn như Phong Thổ, Phản Tây Phàn (Fansipan), Mường Lay, Mường Tè với những dòng miêu tả phong cảnh thể hiện tâm hồn một nhà văn yêu thiên nhiên với những quan sát tinh tế. Đây là một đoạn trích trong tác phẩm này: “Thượng du đất Việt có núi đồi trùng trùng điệp điệp vắt suốt từ Tàu sang nội địa Việt Nam, chạy dọc theo thế liên hành nhấp nhô khắp bốn phương tám hướng... Miệt Lào Cai đèo cao dốc vút rừng núi thiên hiểm hùng vĩ. Miệt Lai Châu lại là đất sản sinh nhiều ngựa nhất Đông Dương. Vùng Cao Bắc Lạng rất lắm xe ngựa, đặc biệt loại xe song mã, vừa chở hàng, vừa chở khách. Vào dịp có phiên chợ tỉnh, châu, chỗ nào cũng đầy xe ngựa. Du khách thị thành, bình nguyên đi chơi hồ Ba Bể thường thích đi xe song mã, cỡi ngựa nếm phong vị sơn cước, trai thanh gái lịch lũ lượt từng đoàn áo màu phấp phới như hoa nở sơn khê” Truyện có tình tiết ly kỳ, văn phong hùng hậu và trí tưởng tượng vô cùng phóng khoáng, đưa người đọc vào một thế giới võ hiệp – đường rừng đầy phong vị vùng núi non Tây Bắc rất lôi cuốn người đọc.
Trong khi đó, tác phẩm Một thời ngang dọc - Thập vạn đại sơn vương lấy bối cảnh lịch sử khi đất nước ta bị giặc Pháp đô hộ. Vua Hàm Nghi bị bắt. Tôn Thất Thuyết trốn sang Trung Quốc, mong chờ thời cơ khôi phục giang sơn. Họ Tôn mang theo kho báu của vua Hàm Nghi và quyết định chôn số vàng bạc châu báu này bên sông Đà ở Lai Châu và vẽ lại trên một tấm bản đồ để khi nghĩa quân nổi dậy có thể lấy sử dụng chiêu binh mãi mã, trả thù cho nước. Đó cũng là nguyên do khiến vô số đám sơn tặc vùng Tây Bắc lùng sục tìm kiếm tấm bản đồ kho báu. Trong khi đó, Hồng Lĩnh, con trai của một nghĩa quân làm cách mạng chống Pháp. Cha chàng bị đồng đội là Trần Tắc phản bội, bị quân Pháp đưa lên máy chém xử tử. Chàng bỏ lên miền núi Thập Vạn Đại Sơn làm nghề lạc thảo. Hồng Lĩnh có tuyệt kỹ bắn súng bách phát bách trúng nên còn được đám giặc cướp gọi là “Thần xạ”. Trên đường truy tìm Trần Tắc để báo thù nhà, chàng đã cứu được Phượng Kiều, người đang bị bọn thổ phỉ ở Cao Bằng bắt giữ. Không ai ngờ, Phượng Kiều chính là con gái của Trần Tắc và bọn thổ phỉ bắt nàng vốn nhằm buộc Trần Tắc giao cho chúng mảnh bản đồ kho báu. Từ đó, mối tình giữa chàng và Phượng Kiều nảy nở nhưng chàng cũng bị Trần Tắc cùng quân Pháp truy đuổi, mặt khác những mối họa của đám thổ phỉ cũng luôn rình rập khắp nơi…
Với hình thức kết cấu cốt truyện ly kỳ, một nền tảng kiến thức vững chắc, trí tưởng tượng cực kỳ phong phú đi cùng với một giọng văn cuốn hút, Hoàng Ly với những tác phẩm của mình có thể được coi là điểm sáng lớn nhất và cũng là thành tựu đáng kể nhất của VHVH Việt Nam.

7.VHVH Việt trong thời đại Internet

Thực tế đã cho thấy, số lượng người yêu thích VHVH ở nước ta không hề nhỏ. Những tác phẩm bình luận VHVH như Kim Dung giữa đời tôi (Vũ Đức Sao Biển) hay Lai rai chén rượu giang hồ (Huỳnh Ngọc Chiến) đã được tái bản nhiều lần với số lượng xuất bản rất khả quan. Khi mạng thông tin Internet được mở rộng, khá nhiều trang web chuyên về đề tài võ hiệp đã được thành lập. Điều đáng nói, những người điều hành – admin, hay những người quản trị - moderator của những trang web này phần lớn đều là thế hệ 7x trở lại. Trong số những trang web nổi tiếng về VHVH nước ta phải kể đến Tàng Kinh Cốc, Tàng Thư Viện, Nhạn Môn Quan, Lương Sơn Bạc, Việt Kiếm v.v… với số lượng thành viên đăng ký lên tới vài chục ngàn người.
Một điểm chú ý đối với thế giới truyện võ hiệp trên mạng, đó là những trang web chuyên về văn học võ hiệp đều phần lớn mang tính tự phát hoặc do một vài thành viên có tiềm lực tài chính cùng sự say mê lớn dành cho VHVH lập ra. Tuy vậy, khối lượng tác phẩm và những tài liệu về VHVH được sưu tầm, bảo tồn và chia sẻ ở những nơi đây là khá lớn dẫu rằng góc dành riêng cho VHVH Việt Nam còn thiếu vắng. Điểm qua những trang web và diễn đàn này, chúng ta có thể thấy nhu cầu đọc và viết truyện võ hiệp vẫn đang tồn tại như một cơn sóng ngầm đầy nội lực trải dài suốt bấy nhiêu năm và chỉ chờ cơ hội để bùng phát.
Ngoài việc trao đổi những tác phẩm VHVH, bàn luận và trao đổi kiến thức nhằm đưa ra những kiến giải khác nhau dành cho những tác phẩm, tác giả VHVH, các thành viên trên những trang mạng này còn có nhiều dự án nhằm đánh máy lại những tác phẩm VHVH hiếm hay dịch thuật những tác phẩm VHVH đáng chú ý. Cũng không thể không kể đến những phong trào sáng tác truyện võ hiệp Việt Nam được tổ chức khá rôm rả trên những trang web chuyên biệt này. Đáng chú ý nhất là cuộc thi viết truyện võ hiệp mang tên Kim bút của trang web Tàng Thư Viện đã thu hút được một lượng tác phẩm khá lớn. Ngoài ra, sự phổ biến của một game kiếm hiệp dựa trên các tác phẩm của Kim Dung, Cổ Long hay Võ Lâm truyền kỳ cũng là một trong những yếu tố khiến các bạn trẻ say mê thế giới võ hiệp, từ đó tìm đến với những tác phẩm võ hiệp và sáng tác nên những tác phẩm của riêng mình. Rất nhiều tác phẩm võ hiệp của chính những thành viên thời @ đã được sáng tác và được chia sẻ trực tuyến online.
Tuy nhiên, có thể nói VHVH Việt vẫn đang chịu nhiều thiệt thòi. Để tìm ra những NXB in những tác phẩm VHVH Việt là điều không dễ. Những tờ báo chịu “mở lòng” với dòng văn học này cũng không có nhiều. Dẫu sao, thời gian vừa rồi, một trong những tín hiệu khá lạ, được cộng đồng VHVH trên mạng bàn tán xôn xao. Đó là việc truyện Tuyết đen, một tác phẩm mang đậm dấu ấn của VHVH của tác giả trẻ bút danh Giao Chi đã được đăng trên báo Mực Tím. Truyện kể về nàng đại tiểu thư võ đường Lưu gia, tên gọi Đồng Tử và tên tà giáo Vạn Độc Vương, tự là Tuyết đen. Ngay lập tức, tác phẩm đã được mệnh danh là: “truyện kiếm hiệp đầu tiên dành cho teen Việt”. Khi được đưa lên blog của tác giả, entry Tuyết đen tạo nên một sức hút lớn với 45 ngàn lượt truy cập chỉ sau vài tháng với hàng trăm bức tranh vẽ minh họa các nhân vật trong truyện được các độc giả vẽ dựa trên trí tưởng tượng của mình và gửi đến cho tác giả. Thành công bất ngờ của Tuyết đen đã khiến báo Mực tím đặt tác giả Giao Chi viết tiếp phần 2 của Tuyết đen và dự kiến phần tiếp nối này sẽ tiếp tục gây xáo trộn giang hồ như phần 1. Cuộc thi Truyện ngắn 2011 - 2012 thời gian vừa rồi trên báo Văn Nghệ cũng ghi nhận một truyện ngắn mang chất võ hiệp khá đậm nét đó là Bảo kiếm truyền kỳ. Đây cũng là tín hiệu cho thấy những người làm biên tập đã khá mở lòng đối với dòng VHVH.

Mấy ai nhớ được lịch sử nước Pháp thời kỳ vua Louis XVI, nhưng hầu hết mọi người đều biết đến câu khẩu hiệu “Một người vì mọi người! Mọi người vì một người!” của những chàng Ngự lâm pháo thủ. Mấy ai nhớ được lịch sử nước Anh thời kỳ “đêm trường Trung Cổ”, nhưng mọi người đều biết đến những cái tên huyền thoại của chàng cung thủ Robin Hood, chàng hiệp sĩ Ivanhoe cùng vua Richard Sư tử tâm hùng dũng. Không nhiều người hiểu rõ lịch sử Trung Quốc thời Tống - Nguyên – Minh – Thanh nhưng những hình tượng như Tiêu Phong, Quách Tĩnh, Dương Quá, Trương Vô Kỵ, Vi Tiểu Bảo v.v… đều đã ghi dấu ấn trong lòng biết bao thế hệ người đọc và trở thành những hình tượng văn học bất tử.
VHVH nếu được khai thác một cách khéo léo sẽ là một trong những công cụ quyền lực, có thể truyền bá được rộng khắp tinh thần dân tộc. VHVH nếu được sử dụng đúng cách sẽ nâng cao tình yêu lịch sử và là công cụ chuyển tải văn hóa đặc trưng của đất nước. Với Việt Nam, con đường phát triển của dòng văn học này đã mang quá nhiều thăng trầm. Tuy nhiên, một số lượng lớn người đọc vẫn đang chờ đợi những tác phẩm thực sự chất lượng, đánh dấu mốc cho dòng văn học này. Đây sẽ là thách thức, đồng thời cũng là một hướng đi đáng kể cho những nhà văn trẻ thử sức!
HOÀNG TÙNG

1 nhận xét: