Thứ Tư, 25 tháng 1, 2012
BÌNH LUẬN KIẾM HIỆP: Tiểu luận về Văn học kiếm hiệp Việt Nam
Nếu như những tác phẩm văn học võ hiệp (VHVH) tại Phương Tây được đánh giá khá cao, thậm chí không ít trong số đó đã trở thành những tác phẩm kinh điển thì tại châu Á, những tác gia theo đuổi con đường VHVH hiếm khi được thừa nhận một cách thỏa đáng. Danh gia nổi tiếng bậc nhất của dòng văn học này là Kim Dung cũng chỉ mới được giới học giả chính thống của Trung Quốc chấp nhận xét lại trong khoảng hơn mười năm trở lại đây, nghĩa là sau khi ông đã ngừng viết gần ba mươi năm và tác phẩm của ông được đông đảo bạn đọc trên khắp thế giới ngưỡng mộ.
Ở nước ta, VHVH đã trải qua rất nhiều thăng trầm. Những tài liệu còn lại về dòng văn học này là khá hiếm hoi và hầu như không có một hệ thống nào lưu trữ một cách tương đối tươm tất. Tuy nhiên, hàng loạt những trang web, những diễn đàn… được những người hâm mộ tạo lập với hàng chục ngàn thành viên tham gia đã cho thấy sức hút của VHVH tại Việt Nam. Và VHVH thực sự vẫn là một mảnh đất tiềm năng đang chờ đợi những tác giả đam mê thử bút.
1.VHVH, từ phương Đông…
VHVH là một trong những mảng đề tài lớn của văn học thế giới. Như một mẫu số chung về mặt tâm lý, hình tượng những hiệp khách với bản lĩnh phi thường, tang bồng nơi chân trời góc bể, trừ gian diệt bạo, cứu khốn phò nguy luôn là một mơ ước đối với bất kỳ nền văn hóa nào. Dẫu sao, nói đến cái nôi của VHVH, ta phải nói đến phương Đông, cụ thể là Trung Quốc. Với truyền thống võ hiệp lâu đời làm nền tảng, cho đến ngày nay, đây vẫn là mảnh đất màu mỡ của VHVH. Ở chiều tương tác ngược lại, võ hiệp trong đó có VHVH đã trở thành một bộ phận cấu thành bản sắc văn hóa của Trung Quốc. Nó cũng tạo thành một trong những điểm nhận dạng của nền văn hóa này với phần còn lại của thế giới.
Trong bài khảo luận mang tên “Nói đến võ hiệp”, nhà văn kiếm hiệp nổi tiếng là Cổ Long nhận định rằng tinh thần võ hiệp đã có từ rất sớm trong văn học Trung Quốc. Thiên Du Hiệp truyện của Thái sử công Tư Mã Thiên có thể được coi là áng VHVH đầu tiên. Với bút pháp hào sảng trầm hùng, ý nghĩa tầng tầng lớp lớp, Tư Mã Thiên đã ghi lại câu truyện truyền kỳ về những kẻ du hiệp, sống ngoài vòng pháp luật, dùng cái dũng khí và bản lĩnh nam nhi của mình mà nổi danh thiên hạ. Những nhân vật đó đã tạo nên thế lực lớn trong xã hội đương thời khiến giới quan lại triều đình cũng phải kiêng dè e nể.
Sau này, nhiều nhà văn, nhà thơ đã viết nên những câu chuyện với nồng độ võ hiệp đậm đặc hơn. Thi tiên Lý Bạch ngoài việc là một nhà thơ kiệt xuất còn là một lãng tử tay cầm bầu rượu, tay cầm bảo kiếm đi khắp Trung Quốc với hàng chục bài thơ ca ngợi vẻ đẹp của kiếm và tinh thần võ hiệp. Hay khi Thi thánh Đỗ Phủ mô tả kiếm thuật của Công Tôn đại nương với câu: “Nhất vũ kiếm khí động tứ phương” đã kích thích trí tưởng tượng của những nhà viết VHVH cao độ. Câu chuyện về “kiếm khí” sau này xuất phát trong những câu truyện võ hiệp có lẽ cũng bắt đầu từ đây. Chuyện kết hợp giữa kiếm pháp và thư pháp tưởng như chỉ xuất hiện ở những tác phẩm võ hiệp hiện đại nhưng thực ra Thư thánh Trương Húc đã từng viết: “Khi xem Công Tôn đại nương múa kiếm, tôi mới lĩnh hội được thần và ý cho thư pháp”.
Đến thời Minh - Thanh, tiểu thuyết Trung Quốc đã có những bước nhảy vọt đáng kể cả về mặt lượng và chất. Hàng loạt những tác phẩm kinh điển của văn học Trung Quốc ra đời trong thời kỳ này. Trong số đó, khá nhiều tuồng tích mang đậm chất võ hiệp ra đời. Có thể kể ra những trường đoạn nổi tiếng như Võ Tòng đả hổ (Thủy Hử - Thi Nại Am) hay Thất Hiệp Ngũ Nghĩa (khuyết danh) nói về những câu truyện truyền kỳ của Bao Thanh Thiên Bao Chửng và kiếm pháp vô song của Nam hiệp Ngự miêu Triển Chiêu làm nức lòng người đọc biết bao thế hệ.
2…sang phương Tây
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, Anh và Pháp là hai quốc gia đã có những đóng góp đáng kể nhất cho dòng VHVH.
Một trong những hình tượng võ hiệp xuất hiện khá sớm của văn học phương Tây chính là chàng vua trộm rừng xanh Robin Hood của vùng Nottingham. Những câu truyện truyền kỳ về chàng vua trộm hào hoa sống ngoài vòng pháp luật trong khu rừng Sherwood đã manh nha xuất phát trong dân gian nước Anh từ thế kỷ 15. Trong hàng trăm năm, người dân đã tô vẽ tạo nên một hình tượng Robin Hood đầy lôi cuốn và rất sống động, thậm chí còn sống động hơn nhiều nhân vật lịch sử cùng thời. Robin Hood là mẫu hình nhân vật võ hiệp điển hình với kiếm pháp siêu quần, đặc biệt là tài năng bắn cung bách phát bách trúng. Chàng tuy là kẻ cướp, bị triều đình truy nã nhưng lại được người dân yêu mến do chàng luôn đứng về phía những người thấp cổ bé họng, chống lại chế độ thuế khóa hà khắc của nhà vua tàn bạo. Trên một góc độ nào đó, Robin Hood chính là nơi người dân gửi gắm vào đó những ước mơ của mình. Chính vì thế, Robin Hood đã trở thành một trong những hình tượng văn học dã sử dân gian sống động bậc nhất của lịch sử văn học Anh quốc.
Trong khi đó, một nhân vật võ hiệp nổi tiếng khác của văn học Anh chính là chàng hiệp sĩ Ivanhoe trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Walter Scott. Lấy bối cảnh lịch sử nước Anh khi đang chịu những cuộc nội chiến vào thế kỷ 13, khi vua Richard I (còn gọi là Richard Lionhearted) tham gia vào đoàn quân Thập tự chinh đi chinh chiến ở phương Đông xa xôi. Người điều hành đất nước thay thế vua Richard I là Hoàng tử John. Hoàng tử John là một kẻ lười nhác, chỉ biết ăn chơi hưởng lạc, bóc lột người dân và nhăm nhe chiếm đoạt ngai vàng của anh trai bằng việc tìm mọi cách ngăn chặn vua Richard I quay trở về. Với một kết cấu tiểu thuyết đầy cuốn hút và giọng văn hào sảng vui tươi xen lẫn với những màn quyết đấu sinh tử, Sir. Walter Scott đã khéo léo lồng vào tiểu thuyết của mình hàng loạt những nhân vật lịch sử và dã sử trong đó đáng kể có vua Richard Sư tử tâm, Hiệp sĩ Đền thánh (the Knight Templars) và … vua trộm rừng xanh Robin Hood xứ Nottingham khiến người đọc rất thích thú. Ivanhoe đã trở thành một trong những tác phẩm xuất sắc của VHVH phương Tây nói chung và văn học Anh nói riêng.
Tuy nhiên, nói đến tác giả võ hiệp xuất sắc nhất châu Âu, người ta không thể không nhắc đến đại văn hào Alexandre Dumas. Những tác phẩm của ông như Bá tước Monte Cristo và bộ ba tác phẩm Ba người lính ngự lâm, Hai mươi năm sau và Tử tước de Bragelonne: Mười năm sau tiếp đã trở thành mẫu mực cho VHVH phương Tây. Điều đáng ghi nhận bậc nhất ở Alexandre Dumas đó là những tác phẩm ông viết đều ở dạng sê-ri đăng trên tờ báo Le Siècle. Đây là hình thức sáng tác feuilleton, một trong những dạng thức sáng tác mà sau này rất nhiều nhà văn viết truyện võ hiệp kết hợp với các tòa soạn báo. Cách viết này đòi hỏi các nhà văn liên tục phải sáng tác đều đặn mỗi ngày một số lượng chữ nhất định, đồng thời, nhà văn cũng phải có kỹ thuật ngắt mạch, tạo được sự khao khát của độc giả muốn chờ xem tiếp theo câu chuyện sẽ diễn tiến như thế nào. Ở lĩnh vực này, Alexandre Dumas xứng đáng là cây bút bậc thầy. Tiểu thuyết của ông là vô số những mâu thuẫn, những khúc mắc đan cài bằng những trận đấu kiếm khốc liệt nhưng không kém phần hào hùng và những câu truyện tình duyên đầy lãng mạn. Những nhà văn viết truyện võ hiệp sau này hiếm ai không chịu ảnh hưởng của Alexandre Dumas với tư duy sáng tác: “Lịch sử là bức tường còn tiểu thuyết là những bức tranh” và cách gây dựng những khẩu hiệu bất hủ: “Mọi người vì một người, một người vì mọi người” – “tous pour un, un pour tous". Những tác phẩm của ông đã vẽ nên một thời kỳ lịch sử kéo dài hơn trăm năm với những biến động to lớn và hàng loạt những nhân vật lịch sử có thật như Hồng y Giáo chủ Richelieu, Huân tước Buckingham, nhà cách mạng Oliver Cromwell v.v… với sự tái hiện qua các trang viết đầy sống động tạo nên những “bức tranh lịch sử” rộng lớn và đầy mầu sắc.
Một điều ta có thể khẳng định, đó là không chỉ độc giả châu Á mà độc giả châu Âu cũng có truyền thống đọc truyện võ hiệp. Thực tế này đã được phản ánh ở một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của văn học thế giới: Don Quixote, nhà quý tộc tài ba xứ Mancha - El ingenioso hidalgo don Quijote de la Mancha của đại văn hào Miguel de Cervantes. Câu truyện là những cuộc “hành tẩu giang hồ” của Don Quixote trên con ngựa gầy gò Rocinante và chàng giám mã Sancho Panza với những cuộc tỷ võ kinh thiên động địa của chàng hiệp sĩ với… cối xay gió nhằm mang những chiến công lẫy lừng về đặt dưới chân người đẹp Dulcinea xứ Toboso. Nguyên do bởi chàng quý tộc xứ Mancha đã nướng cả tuổi thanh xuân và một phần lớn gia sản để sưu tầm và đọc truyện kiếm hiệp. Điều đó khiến chàng trở nên nghiện truyện võ hiệp, nhìn đâu cũng thấy công nương, hiệp sĩ, kẻ thù với lâu đài thành quách và lũ phù thủy yêu ma. Quá trình “hành hiệp giang hồ” ngang dọc khắp đất nước Tây Ban Nha của chàng đã gây nên bao nhiêu câu truyện cười ra nước mắt. Xét trên nhiều phương diện phương diện, có thể khẳng định Don Quixote chính là tác phẩm “phản võ hiệp” hay nhất từ trước đến nay.
Tuy nhiên, phải sang đến thế kỷ 20, VHVH mới thực sự chuyển mình và trở thành một cơn sốt với hàng loạt tác gia nổi tiếng như Vương Độ Lư, Lương Vũ Sinh Kim Dung, Cổ Long, Ôn Thụy An. Những năm vừa qua, cùng với việc chính quyền Trung Quốc thừa nhận rộng rãi tài năng của nhà văn Kim Dung, cùng với đó là hàng loạt tác phẩm võ hiệp được tái xuất bản tạo nên một làn sóng của những tác giả võ hiệp trẻ ở lứa tuổi 7x - 8x tiếp nối viết nên nhiều tác phẩm gây sóng gió trên văn đàn. Chính những làn sóng võ hiệp này đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến VHVH Việt Nam.
3.VHVH Việt Nam – Hành trình gập ghềnh
Nói đến VHVH Việt Nam, không ít người tỏ ra quan ngại. Liệu rằng những tác phẩm VHVH nước ta có đủ chiều rộng và chiều sâu để tạo nên cái gọi là VHVH Việt? Tuy nhiên, nếu so với một số thể loại văn học khác đã và đang tồn tại ở nước ta như văn học trinh thám hay văn học đề tài về người đồng tính, có thể khẳng định tác giả và tác phẩm viết về VHVH có khối lượng lớn hơn gấp nhiều lần so với những dòng văn học kia.
Trong suốt quá trình manh nha, hình thành và phát triển, VHVH Việt Nam đã để lại một di sản khá lớn. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố về lịch sử văn hóa, cho đến tận ngày nay, hiếm có công trình nào khả dĩ nghiên cứu đầy đủ về VHVH Việt. Có thể coi đây là một khoảng trống khá lớn trong việc nghiên cứu văn học lịch sử nước ta. Bởi dù thích hay không thích, người ta không thể phủ nhận những ảnh hưởng của VHVH đến đời sống tinh thần của người Việt là không hề nhỏ bé, thể hiện ở việc rất nhiều từ ngữ của văn học võ hiệp đã đi vào đời sống hàng ngày như: chưởng, ma giáo, cái bang, tẩu hỏa nhập ma v.v…
Sở dĩ VHVH Việt Nam chưa có được sự nhìn nhận đúng đắn, đồng thời cũng vắng bóng những công trình nghiên cứu về đề tài này, theo người viết bắt nguồn từ một số lý do chính yếu như sau. Thứ nhất, nước ta không có truyền thống viết truyện võ hiệp. Nếu như văn học là tấm gương phản chiếu văn hóa – lịch sử thì sự thực lịch sử nước ta không có những hiệp khách và thiếu vắng những tổ chức bang hội môn phái. Chính vì vậy, trong lịch sử văn học Việt Nam trước thế kỷ 20, khó có thể chỉ ra tác phẩm nào hội tụ được tương đối tinh thần của VHVH. Thứ hai, VHVH vốn cho đến tận ngày nay vẫn bị coi thường là loại văn học “ba xu”, rẻ tiền, căn bản không xứng đáng đứng ngang hàng với những dòng văn học “chính tông” khác. Nói theo ngôn ngữ kiếm hiệp thì so với dòng văn học chủ lưu, VHVH dễ bị coi là dạng “tà ma ngoại đạo”. Chính vì vậy, những tác phẩm văn học võ hiệp không mấy được khuyến khích và điều này gây ra cản trở lớn đối với nhiều người viết muốn thử sức ở lĩnh vực văn học này. Thứ ba, trong một thời gian dài, do những điều kiện về lịch sử và những yếu tố ngoài văn hóa, VHVH không được lưu truyền rộng rãi, thậm chí còn bị cấm đoán. Điều kiện xuất bản những tác phẩm võ hiệp kinh điển đã khó, việc xuất bản những tác phẩm VHVH Việt càng khó gấp bội. Điều này khiến đa số những tác phẩm VHVH một thời gian dài đều xuất hiện theo hình thức xuất bản không chính ngạch, thậm chí đến với người đọc ở dạng truyền tay. Đó là lý do khiến cho không ít tác phẩm xuất hiện ở dạng không đầy đủ, không thực sự phản ánh đẩy đủ giá trị nguyên bản. Thứ tư, nhìn nhận một cách khách quan, VHVH Việt thiếu vắng những tác phẩm văn chương đủ tầm vóc và chất lượng để có thể đánh động dư luận và hướng người đọc tới một cái nhìn thiện cảm hơn với dòng văn học này. Trong khi đó, những tác phẩm VHVH tầm tầm hoặc kém phẩm chất lại không ít. Điều này khiến nhiều nhà phê bình đánh giá thấp VHVH, thực ra cũng có một phần lý do xác đáng trong đó.
Tuy nhiên, trong thực tế đời sống, nhiều người vẫn thích đọc VHVH. Và mặc dù hầu như không nhận được sự hỗ trợ mang tính bao cấp nào, nhưng VHVH vẫn sống khỏe, thậm chí số lượng người yêu thích VHVH nếu tính riêng trên các diễn đàn võ hiệp trên mạng đã ở con số không dưới vài chục ngàn người. Điều này thể hiện sức sống tiềm tàng của dòng văn học này. Đồng thời, tinh thần võ hiệp phương Đông trong hai thập kỷ trở lại đây đã có được sự thừa nhận rộng rãi với những tác phẩm điện ảnh xuất sắc, vừa có giá trị nghệ thuật cao, lại vừa thu hút được một lượng lớn người xem. Trong số đó, phải kể đến những bộ phim võ hiệp dựa trên tiểu thuyết kiếm hiệp như Thất kiếm (dựa trên truyện Thất kiếm hạ Thiên Sơn của Lương Vũ Sinh), Ngọa Hổ Tàng Long (dựa trên tiểu thuyết cùng tên của của Vương Độ Lư). Cùng với đó là dự án làm lại những hàng loạt những danh tác của Kim Dung thành phim truyền hình như Tiếu ngạo giang hồ, Anh hùng xạ điêu, Thần điêu đại hiệp, Ỷ thiên đồ long ký, Thiên Long Bát Bộ, Lộc Đỉnh Ký và Bích Huyết Kiếm. Đây là nhân tố trọng yếu làm sống lại dòng VHVH.
Cùng với việc Kim Dung chỉnh sửa lại tác phẩm của mình và tái bản với những tình tiết truyện mới, nhiều NXB đã tiến hành xuất bản lại những tác phẩm VHVH kinh điển. Cùng với đó là trào lưu viết truyện võ hiệp cũng nở rộ trong số những người viết văn trẻ. Đáng kể nhất là tác phẩm Tru Tiên (của tác giả Tiêu Đĩnh) đã trở thành một hiện tượng lớn nhất của ngành xuất bản Trung Quốc, được xưng tụng là “đệ nhất kỳ thư thời đại Internet” với hàng triệu người truy cập và háo hức đón đọc từng chương truyện được tác giả xuất bản trên mạng. Tru Tiên không chỉ gây sốt ở Trung Quốc mà khi được dịch sang tiếng Việt, tác phẩm này đã thu hút được một số lượng đông đảo độc giả nước ta đón đọc. Khi Công ty Văn hóa Phương Nam xuất bản một số đầu sách của tác giả Kim Dung và Cổ Long, chỉ sau 10 ngày, số lượng tác phẩm in ra đã bán tới con số 6.000 (1), đây là một tín hiệu cho thấy sức hút lớn của VHVH. Đó cũng là chất kích thích khiến khá nhiều cuộc thi sáng tác truyện võ hiệp Việt được tổ chức trên các trang mạng chuyên về VHVH.
Tuy nhiên, nếu quay trở lại quá khứ, việc truy tìm những dấu tích của VHVH Việt có một số khó khăn nhất định. Nguồn tư liệu chất lượng dành cho chủ đề VHVH Việt là khá ít ỏi. Hơn nữa, những tác phẩm VHVH Việt cũng ít được phổ biến hoặc nếu có qua quá trình lịch sử, tính nguyên vẹn của tác phẩm cũng bị mất mát nhiều. Và điều khó khăn nhất chính là nguồn thông tin về những tác giả viết truyện võ hiệp hầu như rất mù mờ hoặc thiếu nhất quán. Chính vì thế, bài viết này chỉ mong phục dựng lại được một phần nào đó diện mạo của VHVH Việt Nam và ghi nhận những chuyển động ngầm trong sáng tác VHVH trong thời đại Internet hôm nay.
4.Nền tảng võ hiệp Việt
Như đã phân tích ở trên, nước ta không có truyền thống viết truyện võ hiệp. Để viết nên những tác phẩm dạng này, những nhà văn viết truyện võ hiệp nước ta đương nhiên sẽ chịu một số những ảnh hưởng, mô phỏng nhất định từ những tác gia lớn của VHVH trên thế giới. Tuy nhiên, trong quá trình định hình và phát triển, VHVH Việt Nam có những nền tảng và hướng đi khá nhất quán.
Xét bề tính chất, VHVH tự thân nó có khả năng phân nhánh ra thành nhiều dòng nhỏ khác nhau. Nhà văn Cổ Long đã phát hiện ra một tính chất đặc biệt của văn học võ hiệp: “Trong văn học võ hiệp có thể có truyện tình cảm nhưng trong truyện tình cảm rất khó có thể có võ hiệp. Trong văn học võ hiệp có thể có trinh thám nhưng trong trinh thám khó có thể có võ hiệp. Đó âu là một trong những tính cách đặc biệt của VHVH. Nó có thể thâu tóm nhiều thể loại để tạo thành những phân nhánh nhỏ có thể chất riêng biệt”. Trên thực tế, có thể kể ra một số dòng chính của VHVH như VHVH dã sử, võ hiệp thần tiên (còn được gọi là tiên hiệp), võ hiệp kỳ tình (nhấn mạnh đến tình cảm nam nữ), võ hiệp trinh thám, võ hiệp sắc dục (còn gọi là sắc hiệp – nhấn mạnh hơn đến yếu tố sex làm chủ đạo) v.v… Dẫu vậy, không phải phân nhánh nào của VHVH cũng là ảnh hưởng lên VHVH Việt Nam.
Nhìn lại một chút về lịch sử văn học nước nhà, chúng ta đều biết, trong nửa đầu thế kỷ 20, công cuộc giao lưu văn hóa với phương Tây đã diễn ra một cách mạnh mẽ. Trong đó, người ta đã chứng kiến sự chuyển mình mang tính đột phá, tạo nên một thời kỳ thăng hoa rực rỡ của văn học Việt. Đó là thời kỳ nở rộ của những trào lưu văn học lãng mạn, thơ mới, văn học hiện thực phê phán v.v… tạo nên hàng loạt những tên tuổi nhà văn xuất sắc bậc nhất trong lịch sử văn học nước ta. Ở địa hạt VHVH, có thể kể ra một vài tác giả đã tạo nên những ảnh hưởng lớn lao đến những nhà văn võ hiệp Việt Nam, những người sau này đã hình thành nên nền tảng tư duy sáng tác của võ hiệp mang đậm chất Việt.
Ở Trung Quốc, Hoàn Châu Lâu Chủ là một cái tên được coi là nhân vật tiên phong mở ra những trang đầu tiên của VHVH trong thế kỷ 20. Một trong những tác phẩm đánh dấu mốc lớn nhất của dòng VHVH hiện đại bộ tiểu thuyết trường thiên Thục Sơn kiếm hiệp của ông. Điều ghi nhận lớn nhất ở Hoàn Châu Lâu Chủ phải kể đến việc ông được coi là tác giả Trung Quốc đầu tiên viết truyện võ hiệp theo kiểu feuilleton, vốn là đặc trưng của báo chí phương Tây. Tác phẩm Thục Sơn kiếm hiệp đã liên tục được đăng tải trong suốt mười năm ròng rã trên tờ Thiên Phong báo của tỉnh Thiên Tân, thu hút một lượng độc giả cực lớn khắp Trung Quốc và châu Á. Với sức tưởng tượng phi phàm, kết câu truyện ly kỳ, kiến thức phong phú, Hoàn Châu Lâu Chủ đã rất thành công trong việc kết hợp giữa một câu truyện mang đậm tính võ hiệp với những kiến thức văn hóa, du lịch, ẩm thực cùng nhiều đoạn tuyệt bút văn phong mỹ lệ. Tuy nhiên, điểm yếu của Hoàn Châu Lâu Chủ là câu chuyện ban đầu quá rộng lớn, thành ra nhân vật tản mát. Bút lực và tinh hoa của tác giả càng ngày càng cạn kiệt khiến câu chuyện ngày càng đuối. Đây cũng là một điểm yếu của rất nhiều người viết truyện võ hiệp, trong đó có nhiều tác giả võ hiệp Việt.
Nhìn lại lịch sử VHVH Việt, ta thấy không ít nhà văn thử bút trong lĩnh vực này lại là những người Tây học. Những tác phẩm họ viết ra mang nhiều nét tư duy sáng tác của đệ nhất văn hào võ hiệp phương Tây Alexandre Dumas. Khác với Hoàn Châu Lâu Chủ với hình thức tác phẩm mang nhiều dáng dấp của dòng văn võ hiệp giả tưởng, Alexandre Dumas là bậc thầy trong việc kết hợp lịch sử với võ hiệp, tạo nên những hình tượng nhân vật võ hiệp phương Tây cực kỳ sống động như chàng trai D'Artagnan cùng bộ ba lính ngự lâm Athos, Porthos và Aramis. Lối đi kết hợp kiếm hiệp và lịch sử, cùng với tư duy “kỳ tình” khá phương Tây của nhiều tác giả Việt Nam đều có ảnh hưởng ít nhiều Alexandre Dumas.
Nếu như nửa đầu thế kỷ 20, hai cái tên Hoàn Châu Lâu Chủ và Alexandre Dumas đã tạo thành dấu ấn sáng tác lớn lên những nhà văn viết truyện võ hiệp Việt Nam thì nửa sau thế kỷ 20 chứng kiến sự tỏa sáng của cây đại thụ Kim Dung. Trên nhiều phương diện, có thể coi Kim Dung là nhà văn võ hiệp có ảnh hưởng lớn nhất đến VHVH Việt Nam. Trước tiên, những tác phẩm của Kim Dung đã từng một thời làm mưa làm gió trong làng văn, làng báo Việt Nam. Tác phẩm của ông đã tạo thành một làn sóng đọc truyện võ hiệp khắp nơi, đặc biệt là ở miền Nam, nơi có cộng đồng thị dân rộng mở. Thứ hai, những tác phẩm của Kim Dung ngoài việc là những tác phẩm võ hiệp kinh điển còn là những tác phẩm văn học xuất sắc. Đó là lý do tác phẩm Kim Dung được coi là “Minh chủ võ lâm” của dòng VHVH, tên tuổi sánh ngang với nhà văn lỗi lạc nhất của Trung Quốc như Ba Kim, Lỗ Tấn, Lão Xá… Thứ ba, nhiều nhà văn nhà báo nước ta cũng yêu thích truyện võ hiệp của Kim Dung, bằng chứng là việc rất nhiều người lấy bút danh bằng tên những nhân vật của Kim Dung. Có thể nói, ảnh hưởng của Kim Dung lên VHVH là điều không thể phủ nhận, trong đó đương nhiên có cả VHVH Việt Nam.
Sau Kim Dung, cũng có nhiều nhà văn viết truyện võ hiệp danh tiếng. Đáng kể nhất là Cổ Long với tư duy sáng tác kết hợp giữa võ hiệp và trinh thám. Có điều đáng lưu ý, tuy ảnh hưởng của Cổ Long tại Trung Quốc và Đài Loan và một số nước châu Á là rất lớn, số lượng người đọc võ hiệp Việt Nam hâm mộ Cổ Long cũng không nhỏ, nhưng hầu như không có nhà văn võ hiệp Việt nào học theo cách viết của Cổ Long. Theo người viết có thể bắt nguồn từ một số nguyên do sau. Trước tiên, cũng như VHVH, nước ta không có truyền thống viết truyện trinh thám. Việc kết hợp cả hai tư duy mới mẻ là VHVH và văn học trinh thám là điều ít nhà văn nào của nước ta có được. Hơn nữa, lối viết của Cổ Long mang đậm dấu ấn của văn học tối giản. Lối hành văn này một lần nữa lại cũng không phải là điểm mạnh của các nhà văn nước ta. Chính vì thế, cho dù số lượng người đọc thích tác phẩm của Cổ Long ở nước ta là khá lớn, tuy nhiên, sức ảnh hưởng của Cổ Long lên sáng tác võ hiệp Việt Nam là khá nhạt nhòa.
Tóm lại, cái “tạng” viết truyện võ hiệp Việt Nam được định hình trên một số nền tảng: VHVH dựa trên những câu truyện truyền kỳ chạy theo một bối cảnh lịch sử nhất định làm khung nền với lối hành văn bạch thoại truyền thống. Điểm qua thì có thể thấy phần lớn những tác phẩm VHVH tiêu biểu của nước ta đều thấy ít nhiều mang trong mình những yếu tố đã đề cập ở trên.
5.Một số tác phẩm và tác giả đáng chú ý
Như đã đề cập, khá nhiều văn sĩ nước ta thích đọc truyện võ hiệp bởi họ lấy bút danh của mình bằng chính tên những nhân vật trong thế giới võ hiệp của Kim Dung hay Cổ Long. Từ việc say mê đến việc sáng tác là một khoảng cách không xa. Nhiều nhà văn nước ta đã viết nên những câu truyện võ hiệp của riêng mình. Thi sĩ Bùi Giáng, một người yêu thích truyện võ hiệp và từng viết một số truyện võ hiệp ngắn đã nhận định: “Đọc truyện vũ hiệp là một trong những phép tu dưỡng kí ức và khơi dẫn nguồn vui ẩn mật trong mình. Đọc theo lối hồn nhiên, hoặc vừa đọc vừa suy ngẫm. Chưởng lực, kiếm thế, nội kình phát ra có thể là tinh thể của tinh thần phát hiện. Riêng đối với bạn thi sĩ, sách vũ hiệp có thể giúp bạn làm thơ lai láng một cách không ngờ. Điều đó không có chi lạ: ban sơ vũ học, văn học,thi nhạc cùng phát khởi tại một cội nguồn: uyên nguyên của tinh thần xuất phóng”
Trong suốt quá trình các nhà văn nước ta theo đuổi dòng VHVH, khá nhiều người đã có được những dấu ấn đáng kể, tạo nên những điểm mốc của dòng văn học này. Tuy nhiên, số lượng tác phẩm VHVH Việt khá đồ sộ nhưng nếu đánh giá một cách khắt khe thì khó có thể nhặt ra được nhiều tác phẩm xuất sắc.
Một trong những tác giả tâm huyết bậc nhất với dòng VHVH Việt Nam phải kể đến Yên Tử cư sĩ Trần Đại Sỹ. Số lượng tác phẩm của ông khá nhiều. Theo như công bố, ông đã viết tới hơn 20 ngàn trang sách trong số đó có tới ba phần tư là những tác phẩm VHVH. Ông là người có vốn kiến thức lịch sử văn hóa uyên thâm, văn tài đáng kể. Những câu truyện của ông đều dựa khá sát vào nền tảng lịch sử, bao trùm lên nhiều thời đại khác nhau, từ thời Hai Bà Trưng đến Lý, Trần, Lê… với khá nhiều giả thiết lịch sử có thể gây tranh cãi. Một số tác phẩm nổi tiếng của ông là Anh hùng Lĩnh Nam, Anh hùng Đông A, Nam quốc sơn hà v.v... Trần Đại Sỹ từng tâm sự: “Các tiểu thuyết chương hồi của Trung Quốc được dịch sang tiếng Việt. Người Việt thi nhau đọc. Mà các tiểu thuyết của Trung Quốc, viết trong chủ đạo của họ: Vua luôn là con trời sai xuống. Bị ảnh hưởng của những tiểu thuyết đó, người Việt đọc rồi tin là thực, thậm chí lập tôn giáo thờ kính những nhân vật đó, tự ty mình là Nam Man!” Với tư duy đó, ta thấy trong tác phẩm của ông một tinh thần tự cường dân tộc và lòng yêu nước nồng nàn được thể hiện khá rõ nét qua những nhân vật hiệp khách người Việt. Trần Đại Sỹ là người kiên trì đi theo con đường võ hiệp – dã sử. Tuy nhiên, nếu lịch sử là điểm mạnh thì võ hiệp lại là yếu huyệt của ông. Truyện của Trần Đại Sỹ thiếu vắng những tình tiết ly kỳ, nghẹt thở, những âm mưu được dàn xếp công phu mang phong vị đặc trưng của VHVH. Tóm lại, tác phẩm của ông được về mặt sử mà kém về mặt võ hiệp. Và xét theo tiêu chí của cả VHVH hoặc văn học dã sử thì đều khó có thể coi những bộ truyện võ hiệp ông viết là những tác phẩm hay.
Trong số những người viết truyện võ hiệp Việt Nam cũng ghi dấu Tiền Phong Từ Khánh Phụng. Chúng ta đều, Từ Khánh Phụng là một trong những dịch giả nổi tiếng bậc nhất trong việc chuyển ngữ những tác phẩm lớn nhất trong văn nghiệp của nhà văn Kim Dung sang tiếng Việt tại miền Nam thời trước 1975. Ngoài việc dịch thuật, Từ Khánh Phụng cũng đã từng chắp bút viết nên một số tác phẩm VHVH trong số đó có thể kể đến Hỏa Long thần kiếm, Quái khách muôn mặt, Trạm Lư bảo kiếm… Tuy nhiên có lẽ một phần do ông là người Minh Hương, gốc Trung Quốc, phần nữa do ông chịu ảnh hưởng quá lớn của Kim Dung nên những tác phẩm của ông quá đậm chất Trung Quốc, thiếu vắng chất Việt.
Một số báo chí miền Nam sau đăng tải những truyện của Kim Dung và đã thu hút được một lượng độc giả lớn. Sau khi Kim Dung tuyên bố phong bút, ngừng viết để tập trung vào công việc chỉnh sửa và biên tập lại những truyện mình đã viết, nhiều tác giả đã nhanh nhạy viết truyện kiếm hiệp cũng theo kiểu feuilleton. Nổi tiếng nhất phải kể đến Lệnh xé xác của Lã Phi Khanh. Ngoài ra, có thể kể đến một số tác giả khác cũng thử sức trong lãnh vực VHVH như Sơn Linh viết Tử chiến Phiên Ngung thành, Giao Châu thất hùng, Cờ nghĩa thành Tây Đô. Tuy nhiên, cách xây dựng tính cách nhân vật và tình huống truyện của ông thường bị lên gân và có phần kịch khiến mạch truyện thiếu tự nhiên.
Một dịch giả khác đã chuyển ngữ khá nhiều tiểu thuyết võ hiệp Trung Quốc sang tiếng Việt là Phan Cảnh Trung. Ông cũng đã viết khá nhiều tác phẩm võ hiệp Việt. Thời gian vừa rồi, khá nhiều tác phẩm của ông được NXB Văn Nghệ in và tái bản gây chú ý nhất định đối với độc giả võ hiệp như Hiệp khách giai nhân lấy bối cảnh thời Nùng Trí Cao chống quân Tống, Hồng điệp ngọc trâm lấy bối cảnh Đại Việt dưới thời đô hộ của nhà Minh… Những tác phẩm của Phan Cảnh Trung không quá phụ thuộc vào bối cảnh lịch sử, lấy yếu tố võ hiệp là chủ đạo, lịch sử chỉ là một khung nền mờ.
Nếu có thể chỉ ra một nhà văn viết truyện võ hiệp xuất sắc, có thể kể đến Lý Phật Sơn còn có bút danh là Hoài Điệp Thứ Lang. (Có thông tin cho rằng Lý Phật Sơn là bút danh của thi sĩ Đinh Hùng) Những tác phẩm của Lý Phật Sơn có sự giao hòa khá đầy đặn giữa yếu tố võ hiệp và yếu tố lịch sử như Long hổ tranh hùng, Kiếm báu hoa bay, Người đao phủ thành Đại La, Kỳ nữ gò Khâu Ôn, Hào kiệt Tây sơn… Một số nhân vật của Lý Phật Sơn có sự kết hợp mạnh giữa võ hiệp và lịch sử như Thần Long học được Bát điểm hoa mai đao của Thái úy Lý Thường Kiệt (Long hổ tranh hùng) và chàng cùng với những bằng hữu tham gia cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, đối đầu với những đệ nhất cao thủ của quân địch. Tuy nhiên, cũng có những nhân vật ông chịu ảnh hưởng bởi Kim Dung như nhân vật Đắc Châu (Long hổ tranh hùng) học được môn Thập Lực Chỉ Thiền và chỉ pháp này phóng ra kiếm khí nhưng lúc phóng được lúc không rất giống với nhân vật Đoàn Dự (Thiên Long Bát Bộ) của Kim Dung. Lý Phật Sơn cũng có những phát kiến thú vị, như ông nghĩ ra Cái Bang của Việt Nam với những quy định riêng biệt, khác hẳn so với Cái Bang trong thế giới võ hiệp Trung Quốc. Qua những tác phẩm của mình, Lý Phật Sơn đã thể hiện kiến thức lịch sử uyên thâm, thấp thoáng có bóng dáng của tư tưởng Thiền học và Phật học trong tác phẩm. Điểm đáng chú ý đó là ngôn ngữ văn chương và cách kết cấu câu truyện của Lý Phật Sơn được đầu tư xây dựng khá cuốn hút. Những tác phẩm “đinh” của ông như Long hổ tranh hùng hay Hào kiệt Tây Sơn đều có thể coi là những bộ truyện võ hiệp xuất sắc trong kho tàng VHVH Việt Nam.
Khá nhiều tác giả khác cũng đã thử sức với VHVH Việt. Có thể kể ra tác giả Vũ Ngọc Đĩnh với Lam Sơn hào kiệt, Lê Đại Hành hoàng đế phá Tống hay Châu Thế Vũ với Lạc Hồng thần kiếm, Trần Minh Châu với Ngô vương bí lục và Trần Phiên Ngung với Nam thiên nhất tuyệt kiếm v.v… Và còn nhiều tác giả nữa cũng đã thử bút trong lĩnh vực VHVH. Tuy số lượng tác phẩm khá nhiều nhưng nội lực không đủ mạnh khiến các tác phẩm không có hơi văn riêng, không gây được ấn tượng đáng kể nào từ phía độc giả.
6.Nhà văn võ hiệp Việt đặc sắc nhất?
Với nguồn tài liệu bị thất lạc và thiếu nhất quán như hiện nay, khó có thể khẳng định tác phẩm nào được coi là tác phẩm võ hiệp đầu tiên của Việt Nam. Tuy nhiên, nếu có thể bình chọn tác giả VHVH Việt xuất sắc nhất, mang đậm chất Việt nhất, sẽ rất nhiều người đồng ý ghi danh tác giả Hoàng Ly. Nhìn vào bề ngoài, những tác phẩm của Hoàng Ly có tư duy sáng tác khá giống Thục Sơn kiếm hiệp của Hoàn Châu Lâu Chủ. Nhưng nếu đi vào phân tích kỹ càng, có thể nói Hoàng Ly là người khai mở ra một lối viết khác biệt, hoàn toàn mới mẻ với những nhà văn viết truyện võ hiệp từ Đông sang Tây.
Điểm khác biệt khiến Hoàng Ly trở nên độc đáo, đó là tác phẩm của ông là sự kết hợp của ba yếu tố: truyện võ hiệp, truyện giả tưởng – fantasy mang nhiều yếu tố tiên hiệp và truyện đường rừng. Sự kết hợp này xuyên suốt trong toàn bộ những tác phẩm của ông. Điều đáng nói, cả ba yếu tố: võ hiệp, giả tưởng và đường rừng đều được Hoàng Ly thể hiện một cách nhuần nhuyễn với một giọng văn lôi cuốn. Về mặt võ hiệp, những cuộc đấu của Hoàng Ly rất đa dạng, có thể là đấu võ, đấu kiếm hay thậm chí là đấu súng pạc-học với những tình tiết và nút thắt mở bài bản. Về mặt giả tưởng, Hoàng Ly đã vẽ nên những yếu tố thần bí nhưng hoàn toàn đặc trưng của văn hóa Việt, đó là tư duy về linh hồn, sự sống sau cái chết, niềm tin vào những con ma trành, ma xó, âm binh… khiến người đọc cảm thấy rất gần so với phông văn hóa dân gian Việt. Về tính chất đường rừng, tác phẩm Hoàng Ly chủ yếu lấy bối cảnh địa lý ở vùng biên cương phía Bắc, trải dài từ Điện Biên sang Lào Cai đến vùng Cao Bắc Lạng với những mô tả cảnh quan tuyệt mỹ và lý giải văn hóa uyên thâm thể hiện một kiến thức dân tộc học cực kỳ phong phú. Tư duy kết cấu tác phẩm của ông ảnh hưởng khá lớn của thuyết cơ cấu luận. Cũng giống với Kim Dung, Hoàng Ly thường xây dựng cho mình những “bộ” nhân vật như: Nam Thần, Bắc Thánh, Đông Tinh, Tây Quỷ hay Đông Tửu, Tây Sắc, Bắc Yên, Nam Đổ v.v… Không biết việc xây dựng những bộ nhân vật này của Hoàng Ly có chịu ảnh hưởng của bộ nhân vật “Võ lâm ngũ bá” hay “Thiên hạ ngũ tuyệt” của nhà văn Kim Dung hay không. Tuy nhiên, đây là một tư duy sáng tác mà rất ít nhà văn võ hiệp nước ta theo đuổi. Có thể nói, Hoàng Ly đã vạch ra một hướng đi vô cùng mới mẻ của VHVH Việt Nam, xứng danh là tác giả viết truyện võ hiệp Việt Nam xuất sắc nhất.
Cho đến ngày nay, những tác phẩm của Hoàng Ly như Lửa hận rừng xanh, Nữ chúa hồ Ba Bể, Giặc Cái, Một thời ngang dọc hay còn gọi là Thập Vạn Đại Sơn Vương v.v… vẫn được lưu truyền trên những trang chia sẻ truyện võ hiệp. Xuất sắc nhất trong số đó phải kể đến hai bộ tiểu thuyết trường thiên Lửa hận rừng xanh và Thập vạn đại sơn vương.
Lửa hận rừng xanh được coi là tiểu thuyết nổi tiếng nhất của Hoàng Ly cũng như của VHVH Việt. Nhân vật chính là Tù trưởng Ðèo Văn Lang người Thái với bối cảnh truyện trải dài khắp từ Lai Châu đến Lào Cai với những địa danh đậm chất vùng biên viễn như Phong Thổ, Phản Tây Phàn (Fansipan), Mường Lay, Mường Tè với những dòng miêu tả phong cảnh thể hiện tâm hồn một nhà văn yêu thiên nhiên với những quan sát tinh tế. Đây là một đoạn trích trong tác phẩm này: “Thượng du đất Việt có núi đồi trùng trùng điệp điệp vắt suốt từ Tàu sang nội địa Việt Nam, chạy dọc theo thế liên hành nhấp nhô khắp bốn phương tám hướng... Miệt Lào Cai đèo cao dốc vút rừng núi thiên hiểm hùng vĩ. Miệt Lai Châu lại là đất sản sinh nhiều ngựa nhất Đông Dương. Vùng Cao Bắc Lạng rất lắm xe ngựa, đặc biệt loại xe song mã, vừa chở hàng, vừa chở khách. Vào dịp có phiên chợ tỉnh, châu, chỗ nào cũng đầy xe ngựa. Du khách thị thành, bình nguyên đi chơi hồ Ba Bể thường thích đi xe song mã, cỡi ngựa nếm phong vị sơn cước, trai thanh gái lịch lũ lượt từng đoàn áo màu phấp phới như hoa nở sơn khê” Truyện có tình tiết ly kỳ, văn phong hùng hậu và trí tưởng tượng vô cùng phóng khoáng, đưa người đọc vào một thế giới võ hiệp – đường rừng đầy phong vị vùng núi non Tây Bắc rất lôi cuốn người đọc.
Trong khi đó, tác phẩm Một thời ngang dọc - Thập vạn đại sơn vương lấy bối cảnh lịch sử khi đất nước ta bị giặc Pháp đô hộ. Vua Hàm Nghi bị bắt. Tôn Thất Thuyết trốn sang Trung Quốc, mong chờ thời cơ khôi phục giang sơn. Họ Tôn mang theo kho báu của vua Hàm Nghi và quyết định chôn số vàng bạc châu báu này bên sông Đà ở Lai Châu và vẽ lại trên một tấm bản đồ để khi nghĩa quân nổi dậy có thể lấy sử dụng chiêu binh mãi mã, trả thù cho nước. Đó cũng là nguyên do khiến vô số đám sơn tặc vùng Tây Bắc lùng sục tìm kiếm tấm bản đồ kho báu. Trong khi đó, Hồng Lĩnh, con trai của một nghĩa quân làm cách mạng chống Pháp. Cha chàng bị đồng đội là Trần Tắc phản bội, bị quân Pháp đưa lên máy chém xử tử. Chàng bỏ lên miền núi Thập Vạn Đại Sơn làm nghề lạc thảo. Hồng Lĩnh có tuyệt kỹ bắn súng bách phát bách trúng nên còn được đám giặc cướp gọi là “Thần xạ”. Trên đường truy tìm Trần Tắc để báo thù nhà, chàng đã cứu được Phượng Kiều, người đang bị bọn thổ phỉ ở Cao Bằng bắt giữ. Không ai ngờ, Phượng Kiều chính là con gái của Trần Tắc và bọn thổ phỉ bắt nàng vốn nhằm buộc Trần Tắc giao cho chúng mảnh bản đồ kho báu. Từ đó, mối tình giữa chàng và Phượng Kiều nảy nở nhưng chàng cũng bị Trần Tắc cùng quân Pháp truy đuổi, mặt khác những mối họa của đám thổ phỉ cũng luôn rình rập khắp nơi…
Với hình thức kết cấu cốt truyện ly kỳ, một nền tảng kiến thức vững chắc, trí tưởng tượng cực kỳ phong phú đi cùng với một giọng văn cuốn hút, Hoàng Ly với những tác phẩm của mình có thể được coi là điểm sáng lớn nhất và cũng là thành tựu đáng kể nhất của VHVH Việt Nam.
7.VHVH Việt trong thời đại Internet
Thực tế đã cho thấy, số lượng người yêu thích VHVH ở nước ta không hề nhỏ. Những tác phẩm bình luận VHVH như Kim Dung giữa đời tôi (Vũ Đức Sao Biển) hay Lai rai chén rượu giang hồ (Huỳnh Ngọc Chiến) đã được tái bản nhiều lần với số lượng xuất bản rất khả quan. Khi mạng thông tin Internet được mở rộng, khá nhiều trang web chuyên về đề tài võ hiệp đã được thành lập. Điều đáng nói, những người điều hành – admin, hay những người quản trị - moderator của những trang web này phần lớn đều là thế hệ 7x trở lại. Trong số những trang web nổi tiếng về VHVH nước ta phải kể đến Tàng Kinh Cốc, Tàng Thư Viện, Nhạn Môn Quan, Lương Sơn Bạc, Việt Kiếm v.v… với số lượng thành viên đăng ký lên tới vài chục ngàn người.
Một điểm chú ý đối với thế giới truyện võ hiệp trên mạng, đó là những trang web chuyên về văn học võ hiệp đều phần lớn mang tính tự phát hoặc do một vài thành viên có tiềm lực tài chính cùng sự say mê lớn dành cho VHVH lập ra. Tuy vậy, khối lượng tác phẩm và những tài liệu về VHVH được sưu tầm, bảo tồn và chia sẻ ở những nơi đây là khá lớn dẫu rằng góc dành riêng cho VHVH Việt Nam còn thiếu vắng. Điểm qua những trang web và diễn đàn này, chúng ta có thể thấy nhu cầu đọc và viết truyện võ hiệp vẫn đang tồn tại như một cơn sóng ngầm đầy nội lực trải dài suốt bấy nhiêu năm và chỉ chờ cơ hội để bùng phát.
Ngoài việc trao đổi những tác phẩm VHVH, bàn luận và trao đổi kiến thức nhằm đưa ra những kiến giải khác nhau dành cho những tác phẩm, tác giả VHVH, các thành viên trên những trang mạng này còn có nhiều dự án nhằm đánh máy lại những tác phẩm VHVH hiếm hay dịch thuật những tác phẩm VHVH đáng chú ý. Cũng không thể không kể đến những phong trào sáng tác truyện võ hiệp Việt Nam được tổ chức khá rôm rả trên những trang web chuyên biệt này. Đáng chú ý nhất là cuộc thi viết truyện võ hiệp mang tên Kim bút của trang web Tàng Thư Viện đã thu hút được một lượng tác phẩm khá lớn. Ngoài ra, sự phổ biến của một game kiếm hiệp dựa trên các tác phẩm của Kim Dung, Cổ Long hay Võ Lâm truyền kỳ cũng là một trong những yếu tố khiến các bạn trẻ say mê thế giới võ hiệp, từ đó tìm đến với những tác phẩm võ hiệp và sáng tác nên những tác phẩm của riêng mình. Rất nhiều tác phẩm võ hiệp của chính những thành viên thời @ đã được sáng tác và được chia sẻ trực tuyến online.
Tuy nhiên, có thể nói VHVH Việt vẫn đang chịu nhiều thiệt thòi. Để tìm ra những NXB in những tác phẩm VHVH Việt là điều không dễ. Những tờ báo chịu “mở lòng” với dòng văn học này cũng không có nhiều. Dẫu sao, thời gian vừa rồi, một trong những tín hiệu khá lạ, được cộng đồng VHVH trên mạng bàn tán xôn xao. Đó là việc truyện Tuyết đen, một tác phẩm mang đậm dấu ấn của VHVH của tác giả trẻ bút danh Giao Chi đã được đăng trên báo Mực Tím. Truyện kể về nàng đại tiểu thư võ đường Lưu gia, tên gọi Đồng Tử và tên tà giáo Vạn Độc Vương, tự là Tuyết đen. Ngay lập tức, tác phẩm đã được mệnh danh là: “truyện kiếm hiệp đầu tiên dành cho teen Việt”. Khi được đưa lên blog của tác giả, entry Tuyết đen tạo nên một sức hút lớn với 45 ngàn lượt truy cập chỉ sau vài tháng với hàng trăm bức tranh vẽ minh họa các nhân vật trong truyện được các độc giả vẽ dựa trên trí tưởng tượng của mình và gửi đến cho tác giả. Thành công bất ngờ của Tuyết đen đã khiến báo Mực tím đặt tác giả Giao Chi viết tiếp phần 2 của Tuyết đen và dự kiến phần tiếp nối này sẽ tiếp tục gây xáo trộn giang hồ như phần 1. Cuộc thi Truyện ngắn 2011 - 2012 thời gian vừa rồi trên báo Văn Nghệ cũng ghi nhận một truyện ngắn mang chất võ hiệp khá đậm nét đó là Bảo kiếm truyền kỳ. Đây cũng là tín hiệu cho thấy những người làm biên tập đã khá mở lòng đối với dòng VHVH.
Mấy ai nhớ được lịch sử nước Pháp thời kỳ vua Louis XVI, nhưng hầu hết mọi người đều biết đến câu khẩu hiệu “Một người vì mọi người! Mọi người vì một người!” của những chàng Ngự lâm pháo thủ. Mấy ai nhớ được lịch sử nước Anh thời kỳ “đêm trường Trung Cổ”, nhưng mọi người đều biết đến những cái tên huyền thoại của chàng cung thủ Robin Hood, chàng hiệp sĩ Ivanhoe cùng vua Richard Sư tử tâm hùng dũng. Không nhiều người hiểu rõ lịch sử Trung Quốc thời Tống - Nguyên – Minh – Thanh nhưng những hình tượng như Tiêu Phong, Quách Tĩnh, Dương Quá, Trương Vô Kỵ, Vi Tiểu Bảo v.v… đều đã ghi dấu ấn trong lòng biết bao thế hệ người đọc và trở thành những hình tượng văn học bất tử.
VHVH nếu được khai thác một cách khéo léo sẽ là một trong những công cụ quyền lực, có thể truyền bá được rộng khắp tinh thần dân tộc. VHVH nếu được sử dụng đúng cách sẽ nâng cao tình yêu lịch sử và là công cụ chuyển tải văn hóa đặc trưng của đất nước. Với Việt Nam, con đường phát triển của dòng văn học này đã mang quá nhiều thăng trầm. Tuy nhiên, một số lượng lớn người đọc vẫn đang chờ đợi những tác phẩm thực sự chất lượng, đánh dấu mốc cho dòng văn học này. Đây sẽ là thách thức, đồng thời cũng là một hướng đi đáng kể cho những nhà văn trẻ thử sức!
HOÀNG TÙNG
Thứ Ba, 17 tháng 1, 2012
Bình luận kiếm hiệp: NỮ NHÂN VÀ QUYỀN LỰC
Một điểm khiến tác phẩm của Kim Dung nổi trội hơn những tác phẩm kiếm hiệp cùng thời, đó là tính tư tưởng và chiều sâu của nhân vật. Cũng như những triết gia sinh ra trong buổi tao loạn, Kim Dung đã luôn mơ ước một giấc mơ đại đồng. Chính vì vậy, ông đã dựng nên hàng loạt những mẫu nhân vật anh hùng chí tình chí nghĩa, sống thuận theo lẽ tự nhiên, thấm nhuần hai chữ tri túc, biết bước qua oán hận và rũ bỏ vòng kiềm tỏa của quyền lực.
1.Kim Dung nếu không dị ứng với quyền lực thì cũng không mấy thích thú với trò chơi quyền lực. Trong cuộc sống, Kim Dung không ít lần va chạm với quyền lực. Năm 16 tuổi, ông từng bị đuổi học vì viết truyện châm biếm ngài chủ nhiệm ban huấn đạo. Năm 19 tuổi, ông tố cáo một vụ bê bối trong trường và bị đuổi học lần hai. Sau này, khi lập ra Minh Báo và viết nên hàng loạt tác phẩm kiếm hiệp rung động hàng triệu độc giả, đó lại là lúc tác phẩm của Kim Dung bị cấm ở cả Đài Loan và ở Đại lục Trung Quốc.
Phải chăng vì thế mà những nhân vật anh hùng trong tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung đã tạo nên những cuộc cách mạng khác thường. Nếu như những người hùng truyền thống của tiểu thuyết kiếm hiệp vô tình hay hữu ý đều lên ngôi cao Minh chủ võ lâm, trở thành một thứ Hoàng đế của giang hồ thì những nhân vật mang tham vọng quyền lực trong tiểu thuyết Kim Dung thường chịu những kết cục không có hậu. Tả Lãnh Thiền phơi xác trong lòng hang động núi Hoa Sơn. Nhạc Bất Quần thân tàn ma dại, chết dưới lưỡi dao của ni cô Nghi Lâm. Nhậm Ngã Hành chết bất đắc kỳ tử. Mộ Dung Công Tử điên loạn bên nấm mộ hoang. Lý Tự Thành có quyền lực trong tay bỗng biến đổi từ một người hùng áo vải thành kẻ hôn quân. Bên cạnh đó, Kim Dung đã dựng nên những hình tượng phụ nữ với tham vọng quyền lực mạnh mẽ. Đó chính là Đệ nhị và Đệ tam Chưởng môn phái Nga Mi: Diệt Tuyệt Sư Thái và Chu Chỉ Nhược trong bộ trường thiên tiểu thuyết Ỷ Thiên Đồ Long ký.
Sẽ có người phản đối. Diệt Tuyệt Sư Thái là thích thiện ghét ác, đáng được tôn trọng. Còn cô gái Chu Chỉ Nhược là người ôn nhu kiều mỵ. Tại sao hai người đó lại có tham vọng quyền lực được? Sự thực có phải vậy không?
Diệt Tuyệt Sư Thái có vẻ là một người mù quáng với lý tưởng của mình. Bà là người quyết liệt với nguyên tắc chứ không phải là người tham vọng. Đó chỉ là những biểu hiện bên ngoài. Bên trong con người này lại là một khát khao quyền lực to lớn.
2.Mục đích thực sự của Diệt Tuyệt Sư Thái đã phát lộ phần nào khi bà trao nhẫn Chưởng môn lại cho Chu Chỉ Nhược: “Cuộc đời ta, bình sinh có hai tâm nguyện lớn, một là làm sao đuổi bọn Thát tử, lấy lại giang sơn cho người Hán, hai là làm sao cho võ công phái Nga My đứng đầu thiên hạ, vượt cả Thiếu Lâm, Võ Đang, trở thành môn phái số một ở Trung Nguyên". Đối với một người phụ nữ, đây là một câu nói hào khí lẫm lẫm. Nhưng liệu tâm nguyện của bà liệu có thực sự như vậy không?
Mục đích đầu tiên của Diệt Tuyệt Sư Thái là đánh đổ triều đình nhà Nguyên, giành lại giang sơn cho người Hán. Tổ chức chống triều đình mạnh mẽ nhất và có tiềm lực nhất lại là Minh Giáo. Theo lẽ thường, Sư Thái phải chung tay giúp đỡ Minh Giáo mới đúng. Đằng này bà luôn tìm cách đối đầu, tàn sát giáo chúng Minh Giáo, coi Minh Giáo như cái gai trong mắt, thề một lòng “diệt tuyệt”. Mục tiêu chống lại Nguyên triều của bà xem ra chỉ là cái vỏ. Dương oai võ công Nga My lên hàng số một Trung Nguyên thực ra mới là tâm nguyện thực sự.
Để thực hiện tâm nguyện của mình, Diệt Tuyệt Sư Thái đã không từ một thủ đoạn nào. Khi bị quân triều đình bắt giam ở chùa Vạn An, chứng kiến võ công của những cao thủ võ lâm Nguyên triều và bản lĩnh tuyệt luân của các anh hùng Minh Giáo, bà đã tự biết rằng mình sẽ không thể nào đưa Nga Mi phái lên vị trí hàng đầu võ lâm Trung Nguyên bằng thực lực. Diệt Tuyệt Sư Thái dồn mọi hy vọng vào con bài Chu Chỉ Nhược: “Tên dâm đồ họ Trương kia có tà ý, ắt sẽ không hại tính mạng con. Con có thể giả vờ khứng chịu, thừa cơ đoạt lại thanh Ỷ Thiên kiếm. Còn thanh đao Đồ Long ở trong tay nghĩa phụ y là ác tặc Tạ Tốn. Trên đời này chỉ một người có thể bảo y đi lấy thanh đao đó được thôi. Người đó chính là con đó. Ta muốn con dùng sắc đẹp dụ y lấy được bảo đao bảo kiếm”. Điều đó chứng tỏ Diệt Tuyệt Sư Thái không phải không nhìn ra cảm tình giữa Chu Chỉ Nhược và Trương Vô Kị. Bà biết rằng quân cờ Chu Chỉ Nhược có những ưu thế đặc biệt nhưng cũng rất sợ mất quân cờ này. Vậy nên bà bắt Chỉ Nhược thề độc: “Nếu như sau này có lòng ái mộ tên dâm đồ Trương Vô Kỵ, kết thành vợ chồng cùng y, cha mẹ con chết nằm dưới đất xương cốt không yên, sư phụ con Diệt Tuyệt sư thái sẽ thành ma quỉ khiến cho con một đời ngày đêm không ổn, nếu như con sau này sinh con đẻ cái với y, con trai thì đời đời làm đầy tớ, con gái thì đời đời làm gái lầu xanh”.
3.Ta thấy ở những hành động của mình, Diệt Tuyệt Sư Thái đã thể hiện là người tham vọng tuyệt cao nhưng lại tàn bạo đến mức vô lý, chỉ biết đến điều mình muốn mà sẵn sàng đạp đổ những ước muốn của người khác. Có lẽ bà chưa bao giờ biết yêu nên bà đã coi tình yêu chỉ như vật trao đổi. Cả đời bà tham vọng quyền lực nên bà đã dùng quyền lực để làm thành sức ép nhằm dụ dỗ mọi người. Và bà luôn cho mình đứng ở một vị trí tối cao, vị trí phán xét mà bắt người khác phải phục tùng vô điều kiện cho những mục đích cá nhân. Bà tự tạo cho mình một vỏ bọc là con người của chính nghĩa, của nguyên tắc. Nhưng thực tế đã cho thấy bà sẵn sàng đi ngược lại với những nguyên tắc của mình, miễn là điều đó phục vụ cho mục tiêu “số một võ lâm” của phái Nga Mi do bà làm Chưởng môn. Trường đoàn thể hiện rõ ràng những tính cách trên của Diệt Tuyệt Sư Thái là khi bà thuyết phục cô học trò yêu là Kỷ Hiểu Phù giết chết Dương Tiêu, người cha và cũng là người mà Kỷ Hiểu Phù một lòng yêu mến. Ban đầu, khi Kỷ Hiểu Phù trình bày mọi việc mình gặp gỡ Dương Tiêu ra sao, bị họ Dương ép thất thân và sinh ra Bất Hối như thế nào, Diệt Tuyệt Sư Thái hoàn toàn tỏ vẻ cảm thông: “Tội nghiệp con thật đáng thương. Ôi, việc này đâu có phải lỗi ở con đâu”. Chỉ đến khi cái tên Dương Tiêu được nói ra, bà bỗng trở nên thay đổi thái độ hoàn toàn. Bởi vì cái tên Dương Tiêu có liên quan đến mối thù cá nhân với bà. Bởi Dương Tiêu chính là người đã đả bại sư huynh của bà là Cô Hồng Tử, khiến họ Cô thua nhục mà chết. Con bài chính nghĩa chỉ là khẩu hiệu còn hành động thì hoàn toàn ám muội khi bà dùng vị trí trưởng môn Nga Mi phái làm mồi nhử: “Ta sai ngươi làm một việc, đại công cáo thành rồi, ngươi trở lại núi Nga Mi, ta sẽ đem y bát và kiếm Ỷ Thiên truyền lại cho ngươi, lập ngươi làm người kế thừa chức chưởng môn bản phái”. Và khi đồ đệ không chịu dùng nhan sắc và tình thân để sát hại Dương Tiêu, Diệt Tuyệt Sư Thái lập tức tung chưởng đánh vỡ sọ học trò. Sự cạn tình cạn nghĩa, mù quáng vì giấc mơ “số một võ lâm” của bà đã được truyền xuống Chu Chỉ Nhược.
4.Nếu như bảo Chu Chỉ Nhược là người đam mê quyền lực, hẳn sẽ nhiều người phản đối. Nàng là người lụy tình. Chỉ vì ép buộc của sư phụ mà phải nhận ngôi Chưởng môn phái Nga Mi. Vì di nguyện của Sư phụ mà thi hành độc kế chiếm Ỷ Thiên kiếm và Đồ Long đao. Chỉ vì quá yêu Trương Vô Kị và quá ghen với Triệu Mẫn mà sau này đã trở nên mù quáng. Liệu có phải vậy? Thực tế cho thấy Chu Chỉ Nhược là một bản sao của Diệt Tuyệt Sư Thái. Nhưng đó là một bản sao hoàn chỉnh hơn, kín đáo hơn và tham vọng cũng lớn hơn nhiều lần.
Ta có thể coi hành động hạ độc thủ, chiếm Ỷ Thiên kiếm và Đồ Long đao của Chu Chỉ Nhược là vạn bất đắc dĩ do nàng bị ép buộc phải theo di nguyện của sư phụ. Nếu di nguyện quan trọng đến vậy thì sẽ giải thích ra sao khi nàng sẵn sàng bỏ qua lời thề độc mà một lòng cử hành hôn lễ với Trương Vô Kị? Thực tế nàng cũng giống với Diệt Tuyệt, sẵn sàng bỏ qua nguyên tắc nhằm đạt được mục đích cá nhân. Nàng biết rằng lời sư phụ bắt thề độc là sai trái. Và đương nhiên khi bỏ độc mọi người trên hoang đảo, chém nát mặt Hân Ly, chiếm Đồ Long đao và Ỷ Thiên kiếm, đổ mọi oan nghiệt lên đầu Triệu Mẫn, nàng cũng biết rằng đó là hành động sai trái. Biết vậy nhưng nàng vẫn thực hiện bởi tham vọng của nàng thực sự lớn hơn Diệt Tuyệt Sư Thái rất nhiều. Chu Chỉ Nhược vừa muốn thực hiện di nguyện của sư phụ đưa Nga Mi lên ngôi vị số một võ lâm, vừa muốn chiếm bằng được bí kíp võ công của Cửu Âm Chân Kinh để luyện thành võ công tối độc, vừa muốn giành được tình yêu tuyệt đối của Trương Vô Kị.
Nhưng tham vọng của nàng không chỉ có vậy. Khi Trương Vô Kị cùng Hàn Lâm Nhi định ám sát Hoàng đế nhà Nguyên, Chu Chỉ Nhược đã nói: “Chàng sao lại coi nhẹ mà mạo hiểm? Phải biết rằng một khi đại sự của chúng ta thành rồi thì người ngồi trên long ỷ ở lầu hoa kia phải là chàng”. Khi Hàn Lâm Nhi vỗ tay reo: “Khi đó Giáo chủ thì làm hoàng đế, còn Chu cô nương thì là hoàng hậu nương nương”. Chu Chỉ Nhược hai má đỏ bừng, thẹn thùng cúi đầu nhưng đôi mắt long lanh không dấu được vẻ sung sướng. Ẩn sâu trong nàng chính là tham vọng chính trị. Tham vọng quyền lực của Chu Chỉ Nhược mới đáng là tham vọng trùm đời, cao hơn Diệt Tuyệt Sư Thái đến mấy lần. Chẳng vậy mà khi Trương Vô Kị thổ lộ: “Anh chỉ mong sau khi đuổi được Thát tử rồi, hai đứa mình ẩn cư nơi thâm sơn, chung hưởng thanh nhàn, không lý gì đến việc đời nữa”, nàng đã lập tức thể hiện chính kiến của mình: “Chàng là giáo chủ Minh Giáo, nếu trời cho được như ý nguyện, đuổi được quân Hồ Lỗ thì thiên hạ đại sự lúc đó đều do Minh Giáo lo liệu cả, làm sao chàng có thể hưởng thanh nhàn được?... Chàng tuổi còn trẻ, bây giờ tài cán chưa đủ nhưng đâu phải là không thể học được?”. Điều đó cho thấy giữa quyền lực và tình yêu, nàng muốn có được cả hai.
5.Nhiều người cho rằng không nên trách cứ Chu Chỉ Nhược bởi ít nhất nàng là người có tình. Trên hoang đảo, khi mọi người đều trúng độc, nàng đã có thể ra tay giết tất cả mà chiếm lấy Ỷ Thiên kiếm và Đồ Long đao, âm thầm luyện Cửu Âm Chân Kinh thành thân tuyệt học để hoàn thành di nguyện của sư phụ. Nàng đã không giết Trương Vô Kỵ là do tình cảm của nàng dành cho họ Trương là rất lớn. Có thể nói rằng tình cảm của Chu Chỉ Nhược dành cho Vô Kỵ là có thật. Nhưng khi họ Trương ở vị trí thấp kém, là kẻ vô danh trên đỉnh Quang Minh, nàng sẵn sàng theo lời sư phụ mà rút kiếm đâm Vô Kị. Còn ở trên đảo hoang, nàng không thi hành độc kế có lẽ một phần là do tình cảm, phần nữa là vì vị thế của Vô Kị giờ đã là giáo chủ Minh Giáo, người có thể hoàn thành tham vọng cho nàng.
Tham vọng quá lớn nhưng vì hành động ám muội mà cuối cùng Chu Chỉ Nhược đã bị vạch mặt, toàn bộ âm mưu của nàng bị phơi bày. Tuy nhiên hình ảnh một cô gái có bề ngoài xinh tươi thuần hậu, ăn nói ôn nhu quả là có sức mạnh không ngờ. Đến ngay như Kim Dung lão gia cũng đã thể hiện sự lúng túng của mình đối với Chu cô nương. Nhà tiểu thuyết chỉ là người đẻ ra nhân vật còn nhân vật phát triển ra sao đôi khi lại vùng vẫy thoát ra khỏi bàn tay sắp đặt của tác giả. Trong số các nhân vật của Kim Dung, chưa có một nhân vật nào có số phận kỳ lạ như Chu Chỉ Nhược khi ở mỗi lần chỉnh sửa, nàng lại có một kết cục khác nhau. Lần chỉnh sửa đầu, sau khi âm mưu bại lộ, Chu Chỉ Nhược bỏ về Nga Mi, chuyên tâm tu hành, gạt bỏ mọi ân oán thị phi. Lần chỉnh sửa thứ hai, quân triều đình vây hãm quần hùng và Chu Chỉ Nhược chết khi đỡ mũi tên cho Trương Vô Kỵ. Và trong lần chỉnh sử mới nhất, chi tiết cuối cùng của bộ tiểu thuyết là chi tiết lạ lùng: Trương Vô Kỵ cầm bút lên vẽ lại lông mày cho Triệu Mẫn, bỗng thấy Chu Chỉ Nhược cũng xuất hiện, “Trương Vô Kỵ quay đầu lại nhìn Triệu Mẫn, lại quay sang nhìn Chu Chỉ Nhược, trong đầu ngổn ngang trăm mối chẳng biết nên mừng hay lo, buông cây bút rơi cạch xuống bàn”. Cái kết trong bản chỉnh sửa mới đã gây ra nhiều tranh cãi. Phải chăng với hình ảnh đó, Kim lão gia muốn cho độc giả thấy rằng chàng Trương Vô Kỵ sẽ sống cùng cả hai cô nương họ Triệu và họ Chu?
Qua hai hình tượng nhân vật nữ đam mê với quyền lực là Diệt Tuyệt Sư Thái và Chu Chỉ Nhược, Kim Dung đã tạo nên những mẫu hình nhân vật nữ có tham vọng điển hình. Họ sẵn sàng đạp bằng mọi trở ngại, dùng mọi thủ đoạn để đạt được mục đích của mình. Điều cần được lưu ý là họ có lớp ngụy trang rất khéo. Diệt Tuyệt Sư Thái luôn giương cao ngọn cờ chính phái để thực hiện tham vọng. Còn Chu Chỉ Nhược dùng sắc đẹp và cử chỉ đoan trang để che đậy tham vọng. Hai con người đó là hai mẫu phụ nữa tham vọng quyền lực nhưng với cách thể hiện thực sự khác biệt. Và cuối cùng, cũng như mọi giấc mơ quyền lực khác trong thế giới kiếm hiệp của Kim Dung, họ đều dở dang với giấc mơ của mình.
HOÀNG TÙNG
Bình luận kiếm hiệp: LƯU CHÍNH PHONG: GIẤC MƠ TIẾU NGẠO GIANG HỒ
Là một nhà văn nhưng có quan hệ mật thiết với giới nghệ thuật (đã viết rất nhiều kịch bản phim truyện), trong tác phẩm của Kim Dung luôn ẩn hiện bóng dáng những nghệ sĩ trong giới giang hồ. Đó là Vô Nhai Tử, một họa sĩ và một nhà điêu khắc tài hoa. Đó là Giang Nam Tứ Hữu mỗi người một đam mê Cầm, Kỳ, Thi, Họa. Không ai không ấn tượng trước tiếng đàn của Tây Độc Âu Dương Phong và tiếng tiêu của Đông Tà Hoàng Dược Sư tạo nên những âm thanh quỷ mỵ và cũng là một cuộc tranh phong nội lực vô tiền khoáng hậu. Hình ảnh tiêu cầm hợp tấu được lặp lại trong bộ trường thiên tiểu thuyết “Tiếu Ngạo Giang Hồ”. Nhưng đó không phải là một cuộc so nội lực. Đó là giấc mơ của hai con người giữa lằn tranh giới chính tà khát khao sống đời tiếu ngạo giữa chốn giang hồ. Bài viết này xin đi sâu vào số phận Lưu Chính Phong, đồng tác giả của bản nhạc Tiếu Ngạo Giang Hồ. Bởi xét trên một góc độ nào đó, số phận của Lưu Chính Phong phản ánh tâm tình của người nghệ sĩ trước những tao loạn chốn giang hồ.
1.Trong đêm thanh vắng giữa khu rừng hoang lạnh là tiếng đàn thanh nhã và tiếng sáo nhu hòa tạo thành khúc nhạc kỳ tuyệt. Đó là kiệt tác Tiếu Ngạo Giang Hồ, khúc nhạc tâm huyết một đời của Lưu Chính Phong và Khúc Dương trưởng lão. Sau khi cùng nhau hợp tấu khúc nhạc lần cuối, hai người đã đưa bản cầm phổ cho Lệnh Hồ Xung mà cùng nhau cất tiếng cười bi phẫn trước khi cùng nhau đi vào cõi vĩnh hằng.
2.Lưu Chính Phong là đệ nhị cao thủ phái Hành Sơn, địa vị chỉ đứng sau Chưởng môn Tiêu Tương dạ vũ Mạc Đại tiên sinh. Phái Hành Sơn cùng với Tung Sơn, Hằng Sơn, Hoa Sơn, Thái Sơn thuộc về liên minh Ngũ Nhạc Kiếm Phái. Mà châm ngôn hành động của liên minh này là: “Ngũ nhạc kiếm phái như cây liền cành”. Nghe ra thì có vẻ rất hay, nhưng thực tế khiến người ta phải nghi ngờ.
Để được khăng khít “như cây liền cành”, người ta cần có hai điều kiện. Thứ nhất: cả năm phái cùng phải đồng lòng. Thứ hai: nội tại trong các môn phái cũng phải thực sự khăng khít. Nhưng chỉ nhìn riêng nội bộ phái Hành Sơn, người ta đã thấy châm ngôn: “như cây liền cành” chỉ là khẩu hiệu. Bởi chính những cao thủ bậc nhất của môn phái này đã có sự xung đột không thể dung hòa. Cụ thể, đó là mối bất đồng giữa huynh đệ Lưu Chính Phong và Mạc Đại tiên sinh.
Mối xung đột giữa huynh đệ Lưu Chính Phong và Mạc Đại đến từ đâu? Giang hồ đồn đại rằng võ công của sư đệ họ Lưu cao hơn sư huynh họ Mạc. Người ngoài nhìn vào thấy sự cách biệt giữa cơ ngơi rộng lớn của họ Lưu với hình dung cổ quái như ăn mày của họ Mạc.
Sự xung đột đến từ khác biệt sang hèn có thể lập tức được gạt ra một bên. Bản thân Lưu Chính Phong đã nói trước quần hùng: “Tiểu đệ nhờ phúc ấm của tiền nhân để lại, trong nhà tương đối dư dật hơn, còn Mạc sư ca là người bần hàn. Ðã là đạo bằng hữu thì vấn đề tiền tài là chuyện rất tầm thường, huống chi lại giữa tình sư huynh, sư đệ?”. Võ công của hai người ra sao thì trên bàn rượu ở thành Hằng Sơn đã rõ. Những hào sĩ giang hồ đang tán chuyện về "Hồi phong lạc nhạn kiếm" của Lưu Chính Phong, cho rằng một nhát kiếm của họ Lưu có thể chặt rơi đầu cùng một lúc năm con chim nhạn, bản lĩnh cao hơn cả sư huynh Mạc Đại. Đúng lúc đó, Mạc Đại xuất hiện trong bộ dạng của một lão ăn mày, vung kiếm như chớp giật chém đứt một lúc bảy cá miệng chén rượu rồi biến mất trong màn mưa gió để lại tiếng hồ cầm văng vẳng ai oán bài Tiêu tương dạ vũ. Bản thân khi đối mặt với Đại tung dương thủ Phí Bân, Mạc Đại tiên sinh đã dùng kiếm pháp tuyệt luân của mình mà hạ sát Phí Bân trong nháy mắt khiến Lưu Chính Phong cũng phải cúi đầu trước bản lĩnh cao cường của sư huynh. Có thể nói việc phân cao thấp về võ công hẳn không phải là nguyên nhân khiến hai người có thể xung đột. Vậy đâu là nguyên nhân chính?
Sau khi được sư huynh cứu thoát, Lưu Chính Phong đã nói với Khúc Dương: “Mạc Ðại sư ca tấu hồ cầm chỉ có đi mà không trở lại. Khúc điệu vô cùng não ruột sầu thảm. Hễ tiểu đệ nghe y dạo hồ cầm là lập tức muốn tránh xa”. Có lẽ đây là nguyên nhân chính khiến hai vị sư huynh sư đệ đồng môn không thể dung hòa được với nhau tới mức “Mạc sư ca tuyệt không bước chân đến nhà tại hạ. Sư huynh, sư đệ tại hạ có khi đến hàng mấy năm không nói chuyện, không gặp mặt nhau”.
Người ta sẽ thấy lạ lùng. Hai huynh đệ đều là những kẻ cao thủ tuyệt thế, tính cách khảng khái, đều là những người có phong độ anh hùng, lại là huynh đệ cùng môn phái, lại có chung cùng một niềm đam mê âm nhạc. Với ngần đó điểm chung, vậy mà sao họ lại xung đột sâu sắc đến vậy? Kim Dung đã ẩn dụ mối bất hòa giữa hai vị huynh đệ nghệ sĩ tài hoa phái Hành Sơn. Mối bất hòa đó chính là biểu trưng của về quan điểm học thuật. Sự dị biệt về quan điểm có thể gây nên mối bất hòa. Cuộc bút chiến: “Văn học vị nhân sinh” hay “Văn học vị nghệ thuật” đã cho ra đời những nhà phê bình xuất chúng nhưng những con người đó không thể dung hòa nhau về mặt học thuật. Newton và Leibniz đều là những thiên tài toán học, đều cùng chung ý tưởng về phép tính tích phân nhưng đều không chấp nhận công trình của nhau. Vương An Thạch và Tô Đông Pha đều là hai nhà thơ lỗi lạc nhưng không dung hợp được do tư tưởng chính trị trái ngược nhau. Sự lệch pha về học thuật của hai huynh đệ nghệ sĩ phái Hành Sơn chính là minh họa cho sự khác biệt về quan điểm học thuật…
3.Con người để tìm ra tri kỷ là chuyện khó. Người nghệ sĩ có được tri kỷ lại càng khó hơn. Mạc Đại tiên sinh là một nghệ sĩ cô đơn lạc lõng cả đời không tri kỷ. Còn Lưu Chính Phong đã tìm ra được tri kỷ cho mình. Số phận nghiệt ngã đã xắp xếp để tri kỷ của họ Lưu lại là Khúc Dương, một Trưởng lão của Nhật Nguyệt Thần Giáo vốn bị Ngũ Nhạc Kiếm Phái coi là Ma Giáo.
Trong thế giới giang hồ đó, người ta vẫn nặng nề đầu óc phân biệt chính tà với cái quan điểm đơn giản, chính phái: tốt – tà phái: xấu. Người ta không hiểu rằng con người thiện ác chẳng thể nào được phản ánh qua cái nhãn mác CHÍNH – TÀ. Người nghệ sĩ với đầu óc phóng khoáng như Lưu Chính Phong đã nhìn ra sự vô lý đó. Nhưng ông trở thành một kẻ cô đơn trong chính hàng ngũ của mình. Và quan điểm của ông chỉ có thể thổ lộ và chia sẻ được với một người bên kia giới tuyến: “Khúc Dương đại ca là người bạn tốt nhất, người tri kỷ duy nhất của tại hạ. Khúc đại ca cùng tại hạ mới gặp mặt lần đầu đã như tình cố cựu, ngỏ hết tâm sự cùng nhau giao kết. Thế mà y cùng tại hạ hội diện đến mười mấy lần rồi có khi nằm nói chuyện suốt đêm. Ngẫu nhiên đề cập đến chính kiến bất đồng về môn hộ, y vuốt bụng thở dài, nhận ra cuộc tranh đấu hai bên đều là vô vị”. Người ta nhìn nhận nhau qua nhãn hiệu, còn Lưu Chính Phong nhìn nhận con người qua sự giao cảm của âm nhạc: “Khúc đại ca tuy người trong Ma giáo, nhưng tại hạ nghe tiếng đàn biết y tính tình cao khiết đáng là người bạn với Thanh Phong Minh Nguyệt. Lưu mỗ không những bội phục mà còn ngưỡng mộ”.
Đó là quan điểm của người nghệ sĩ Lưu Chính Phong. Và đương nhiên những kẻ nặng nề đầu óc chính tà sẽ không thể nào thông cảm được. Ngay thời điểm ông mời mọi người đến tham gia lễ “rửa tay chậu vàng”, khách mời đến dự gồm nhiều phe phái khác nhau, điều này đã khiến những cao thủ bậc nhất của Ngũ nhạc kiếm phái như Định Dật sư thái và Thiên Môn đạo nhân băn khoăn: “Lưu Chính Phong là tay cao thủ phái Hành Sơn mà sao không biết tự trọng, lại đi kết giao cả với những người chẳng hiểu lai lịch trên chốn giang hồ. Y làm như vậy há chẳng tổn hại đến thanh danh của Ngũ nhạc kiếm phái mình?” Chỉ vì quảng giao mà đã bị đặt vào vòng nghi vấn “tư cách đạo đức” như vậy thì đương nhiên người ta không thể chấp nhận mối “quan hệ sai trái” giữa Lưu Chính Phong với Khúc Dương.
Con người khi đánh giá nhau qua những nhãn hiệu thường sẽ sai lầm. Ai “chính phái” như Tả Lãnh Thiền, như Nhạc Bất Quần? Nhưng hành động của hai vị Chưởng môn này lại “tà phái” hơn cả những kẻ tà phái nhất. Ai “tà phái” hơn Nhậm Ngã Hành, hơn Hướng Vấn Thiên? Nhưng phong độ ung dung của Thiên Vương Lão Tử trước vòng vây của quần hùng hắc bạch và hào khí ngất trời của Nhậm Ngã Hành giữa Thiếu Lâm tự không khỏi khiến người ta phải ngưỡng mộ. Làm sao có thể đánh giá được con người qua nhãn hiệu chính tà? Lưu Chính Phong là một nghệ sĩ chân chính và ông vượt lên khỏi cái nhãn quan chính tà tầm thường: “Về ngôn ngữ, văn tự còn có thể trá ngụy, nhưng tiếng đàn tiếng tiêu là tiếng nói tự cõi lòng, chẳng ai có thể giả mạo được. Tiểu đệ và Khúc đại ca kết bạn với nhau xướng họa đàn sáo, tâm giao thông. Tiểu đệ xin lấy tính mạng toàn gia ra mà bảo đảm: Khúc đại ca là người trong Ma giáo nhưng tuyệt không có chút tâm địa tà ác của môn phái y”.
4.Thực tế Lưu Chính Phong có ai là tri kỷ? Tâm hồn phóng khoáng, nét nhạc tài hoa nhưng ông không thể chia sẻ bí mật của mình đối với ai. Dã tâm của Tung Sơn phái đã rõ. Những cao thủ khác của Ngũ nhạc kiếm phái đều nặng nề đầu óc chính – tà. Người đáng nhẽ phải gần gũi nhất là sư huynh Mạc Đại thì lại khắc biệt về quan điểm sáng tác dẫn đến mâu thuẫn. Ông đã một lòng vì tri kỷ duy nhất của mình là Khúc Dương trưởng lão, một người phía bên kia chiến tuyến.
Trên thực tế Lưu Chính Phong đã lựa chọn đúng. Tung Sơn kiếm phái dùng sinh mệnh gia đình ép buộc ông phải giết Khúc Dương, đương nhiên là không hiểu tâm sự của ông. Lưu Chính Phong cũng đã dùng hết gan ruột của mình mong có được sự ủng hộ của đồng đạo võ lâm nhưng từ Nhạc Bất Quần, Thiên Môn đạo nhân đến Định Dật sư thái đều không bước qua được thiên kiến chính tà. Trước cảnh toàn gia bị hại, người sư huynh của ông là Mạc Đại tiên sinh cũng mất tăm mất tích. Giữa những kẻ trước nay vốn coi nhau “như cây liền cành”, Lưu Chính Phong đã bỗng chốc thành người cô đơn tuyệt đỉnh, bị cô lập trong chính hàng ngũ bằng hữu của mình.
Những suy nghĩ của phe chính phái thực tế đều thể hiện sự cực đoan xuẩn muội. Nhạc Bất Quần thuyết phục Lưu Chính Phong đi giết Khúc Dương với lý lẽ: “Lão họ Khúc trong Ma giáo hiển nhiên bề ngoài thơn thớt nhưng bên trong nham hiểm. Cổ nhân vì đại nghĩa giết cả người thân. Người thân thích còn có lúc phải giết đi thì kể chi đến một tên đại ma đầu?” Đương nhiên người nặng tình như Lưu Chính Phong không thể nuốt trôi được cái quan điểm chính tà cực đoan đó. Chính vì thế mà ông trở nên lạc lõng. Và khi đó, những cao thủ bậc nhất đều khoanh tay trước cảnh toàn gia họ Lưu bị thảm sát.
Việc toàn bộ bằng hữu bỗng dưng trở mặt không khỏi khiến Lưu Chính Phong đau khổ. Nhưng đau đớn nhất phải kể đến màn tra tấn tư tưởng của phái Tung Sơn. Phái Tung Sơn đã dùng cả sức ép tinh thần và bạo lực để ép buộc Lưu Cần nói xấu cha. Có lẽ cảnh toàn gia bị chết thảm cũng không khiến Lưu Chính Phong đau đớn bằng việc chính đứa con trai được mình yêu quý nhất trước sức ép của cường quyền đã lên tiếng phỉ báng và đòi giết cha đẻ mình. Ngòi bút của Kim Dung ở trường đoạn này vừa thể hiện sự tàn bạo của cường quyền, cũng vừa thể hiện một sự thật của cuộc sống. Giấc mơ coi cái chết nhẹ tựa lông hồng có lẽ vẫn chỉ là giấc mơ ở những người hùng tuyệt đối. Còn con người nói chung khó tránh khỏi nỗi sợ mà phải cong mình trước cường quyền bạo lực, đặc biệt khi rơi tính mạng bị đặt vào lằn ranh sống chết. Lưu Chính Phong có thể trách con trai mình hèn nhát. Nhưng thực sự kẻ đáng trách chính là bè lũ Tung Sơn, kẻ đã dùng hết đòn roi tâm lý đến đe dọa mạng sống khiến Lưu Cần bộ lộ bản tính tham sống của mình đồng thời đánh một nhát búa tạ vào trái tim của Lưu Chính Phong.
Người ta sẽ hỏi tại sao con người có thể đối xử với nhau tệ mạt đến vậy? Lưu Chính Phong thực sự muốn ra khỏi giang hồ, tìm thanh thản trong lòng: “Lưu mỗ chẳng biết đứng về bên nào, vì thế nên phải nghĩ ra hạ sách rửa tay gác kiếm. Lưu mỗ chỉ mong lui thoát khỏi những cuộc ác đấu gió tanh mưa máu, từ nay cáo lão hưởng thú lâm tuyền, thổi sáo, dạy con, làm một người lương dân yên phận thủ thường”. Nhưng ước muốn nhỏ nhoi đó của người nghệ sĩ đã không thể thành hiện thực do thiên kiến chính tà của con người. Tiếu Ngạo Giang Hồ đã bị chính quyền Đài Loan cấm phát hành. Tác phẩm của Kim Dung khi đó đã bị nghiêm cấm ở Trung Quốc. Phải chăng tâm sự của Lưu Chính Phong cũng chính là một phần tâm sự của Kim Dung lão gia?
HOÀNG TÙNG
Thứ Bảy, 7 tháng 1, 2012
Bình luận kiếm hiệp: TIỂU SỬ TRƯƠNG TAM PHONG
Trương Tam Phong - Võ Đang lão tổ
Nhắc đến Trương Tam Phong (Zhang San Feng) hậu thế thường nghĩ đến người đã sáng lập ra Võ Đang phái (Wu Tang), một võ phái được coi như Bắc Đẩu của võ học Trung Hoa. Ông cũng là người sáng tạo ra Thái Cực Quyền và Thái Cực Kiếm Pháp còn được lưu truyền cho đến tận ngày nay.
Trương Tam Phong có tục danh là Trương Quân Bảo (Zhang Jun Bao). Tương truyền ông sinh năm 1247 tại Long Hổ Sơn, tỉnh Giang Tây, Trung Hoa vào thời Nguyên mạt. Theo "Phương Kỷ Truyện" (Minh Sử) thì ông là người có dung mạo đẹp đẽ, mắt sáng, tai to, râu hùm, dáng đi như hạc. Bốn mùa ông chỉ mặc một bộ quần áo, đội nón mê, ngày ăn đấu gạo, tay cầm thanh bảo kiếm "Chân võ", đi trăm dặm trường. Ông đã từng thi đỗ Mậu Tài và làm quan ở Trung Sơn và Bác Lăng, tuy nhiên sau đó ông từ quan rồi đi chu du thiên hạ. Ông cũng đã từng nghiên cứu võ học tại Tung Sơn Thiếu Lâm Tự trên dưới 10 năm.
Sau này, khi đi ngang qua ngọn Võ Đang Sơn thuộc Tiêu Anh Phủ giữa biên giới hai tỉnh Hà Nam và Giang Tây, ông thấy phong cảnh vô cùng thanh nhã nên đã lập am cỏ và tu luyện ở đây. Chuyện cũng có kể rằng năm Hồng Vũ thứ 14 (1382) Minh Thái Tổ đã từng sai sứ giả triều đình đến gặp ông những mong ông giúp nhà vua dẹp một số bộ lạc thiện chiến đang chống lại triều đình nhưng không gặp.
Với tâm ý muốn tạo ra một trường phái võ đối lập với đường lối luyện võ mang tính Dương Cương của Thiếu Lâm Phái, Trương Tam Phong đã sáng tạo ra Thái Cực Quyền (T’ai chi ch’uan) với tính chất Âm Nhu rõ rệt. Ông cũng là người phát triển các cách điểm huyệt dựa vào kiến thức vệ hệ kinh lạc và huyệt vị của hai danh y thời cổ đại là Biển Thước và Hoa Đà. Ông đã từng cho xây dựng những pho tượng như người thật, cho thủy ngân vào huyệt vị để học trò tập điểm huyệt (mỗi lần điểm trúng huyệt là thủy ngân chảy ra). Võ Đang phái sau đó đã thành một phái võ danh trấn võ lâm, sánh ngang với Thiếu Lâm như lời xưng tụng "Thái Sơn (Thiếu Lâm Tự), Bắc Đẩu (Võ Đang) võ lâm".
"Thái Cực Quyền kinh" và "Thái Cực Kiếm Pháp" đã trở thành bảo vật của Võ Đang phái. Cũng bởi tính Âm Nhu mềm mại và dễ tập nên Thái Cực Quyền và Thái Cực Kiếm Pháp giờ đã được phổ biến rộng rãi và có hàng triệu người đang ngày ngày luyện môn võ này.
Khi nhìn vào Thái Cực Quyền, ta thấy nó vừa mang tính võ đạo, vừa mang tính vũ đạo. Theo từ điển Oxford (Anh) thì T’ai chi ch’uan (Thái Cực Quyền) là một loại martial art (võ thuật). Còn theo từ điển Larousse (Pháp) thì đây lại là một gymnastique (loại hình thể dục)
Trên thực tế, Thái Cực Quyền cũng có một lịch sử phát triển khá phức tạp. Tương truyền ông sáng tạo ra Thái Cực Quyền khi nhìn thấy một con rắn đánh nhau với chim đại bàng. Con rắn với những động tác uyển chuyển đầy linh hoạt sau đó đã cắn chết chim đại bàng. Chính vậy nên Thái Cực Quyền là tập hợp của những đòn thế gồm hàng loạt những động tác múa võ uyển chuyển như múa. Mới đầu nó còn rất thô sơ và mỗi khi được truyền đến từng địa phương, nó lại được bản địa hóa với Thái Cực Quyền của họ Trần, họ Vũ, họ Tôn… Cho đến hiện nay, Thái Cực Quyền mà mọi người luyện tập thực chất là Thái Cực Quyền đã giản hóa với 48 thức, giản hóa từ Dương thức Thái Cực Quyền (Thái Cực Quyền của nhà họ Dương nguyên bản là 88 thức).
Cái tên Thái Cực Quyền được bao gồm bởi chữ Thái (lớn lao) và Cực (trạng thái ban sơ). Thái Cực là nhân tố đầu tiên Kinh Dịch đề cập đến (Thái Cực sinh Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng, Tứ Tượng sinh Bát Quái…). Thái Cực đồ sau này được Chu Đôn Di vẽ ra đã cho thấy một quan niệm "trong âm có dương, trong dương có âm" của Thái Cực. Do đó mỗi động tác của Thái Cực Quyền đều tiềm ẩn tính triết học "trong cương có nhu, trong nhu có cương", điều hòa âm dương.
Cũng ảnh hưởng từ Thái Cực đồ (hình tròn) mà những động tác của Thái Cực Quyền đều đi theo đường tròn và trong đó có cả động-tĩnh, hư-thực, cương-nhu… Bởi mang tính chất của đạo Lão nên Thái Cực Quyền mang một tư tưởng Vô vi rất cao. Học Thái Cực Quyền đến mức cao thâm, người học càng "quên" và tập theo các chiêu thức, điều hòa nhịp thở khí huyết lưu thông một cách vô thức.
Thái Cực Quyền có tác dụng rõ rệt đối với sức khỏe. Người tập Thái Cực Quyền sẽ dần nâng cao được sức đề kháng, lưu thông huyết mạch, kích thích hệ hô hấp, giảm stress. Chính vì vậy nên ngày nay Thái Cực Quyền đã vượt ra khỏi biên giới của Trung Hoa và trở thành một môn võ được nhiều người tập luyện và yêu thích.
HOÀNG TÙNG
Thứ Năm, 5 tháng 1, 2012
Bình luận kiếm hiệp: LƯỢC SỬ TIỂU THUYẾT KIẾM HIỆP
Tiểu thuyết kiếm hiệp đã từng bị quan sát với một con mắt khắt khe từ giới phê bình kinh viện. Tuy nhiên, việc Kim Dung được đưa vào danh sách 10 đại tác gia của thế kỷ 20, tác phẩm của ông được đưa vào sách giáo khoa Trung văn đã khiến người ta có cái nhìn bình đẳng hơn về dòng văn học này. Sự chú ý đối với dòng văn học kiếm hiệp được hâm nóng khi bộ tiểu thuyết Tru Tiên phá vỡ mọi kỷ lục phát hành tại Trung Quốc với mức tiền bản quyền kỷ lục cho tác giả Tiêu Đỉnh. Lúc này nhiều nhà phê bình mới thấy sức ảnh hưởng to lớn của dòng văn học kiếm hiệp đến các quốc gia Châu Á khiến người ta rất cần phải lưu ý đến dòng văn học này.
Ngay tại Việt Nam, chúng ta dễ dàng nhận thấy hàng loạt diễn đàn bàn luận về truyện kiếm hiệp như www.vietkiem.com, www.maihoatrang.com , www.tangthuvien.com, www.luongsonbac.com, www.nhanmonquan.com, Kiếp hiệp cốc của Diễn đàn Trái tim Việt Nam hay www.kimdung.chungta.com với hàng triệu thành viên từ Bắc chí Nam.
1.Thời kỳ tiền kiếm hiệp
Truyện kiếm hiệp có từ bao giờ? Đây là câu hỏi không dễ trả lời. Có người cho rằng tiểu thuyết kiếm hiệp bắt đầu từ những trang viết của Thái Sử Công Tư Mã Thiên (145 TCN – 86 TCN) trong thiên Du Hiệp truyện. Trong đó, Thái Sử Công đã ghi lại câu truyện truyền kỳ của những kẻ du hiệp, coi thường pháp luật, dùng cái dũng khí và bản lĩnh nam nhi mà nổi danh thiên hạ. Những bài thơ của Thi tiên Lý Bạch nói về kiếm hay Thi thánh Đỗ Phủ mô tả kiếm thuật của Công Tôn đại nương với câu: “Nhất vũ kiếm khí động tứ phương” kích thích trí tưởng tượng của những nhà viết tiểu thuyết kiếm hiệp cao độ. Chuyện kết hợp giữa kiếm pháp và thư pháp tưởng như chỉ xuất hiện ở những tác phẩm kiếm hiệp hiện đại nhưng thực ra Thư thánh Trương Húc đã từng viết: “Khi xem Công Tôn đại nương múa kiếm, tôi mới lĩnh hội được thần và ý cho thư pháp”. Sau đó, những câu truyện trong Thủy Hử truyện của Thi Nại Am cũng mang đầy sắc mầu kiếm hiệp như truyện Võ Tòng đả hổ, Võ Tòng sát tẩu, Lý Quỳ giết hổ v.v… Hay như truyện Thất Hiệp Ngũ Nghĩa (khuyết danh) với truyền kỳ về Bao Thanh Thiên và những đồng sự của mình với kiếm pháp vô song của Nam hiệp Triển Chiêu cũng là những nét chấm phá đầu tiên định hình lên dòng tiểu thuyết kiếm hiệp sau này.
2.Kiếm hiệp đầu thế kỷ 20
Tiểu thuyết kiếm hiệp dần được hình thành và phát triển với dấu mốc quan trọng của Hoàn Châu Lâu Chủ (1902-1961).
Với tác phẩm Thục Sơn Kiếm Hiệp, Hoàn Châu Lâu Chủ đã tạo một bước ngoặt lớn lao cho dòng tiểu thuyết kiếm hiệp. Thứ nhất, Hoàn Châu Lâu Chủ là người đầu tiên viết truyện kiếm hiệp theo kiểu phơi-ơ-tông đăng tải hàng ngày trên báo chí. Thứ hai, tác phẩm Thục Sơn Kiếm Hiệp của Hoàn Châu Lâu Chủ đã tạo ra một thế giới kiếm hiệp kỳ ảo khiến người đọc vô cùng say mê. Năm 1932, tác phẩm Thục Sơn Kiếm Hiệp của Hoàn Châu Lâu Chủ đã tung hoành trên tờ Thiên Phong báo (Thiên Tân). Với sức tưởng tượng phi phàm, kết câu truyện ly kỳ, Hoàn Châu Lâu Chủ đã tạo nên một tác phẩm đậm màu sắc kiếm hiệp với nhân vật truyền kỳ của phái Nga My. Điểm đặc biệt khiến Hoàn Châu Lâu Chủ có ảnh hưởng lớn đến những tác gia kiếm hiệp sau này là việc ông đã rất thành công trong việc xây dựng kết hợp mô tả nhân vật với mô tả cảnh trí thiên nhiên, giảng giải văn hóa với nhiều đoạn tuyệt bút văn phong tuyệt mỹ kích thích cao độ trí tưởng tượng của người đọc. Thục Sơn Kiếm Hiệp là nền tảng để một loạt những tác phẩm đương thời ra đời như Giang Hồ Kỳ Hiệp của Bình Giang Nhất Tiếu Sinh (1890 - 1957), “Kỳ Hiệp Tinh Trung truyện” của Triệu Hoán Đình (1877 - 1951), “Thập Nhị Kim Tiền Tiêu” của Bạch Vũ (1901 - 1966) v.v.. Tuy nhiên, điểm yếu của Hoàn Châu Lâu Chủ cũng như điểm yếu của khá nhiều tác gia kiếm hiệp sau này là câu chuyện ban đầu quá rộng lớn, thành ra nhân vật tản mát, tác giả viết bút lực càng ngày càng cạn kiệt dần khiến độc giả ban đầu còn thích thú, càng về sau càng cảm thấy chán nản.
3.Kiếm hiệp hiện đại – Tiền Kim Dung
Kim Dung đương nhiên là một cột mốc lớn của loại hình tiểu thuyết kiếm hiệp. Tuy nhiên trước Kim Dung cũng có nhiều cái tên đáng chú ý. Một trong số đó là Vương Độ Lư (1909 - 1977). Ông là tác giả của một loạt bộ tiểu thuyết trứ danh như Bảo Kiếm Kim Thoa và đặc biệt nhất là Ngọa Hổ Tàng Long, bộ thiểu thuyết sau này đã được Lý An dựng thành bộ phim cùng tên, chinh phục khán giả từ Đông sang Tây và đoạt vô số giải Oscar danh giá. Điểm vượt trội của Vương Độ Lư là tình tiết câu truyện chặt chẽ, đặc biệt ông miêu tả tình cảm của nhân vật cực kỳ cảm động. Ví như mối tình giữa Lý Mộ Bạch với Dư Tú Liên. Dư Tú Liên yêu tha thiết Lý Mộ Bạch và họ Lý cũng hiểu mối thâm tình nàng dành cho mình nhưng họ Lý luôn cảm thấy day dứt vì mình đã không cứu được Tiểu Mạnh vốn là hôn phu của Dư Tú Liên. Ngoài trắc trở về tâm lý, truyện còn đề cập đến mối tình giữa nàng thiên kim tiểu thư Ngọc Kiều Long và tướng cướp La Tiểu Hổ thể hiện rõ sự giằng xé giữa địa vị và tình yêu. Mang những yếu tố tâm lý vào truyện và giải quyết tình huống truyện một cách thấu đáo, có thể nói Vương Độ Lư đã vượt lên trên khỏi cái bóng của Hoàn Châu Lâu Chủ. Người ta cũng nhắc đến Tư Mã Linh với “Kiếm Thần Truyện” nổi danh khắp Đài Loan khi ông mới chỉ bước vào tuổi đôi mươi. Nhưng sau đó trước tác của Tư Mã Linh ngày một kém cỏi nên sự nghiệp không có gì quá đặc biệt ngoài tác phẩm kể trên. Nói đến thời kỳ tiền Kim Dung, người ta không thể không nhắc đến cái tên Lương Vũ Sinh (1926 - 2009) với danh hiệu: “Tân kiếm hiệp tị tổ" (thủy tổ của tân kiếm hiệp). Ông một tác gia lớn của dòng văn học kiếm hiệp với khối lượng tác phẩm cực kỳ đồ sộ. Nhà nghiên cứu Trần Mặc trong tác phẩm Kiếm hiệp Ngũ đại gia đã bình luận: “Ông (Lương Vũ Sinh) chẳng những viết tiểu thuyết kiếm hiệp trước Kim Dung mà kết thúc cũng muộn hơn. Thời gian sáng tác của tiểu thuyết của ông gấp đôi Kim Dung, số lượng của ông thì hơn gấp đôi, gồm 35 bộ trường thiên tiểu thuyết. So ra Lương Vũ Sinh thuần tuý, chuyên nghiệp hơn (Kim Dung) nhiều”. Trong số những tác phẩm của ông, không thể không nói đến tác phẩm được liệt vào hàng kinh điển như “Bạch phát ma nữ truyện”, Thất kiếm hạ Thiên Sơn v.v… Sở dĩ nói Lương Vũ Sinh là một trong những cột mốc lớn trước Kim Dung là vì ông đã mang được cái thẩm mỹ thần tình của mình vào những trang viết, kết hợp mạnh mẽ lịch sử và trí tưởng tượng cực kỳ phong phú cùng với kiến văn quảng bác của mình để tạo nên những viên ngọc quý trong kho tàng tiểu thuyết kiếm hiệp. Đánh giá về Lương Vũ Sinh, Trần Mặc đã viết: “Tiểu thuyết của Lương Vũ Sinh đã kết hợp lịch sử với truyền kỳ , đem 2 thứ vốn thuộc 2 lĩnh vực khác nhau (giang hồ và giang sơn) kết hợp lại sáng tạo nên một thế giới kiếm hiệp mới mẻ. Người xưa cho rằng Tam Quốc diễn nghĩa là đệ nhất tài tử thư, tiểu thuyết của Lương Vũ Sinh cũng có thể coi là tài tử thư, còn như thứ mấy là chuyện khác. Có thể nói công lao mở đầu của ông ko thể coi thường”. Những tác phẩm của họ Lương bao giờ cũng thấm đẫm tinh thần hiệp nghĩa, nêu cao chính nghĩa như quan niệm của ông: “Thế nào gọi là hiệp? Quan điểm của tôi là : hiệp là hành vi chính nghĩa! Thế nào gọi là hành vi chính nghĩa? Tôi cho rằng: đem lại lợi ích cho nhiều người là hành vi chính nghĩa”. Tự đánh giá về những đóng góp của mình, Lương Vũ Sinh đã nói: “Khai phong khí giả Lương Vũ Sinh; phát dương quang đại giả Kim Dung” (người khai sinh mở mang là Lương Vũ Sinh; kẻ phát huy rực rỡ là Kim Dung, đây có thể được coi là một câu tổng kết chuẩn xác về tầm khai phá của ông trong lĩnh vực tiểu thuyết kiếm hiệp.
4.Kim Dung
Sở dĩ nói Kim Dung là một cột mốc lớn bậc nhất trong lịch sử tiểu thuyết kiếm hiệp bởi ông là người có công nâng tiểu thuyết kiếm hiệp từ bị thế từng bị coi là dòng văn học thông tục giờ đàng hoàng trở thành dòng văn học chính danh. Những tác phẩm của ông đã được đưa vào giảng dạy trong sách giáo khoa, ngang hàng với những tác phẩm văn học cổ điển của những tác gia lớn nhất Trung Quốc như Ba Kim, Lỗ Tấn, Lão Xá… Nhiều người đọc say mê nghiên cứu tác phẩm của ông, từ đó thêm hiểu biết về lịch sử Trung Quốc, về nghệ thuật ẩm thực, nghệ thuật thư pháp v.v… Thậm chí còn có cả một ngành chuyên nghiên cứu về những tác phẩm của ông được gọi là Kim học. Điều đáng nói là số lượng tác phẩm của Kim Dung không nhiều, 14 tác phẩm (kém xa so với Lương Vũ Sinh, Cổ Long, Ôn Thụy An) nhưng trong số những tác phẩm đó, tỷ lệ tuyệt phẩm là rất lớn. Có thể kể ra đây Xạ điêu Tam bộ khúc gồm bộ ba tác phẩm Anh Hùng Xạ Điêu, Thần Điêu Hiệp Lữ, Ỷ Thiên Đồ Long Ký hay Thiên Long Bát Bộ, Tiếu Ngạo Giang Hồ, Lộc Đỉnh Ký. Điểm khiến Kim Dung vượt trội so với những bậc tiền bối và cả những hậu nhân sau này là ông có sở học mạnh mẽ, kiến thức uyên thâm, lại thêm văn tài xuất chúng và trí tưởng tượng cực kỳ phong phú. Các tác phẩm của ông có nền tảng câu chuyện rất vững vàng, tình tiết câu truyện rành mạch, biết cách dồn nén để bung ra những nút thắt câu truyện vào phút tối hậu khiến người đọc tuyệt thú. Một điểm nữa cũng không thể không kể đến là Kim Dung tự biết lượng sức mình. Sau khi viết xong bộ truyện đồ sộ Lộc Đỉnh Ký, ông đã biết dừng lại và biên tập, chỉnh sửa những tác phẩm của mình. Sở dĩ nói đây là việc làm cực kỳ quan trọng bởi vì quá trình viết truyện kiếm hiệp của phần lớn tác gia kiếm hiệp thường bị đặt vào tình huống truyện dài kỳ với sự thúc ép của các tòa soạn báo và độc giả. Thành ra các tác giả phải liên tục ra đời những chương hồi mới, tình tiết mới và không khỏi bỏ quên nhiều nhân vật, sai sót trong nhiều tình huống khiến người đọc thắc mắc không thôi. Bản thân Kim Dung cũng mắc những lỗi tương tự nhưng ông tự biết ngồi lại và chỉnh sửa tình tiết văn từ khiến những tác phẩm của mình được nâng lên một bậc và sau này văn chương càng mỹ lệ, tình tiết càng lay động, bố cục càng chặt chẽ khiến ông trở thành một cây đại thụ, một Minh Chủ võ lâm của dòng văn học kiếm hiệp.
5.Hậu Kim Dung
Sau khi Kim Dung phong bút, dường như tiểu thuyết kiếm hiệp chịu nhiều tổn thất. Điểm lớn nhất là những tinh hoa của văn học kiếm hiệp cổ điển, dường như Kim Dung đã thâu tóm hết, hoàn thiện hóa và đưa vào những tác phẩm của mình. Những tác phẩm và uy danh của ông trở nên quá lớn khiến nhiều nhà văn không thể vượt qua cái bóng của bậc tiền bối. Tiểu thuyết kiếm hiệp đi vào lối mòn, cần tìm ra những lối đi mới. May mà có sự xuất hiện của Cổ Long (1937–1985).
Nhắc đến Cổ Long, người ta thường so sánh với Kim Dung. Kim Cổ đều là hai ngọn cô phong cao nhất của dòng văn học kiếm hiệp. Có điều so sánh giữa Cổ Long và Kim Dung là điều rất khó bởi Cổ Long đi theo một hướng đi rất khác. Bản thân Cổ Long đã nhận định về Kim Dung: “Ảnh hưởng của ông trên cả một thời đại của thiểu thuyết kiếm hiệp trong vòng tám mươi năm nay không ai có thể bì kịp. Bất kỳ tác phẩm của ai không ít thì nhiều cũng đều chịu ảnh hưởng của ông”. Tuy nhiên vì nhận thức được một cách sâu sắc rằng mình không có sở học nền tảng vững mạnh như Kim Dung, Cổ Long đặt yêu cầu cho mình phải viết khác biệt so với bậc tiền bối: “Phong cách tiểu thuyết của Kim Dung đã sáng tạo ra có thể hấp dẫn nhiều độc giả, tuy nhiên tiểu thuyết kiếm hiệp cũng đã đến giai đoạn cần phải canh tân, cần biết hóa”.
Chính quan điểm này đã tạo ra một hướng đi mới mẻ cho văn học kiếm hiệp với dấu mốc của Cổ Long. Phong cách câu chữ của Cổ Long ngắn gọn, ảnh hưởng mạnh mẽ từ văn học châu Âu, khác hẳn với kiểu văn bạch thoại được sử dụng nhiều trong những tác phẩm kiếm hiệp trước đó. Ngoài ra, những nhân vật kiếm hiệp của Cổ Long không gắn với những thời kỳ lịch sử nhất định nào, từ đó trí tưởng tượng được phát huy tối đa tạo ra những nhân vật truyền kỳ nổi tiếng khắp châu Á như Đạo Soái Sở Lưu Hương, Tiểu Lý Phi Đao, Lục Tiểu Phụng v.v… nhà nghiên cứu kiếm hiệp Trần Mặc đã có những nhận định sắc sảo: “Cần phải khẳng định rằng Cổ Long là một nhà cách tân tiểu thuyết kiếm hiệp. Ông là nhà nhà tiểu thuyết kiếm hiệp ưu tú nhất sau Kim Dung và Lương Vũ Sinh. Ông đã mở rộng tầm nhìn và không gian của tiểu thuyết kiếm hiệp, mở ra kỉ nguyên mới, con đường mới của tiểu thuyết kiếm hiệp. Văn phong của ông rất độc đáo, ảnh hưởng rất sâu rộng. Thành tựu sáng tác tiểu thuyết kiếm hiệp của Cổ Long đương nhiên không chỉ ở phương diện văn phong, văn thể mà là ở chỗ ông đã tiến hành một sự cách tân và cải tạo triệt để đối với tiểu thuyết kiếm hiệp truyền thống. Cống hiến của Cổ Long là đã mở ra con đường sáng tác kết hợp giữa Đông và Tây, tràn đầy tinh thần nhân văn hiện đại, biểu hiện ở sự tôn trọng con người, coi trọng nhân tính”.
Cùng thời kỳ này cũng có những danh gia kiếm hiệp khác như Lương Vũ Sinh, Ngọa Long Sinh, Ôn Thụy An được nhà nghiên cứu Trần Mặc xếp vào hàng ngũ Kiếm hiệp Ngũ Đại Gia cùng với Kim Dung và Cổ Long. Tuy nhiên xét về tầm ảnh hưởng, Kim Cổ vẫn có sức ảnh hút mẽ hơn cả.
6.Gạch nối Huỳnh Dị
Sau khi Kim Dung phong bút, Cổ Long qua đời, những cái tên như Ôn Thụy An được kỳ vọng sẽ mở ra những lối đi mới của tiểu thuyết kiếm hiệp nhưng rõ ràng kỳ vọng này là quá lớn, vượt khỏi tầm vóc của Ôn Thụy An mặc dù những trước tác của họ Ôn không phải không có chỗ độc đáo.
Cho đến khi Huỳnh Dị xuất hiện trên văn đàn, người đọc lại thêm một lần nữa ngây ngất trước những trước tác lớn có trí tưởng tượng kỳ vĩ và tình tiết lôi cuốn người đọc đến nghẹt thở. Khác biệt với những người đi trước, Huỳnh Dị kết hợp những câu truyện mang đầy tính khoa học viễn tưởng vào với những trang viết truyện kiếm hiệp của mình. "Tầm Tần Ký" và "Đại Đường Song Long truyện" và nhiều sáng tác sau này của ông đều mang dáng dấp của sự kết hợp nhuần nhuyễn đó. Cuộc hành trình của Hạng Thiếu Long qua cỗ máy thời gian ngược trở về thời kỳ Thất quốc tranh hùng (Tầm Tần Ký) qua đó họ Hạng tham gia vào hàng loạt những biến cố lịch sử quan trọng khiến người đọc vô cùng thích thú. Những tác phẩm đầy chất huyền ảo nhưng vẫn mang đậm chất kiếm hiệp đã tạo cho Huỳnh Dị danh hiệu là “cha đẻ của thể loại Huyền ảo kiếm hiệp”. Đồng thời, ông cũng xứng đáng là gạch nối tiêu biểu nhất của thể loại kiếm hiệp kết nối từ Kim Dung – Cổ Long đến những người viết kiếm hiệp trẻ sau này.
7.Tân Thần Châu Ngũ hiệp
Sau gạch nối Huỳnh Dị, văn đàn kiếm hiệp chứng kiến những thay đổi lớn lao. Đó là sự nổi lên của những tác giả trẻ tuổi nhưng bút lực tràn trề, sức tưởng tượng rộng lớn minh chứng bằng những tác phẩm có sức ảnh hưởng mạnh mẽ. Trong số đó, không thể không kể đến nhóm “Tân Thần Châu Ngũ hiệp” bao gồm Tiêu Đỉnh, Phượng Ca, Bộ Phi Yên, Tiểu Đoạn và Thương Nguyệt. Mỗi người một vẻ, một thế mạnh, một lối khai phá. Tiêu Đỉnh với tác phẩm Tru Tiên được coi là “Đệ nhất kỳ thư thời đại Internet” có phong cách viết và trí tưởng tượng thâm viễn, xứng đáng là người tiếp nối Hoàn Châu Lâu Chủ. Tuy nhiên tiếp sau Tru Tiên là gì? Người ta vẫn đang chờ đợi những trước tác mới của Tiêu Đỉnh. Ngoài ra ta còn thấy sự vươn lên của Phượng Ca với một phong phạm trầm ổn uyên bác ảnh hưởng mạnh mẽ của Kim Dung. Cũng không thể không kể đến văn phong và tình tiết sắc lạnh đầy vẻ huyền ảo của Bộ Phi Yên như một bước tiếp nối của kiểu hành văn Cổ Long. Nhiều người còn kỳ vọng vào một Tiểu Đoạn với những trang tuyệt bút thấm đẫm triết lý nhân sinh hay những tình cảm xót xa tinh tế trong văn của Thương Nguyệt. Đó đều là những người có khả năng khai phá những lối đi mới của dòng văn học kiếm hiệp.
Điểm kỳ lạ của văn học kiếm hiệp là tính tương hợp mạnh mẽ của dòng văn học này. Như nhận xét của Cổ Long: “Trong truyện tiểu thuyết trinh thám không có kiếm hiệp, nhưng tiểu thuyệt kiếm hiệp lại có trinh thám. Trong tiểu thuyết tình cảm không có kiếm hiệp nhưng tiểu thuyết kiếm hiệp lại có tình cảm. Đó là đặc tính dị biệt của tiểu thuyết kiếm hiệp”. Văn học kiếm hiệp đã trả qua nhiều thời kỳ, có những thăng trầm, có những bất ổn nhưng cứ mỗi khi tưởng như dòng văn học này suy thoái thì lại có những cái tên mới mang lại những hướng đi mới và những niềm hy vọng mới cho những độc giả mê truyện kiếm hiệp. Trong khi một số nhà phê bình vẫn chỉ coi văn học kiếm hiệp là dòng á văn học thì một số lượng lớn độc giả vẫn thích thú với dòng văn học này. Việc những trang viết của tác giả Kim Dung được đưa vào sách giáo khoa, kỷ lục phát hành của Tru Tiên tại Trung Quốc cũng như tầm ảnh hưởng của những tác giả kiếm hiệp đã lan rộng đến nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới chính là minh chứng sinh động nhất cho sức mạnh trường tồn của dòng văn học kiếm hiệp.
HOÀNG TÙNG
(Hà Nội, 2/3/2011)
(Nguồn tài liệu tham khảo: Tiểu luận Nói đến Kiếm hiệp của Cổ Long, Kiếm hiệp Ngũ đại gia của Trần Mặc, phát biểu của Lương Vũ Sinh về bộ phim Thất Kiếm và những thông tin khác từ Bách khoa Wikipedia)
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)