Thứ Bảy, 7 tháng 1, 2012

Bình luận kiếm hiệp: TIỂU SỬ TRƯƠNG TAM PHONG


Trương Tam Phong - Võ Đang lão tổ

Nhắc đến Trương Tam Phong (Zhang San Feng) hậu thế thường nghĩ đến người đã sáng lập ra Võ Đang phái (Wu Tang), một võ phái được coi như Bắc Đẩu của võ học Trung Hoa. Ông cũng là người sáng tạo ra Thái Cực Quyền và Thái Cực Kiếm Pháp còn được lưu truyền cho đến tận ngày nay.

Trương Tam Phong có tục danh là Trương Quân Bảo (Zhang Jun Bao). Tương truyền ông sinh năm 1247 tại Long Hổ Sơn, tỉnh Giang Tây, Trung Hoa vào thời Nguyên mạt. Theo "Phương Kỷ Truyện" (Minh Sử) thì ông là người có dung mạo đẹp đẽ, mắt sáng, tai to, râu hùm, dáng đi như hạc. Bốn mùa ông chỉ mặc một bộ quần áo, đội nón mê, ngày ăn đấu gạo, tay cầm thanh bảo kiếm "Chân võ", đi trăm dặm trường. Ông đã từng thi đỗ Mậu Tài và làm quan ở Trung Sơn và Bác Lăng, tuy nhiên sau đó ông từ quan rồi đi chu du thiên hạ. Ông cũng đã từng nghiên cứu võ học tại Tung Sơn Thiếu Lâm Tự trên dưới 10 năm.

Sau này, khi đi ngang qua ngọn Võ Đang Sơn thuộc Tiêu Anh Phủ giữa biên giới hai tỉnh Hà Nam và Giang Tây, ông thấy phong cảnh vô cùng thanh nhã nên đã lập am cỏ và tu luyện ở đây. Chuyện cũng có kể rằng năm Hồng Vũ thứ 14 (1382) Minh Thái Tổ đã từng sai sứ giả triều đình đến gặp ông những mong ông giúp nhà vua dẹp một số bộ lạc thiện chiến đang chống lại triều đình nhưng không gặp.

Với tâm ý muốn tạo ra một trường phái võ đối lập với đường lối luyện võ mang tính Dương Cương của Thiếu Lâm Phái, Trương Tam Phong đã sáng tạo ra Thái Cực Quyền (T’ai chi ch’uan) với tính chất Âm Nhu rõ rệt. Ông cũng là người phát triển các cách điểm huyệt dựa vào kiến thức vệ hệ kinh lạc và huyệt vị của hai danh y thời cổ đại là Biển Thước và Hoa Đà. Ông đã từng cho xây dựng những pho tượng như người thật, cho thủy ngân vào huyệt vị để học trò tập điểm huyệt (mỗi lần điểm trúng huyệt là thủy ngân chảy ra). Võ Đang phái sau đó đã thành một phái võ danh trấn võ lâm, sánh ngang với Thiếu Lâm như lời xưng tụng "Thái Sơn (Thiếu Lâm Tự), Bắc Đẩu (Võ Đang) võ lâm".

"Thái Cực Quyền kinh" và "Thái Cực Kiếm Pháp" đã trở thành bảo vật của Võ Đang phái. Cũng bởi tính Âm Nhu mềm mại và dễ tập nên Thái Cực Quyền và Thái Cực Kiếm Pháp giờ đã được phổ biến rộng rãi và có hàng triệu người đang ngày ngày luyện môn võ này.

Khi nhìn vào Thái Cực Quyền, ta thấy nó vừa mang tính võ đạo, vừa mang tính vũ đạo. Theo từ điển Oxford (Anh) thì T’ai chi ch’uan (Thái Cực Quyền) là một loại martial art (võ thuật). Còn theo từ điển Larousse (Pháp) thì đây lại là một gymnastique (loại hình thể dục)

Trên thực tế, Thái Cực Quyền cũng có một lịch sử phát triển khá phức tạp. Tương truyền ông sáng tạo ra Thái Cực Quyền khi nhìn thấy một con rắn đánh nhau với chim đại bàng. Con rắn với những động tác uyển chuyển đầy linh hoạt sau đó đã cắn chết chim đại bàng. Chính vậy nên Thái Cực Quyền là tập hợp của những đòn thế gồm hàng loạt những động tác múa võ uyển chuyển như múa. Mới đầu nó còn rất thô sơ và mỗi khi được truyền đến từng địa phương, nó lại được bản địa hóa với Thái Cực Quyền của họ Trần, họ Vũ, họ Tôn… Cho đến hiện nay, Thái Cực Quyền mà mọi người luyện tập thực chất là Thái Cực Quyền đã giản hóa với 48 thức, giản hóa từ Dương thức Thái Cực Quyền (Thái Cực Quyền của nhà họ Dương nguyên bản là 88 thức).

Cái tên Thái Cực Quyền được bao gồm bởi chữ Thái (lớn lao) và Cực (trạng thái ban sơ). Thái Cực là nhân tố đầu tiên Kinh Dịch đề cập đến (Thái Cực sinh Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng, Tứ Tượng sinh Bát Quái…). Thái Cực đồ sau này được Chu Đôn Di vẽ ra đã cho thấy một quan niệm "trong âm có dương, trong dương có âm" của Thái Cực. Do đó mỗi động tác của Thái Cực Quyền đều tiềm ẩn tính triết học "trong cương có nhu, trong nhu có cương", điều hòa âm dương.

Cũng ảnh hưởng từ Thái Cực đồ (hình tròn) mà những động tác của Thái Cực Quyền đều đi theo đường tròn và trong đó có cả động-tĩnh, hư-thực, cương-nhu… Bởi mang tính chất của đạo Lão nên Thái Cực Quyền mang một tư tưởng Vô vi rất cao. Học Thái Cực Quyền đến mức cao thâm, người học càng "quên" và tập theo các chiêu thức, điều hòa nhịp thở khí huyết lưu thông một cách vô thức.

Thái Cực Quyền có tác dụng rõ rệt đối với sức khỏe. Người tập Thái Cực Quyền sẽ dần nâng cao được sức đề kháng, lưu thông huyết mạch, kích thích hệ hô hấp, giảm stress. Chính vì vậy nên ngày nay Thái Cực Quyền đã vượt ra khỏi biên giới của Trung Hoa và trở thành một môn võ được nhiều người tập luyện và yêu thích.

HOÀNG TÙNG

1 nhận xét:

  1. Lời khuyên của Trương Tam Phong dành cho Trương Vô Kỵ
    https://www.youtube.com/watch?v=RqiJfXyoSaQ&lc=z13oi3z5uwqudhnie04cjrfppovvgxci4ok0k

    Trả lờiXóa