Thứ Ba, 17 tháng 1, 2012
Bình luận kiếm hiệp: LƯU CHÍNH PHONG: GIẤC MƠ TIẾU NGẠO GIANG HỒ
Là một nhà văn nhưng có quan hệ mật thiết với giới nghệ thuật (đã viết rất nhiều kịch bản phim truyện), trong tác phẩm của Kim Dung luôn ẩn hiện bóng dáng những nghệ sĩ trong giới giang hồ. Đó là Vô Nhai Tử, một họa sĩ và một nhà điêu khắc tài hoa. Đó là Giang Nam Tứ Hữu mỗi người một đam mê Cầm, Kỳ, Thi, Họa. Không ai không ấn tượng trước tiếng đàn của Tây Độc Âu Dương Phong và tiếng tiêu của Đông Tà Hoàng Dược Sư tạo nên những âm thanh quỷ mỵ và cũng là một cuộc tranh phong nội lực vô tiền khoáng hậu. Hình ảnh tiêu cầm hợp tấu được lặp lại trong bộ trường thiên tiểu thuyết “Tiếu Ngạo Giang Hồ”. Nhưng đó không phải là một cuộc so nội lực. Đó là giấc mơ của hai con người giữa lằn tranh giới chính tà khát khao sống đời tiếu ngạo giữa chốn giang hồ. Bài viết này xin đi sâu vào số phận Lưu Chính Phong, đồng tác giả của bản nhạc Tiếu Ngạo Giang Hồ. Bởi xét trên một góc độ nào đó, số phận của Lưu Chính Phong phản ánh tâm tình của người nghệ sĩ trước những tao loạn chốn giang hồ.
1.Trong đêm thanh vắng giữa khu rừng hoang lạnh là tiếng đàn thanh nhã và tiếng sáo nhu hòa tạo thành khúc nhạc kỳ tuyệt. Đó là kiệt tác Tiếu Ngạo Giang Hồ, khúc nhạc tâm huyết một đời của Lưu Chính Phong và Khúc Dương trưởng lão. Sau khi cùng nhau hợp tấu khúc nhạc lần cuối, hai người đã đưa bản cầm phổ cho Lệnh Hồ Xung mà cùng nhau cất tiếng cười bi phẫn trước khi cùng nhau đi vào cõi vĩnh hằng.
2.Lưu Chính Phong là đệ nhị cao thủ phái Hành Sơn, địa vị chỉ đứng sau Chưởng môn Tiêu Tương dạ vũ Mạc Đại tiên sinh. Phái Hành Sơn cùng với Tung Sơn, Hằng Sơn, Hoa Sơn, Thái Sơn thuộc về liên minh Ngũ Nhạc Kiếm Phái. Mà châm ngôn hành động của liên minh này là: “Ngũ nhạc kiếm phái như cây liền cành”. Nghe ra thì có vẻ rất hay, nhưng thực tế khiến người ta phải nghi ngờ.
Để được khăng khít “như cây liền cành”, người ta cần có hai điều kiện. Thứ nhất: cả năm phái cùng phải đồng lòng. Thứ hai: nội tại trong các môn phái cũng phải thực sự khăng khít. Nhưng chỉ nhìn riêng nội bộ phái Hành Sơn, người ta đã thấy châm ngôn: “như cây liền cành” chỉ là khẩu hiệu. Bởi chính những cao thủ bậc nhất của môn phái này đã có sự xung đột không thể dung hòa. Cụ thể, đó là mối bất đồng giữa huynh đệ Lưu Chính Phong và Mạc Đại tiên sinh.
Mối xung đột giữa huynh đệ Lưu Chính Phong và Mạc Đại đến từ đâu? Giang hồ đồn đại rằng võ công của sư đệ họ Lưu cao hơn sư huynh họ Mạc. Người ngoài nhìn vào thấy sự cách biệt giữa cơ ngơi rộng lớn của họ Lưu với hình dung cổ quái như ăn mày của họ Mạc.
Sự xung đột đến từ khác biệt sang hèn có thể lập tức được gạt ra một bên. Bản thân Lưu Chính Phong đã nói trước quần hùng: “Tiểu đệ nhờ phúc ấm của tiền nhân để lại, trong nhà tương đối dư dật hơn, còn Mạc sư ca là người bần hàn. Ðã là đạo bằng hữu thì vấn đề tiền tài là chuyện rất tầm thường, huống chi lại giữa tình sư huynh, sư đệ?”. Võ công của hai người ra sao thì trên bàn rượu ở thành Hằng Sơn đã rõ. Những hào sĩ giang hồ đang tán chuyện về "Hồi phong lạc nhạn kiếm" của Lưu Chính Phong, cho rằng một nhát kiếm của họ Lưu có thể chặt rơi đầu cùng một lúc năm con chim nhạn, bản lĩnh cao hơn cả sư huynh Mạc Đại. Đúng lúc đó, Mạc Đại xuất hiện trong bộ dạng của một lão ăn mày, vung kiếm như chớp giật chém đứt một lúc bảy cá miệng chén rượu rồi biến mất trong màn mưa gió để lại tiếng hồ cầm văng vẳng ai oán bài Tiêu tương dạ vũ. Bản thân khi đối mặt với Đại tung dương thủ Phí Bân, Mạc Đại tiên sinh đã dùng kiếm pháp tuyệt luân của mình mà hạ sát Phí Bân trong nháy mắt khiến Lưu Chính Phong cũng phải cúi đầu trước bản lĩnh cao cường của sư huynh. Có thể nói việc phân cao thấp về võ công hẳn không phải là nguyên nhân khiến hai người có thể xung đột. Vậy đâu là nguyên nhân chính?
Sau khi được sư huynh cứu thoát, Lưu Chính Phong đã nói với Khúc Dương: “Mạc Ðại sư ca tấu hồ cầm chỉ có đi mà không trở lại. Khúc điệu vô cùng não ruột sầu thảm. Hễ tiểu đệ nghe y dạo hồ cầm là lập tức muốn tránh xa”. Có lẽ đây là nguyên nhân chính khiến hai vị sư huynh sư đệ đồng môn không thể dung hòa được với nhau tới mức “Mạc sư ca tuyệt không bước chân đến nhà tại hạ. Sư huynh, sư đệ tại hạ có khi đến hàng mấy năm không nói chuyện, không gặp mặt nhau”.
Người ta sẽ thấy lạ lùng. Hai huynh đệ đều là những kẻ cao thủ tuyệt thế, tính cách khảng khái, đều là những người có phong độ anh hùng, lại là huynh đệ cùng môn phái, lại có chung cùng một niềm đam mê âm nhạc. Với ngần đó điểm chung, vậy mà sao họ lại xung đột sâu sắc đến vậy? Kim Dung đã ẩn dụ mối bất hòa giữa hai vị huynh đệ nghệ sĩ tài hoa phái Hành Sơn. Mối bất hòa đó chính là biểu trưng của về quan điểm học thuật. Sự dị biệt về quan điểm có thể gây nên mối bất hòa. Cuộc bút chiến: “Văn học vị nhân sinh” hay “Văn học vị nghệ thuật” đã cho ra đời những nhà phê bình xuất chúng nhưng những con người đó không thể dung hòa nhau về mặt học thuật. Newton và Leibniz đều là những thiên tài toán học, đều cùng chung ý tưởng về phép tính tích phân nhưng đều không chấp nhận công trình của nhau. Vương An Thạch và Tô Đông Pha đều là hai nhà thơ lỗi lạc nhưng không dung hợp được do tư tưởng chính trị trái ngược nhau. Sự lệch pha về học thuật của hai huynh đệ nghệ sĩ phái Hành Sơn chính là minh họa cho sự khác biệt về quan điểm học thuật…
3.Con người để tìm ra tri kỷ là chuyện khó. Người nghệ sĩ có được tri kỷ lại càng khó hơn. Mạc Đại tiên sinh là một nghệ sĩ cô đơn lạc lõng cả đời không tri kỷ. Còn Lưu Chính Phong đã tìm ra được tri kỷ cho mình. Số phận nghiệt ngã đã xắp xếp để tri kỷ của họ Lưu lại là Khúc Dương, một Trưởng lão của Nhật Nguyệt Thần Giáo vốn bị Ngũ Nhạc Kiếm Phái coi là Ma Giáo.
Trong thế giới giang hồ đó, người ta vẫn nặng nề đầu óc phân biệt chính tà với cái quan điểm đơn giản, chính phái: tốt – tà phái: xấu. Người ta không hiểu rằng con người thiện ác chẳng thể nào được phản ánh qua cái nhãn mác CHÍNH – TÀ. Người nghệ sĩ với đầu óc phóng khoáng như Lưu Chính Phong đã nhìn ra sự vô lý đó. Nhưng ông trở thành một kẻ cô đơn trong chính hàng ngũ của mình. Và quan điểm của ông chỉ có thể thổ lộ và chia sẻ được với một người bên kia giới tuyến: “Khúc Dương đại ca là người bạn tốt nhất, người tri kỷ duy nhất của tại hạ. Khúc đại ca cùng tại hạ mới gặp mặt lần đầu đã như tình cố cựu, ngỏ hết tâm sự cùng nhau giao kết. Thế mà y cùng tại hạ hội diện đến mười mấy lần rồi có khi nằm nói chuyện suốt đêm. Ngẫu nhiên đề cập đến chính kiến bất đồng về môn hộ, y vuốt bụng thở dài, nhận ra cuộc tranh đấu hai bên đều là vô vị”. Người ta nhìn nhận nhau qua nhãn hiệu, còn Lưu Chính Phong nhìn nhận con người qua sự giao cảm của âm nhạc: “Khúc đại ca tuy người trong Ma giáo, nhưng tại hạ nghe tiếng đàn biết y tính tình cao khiết đáng là người bạn với Thanh Phong Minh Nguyệt. Lưu mỗ không những bội phục mà còn ngưỡng mộ”.
Đó là quan điểm của người nghệ sĩ Lưu Chính Phong. Và đương nhiên những kẻ nặng nề đầu óc chính tà sẽ không thể nào thông cảm được. Ngay thời điểm ông mời mọi người đến tham gia lễ “rửa tay chậu vàng”, khách mời đến dự gồm nhiều phe phái khác nhau, điều này đã khiến những cao thủ bậc nhất của Ngũ nhạc kiếm phái như Định Dật sư thái và Thiên Môn đạo nhân băn khoăn: “Lưu Chính Phong là tay cao thủ phái Hành Sơn mà sao không biết tự trọng, lại đi kết giao cả với những người chẳng hiểu lai lịch trên chốn giang hồ. Y làm như vậy há chẳng tổn hại đến thanh danh của Ngũ nhạc kiếm phái mình?” Chỉ vì quảng giao mà đã bị đặt vào vòng nghi vấn “tư cách đạo đức” như vậy thì đương nhiên người ta không thể chấp nhận mối “quan hệ sai trái” giữa Lưu Chính Phong với Khúc Dương.
Con người khi đánh giá nhau qua những nhãn hiệu thường sẽ sai lầm. Ai “chính phái” như Tả Lãnh Thiền, như Nhạc Bất Quần? Nhưng hành động của hai vị Chưởng môn này lại “tà phái” hơn cả những kẻ tà phái nhất. Ai “tà phái” hơn Nhậm Ngã Hành, hơn Hướng Vấn Thiên? Nhưng phong độ ung dung của Thiên Vương Lão Tử trước vòng vây của quần hùng hắc bạch và hào khí ngất trời của Nhậm Ngã Hành giữa Thiếu Lâm tự không khỏi khiến người ta phải ngưỡng mộ. Làm sao có thể đánh giá được con người qua nhãn hiệu chính tà? Lưu Chính Phong là một nghệ sĩ chân chính và ông vượt lên khỏi cái nhãn quan chính tà tầm thường: “Về ngôn ngữ, văn tự còn có thể trá ngụy, nhưng tiếng đàn tiếng tiêu là tiếng nói tự cõi lòng, chẳng ai có thể giả mạo được. Tiểu đệ và Khúc đại ca kết bạn với nhau xướng họa đàn sáo, tâm giao thông. Tiểu đệ xin lấy tính mạng toàn gia ra mà bảo đảm: Khúc đại ca là người trong Ma giáo nhưng tuyệt không có chút tâm địa tà ác của môn phái y”.
4.Thực tế Lưu Chính Phong có ai là tri kỷ? Tâm hồn phóng khoáng, nét nhạc tài hoa nhưng ông không thể chia sẻ bí mật của mình đối với ai. Dã tâm của Tung Sơn phái đã rõ. Những cao thủ khác của Ngũ nhạc kiếm phái đều nặng nề đầu óc chính – tà. Người đáng nhẽ phải gần gũi nhất là sư huynh Mạc Đại thì lại khắc biệt về quan điểm sáng tác dẫn đến mâu thuẫn. Ông đã một lòng vì tri kỷ duy nhất của mình là Khúc Dương trưởng lão, một người phía bên kia chiến tuyến.
Trên thực tế Lưu Chính Phong đã lựa chọn đúng. Tung Sơn kiếm phái dùng sinh mệnh gia đình ép buộc ông phải giết Khúc Dương, đương nhiên là không hiểu tâm sự của ông. Lưu Chính Phong cũng đã dùng hết gan ruột của mình mong có được sự ủng hộ của đồng đạo võ lâm nhưng từ Nhạc Bất Quần, Thiên Môn đạo nhân đến Định Dật sư thái đều không bước qua được thiên kiến chính tà. Trước cảnh toàn gia bị hại, người sư huynh của ông là Mạc Đại tiên sinh cũng mất tăm mất tích. Giữa những kẻ trước nay vốn coi nhau “như cây liền cành”, Lưu Chính Phong đã bỗng chốc thành người cô đơn tuyệt đỉnh, bị cô lập trong chính hàng ngũ bằng hữu của mình.
Những suy nghĩ của phe chính phái thực tế đều thể hiện sự cực đoan xuẩn muội. Nhạc Bất Quần thuyết phục Lưu Chính Phong đi giết Khúc Dương với lý lẽ: “Lão họ Khúc trong Ma giáo hiển nhiên bề ngoài thơn thớt nhưng bên trong nham hiểm. Cổ nhân vì đại nghĩa giết cả người thân. Người thân thích còn có lúc phải giết đi thì kể chi đến một tên đại ma đầu?” Đương nhiên người nặng tình như Lưu Chính Phong không thể nuốt trôi được cái quan điểm chính tà cực đoan đó. Chính vì thế mà ông trở nên lạc lõng. Và khi đó, những cao thủ bậc nhất đều khoanh tay trước cảnh toàn gia họ Lưu bị thảm sát.
Việc toàn bộ bằng hữu bỗng dưng trở mặt không khỏi khiến Lưu Chính Phong đau khổ. Nhưng đau đớn nhất phải kể đến màn tra tấn tư tưởng của phái Tung Sơn. Phái Tung Sơn đã dùng cả sức ép tinh thần và bạo lực để ép buộc Lưu Cần nói xấu cha. Có lẽ cảnh toàn gia bị chết thảm cũng không khiến Lưu Chính Phong đau đớn bằng việc chính đứa con trai được mình yêu quý nhất trước sức ép của cường quyền đã lên tiếng phỉ báng và đòi giết cha đẻ mình. Ngòi bút của Kim Dung ở trường đoạn này vừa thể hiện sự tàn bạo của cường quyền, cũng vừa thể hiện một sự thật của cuộc sống. Giấc mơ coi cái chết nhẹ tựa lông hồng có lẽ vẫn chỉ là giấc mơ ở những người hùng tuyệt đối. Còn con người nói chung khó tránh khỏi nỗi sợ mà phải cong mình trước cường quyền bạo lực, đặc biệt khi rơi tính mạng bị đặt vào lằn ranh sống chết. Lưu Chính Phong có thể trách con trai mình hèn nhát. Nhưng thực sự kẻ đáng trách chính là bè lũ Tung Sơn, kẻ đã dùng hết đòn roi tâm lý đến đe dọa mạng sống khiến Lưu Cần bộ lộ bản tính tham sống của mình đồng thời đánh một nhát búa tạ vào trái tim của Lưu Chính Phong.
Người ta sẽ hỏi tại sao con người có thể đối xử với nhau tệ mạt đến vậy? Lưu Chính Phong thực sự muốn ra khỏi giang hồ, tìm thanh thản trong lòng: “Lưu mỗ chẳng biết đứng về bên nào, vì thế nên phải nghĩ ra hạ sách rửa tay gác kiếm. Lưu mỗ chỉ mong lui thoát khỏi những cuộc ác đấu gió tanh mưa máu, từ nay cáo lão hưởng thú lâm tuyền, thổi sáo, dạy con, làm một người lương dân yên phận thủ thường”. Nhưng ước muốn nhỏ nhoi đó của người nghệ sĩ đã không thể thành hiện thực do thiên kiến chính tà của con người. Tiếu Ngạo Giang Hồ đã bị chính quyền Đài Loan cấm phát hành. Tác phẩm của Kim Dung khi đó đã bị nghiêm cấm ở Trung Quốc. Phải chăng tâm sự của Lưu Chính Phong cũng chính là một phần tâm sự của Kim Dung lão gia?
HOÀNG TÙNG
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét