Thứ Ba, 17 tháng 1, 2012

Bình luận kiếm hiệp: NỮ NHÂN VÀ QUYỀN LỰC



Một điểm khiến tác phẩm của Kim Dung nổi trội hơn những tác phẩm kiếm hiệp cùng thời, đó là tính tư tưởng và chiều sâu của nhân vật. Cũng như những triết gia sinh ra trong buổi tao loạn, Kim Dung đã luôn mơ ước một giấc mơ đại đồng. Chính vì vậy, ông đã dựng nên hàng loạt những mẫu nhân vật anh hùng chí tình chí nghĩa, sống thuận theo lẽ tự nhiên, thấm nhuần hai chữ tri túc, biết bước qua oán hận và rũ bỏ vòng kiềm tỏa của quyền lực.


1.Kim Dung nếu không dị ứng với quyền lực thì cũng không mấy thích thú với trò chơi quyền lực. Trong cuộc sống, Kim Dung không ít lần va chạm với quyền lực. Năm 16 tuổi, ông từng bị đuổi học vì viết truyện châm biếm ngài chủ nhiệm ban huấn đạo. Năm 19 tuổi, ông tố cáo một vụ bê bối trong trường và bị đuổi học lần hai. Sau này, khi lập ra Minh Báo và viết nên hàng loạt tác phẩm kiếm hiệp rung động hàng triệu độc giả, đó lại là lúc tác phẩm của Kim Dung bị cấm ở cả Đài Loan và ở Đại lục Trung Quốc.
Phải chăng vì thế mà những nhân vật anh hùng trong tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung đã tạo nên những cuộc cách mạng khác thường. Nếu như những người hùng truyền thống của tiểu thuyết kiếm hiệp vô tình hay hữu ý đều lên ngôi cao Minh chủ võ lâm, trở thành một thứ Hoàng đế của giang hồ thì những nhân vật mang tham vọng quyền lực trong tiểu thuyết Kim Dung thường chịu những kết cục không có hậu. Tả Lãnh Thiền phơi xác trong lòng hang động núi Hoa Sơn. Nhạc Bất Quần thân tàn ma dại, chết dưới lưỡi dao của ni cô Nghi Lâm. Nhậm Ngã Hành chết bất đắc kỳ tử. Mộ Dung Công Tử điên loạn bên nấm mộ hoang. Lý Tự Thành có quyền lực trong tay bỗng biến đổi từ một người hùng áo vải thành kẻ hôn quân. Bên cạnh đó, Kim Dung đã dựng nên những hình tượng phụ nữ với tham vọng quyền lực mạnh mẽ. Đó chính là Đệ nhị và Đệ tam Chưởng môn phái Nga Mi: Diệt Tuyệt Sư Thái và Chu Chỉ Nhược trong bộ trường thiên tiểu thuyết Ỷ Thiên Đồ Long ký.
Sẽ có người phản đối. Diệt Tuyệt Sư Thái là thích thiện ghét ác, đáng được tôn trọng. Còn cô gái Chu Chỉ Nhược là người ôn nhu kiều mỵ. Tại sao hai người đó lại có tham vọng quyền lực được? Sự thực có phải vậy không?
Diệt Tuyệt Sư Thái có vẻ là một người mù quáng với lý tưởng của mình. Bà là người quyết liệt với nguyên tắc chứ không phải là người tham vọng. Đó chỉ là những biểu hiện bên ngoài. Bên trong con người này lại là một khát khao quyền lực to lớn.

2.Mục đích thực sự của Diệt Tuyệt Sư Thái đã phát lộ phần nào khi bà trao nhẫn Chưởng môn lại cho Chu Chỉ Nhược: “Cuộc đời ta, bình sinh có hai tâm nguyện lớn, một là làm sao đuổi bọn Thát tử, lấy lại giang sơn cho người Hán, hai là làm sao cho võ công phái Nga My đứng đầu thiên hạ, vượt cả Thiếu Lâm, Võ Đang, trở thành môn phái số một ở Trung Nguyên". Đối với một người phụ nữ, đây là một câu nói hào khí lẫm lẫm. Nhưng liệu tâm nguyện của bà liệu có thực sự như vậy không?
Mục đích đầu tiên của Diệt Tuyệt Sư Thái là đánh đổ triều đình nhà Nguyên, giành lại giang sơn cho người Hán. Tổ chức chống triều đình mạnh mẽ nhất và có tiềm lực nhất lại là Minh Giáo. Theo lẽ thường, Sư Thái phải chung tay giúp đỡ Minh Giáo mới đúng. Đằng này bà luôn tìm cách đối đầu, tàn sát giáo chúng Minh Giáo, coi Minh Giáo như cái gai trong mắt, thề một lòng “diệt tuyệt”. Mục tiêu chống lại Nguyên triều của bà xem ra chỉ là cái vỏ. Dương oai võ công Nga My lên hàng số một Trung Nguyên thực ra mới là tâm nguyện thực sự.
Để thực hiện tâm nguyện của mình, Diệt Tuyệt Sư Thái đã không từ một thủ đoạn nào. Khi bị quân triều đình bắt giam ở chùa Vạn An, chứng kiến võ công của những cao thủ võ lâm Nguyên triều và bản lĩnh tuyệt luân của các anh hùng Minh Giáo, bà đã tự biết rằng mình sẽ không thể nào đưa Nga Mi phái lên vị trí hàng đầu võ lâm Trung Nguyên bằng thực lực. Diệt Tuyệt Sư Thái dồn mọi hy vọng vào con bài Chu Chỉ Nhược: “Tên dâm đồ họ Trương kia có tà ý, ắt sẽ không hại tính mạng con. Con có thể giả vờ khứng chịu, thừa cơ đoạt lại thanh Ỷ Thiên kiếm. Còn thanh đao Đồ Long ở trong tay nghĩa phụ y là ác tặc Tạ Tốn. Trên đời này chỉ một người có thể bảo y đi lấy thanh đao đó được thôi. Người đó chính là con đó. Ta muốn con dùng sắc đẹp dụ y lấy được bảo đao bảo kiếm”. Điều đó chứng tỏ Diệt Tuyệt Sư Thái không phải không nhìn ra cảm tình giữa Chu Chỉ Nhược và Trương Vô Kị. Bà biết rằng quân cờ Chu Chỉ Nhược có những ưu thế đặc biệt nhưng cũng rất sợ mất quân cờ này. Vậy nên bà bắt Chỉ Nhược thề độc: “Nếu như sau này có lòng ái mộ tên dâm đồ Trương Vô Kỵ, kết thành vợ chồng cùng y, cha mẹ con chết nằm dưới đất xương cốt không yên, sư phụ con Diệt Tuyệt sư thái sẽ thành ma quỉ khiến cho con một đời ngày đêm không ổn, nếu như con sau này sinh con đẻ cái với y, con trai thì đời đời làm đầy tớ, con gái thì đời đời làm gái lầu xanh”.

3.Ta thấy ở những hành động của mình, Diệt Tuyệt Sư Thái đã thể hiện là người tham vọng tuyệt cao nhưng lại tàn bạo đến mức vô lý, chỉ biết đến điều mình muốn mà sẵn sàng đạp đổ những ước muốn của người khác. Có lẽ bà chưa bao giờ biết yêu nên bà đã coi tình yêu chỉ như vật trao đổi. Cả đời bà tham vọng quyền lực nên bà đã dùng quyền lực để làm thành sức ép nhằm dụ dỗ mọi người. Và bà luôn cho mình đứng ở một vị trí tối cao, vị trí phán xét mà bắt người khác phải phục tùng vô điều kiện cho những mục đích cá nhân. Bà tự tạo cho mình một vỏ bọc là con người của chính nghĩa, của nguyên tắc. Nhưng thực tế đã cho thấy bà sẵn sàng đi ngược lại với những nguyên tắc của mình, miễn là điều đó phục vụ cho mục tiêu “số một võ lâm” của phái Nga Mi do bà làm Chưởng môn. Trường đoàn thể hiện rõ ràng những tính cách trên của Diệt Tuyệt Sư Thái là khi bà thuyết phục cô học trò yêu là Kỷ Hiểu Phù giết chết Dương Tiêu, người cha và cũng là người mà Kỷ Hiểu Phù một lòng yêu mến. Ban đầu, khi Kỷ Hiểu Phù trình bày mọi việc mình gặp gỡ Dương Tiêu ra sao, bị họ Dương ép thất thân và sinh ra Bất Hối như thế nào, Diệt Tuyệt Sư Thái hoàn toàn tỏ vẻ cảm thông: “Tội nghiệp con thật đáng thương. Ôi, việc này đâu có phải lỗi ở con đâu”. Chỉ đến khi cái tên Dương Tiêu được nói ra, bà bỗng trở nên thay đổi thái độ hoàn toàn. Bởi vì cái tên Dương Tiêu có liên quan đến mối thù cá nhân với bà. Bởi Dương Tiêu chính là người đã đả bại sư huynh của bà là Cô Hồng Tử, khiến họ Cô thua nhục mà chết. Con bài chính nghĩa chỉ là khẩu hiệu còn hành động thì hoàn toàn ám muội khi bà dùng vị trí trưởng môn Nga Mi phái làm mồi nhử: “Ta sai ngươi làm một việc, đại công cáo thành rồi, ngươi trở lại núi Nga Mi, ta sẽ đem y bát và kiếm Ỷ Thiên truyền lại cho ngươi, lập ngươi làm người kế thừa chức chưởng môn bản phái”. Và khi đồ đệ không chịu dùng nhan sắc và tình thân để sát hại Dương Tiêu, Diệt Tuyệt Sư Thái lập tức tung chưởng đánh vỡ sọ học trò. Sự cạn tình cạn nghĩa, mù quáng vì giấc mơ “số một võ lâm” của bà đã được truyền xuống Chu Chỉ Nhược.

4.Nếu như bảo Chu Chỉ Nhược là người đam mê quyền lực, hẳn sẽ nhiều người phản đối. Nàng là người lụy tình. Chỉ vì ép buộc của sư phụ mà phải nhận ngôi Chưởng môn phái Nga Mi. Vì di nguyện của Sư phụ mà thi hành độc kế chiếm Ỷ Thiên kiếm và Đồ Long đao. Chỉ vì quá yêu Trương Vô Kị và quá ghen với Triệu Mẫn mà sau này đã trở nên mù quáng. Liệu có phải vậy? Thực tế cho thấy Chu Chỉ Nhược là một bản sao của Diệt Tuyệt Sư Thái. Nhưng đó là một bản sao hoàn chỉnh hơn, kín đáo hơn và tham vọng cũng lớn hơn nhiều lần.
Ta có thể coi hành động hạ độc thủ, chiếm Ỷ Thiên kiếm và Đồ Long đao của Chu Chỉ Nhược là vạn bất đắc dĩ do nàng bị ép buộc phải theo di nguyện của sư phụ. Nếu di nguyện quan trọng đến vậy thì sẽ giải thích ra sao khi nàng sẵn sàng bỏ qua lời thề độc mà một lòng cử hành hôn lễ với Trương Vô Kị? Thực tế nàng cũng giống với Diệt Tuyệt, sẵn sàng bỏ qua nguyên tắc nhằm đạt được mục đích cá nhân. Nàng biết rằng lời sư phụ bắt thề độc là sai trái. Và đương nhiên khi bỏ độc mọi người trên hoang đảo, chém nát mặt Hân Ly, chiếm Đồ Long đao và Ỷ Thiên kiếm, đổ mọi oan nghiệt lên đầu Triệu Mẫn, nàng cũng biết rằng đó là hành động sai trái. Biết vậy nhưng nàng vẫn thực hiện bởi tham vọng của nàng thực sự lớn hơn Diệt Tuyệt Sư Thái rất nhiều. Chu Chỉ Nhược vừa muốn thực hiện di nguyện của sư phụ đưa Nga Mi lên ngôi vị số một võ lâm, vừa muốn chiếm bằng được bí kíp võ công của Cửu Âm Chân Kinh để luyện thành võ công tối độc, vừa muốn giành được tình yêu tuyệt đối của Trương Vô Kị.
Nhưng tham vọng của nàng không chỉ có vậy. Khi Trương Vô Kị cùng Hàn Lâm Nhi định ám sát Hoàng đế nhà Nguyên, Chu Chỉ Nhược đã nói: “Chàng sao lại coi nhẹ mà mạo hiểm? Phải biết rằng một khi đại sự của chúng ta thành rồi thì người ngồi trên long ỷ ở lầu hoa kia phải là chàng”. Khi Hàn Lâm Nhi vỗ tay reo: “Khi đó Giáo chủ thì làm hoàng đế, còn Chu cô nương thì là hoàng hậu nương nương”. Chu Chỉ Nhược hai má đỏ bừng, thẹn thùng cúi đầu nhưng đôi mắt long lanh không dấu được vẻ sung sướng. Ẩn sâu trong nàng chính là tham vọng chính trị. Tham vọng quyền lực của Chu Chỉ Nhược mới đáng là tham vọng trùm đời, cao hơn Diệt Tuyệt Sư Thái đến mấy lần. Chẳng vậy mà khi Trương Vô Kị thổ lộ: “Anh chỉ mong sau khi đuổi được Thát tử rồi, hai đứa mình ẩn cư nơi thâm sơn, chung hưởng thanh nhàn, không lý gì đến việc đời nữa”, nàng đã lập tức thể hiện chính kiến của mình: “Chàng là giáo chủ Minh Giáo, nếu trời cho được như ý nguyện, đuổi được quân Hồ Lỗ thì thiên hạ đại sự lúc đó đều do Minh Giáo lo liệu cả, làm sao chàng có thể hưởng thanh nhàn được?... Chàng tuổi còn trẻ, bây giờ tài cán chưa đủ nhưng đâu phải là không thể học được?”. Điều đó cho thấy giữa quyền lực và tình yêu, nàng muốn có được cả hai.

5.Nhiều người cho rằng không nên trách cứ Chu Chỉ Nhược bởi ít nhất nàng là người có tình. Trên hoang đảo, khi mọi người đều trúng độc, nàng đã có thể ra tay giết tất cả mà chiếm lấy Ỷ Thiên kiếm và Đồ Long đao, âm thầm luyện Cửu Âm Chân Kinh thành thân tuyệt học để hoàn thành di nguyện của sư phụ. Nàng đã không giết Trương Vô Kỵ là do tình cảm của nàng dành cho họ Trương là rất lớn. Có thể nói rằng tình cảm của Chu Chỉ Nhược dành cho Vô Kỵ là có thật. Nhưng khi họ Trương ở vị trí thấp kém, là kẻ vô danh trên đỉnh Quang Minh, nàng sẵn sàng theo lời sư phụ mà rút kiếm đâm Vô Kị. Còn ở trên đảo hoang, nàng không thi hành độc kế có lẽ một phần là do tình cảm, phần nữa là vì vị thế của Vô Kị giờ đã là giáo chủ Minh Giáo, người có thể hoàn thành tham vọng cho nàng.
Tham vọng quá lớn nhưng vì hành động ám muội mà cuối cùng Chu Chỉ Nhược đã bị vạch mặt, toàn bộ âm mưu của nàng bị phơi bày. Tuy nhiên hình ảnh một cô gái có bề ngoài xinh tươi thuần hậu, ăn nói ôn nhu quả là có sức mạnh không ngờ. Đến ngay như Kim Dung lão gia cũng đã thể hiện sự lúng túng của mình đối với Chu cô nương. Nhà tiểu thuyết chỉ là người đẻ ra nhân vật còn nhân vật phát triển ra sao đôi khi lại vùng vẫy thoát ra khỏi bàn tay sắp đặt của tác giả. Trong số các nhân vật của Kim Dung, chưa có một nhân vật nào có số phận kỳ lạ như Chu Chỉ Nhược khi ở mỗi lần chỉnh sửa, nàng lại có một kết cục khác nhau. Lần chỉnh sửa đầu, sau khi âm mưu bại lộ, Chu Chỉ Nhược bỏ về Nga Mi, chuyên tâm tu hành, gạt bỏ mọi ân oán thị phi. Lần chỉnh sửa thứ hai, quân triều đình vây hãm quần hùng và Chu Chỉ Nhược chết khi đỡ mũi tên cho Trương Vô Kỵ. Và trong lần chỉnh sử mới nhất, chi tiết cuối cùng của bộ tiểu thuyết là chi tiết lạ lùng: Trương Vô Kỵ cầm bút lên vẽ lại lông mày cho Triệu Mẫn, bỗng thấy Chu Chỉ Nhược cũng xuất hiện, “Trương Vô Kỵ quay đầu lại nhìn Triệu Mẫn, lại quay sang nhìn Chu Chỉ Nhược, trong đầu ngổn ngang trăm mối chẳng biết nên mừng hay lo, buông cây bút rơi cạch xuống bàn”. Cái kết trong bản chỉnh sửa mới đã gây ra nhiều tranh cãi. Phải chăng với hình ảnh đó, Kim lão gia muốn cho độc giả thấy rằng chàng Trương Vô Kỵ sẽ sống cùng cả hai cô nương họ Triệu và họ Chu?

Qua hai hình tượng nhân vật nữ đam mê với quyền lực là Diệt Tuyệt Sư Thái và Chu Chỉ Nhược, Kim Dung đã tạo nên những mẫu hình nhân vật nữ có tham vọng điển hình. Họ sẵn sàng đạp bằng mọi trở ngại, dùng mọi thủ đoạn để đạt được mục đích của mình. Điều cần được lưu ý là họ có lớp ngụy trang rất khéo. Diệt Tuyệt Sư Thái luôn giương cao ngọn cờ chính phái để thực hiện tham vọng. Còn Chu Chỉ Nhược dùng sắc đẹp và cử chỉ đoan trang để che đậy tham vọng. Hai con người đó là hai mẫu phụ nữa tham vọng quyền lực nhưng với cách thể hiện thực sự khác biệt. Và cuối cùng, cũng như mọi giấc mơ quyền lực khác trong thế giới kiếm hiệp của Kim Dung, họ đều dở dang với giấc mơ của mình.
HOÀNG TÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét